Vợ một phi công: "Tôi thấp thỏm theo mỗi lần chồng cất cánh"

Phương Anh ,
Chia sẻ

Những ngày qua, thông tin về chiếc máy bay Airbus 320 của hãng hàng không Đức chở 150 người gặp tai nạn lao xuống núi khiến nhiều người lo lắng. Nhưng với tôi, vợ một phi công, tôi phải học cách đối diện với thực tế...

Giống như người lính cứu hỏa và gia đình họ thì không được sợ đám cháy vì phải đối diện với nó hàng ngày. Chồng tôi sắp trở thành phi công và gia đình tôi phải học cách bình tĩnh đối diện, thậm chí với cả những tin tức xấu... bởi ước mơ của anh ấy là được bay.

Gian nan ước mơ bay

Trở thành phi công là điều không dễ dàng, đặc biệt là việc trở thành phi công ở Việt Nam. Chinh phục bầu trời là hoài bão của chồng tôi, đã có lúc ước mơ đó bị coi là viển vông, thiếu thực tế. Nhớ ngày đầu tiên khi anh ấy thông báo với cả nhà về cơ hội trở thành phi công cho hãng hàng không quốc gia, mọi người đều hoài nghi: “Có dễ dàng không khi đột nhiên rẽ sang hướng khác? Chồng tôi đang có công việc ổn định, giờ học lại, bắt đầu lại từ đầu có “phiêu” quá không? Nếu mình không có “thân thế” thì có xin vào làm việc ở ngành hàng không được không?”.

Mặc dù có biết bao lo lắng, không tin tưởng nhưng cả nhà vẫn quyết định để anh ấy thử sức một lần, để biết được đâu là giới hạn của mình. Trải qua nhiều vòng thi: sức khỏe, IQ, vật lý, toán học, vận động bay, phỏng vấn... chồng tôi đã được lựa chọn trở thành phi công dự khóa của Vietnam Airlines. Những người được lựa chọn tràn đầy hi vọng về một tương lai được cất cánh bay lên bầu trời cao, bởi theo qui chế lúc bấy giờ hãng sẽ tài trợ kinh phí đào tạo cho các phi công dự khóa. 3 tháng học ở Nha Trang cùng các sĩ quan không quân, các phi công dự khóa không chỉ được học các kiến thức về hàng không mà còn được rèn luyện tính kỉ luật quân đội, học để biết rằng: “Người phi công của hãng hàng không quốc gia không chỉ làm nhiệm vụ thương mại mà còn làm nhiệm vụ chính trị và đòi hỏi tính kỉ luật nghiêm ngặt. Phi công có nhiệm vụ đảm bảo những đường bay được nối liền xuyên suốt ngay cả trong những điều kiện khó khăn theo sự chỉ đạo của hãng và sự điều khiển của không lưu.”

tâm sự vợ phi công_1
"Trở thành phi công là điều không dễ dàng, đặc biệt là việc trở thành phi công ở Việt Nam. Chinh phục bầu trời là hoài bão của chồng tôi, đã có lúc ước mơ đó bị coi là viển vông, thiếu thực tế" (Ảnh minh họa)

Kết thúc 3 tháng đào tạo tập trung ở Nha Trang là 3 tháng học chuyên môn ở trung tâm huấn luyện bay. Kết thúc 6 tháng dự khóa, các học viên chờ đợi đến ngày thi tuyển để ra nước ngoài học lớp phi công cơ bản.

Nhưng mọi việc không được trôi chảy như vậy. Vì sự thay đổi khách quan, thời gian học và chờ đợi của chồng tôi và các bạn bị kéo dài, đến 3 năm. Có những người không chờ đợi được, đã rẽ sang những hướng khác. Khi nhận được quyết định các học viên phải tự túc kinh phí đào tạo phi công cơ bản ở nước ngoài, lại một số người nữa bỏ cuộc. Những người kiên quyết theo đuổi đến cùng ước mơ bay phải xoay xở, tìm nhiều cách để đeo đuổi ước mơ của mình, bởi không phải ai cũng có điều kiện để đảm bảo cho một khoản học phí quá lớn. Người bán nhà, người thế chấp vay ngân hàng để đi học...

Khi đã tham gia vào khóa đào tạo bay ở Mỹ cũng chưa phải là bạn đã sắp chạm được tới bầu trời. Sau 1 thời gian học lý thuyết dưới mặt đất, các học viên sẽ được thử ngồi vào buồng lái và tập bay. Đến lúc này mới biết được thực sự bạn có hợp với nghề làm chủ buồng lái hay không. Có những người dù thỏa mãn đầy đủ các điều kiện sức khỏe, vận động, kiến thức, khả năng xử lý tình huống nhưng qua những lần đầu tập bay mới biết mình không thể hợp với nghề bay.

Sau lần đầu tiên bay thành công, chồng tôi và cả nhà mới thở phào nhẹ nhõm, cảm giác giống như các bạn học sinh vừa vượt qua kì thi đại học khó khăn vậy.

