Phẫu thuật "Tìm lại nụ cười"

Thuốc - nghi vấn lớn nhất trong vụ 3 trẻ em tử vong

Theo Tuổi Trẻ ,
Chia sẻ

Khánh Hòa đã chỉ đạo hội đồng chuyên môn của sở tập trung phân tích, đánh giá khâu gây mê, đặc biệt là thuốc, để tìm ra nguyên nhân dẫn đến tai biến và tử vong.

Thuốc - nghi vấn lớn nhất trong vụ 3 trẻ em tử vong 1

Một thùng thuốc và dụng cụ y tế liên quan đến vụ việc được niêm phong tại Bệnh viện Quân y 87

Hội đồng chuyên môn xem xét quá trình khám bệnh, chữa bệnh gây tử vong cho ba trẻ em sau phẫu thuật miễn phí sẽ họp vào ngày 28-8. Theo ông Minh, hội đồng có thể sẽ phải họp nhiều phiên để đưa ra kết luận chính xác, khoa học, khách quan về nguyên nhân dẫn đến tai biến nghi gây mê chưa từng gặp trong ngành y tế VN.

“Mổ xẻ” nguồn gốc, việc bảo quản, sử dụng thuốc

Chiều 27-8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên đã có công văn hỏa tốc gửi UBND TP Hà Nội, đề nghị quyết liệt làm rõ việc cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động của OSCA, thẩm quyền hoạt động của trung tâm và xử lý những sai phạm trong khám chữa bệnh.

“Các loại thuốc, sinh phẩm y tế, dịch truyền, dụng cụ y khoa... được sử dụng để thực hiện các bước phẫu thuật cho các bé vào sáng 23-8 đã được niêm phong sẽ được chuyển từ Bệnh viện Quân y 87 về Sở Y tế để phục vụ công tác của hội đồng chuyên môn. Một trong những nội dung quan trọng mà hội đồng chuyên môn cần tập trung “mổ xẻ” là nguồn gốc, việc bảo quản, sử dụng, đơn vị cung ứng các loại thuốc mà Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật Nụ Cười (OSCA) và Bệnh viện Quân y 87 đã sử dụng cho cuộc phẫu thuật này. Đặc biệt lưu ý đến các loại thuốc gây mê, bởi cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê và các chuyên gia, bác sĩ đều nhận định và khoanh vùng ở khâu gây mê” - ông Minh cho biết chiều 27-8.

Trước đó, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Bình, người thực hiện gây mê cho hai bé có tai biến dẫn đến tử vong, nói bà đã sử dụng hai loại thuốc gây mê là Servofrane và Fresofol (Propofol) được lưu trữ tại Bệnh viện Quân y 87, có hạn sử dụng đến năm 2016.

Tuy nhiên, theo danh sách thuốc và vật tư tiêu hao cho cuộc phẫu thuật được OSCA gửi báo cáo cho Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa thì hai loại thuốc gây mê là Fresofol 1% và Fentanyl 500mcg. Trao đổi với phóng viên, một cán bộ ở Phòng nghiệp vụ dược Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Đây là những loại thuốc gây mê yêu cầu bảo quản hết sức nghiêm ngặt, phải được giữ trong nhiệt độ từ 2-25OC và không được đông lạnh. Việc xảy ra các tai biến sau gây mê cho ba trẻ nhỏ, tôi nghi vấn nhiều ở khâu bảo quản thuốc và tôi nghĩ hội đồng chuyên môn nên xem xét kỹ vấn đề này. Mùa này ở Khánh Hòa trời rất nóng, nhiệt độ ban ngày luôn trên 30OC, nếu việc bảo quản các loại thuốc gây mê có điều kiện nghiêm ngặt về nhiệt độ như trên không được đảm bảo thì sẽ sinh ra chí nhiệt tố, các thành phần hóa học trong thuốc chuyển hóa, dẫn đến hình thành nên những chất lạ, khi tiêm truyền hoặc chích có thể dẫn đến sốc phản vệ”.

