Vì sao học sinh Nhật Bản tự tử nhiều nhất vào ngày 1/9?

Vân Anh/CNN,
Chia sẻ

Cứ vào ngày 1/9 hàng năm, số lượng các vụ tự tử của thanh thiếu niên Nhật lại tăng đột biến. Đây được coi là ngày “tử thần” của người Nhật.

Tự tử tăng đột biến.
Nhật Bản là một trong những quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới, trong đó phần lớn là người ở độ tuổi 15 – 39. Số liệu của Chính phủ cho thấy: Từ năm 1972 – 2013, đã có 18408 trường hợp tự tử là thanh niên dưới 18 tuổi.

Ngày 1/9 hàng năm, số lượng học sinh trung học tại Nhật Bản tự tử lại tăng đột biến so với các ngày khác. Kết luận này do Văn phòng phòng chống tự tử Nhật Bản công bố sau khi nghiên cứu số liệu trong khoảng thời gian 40 năm. Lý do được đưa ra là bởi ngày 1/9 là ngày cận kề năm học mới bắt đầu sau kỳ nghỉ hè dài hơi, cũng là lúc các em được ở nhà trốn tránh những trận đòn bắt nạt của lũ bạn cùng học.
Bạo lực học đường diễn ra nhiều tại Nhật Bản.

Cô bé Nanae Munesama đã bị bắt nạt từ ngày học tiểu học. Nữ sinh 17 tuổi này kể rằng em bị các bạn nam dùng chổi đánh đập, bị các bạn nữ tát trong nhà vệ sinh và thậm chí còn bị tấn công trong những buổi học bơi. 

“Tôi luôn là người cuối cùng được ra khỏi hồ bơi.” – Nanae nói. “Mọi người tự nhiên đánh tôi, dìm tôi xuống nước. Tôi đã suýt trên đuối. Lúc lên bờ, tôi còn bị sưng to trên trán.”

Từ lúc đó, Nanae bắt đầu trốn học nhiều hơn. Thậm chí, đã có lúc em nghĩ đến chuyện tự tử: “Trong kỳ nghỉ hè, học sinh được ở nhà. Nó là thiên đường với những người hay bị bắt nạt. Nhưng khi mùa hè kết thúc, các bạn sẽ phải quay lại trường. Và những người hay bị bắt nạt sẽ thấy lo sợ. Việc tự tử là điều dễ hiểu.” 

Nanae nói rằng, cô bị bắt nạt từ sau khi chuyển trường một thời gian ngắn rồi lại về trường cũ học. Mọi người coi cô bé là một học sinh trốn học, cá biệt nên đã bắt nạt cô. Những lần nảy sinh ý định tự tử, cô lại nghĩ: "Những hành động như cắt cổ tay tự tử sẽ chỉ gây ra nỗi đau cho cha mẹ tôi chứ chẳng giải quyết được gì.”


Số liệu cho thấy, ngày 1/9 hàng năm có số vụ tự tử của thanh thiếu niên cao nhất.

Tư duy tập thể -  nguyên nhân của bạo lực học đường

Nanae sau đó quyết định nghỉ học ở nhà gần một năm. Mẹ của Nanae, cô Mina Munemasa ủng hộ quyết định của con gái: “Nanae đã nói những câu như “Nếu con nhảy ra khỏi tháp Tokyo, con nghĩ con có thể bay”. Tôi không nghĩ trường học là nơi để con gái tôi phải mạo hiểm cuộc sống của mình như thế.” 

Nanae cho rằng, hệ thống giáo dục Nhật Bản tập trung vào tư duy tập thể là nguyên nhân của vấn đề: “Tại Nhật Bản, bạn phải hòa mình vào người khác. Nếu bạn không làm được, bạn sẽ bị cô lập hoặc bị bắt nạn. Bạn phải có chung quan điểm với mọi người và nếu không phải như vậy bạn sẽ bị nghiền nát không thương tiếc".

Tiến sĩ tâm lý Ken Takaoka, chuyên gia tâm lý trẻ em, cũng cho rằng việc “ưu tiên tập thể” là nguyên nhân chủ yếu gây ra bạo lực học đường tại Nhật Bản.


Tư duy tập thể, mọi người phải giống nhau là nguyên nhân khiến bạo lực học đường gia tăng tại Nhật Bản.

Địa ngục trần gian

Để nâng cao nhận thức vấn đề,tổ chức phi lợi nhuận Nhật Bản Futoko Shimbun đã xuất bản một tờ báo dành riêng cho những học sinh phải ở nhà để tránh bắt nạt. Keiko Okuchi, đại diện của tổ chức cho biết vấn đề ngày càng trầm trọng khi việc đi học là bắt buộc và là lựa chọn duy nhất trong cuộc đời học sinh.

“Đúng là một địa ngục trần gian cho những học sinh biết mình sẽ bị bắt nạt ở trường nhưng vẫn phải đi học vì không có lựa chọn nào khác.” – Cô Keiko nói.

Lứa tuổi học sinh luôn là tuổi yếu đuối và dễ chịu sự ảnh hưởng của ngoại cảnh. Không phải ai cũng có cơ hội thoát ra khỏi sự kìm kẹp tâm lý. Cô bé Nanae đã đi học trở lại và tham gia ban nhạc Pop của anh trai. Cô còn viết blog để giúp đỡ những người đang bị bắt nạt sẽ tìm được cách vượt qua khó khăn. Chính internet đã giúp cô gái trẻ giao lưu với bạn bè quốc tế, gạt bỏ đi những muộn phiền nơi trường lớp để bắt đầu cuộc sống thú vị hơn. 
Chia sẻ