Trung Quốc bùng nổ phẫu thuật giọng nói bất chấp nguy hiểm

Lê Minh ,
Chia sẻ

Gần đây, nhiều người dân Trung Quốc đổ xô đi phẫu thuật giọng nói để trở nên nam tính hay nữ tính hơn.

Phẫu thuật giọng nói là thị trường mới đang bùng nổ trong ngành phẫu thuật thẩm mỹ Trung Quốc. Một số phòng khám hiện nay đã cung cấp loại hình phẫu thuật này cho khách hàng, dù trước đây nó chỉ dành cho những bệnh nhân chuyển giới. Bất chấp nguy cơ phẫu thuật có thể mất giọng hoàn toàn cũng như viêm phổi, số ca phẫu thuật giọng nói vẫn tăng lên đều đặn.

Một người từng phẫu thuật giọng nói là Lu Xiang, 23 tuổi, cho biết anh đã nhiều năm liền bị chế nhạo vì giọng nói cao the thé đầy nữ tính của mình “Bạn cùng lớp và giờ đây là đồng nghiệp thường xuyên đem tôi ra làm trò cười vì giọng nói của tôi. Họ nói tôi quá ẻo lả. Tôi không thể có bạn gái vì giọng nói này. Các cô gái không xem tôi là một người đàn ông thực sự, họ đối xử với tôi như một người bạn gái vì giọng nói nữ tính của tôi”, Lu đau khổ kể.

Trung Quốc bùng nổ phẫu thuật giọng nói bất chấp nguy hiểm 1
Bất chấp nhiều nguy hiểm và rủi ro, nhiều người dân Trung Quốc đi phẫu thuật giọng nói để trở nên nam tính hay nữ tính hơn

Giọng nói cũng gây phiền toái cho công việc của Lu khi anh là người điều hành trung tâm điện thoại, nhiều người thường xuyên nhầm lẫn anh là phụ nữ. Mọi người cũng cho rằng anh là người đồng tính. Vì thế, bất chấp những rủi ro tiềm ẩn của việc phẫu thuật, Lu đã quyết định phẫu thuật để làm giọng nói mình trầm hơn, nghĩa là anh sẽ phải cắt một đoạn của sụn từ thanh quản và tiêm Botox vào dây thanh quản.

Ông Alasdair Mace, một bác sĩ phẫu thuật tai mũi họng tại bệnh viện Charing Cross ở London cho biết Botox sẽ làm cho dây thanh âm trở nên ngắn hơn, rộng hơn và giọng nói sẽ trở nên trầm hơn.

Bác sĩ Mace thường thực hiện khoảng 2 ca phẫu thuật giọng nói trong một tháng, thường là những bệnh nhân trải qua phẫu thuật chuyển đổi giới tính hay bệnh nhân mắc khiếm khuyết trong giọng nói. Ông cho biết trường hợp của Lu là bất thường vì thông thường phụ nữ chuyển giới thành nam hy vọng một giọng nói trầm hơn sẽ được điều trị bằng testosterone. Vì Lu là nam do đó liệu pháp testosterone sẽ không thích hợp.

“Các dây thanh âm được gắn với sụn tuyến giáp. Nếu bạn cắt một ít sụn ra và gắn nó lại, dây thanh âm sẽ được rút ngắn, làm cứng các hợp âm và giọng nói sẽ trở nên trầm hơn”, ông Mace giải thích về nguyên lý ca phẫu thuật. “Tuy nhiên, tiêm Botox thường là cách làm tạm thời. Botox làm tê liệt cơ bắp. Nó chỉ hoạt động trong vòng 3 đến 6 tháng. Đó là lý do tại sao mọi người phải tiếp tục quay lại để làm tiếp. Chưa kể bệnh nhân có nguy cơ mất giọng nói của họ tạm thời”.

Trung Quốc bùng nổ phẫu thuật giọng nói bất chấp nguy hiểm 2
Lu đã quyết định phẫu thuật để làm giọng nói mình trầm hơn, nghĩa là anh sẽ phải cắt một đoạn của sụn từ thanh quản và tiêm Botox vào dây thanh quản.

Huang Yideng, một bác sĩ Trung Quốc cho biết ông đã thực hiện hơn 200 phẫu thuật giọng nói trong vòng 4 năm qua. Hầu hết những người đến với ông để phẫu thuật là nam giới. Phụ nữ có giọng nói thấp muốn có tiếng nói nữ tính hơn cũng chọn loại phẫu thuật này.

Zhou Meiling, một quản lý của Trung tâm Tiếng nói Yeson tại Hàn Quốc, cho biết trong 4 năm nay có khoảng 20 khách hàng Trung Quốc đến phòng khám mỗi năm. Năm 2013, số khách hàng người Trung Quốc tăng đến 100 người.

Sự phổ biến của loại phẫu thuật này cho thấy áp lực của người dân Trung Quốc cố gắng để phù hợp với định kiến về giới. Một số nhà khoa học đổ lỗi cho sự cứng nhắc của Trung Quốc trong quan niệm về giới tính. “Xã hội chúng ta cần có cái nhìn toàn diện hơn về khác biệt trong giới tính để những người có tiếng nói độc đáo hoặc những đặc tính không phù hợp với khuôn mẫu của họ không bị áp lực và phải chịu nỗi đau đớn của phẫu thuật”, bà Chen Yaya, Học Viện khoa học xã hội Thượng Hải phát biểu.

Theo Dailymail

Chia sẻ