Ông Bùi Xuân Minh đánh giá rằng Bệnh viện Quân y 87 là bệnh viện được xếp hạng một nên khó có việc quản lý thuốc không đảm bảo điều kiện, đặc biệt là thuốc gây mê hồi sức là loại luôn yêu cầu quản lý chặt. Tuy nhiên, ông cũng không loại trừ khả năng có thuốc không giữ được chất lượng do lỗi trong khi vận chuyển hay các quá trình khác trước khi vào kho dược của bệnh viện. Ông cũng cho hay vì đây là bệnh viện của quân đội, quản lý theo ngành dọc nên sở không kiểm tra việc quản lý dược của đơn vị này.

Về việc giám sát quá trình phẫu thuật, ông Minh nói đó là trách nhiệm của Bệnh viện Quân y 87. “Bệnh viện “khoán trắng” việc gây mê, phẫu thuật cho OSCA là chưa hợp lý, là một bài học kinh nghiệm. Sắp tới chúng tôi yêu cầu cơ sở y tế khi phối hợp tổ chức khám chữa bệnh từ thiện cần phải có phối hợp nhân sự chuyên môn” - ông Minh nói.

Chưa có quy định về khám chữa bệnh nhân đạo

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội ngày 27-8, qua rà soát hồ sơ, sở chưa nhận được hồ sơ xin cấp giấy phép hành nghề cho bác sĩ Phạm Văn Ái, chủ tịch OSCA.

Một cán bộ có trách nhiệm của sở này cho biết đầu năm 2012 bác sĩ Ái bị khởi tố điều tra do liên quan một vụ chết người (khách hàng phẫu thuật thẩm mỹ tại thẩm mỹ viện của bác sĩ Ái), sở sẽ trao đổi với phía công an để xem bác sĩ Ái đã đủ điều kiện tư pháp giữ vị trí này và hành nghề khám chữa bệnh hay chưa.

Cũng theo Sở Y tế Hà Nội, OSCA được Sở Khoa học - công nghệ Hà Nội cấp phép nghiên cứu khoa học công nghệ trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình, phục hồi chức năng, y học trị liệu, phẫu thuật thẩm mỹ và tạo hình, tuy nhiên do đây là ngành nghề có điều kiện nên giấy phép của Sở Khoa học - công nghệ chỉ là điều kiện cần để trung tâm có thể thành lập, còn muốn hoạt động trong lĩnh vực khám chữa bệnh (như việc đi phẫu thuật nụ cười tại Khánh Hòa - PV) thì trung tâm này cần có thêm chứng chỉ hành nghề của Sở Y tế hoặc Bộ Y tế cấp. Do trung tâm chưa có chứng chỉ này nên hoạt động khám chữa bệnh, phẫu thuật nụ cười tại Khánh Hòa là trái phép.

Do đợt phẫu thuật do OSCA tổ chức tại Khánh Hòa là phẫu thuật nhân đạo, cần có những quy định cụ thể để điều chỉnh những hoạt động khám chữa bệnh nhân đạo tương tự, nhưng hiện hành chưa hề có quy định về hoạt động này, các tổ chức, cá nhân muốn khám chữa bệnh nhân đạo hoàn toàn dựa trên điều kiện thực tế của từng địa phương. Do chưa có quy định và hoàn toàn bị thả nổi, hoạt động khám chữa bệnh nhân đạo thời gian qua nở rộ nhưng chưa được kiểm soát, việc quyên góp, vận động cho khám chữa bệnh do đó cũng chưa được quản lý chặt chẽ.

Công an sẽ thành lập ban chỉ đạo riêng điều tra vụ việc

Thượng tá Lê Như Toản, người phát ngôn Công an tỉnh Khánh Hòa, cho biết: “Ngày 27-8, ban giám đốc công an tỉnh có chủ trương thành lập ban chỉ đạo riêng để điều tra vụ việc này. Lực lượng điều tra đang tập trung làm ngày làm đêm, bằng mọi biện pháp sẽ tiến hành việc khám nghiệm tử thi theo quy định pháp luật, phối hợp kết quả từ hội đồng chuyên môn Sở Y tế, nếu thấy có dấu hiệu tội phạm sẽ khởi tố vụ án ngay”.


Chia sẻ