Thư ngỏ ông Trần Đăng Tuấn gửi Chủ tịch HN Nguyễn Thế Thảo

Theo Trí Thức Trẻ,
Chia sẻ

Chúng tôi xin đăng nguyên văn bức thư ngỏ gửi tới Chủ tịch HN Nguyễn Thế Thảo về việc đốn hạ cây xanh đang được dư luận hết sức quan tâm trong suốt thời gian qua.

Thư ngỏ của ông Trần Đăng Tuấn

Kính gửi: Ông Nguyễn Thế Thảo

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Thông tin về việc sẽ loại bỏ 6700 cây xanh trên 190 tuyến phố Hà Nội và thực tế đang diễn ra việc chặt hạ cây xanh trên nhiều tuyến đường của Hà Nội đang gây lo lắng, băn khoăn và cả thắc mắc cho rất nhiều người dân, không chỉ ở Thủ Đô mà trong cả nước.

Cần nói rằng người dân không phản đối chuyện chặt bất cứ cây nào. Nếu việc hạ cây vì những lý do bất khả kháng như:

- Cây nguy hiểm, bị cong, hỏng, dễ đổ, dễ gây tai nạn

- Cây gây hại cho sức khoẻ, cây không có tác dụng cho cuộc sống.

- Để đảm bảo giao thông

thì chắc không ai có ý kiến khác.

Hiện Sở Xây dựng Hà Nội nói rằng đã khảo sát trên các tuyến phố và lọc ra 6700 cây thuộc dạng đó cần loại bỏ, cần thay.

Tôi xin kiến nghị Ông Chủ tịch:

Nên tạm dừng việc hạ chặt cây một thời gian để người dân tự kiểm tra: Có đúng 6700 cây đó là thuộc diện cần loại, thay hay không?

Thông báo trên báo chí cho mọi người biết có bao nhiêu cây như vậy ở trên mỗi tuyến phố cụ thể.

Đánh dấu nhận biết 6700 cây đó, để người dân bằng mắt mình kiểm nghiệm và thấy việc này thoả đáng không.

Nếu thoả đáng, người ta không có lý gì không ủng hộ. Nếu không thoả đáng, người dân sẽ có ý kiến và Sở xây dựng cần có sự xem xét điều chỉnh lại danh mục cây cần loại.

Hãy lắng nghe các nhà khoa học và người dân đưa ra ý kiến của mình về việc:

- Nên giữ lại hay bỏ những cây gì. Cây gì giữ nhưng nên bớt.

- Việc thay thế (nếu thực sự cần) theo cách thức nào: Trồng mới xen thay dần cây cũ hay trồng mới một loạt, bỏ cây cũ một loạt.

- Chọn cây mới trên cơ sở gì, có thoả đáng không và khía cạnh kinh phí thì như thế nào. Đã là hợp lý, tiết kiệm hay không trong thời điểm này.

Bao nhiêu kinh phí từ ngân sách, bao nhiêu do các đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ. Việc sử dụng ngân sách mua cây, trồng cây, thay cây... theo phương thức nào.

Đó cũng là thể hiện trách nhiệm thông tin công khai, minh bạch.

Mong ông Chủ tịch quan tâm xem xét kiến nghị này.

Trân trọng.

Trần Đăng Tuấn

(Mỹ Đình - Từ Liêm - Hà Nội)

Bức thư của ông Tuấn đã nhận được sự đồng cảm của nhiều người.

Rất nhiều chia sẻ xót xa những hàng cây cổ thụ gắn liền với từng con đường, tên phố của Hà Nội. Cảm giác trống vắng như mất đi một điều gì đó đã quá đỗi thân thuộc:

Người có nickname Vy Giang bày tỏ: Hàng cây Phan Đình Phùng mà chặt hết thì đau lòng quá. Con đường kỷ niệm của biết bao thế hệ người Hà Nội.

Chỉ biết thở dài tiếc nuối... Quá buồn! Mà hàng trăm năm mới thành được những hàng cây cổ thụ đó.

Cùng tâm trạng trên, nickname Minh Thu chia sẻ những bùi ngùi: Mỗi sáng đi làm thấy cưa cây, chặt toàn cây cổ thụ trồng hàng bao nhiêu năm nhìn mà tiếc đứt ruột.

Mùa hè năm nay chắc nhiều ngành quá tải: Bệnh viện quá tải vì người dân đi đường nắng quá - choáng rồi ngất - rồi hoa mắt - rồi tai nạn.

Ngành Điện lực thì quá tải vì đến điều hoà phải bật hết công suất. Khổ nhất là trẻ nhỏ không còn không khí trong sạch để thở, không được ra đường.

Một số hình ảnh chặt bỏ loại cây "không đúng chủng loại cây đô thị" tại Hà Nội trong thời gian qua:

120 cây cổ thụ trăm tuổi đang bị đốn hạ
Đốn hạ cây cổ thụ tại đường Nguyễn Trãi. Ảnh: Zing

Sở Xây dựng Hà Nội lý giải nguyên nhân chặt 550 cây xanh cổ thụ - Ảnh 2
Ảnh: Đời sống pháp luật

Đốn 200 cây không đạt chuẩn ở đường ảnh cưới
Tại phố Nguyễn Thái Học, đoạn từ ngã ba Kim Mã - Sơn Tây - Nguyễn Thái Học đến ngã ba Nguyễn Thái Học - Đình Ngang thay thế, di chuyển 149 cây (chặt hạ 144 cây, di chuyển 5 cây). Ảnh: Zing

Hà Nội, chặt hạ, cây xanh, Kim Mã, Nguyễn Thái Học
Những cây bằng lăng cong, nghiêng bị chặt trên phố Kim Mã. Ảnh: Vietnamnet

Chia sẻ