Trục lợi thí sinh bằng trò tra cứu điểm thi

Theo Tuổi trẻ,
Chia sẻ

Nắm bắt tâm lý của thí sinh, phụ huynh muốn biết điểm thi nhanh kỳ thi THPT quốc gia 2015, nhiều đối tượng xấu đã bày ra trò lừa đảo tra cứu điểm thi qua tin nhắn SMS để trục lợi.

Thí sinh Nguyễn Trúc Linh (Trường Bùi Thị Xuân, TP.HCM) cùng mẹ theo dõi các trang mạng quảng cáo tra cứu điểm thi - Ảnh: Như Hùng

Ngay từ thời điểm kỳ thi THPT quốc gia 2015 chưa diễn ra, hàng loạt trang mạng đã thi nhau quảng cáo dịch vụ tra cứu điểm thi nhanh nhất ngay khi có kết quả thi. Nhiều thí sinh và phụ huynh được khuyến cáo nên chủ động nhắn tin cho một số tổng đài, đăng ký trước để... giữ chỗ.

Mất tiền chỉ để... giữ chỗ

Dạo một vòng trên mạng, người dùng không khó tìm ra các trang quảng cáo dịch vụ tra cứu điểm thi THPT 2015 qua các đầu số tin nhắn.

Những cụm từ “nhanh nhất”, “chính xác nhất” luôn được nhắc đến trong các lời rao của dịch vụ.

Chẳng hạn tại trang web diemthic3.com, từ ngày 13-4-2015 (thời điểm chưa diễn ra kỳ thi THPT) đã xuất hiện mẩu tin: “Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vừa mới kết thúc. Bạn có muốn biết kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia của mình một cách nhanh và chính xác nhất không? Nếu muốn, bạn hãy sử dụng dịch vụ nhắn tin tra cứu điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia của chúng tôi”. Kèm theo đó là cú pháp soạn tin nhắn gửi đến đầu số 8788 với lời mời: “Hãy nhắn tin ngay để nhận kết quả liền tay!”.

Hay như trang web diemthpt2015.com mới được tạo ra từ ngày 9-7-2015 với nội dung chuyên về tra cứu điểm thi THPT 2015.

Nội dung trang web được thiết kế khá đầy đủ thông tin hỗ trợ việc tra cứu điểm thi như danh sách mã cụm thi đại học chủ trì dành cho các thí sinh xét tốt nghiệp và đại học 2015, và danh sách mã cụm thi địa phương dành cho các thí sinh chỉ có mục đích xét tốt nghiệp THPT.

Đi kèm với các mã cụm này là cú pháp hướng dẫn tra cứu qua tin nhắn SMS gửi đến đầu số 7739, cước phí 15.000 đồng/SMS. Tuy nhiên, trang web không có bất kỳ thông tin nào về “chủ nhân” của dịch vụ cũng như địa chỉ liên lạc hay số điện thoại tổng đài hỗ trợ.

Bằng một thủ thuật nhỏ, chúng tôi đã liên lạc được với chủ nhân website này tên là Minh Hiếu. Hiếu cho biết dịch vụ của mình có “hợp tác với Bộ GD-ĐT”. Khi nào có điểm, dịch vụ sẽ gửi tin nhắn đến người dùng. “Còn bây giờ hãy cứ nhắn tin đi!” - Hiếu nói lấp lửng.

Trong các dịch vụ tra cứu điểm thi trên mạng, đầu số 8702 được khá nhiều đơn vị khai thác kinh doanh. Căn cứ các mã cú pháp soạn tin nhắn (Hdiem, Jdiem, Diem, Zdiem...) có thể nhận thấy có ít nhất bốn dịch vụ kinh doanh thông tin điểm thi qua đầu số 8702.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, đầu số 8702 hiện do Công ty TNHH dịch vụ và giải pháp Phần Mềm Vàng (Goldsoft) khai thác. Hiện tại, các tin nhắn tra cứu gửi đến 8702 (15.000 đồng/SMS) đều chỉ nhận được trả lời: “Điểm TNPT (tốt nghiệp phổ thông) của SBD (số báo danh) XXXXXX sẽ được gửi tới bạn sớm nhất”.

Khảo sát trên mạng, chúng tôi ghi nhận rất nhiều đầu số khác cũng tham gia cung cấp dịch vụ tra cứu điểm thi THPT 2015 qua tin nhắn SMS, chẳng hạn như: 7739, 8655, 8602, 8785, 8741, 8798, 8732...

Các dịch vụ đều “cam kết”: “Tổng đài sẽ gửi điểm thi tốt nghiệp THPT của bạn ngay khi có kết quả!”, đồng thời dụ dỗ: “Ngay từ bây giờ, khi bạn gửi tin nhắn tới hệ thống, số điện thoại của bạn sẽ được lưu lại và hệ thống sẽ gửi kết quả điểm thi về máy điện thoại của bạn ngay khi có”.

Chưa biết kết quả điểm thi liệu có được gửi đến người dùng qua tin nhắn, chỉ biết trước mắt người nhắn phải tốn cước phí nhắn tin đến các đầu số trên rất cao. Đầu số x7xx có cước phí 15.000 đồng/SMS, đầu số x6xx có cước phí 10.000 đồng/SMS.

Một trong những quảng cáo tra cứu điểm thi THPT 2015 qua tin nhắn SMS - Ảnh: Đức Thiện

Một trong những quảng cáo tra cứu điểm thi THPT 2015 qua tin nhắn SMS - Ảnh: Đức Thiện

Trục lợi từ thông tin miễn phí

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết “chiêu thức làm ăn” của các cá nhân, công ty kinh doanh đầu số nêu trên là đánh vào tâm lý muốn biết điểm thi nhanh của thí sinh và phụ huynh.

