Thuê cần cẩu, khoét tường để đưa đồ vào nhà ở phố cổ Hà Nội

Bài và ảnh: Hà Hương,
Chia sẻ

Trái ngược với vẻ ngoài khang trang của những cửa hiệu kinh doanh ngay mặt đường dãy phố cổ, đằng sau đó là những ngôi nhà chật hẹp, thiếu ánh sáng, việc sinh hoạt của người dân phố cổ gặp phải rất nhiều khó khăn, bất tiện.

Từ thuê cần cẩu, đục tường đưa tủ vào nhà...

Mới đây, câu chuyện của anh Hải Minh - người đăng bức ảnh dùng cần cẩu đưa tủ lạnh vào nhà trên phố cổ khiến cộng đồng mạng cười chảy nước mắt. Được biết, anh sống ở phố Hàng Giấy, nhà ở trên tầng. Mỗi lần mua đồ đạc gì là gia đình anh đều phải cân nhắc vì rất khó mang đồ vật to vào nhà. Mới đây, anh chia sẻ câu chuyện của gia đình mình trên mạng xã hội.

Thuê cần cẩu, khoét tường để đưa đồ vào nhà ở phố cổ Hà Nội 1
Cách gia đình anh Hải Minh vận chuyện chiếc tủ lạnh mới mua vào nhà. Theo chia sẻ giá của chiếc tủ lạnh này là 12 triệu đồng, còn chi phí thuê cần cẩu vận chuyển là 2,5 triệu đồng. (Ảnh: Diễn đàn Otofun)


Thuê cần cẩu, khoét tường để đưa đồ vào nhà ở phố cổ Hà Nội 2
Ngay sau khi đăng bức ảnh, rất nhiều người quan tâm. Anh Hải Minh chia sẻ đây chính xác là "1 tiền gà 3 tiền thóc".


Cũng "trớ trêu" tương tự, anh Vũ Lê (Hàng Nón) chia sẻ câu chuyện về cảnh nhà chật ở phố cổ. Nhà anh ở Hàng Nón, tuy cũng ở phố cổ song diện tích rộng hơn nhiều so với những gia đình khác. Anh nói: "Nhà tôi ở trên tầng 3, diện tích sử dụng 80m2, có sân riêng”.

Rộng rãi, có nhà vệ sinh riêng thế nhưng anh bảo "có tiền tôi cũng quyết mua nhà khác để ở". Quả thực, con ngõ sâu dẫn vào nhà hun hút chỉ 1 người lọt. Vào nhà anh ai cũng bất ngờ bởi nhà rộng hơn tưởng tượng mà đồ đạc trong nhà cái gì cũng "nhỏ nhỏ, xinh xinh". Hỏi ra mới biết, vì cầu thang dẫn lên nhà quá nhỏ nên gia đình anh khó có thể mua tủ lạnh xịn, tivi to đơn giản vì "bê vào bằng cách nào?".

Anh chỉ vào chiếc tủ lạnh mini cạnh cửa và nói: "Để có được chiếc tủ lạnh này dùng ngoài tiền tủ lạnh 2,5 triệu, nhà tôi còn phải tốn tiền thuê cần cẩu cẩu cái tủ lên với giá tương đương cũng 2,5 triệu. Mà lên được tới tầng 3, cả gia đình cũng như hàng xóm, người chở đồ cùng "đau tim" vì dây điện chằng chịt chỉ sợ vướng vào đứt một cái thì cả phố mất điện".

Một trường hợp khác, chú Thắng (Hàng Thiếc, Hà Nội) chia sẻ, nhà chú nằm trên tầng 2 của khu tập thể cũ, lối vào nhà bé xíu, mỗi lần muốn mua đồ gì các thành viên đều phải làm công việc là đo tường và đo món đồ đó xem dài rộng thế nào và liệu có lọt vừa lối vào không để mua.
 
Từ ngày con trai chú chuẩn bị lấy vợ gia đình chú phải cố mua thêm tủ và giường cưới. Để vận chuyển thành công các món đó vào nhà, chú phải thương lượng nhờ hàng xóm dỡ tạm tấm tường bằng thạch cao rồi sau đó bỏ hơn chục triệu ra xây đền.

Đến xếp hàng chờ đi vệ sinh...