Bạn đâu có thể dừng chân vì trên đường có đá

Những giờ bay đầu tiên được bay với thầy huấn luyện, rồi đến những giờ chỉ có 1 mình học viên tự điều khiển, những giờ bay đêm, bay qua vùng thời tiết xấu... Bài học cứ thể tăng dần độ khó. Không chỉ các bạn học viên hồi hộp mà ở nửa kia bán cầu, gia đình, người thân cũng hồi hộp theo. Những ngày chồng thông báo: “Hôm nay anh bay”, tôi chỉ canh giờ chờ đợi, đến khi facebook của mình hiện ra tin nhắn: “Anh hạ cánh an toàn” mới cảm thấy nhẹ nhõm.

Thời gian học của các phi công cũng không hoàn toàn cố định. Kế hoạch ban đầu học 18 tháng chỉ mang tính tương đối, bởi còn phụ thuộc vào thời tiết, sức khỏe và... tâm trạng của học viên nữa. Thời tiết xấu, không đảm bảo an toàn, không bay. Học viên cảm thấy không khỏe, tâm lý không ổn, không bay. Tất cả đều đảm bảo mọi người có những chuyến bay tốt đẹp và an toàn nhất.

tâm sự vợ phi công_2
"Tin tức về chiếc máy bay Aibus A320 rơi ở Pháp khiến nhiều người lo lắng nhưng ôi đã không còn thấy quá hoang mang, hoảng hốt nữa rồi. Chồng tôi sắp trở thành phi công và gia đình tôi phải học cách bình tĩnh đối diện với những tin tức xấu..."  

Những ngày cuối năm, tin tức liên tiếp về những tai nạn máy bay khiến mọi người lo lắng.Và tôi, không chỉ mang tâm trạng của 1 độc giả đọc báo thông thường mà còn luôn nơm nớp nỗi lo mỗi khi chồng mình cất cánh. Bầu trời là đường đi, là môi trường làm việc thân thuộc của phi công nhưng cũng có quá nhiều thử thách cam go. Thế nhưng, mặt khác tôi cũng phải đối diện với thực tế rằng anh ấy đã lựa chọn nghề nghiệp này.

Có lần đọc được tin: một máy bay một động cơ gặp tai nạn ở Mỹ, tôi cảm thấy bàng hoàng và đầu óc cứ liên tục nghĩ ra những điều tồi tệ, khi cả ngày rồi không nhận được tin nhắn nào của anh. Chỉ đến khi gọi được cho anh, nghe báo tin anh vừa hạ cánh an toàn sau một đêm phải lưu trú tại thành phố khác vì gặp bão, tôi mới nhấc được khối đá ra khỏi ngực mình.

Chúng tôi, cả anh, cả tôi đều phải học cách làm quen dần, học cách “trơ” với những tin tức xấu. Học viên bay phải cập nhật những tin tức liên quan đến hàng không hàng ngày, cả những tin xấu. Nhưng biết không phải để sợ hãi, để chùn bước mà để rút kinh nghiệm. Vì sao máy bay gặp nạn, do những sự cố gì? Phần nhiều máy bay gặp nạn do lỗi của con người, và nhiệm vụ của những phi công là phải ghi nhớ để tránh lặp lại những sai lầm đó.

Tâm sự vợ phi công_3
"Chỉ đến khi gọi được cho anh, nghe báo tin anh vừa hạ cánh an toàn sau một đêm phải lưu trú tại thành phố khác vì gặp bão, tôi mới nhấc được khối đá ra khỏi ngực mình"

Người ở nhà nếu cứ lo lắng, bất an thì cũng sẽ tác động không tốt đến tâm lý của những người làm nhiệm vụ trong buồng lái.

Lo thì lo nhưng tôi vẫn cứ phải tự nhắc nhở mình: tai nạn thì ở đâu cũng có, bất cứ trường hợp nào cũng có thể xảy ra, không riêng gì ngành hàng không, không riêng gì người phi công hay hành khách trên những chuyến bay. Nếu vì thế mà sợ hãi, bỏ cuộc thì trong cuộc sống này mình sẽ chẳng dám làm gì cả, chẳng dám đi đâu cả vì lúc nào cũng đọc thấy những tin tức bất ổn.

Phi công làm nhiệm vụ chuyên chở, nối liền những khoảng cách địa lý, nghề của họ là nghề đặc thù, đòi hỏi cao, áp lực cao, và không phải lúc nào cũng an toàn thuận lợi. Nhưng tôi hiểu, bất cứ nghề nào cũng có cái khó và cái giá của nó. Khi chồng tôi đã chọn, khi gia đình tôi đã chọn tức là đã chọn cho mình 1 con đường. Bạn đâu thể dừng chân chỉ vì trên đường có những viên đá, cũng như bạn đâu thể dừng đi, dừng bay vì vẫn đọc thấy các tin tức tai nạn hàng ngày.

Chia sẻ