Rất nhiều phụ huynh có con đi thi trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua cho biết sẵn sàng bỏ ra 50.000 đồng, thậm chí đến 100.000 đồng để biết sớm kết quả thi, huống hồ chỉ là 15.000 đồng/SMS giữ chỗ. Tuy nhiên, phụ huynh, thí sinh đều không biết mốc thời gian “sớm nhất” mà các dịch vụ tra cứu cam kết là khi nào. Đó chính là kẽ hở để các dịch vụ trên trục lợi người dùng.

Một chuyên gia trong lĩnh vực nội dung số tiết lộ: những đơn vị làm dịch vụ tra cứu chỉ cần bày ra một dịch vụ với những lời lẽ cam kết thuyết phục nhất, thậm chí “chém gió” bằng thông tin hợp tác với Bộ GD-ĐT hoặc các sở GD-ĐT là sẽ dụ dỗ được người dùng. Khi người dùng nhắn tin, tiền coi như đã nằm trong túi của người cung cấp dịch vụ. Nếu họ đàng hoàng, đến khi Bộ GD-ĐT cung cấp điểm thi, họ sẽ vào website của bộ hoặc các website có liên kết với bộ để lấy thông tin điểm thi và chuyển cho người nhắn. Còn nếu không đàng hoàng, nhà cung cấp dịch vụ có thể “lặn” luôn, mặc cho người dùng vừa mất tiền vừa dài cổ ngóng tin.

Với con số 1 triệu thí sinh dự thi THPT quốc gia 2015, miếng bánh 1.000.000 thí sinh x 15.000 đồng/SMS = 15 tỉ đồng trở nên quá hấp dẫn và dễ kiếm đối với các cá nhân, tổ chức làm dịch vụ tra cứu điểm thi. Đó là chưa tính đến số lượng rất đông đảo phụ huynh cũng sẵn sàng nhắn nhiều tin để biết kết quả thi của con em mình.

Trong khi đó, theo thông báo của Bộ GD-ĐT, kết quả kỳ thi sẽ được công bố qua các hình thức: thông tin tài khoản cá nhân của mỗi thí sinh trên hệ thống phần mềm quản lý thi THPT quốc gia; giấy báo kết quả thi; website của bộ tại địa chỉ: http://thi.moet.gov.vn và các đơn vị truyền thông kết nối với cổng thông tin tra cứu kết quả của bộ. Tất cả hình thức tra cứu trên đều miễn phí.

Các đơn vị truyền thông kết nối với cổng thông tin tra cứu kết quả thi của bộ cũng phải cung cấp thông tin hoàn toàn miễn phí để hỗ trợ thí sinh.

Tra cứu kết quả thi THPT quốc gia 
miễn phí

Ngày 21-7, Bộ GD-ĐT cho biết bộ chủ trương công bố kết quả kỳ thi THPT quốc gia với ba hình thức: một là , thông qua tài khoản cá nhân của mỗi thí sinh, trên hệ thống phần mềm quản lý thi THPT quốc gia; hai là thông qua các giấy báo kết quả thi, và ba là thông qua website của Bộ GD-ĐT theo địa chỉ http://thi.moet.gov.vn.

“Tất cả hình thức tra cứu kết quả thi đều miễn phí” - Bộ GD-ĐT khẳng định trong văn bản gửi tới các cơ quan báo chí. Theo đó, Bộ GD-ĐT cho biết: “Sẽ không thu bất kỳ khoản phí nào cho việc tra cứu kết quả thi. Bộ GD-ĐT là đơn vị duy nhất quản lý và chịu trách nhiệm về tính chính xác, bảo mật của cơ sở dữ liệu kết quả thi. Mọi thông tin các thí sinh nhận được khi tra cứu kết quả chỉ gồm những thông tin của Bộ GD-ĐT, thông tin cá nhân và kết quả thi của thí sinh, không kèm theo bất cứ thông tin nào khác của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân...”.

Bộ cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị truyền thông kết nối với cổng thông tin tra cứu kết quả thi của bộ tham gia hỗ trợ thí sinh, phổ biến rộng rãi thông tin dữ liệu điểm thi.

Lừa đảo trắng trợn!

Về thông tin Bộ GD-ĐT cung cấp dữ liệu điểm thi THPT quốc gia cho Công ty TNHH dịch vụ và giải pháp Phần Mềm Vàng thông qua tổng đài 8702 để cung cấp cho thí sinh theo phương thức trừ phí tin nhắn 15.000 đồng/tin nhắn, ông Mai Văn Trinh, cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, khẳng định với Tuổi Trẻ đây là một sự lừa đảo trắng trợn.

“Bộ GD-ĐT hiện vẫn đang gấp rút xử lý về kỹ thuật để đưa dữ liệu điểm thi lên hệ thống tổng hợp của Bộ GD-ĐT, vì thế không thể có chuyện cung cấp dữ liệu điểm cho bất cứ một đơn vị, cá nhân nào. Tôi khẳng định ngoài hệ thống do Bộ 
GD-ĐT công bố, những thông tin về điểm thi do các đơn vị, doanh nghiệp khác cung cấp đều không chính xác” - ông Trinh nhấn mạnh.

Ông Trinh cũng lưu ý Bộ 
GD-ĐT không cung cấp dữ liệu điểm thi cho bất cứ doanh nghiệp, đơn vị cá nhân nào để sử dụng cho dịch vụ tra cứu điểm thi có thu phí, vì vậy thí sinh không nên nôn nóng, sốt ruột kẻo bị mắc lừa.

Chia sẻ