"Sống trên đất phố cổ, nhà chật là điều mà ai cũng biết và cũng phải chấp nhận", đó là điều bác Trần Huy Dương (Hàng Cót, Hà Nội) chia sẻ. Nhà bác nằm sâu trong một con ngõ nhỏ, nhà chỉ rộng chừng 12m2 nhưng “nhìn bé ti ti thế mà nó ‘cân’ được cả 3 thế hệ đấy nhé”, bác hóm hỉnh nói. Được biết, ở đây, ngoài vợ chồng bác, còn có vợ chồng người con trai cả và cậu cháu nội 3 tuổi sinh sống. 

Ngoài sự chật, người dân phố cổ còn ngán ngẩm cái nhà vệ sinh chung. Cũng theo bác Dương: “Đi đâu người ta cũng trầm trồ bảo: ‘Ái chà, dân phố cổ’ thế nhưng phải sống thì mới biết có nhiều cái bất tiện. Nhà tôi còn gần ngay cạnh nhà vệ sinh, thế là hàng ngày lúc nào cũng có tiếng người ra người vào, làm gì ở trong đó ngoài… nghe thấy hết”.

Không những thế, sân chung trước nhà vệ sinh còn là nơi toàn thể các cá nhân sinh sống trong khu ra tụ tập đánh răng, rửa rau, vo gạo, rửa bát, quạt bếp tổ ong… Và thế là sự ồn ào của mọi người, nhớp nháp của đường đi lối lại ngày này qua tháng khác khiến cả gia đình bác và nhiều nhà khác phải chấp nhận. Bác chia sẻ, buổi sáng là khoảng thời gian nhà bác “nhộn nhịp” hơn cả. Nhà vệ sinh kiêm nhà tắm luôn đông kín người, người thì đứng xếp hàng chờ đánh răng, người thì rửa mặt mỗi sáng.

Thuê cần cẩu, khoét tường để đưa đồ vào nhà ở phố cổ Hà Nội 3
Trong con ngõ nhỏ phố Hàng Cót có tới mấy chục nhân khẩu cùng sinh sống.

Thuê cần cẩu, khoét tường để đưa đồ vào nhà ở phố cổ Hà Nội 4
Cứ sáng đến, ngõ nhỏ phố Hàng Cót lại "nhộn nhịp" người xếp hàng đánh răng rửa mặt.

Bác nói thêm: “Dù không muốn quen nhưng chẳng có cách nào khác. Cứ thử tưởng tượng, từ sáng tới chiều, mùi than tổ ong đặc quánh khét lẹt nghi ngút bay trên sân chung. Khu sinh hoạt tập thể này vốn đã nhỏ hẹp lại càng trở nên chật chội mỗi khi chiều đến. Người đi làm, đi học về, các chị các mẹ lại lo việc nấu nướng và tất cả dồn vào con ngõ nhỏ. Vài m2 này có tới cả 6 - 7  cái bếp than tổ ong đỏ rực lửa đang chờ sẵn. Người luộc rau, rán thịt, luộc trứng, rán cá, quấy mắm tôm… chen chúc nhau”.

Dưới khu bể nước, thau chậu, rổ rá bày la liệt. Các bà các chị ngồi đầy ra sân nhặt rau, làm cá, thái thịt, vo gạo… cứ người này đứng lên là người kia ngồi xuống rán rán, nấu nấu. Nền sân chẳng bao giờ kịp khô, luôn trong tình trạng ướt nhẹp. Mùi tanh tanh của thực phẩm tươi sống quyện vào mùi khen khét của bếp than tổ ong, mùi nồng của các loại mắm, hành cùng hàng tá thanh âm hỗn độn, những bước chân vội vã… tạo nên một thứ không gian rất đặc biệt của một buổi chiều trong lòng phố cổ.

Thuê cần cẩu, khoét tường để đưa đồ vào nhà ở phố cổ Hà Nội 5
Quang cảnh bên trong một con ngõ ở phố cổ Hà Nội, sân chung của ngõ đầy những xoong, chậu, bát đĩa, gáo nước, đồ ăn...

Cùng hoàn cảnh, chị Thanh Trà (30 tuổi, Hàng Buồm, Hà Nội) cho hay, trong khu nhà chị ở có tới gần 30 hộ gia đình sinh sống. Riêng gia đình chị có tới 3 thế hệ cùng ở trong căn nhà rộng chừng 20m2. Từ ngày lấy chồng phố cổ ai cũng bảo chị sướng nhưng “nhà bé tí, chả khác gì cái tổ. Nhìn qua không thể phân biệt được đâu là phòng bếp, nhà tắm hay phòng ngủ vì mọi thứ đều san sát, liên tiếp nhau. Tôi chả dám mời bạn bè, đồng nghiệp tới nhà vì không có chỗ mà ngồi”. 
Chia sẻ