Thói quen tích trữ túi nilon của các bà nội trợ - tiện một, hại mười

HH,
Chia sẻ

Túi nilon đã trở thành một vật dụng quá quen thuộc với đời sống sinh hoạt hàng ngày của con người. Với ưu điểm tiện dụng và giá rẻ, hầu như chúng có mặt ở khắp mọi nơi từ siêu thị lớn, đến của hàng bán rau, gánh hàng rong…

Quen, tiện, rẻ bèo

Túi nilon đang được cả người mua và người bán đựng thực phẩm từ tươi sống, chín đến thực phẩm còn nóng hôi hổi. 

Chị Phan Thu Trà (Hoàng Mai, Hà Nội) có thói quen sáng nào cũng ra chợ cóc gần nhà mua 4 túi sữa đậu nành "vừa ra lò" cho gia đình. Khi được hỏi có biết đồ nóng đựng trong túi nilon sẽ không tốt cho sức khỏe hay không thì chị gạt đi: “Ôi vẽ chuyện, từ nhà tôi ra chợ có chưa đầy 1km, tôi mua về là đổ luôn ra bát chứ có để ‘ngâm’ trong đó đâu mà sợ”.

Thói quen tích trữ túi nilon của các bà nội trợ - tiện một, hại mười 1
Từ người bán đến người mua, ai ai cũng có thói quen dùng túi nilon (Ảnh: Chí Toàn)

Bác Hương Tươi (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng lo ngại khi nhớ lại trường hợp tuần vừa rồi mua lòng lợn. Hôm đó, bác mua gần 1kg lòng lợn và đựng chúng trong túi nilon màu hồng. Khi đổ đồ ăn ra đĩa, bác thấy lạ khi trong túi lõng bõng nước màu hồng hồng, trên miếng dồi cũng có màu lạ, ban đầu bác nghĩ do nước lòng tiết ra nhưng khi bác rửa tay, bác cũng thấy, tay có dính lớp màu hồng nhạt. Không chỉ vậy, đĩa lòng hôm đó có mùi “ngai ngái” của túi nilon. 

Bác chia sẻ: “Qua tivi rồi qua sự việc đó, tôi cũng biết, túi nilon độc hại nhưng suy cho cùng, bây giờ có cái gì là không độc đâu, cái gì chẳng độc, cái gì chẳng hóa chất, dù không muốn vẫn phải dùng thôi”.

Trước đây những siêu thị lớn cũng có một thời gian khiến các bà nội trợ “điêu đứng” khi phải móc ví trả thêm gần 7.000 đồng cho túi thân thiện môi trường. Nhưng cũng chỉ được 1 thời, đâu lại hoàn đó, hiện giờ các siêu thị vẫn phải chiều theo ý của người tiêu dùng. Túi thân thiện chỉ có thể dừng ở mức độ vận động. Đại bộ phận khách hàng vẫn chưa từ bỏ thói quen này.

Chị Ngọc Hương – nhân viên bán hàng tại một siêu thị lớn cho hay, mỗi ngày siêu thị đón hàng chục nghìn lượt người vào mua hàng nhưng số người đồng ý mua hoặc mang túi thân thiện đi mua hàng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thêm vào đó, "do là siêu thị bán lẻ, nhiều người chỉ mua một vài mặt hàng nên thói quen dùng túi nilon cho tiện luôn phổ biến". 

Chị Thu Mai (Phan Kế Bính, Hà Nội) vừa khệ nệ chất hàng lên xe đẩy, vừa tâm sự: “Trước đây tôi mua hàng có hóa đơn với tổng giá trị trên 1 triệu đồng được tặng 2 cái túi thân thiện với môi trường, nhưng chẳng lần nào tôi đi siêu thị mà nhớ đem cả. Nên thôi, cứ túi nilon… mà dùng. Nếu bỏ tiền ra mua một chiếc túi mà biết chắc sẽ lại xếp xó thì dùng túi nilon vẫn tiết kiệm và tiện lợi hơn".

Hiểm họa khôn lường từ túi nilon

Ông Mai Văn Tiến, Viện hóa học công nghiệp Việt Nam cho biết, thói quen sử dụng túi nilon tràn lan hiện nay là vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của gia đình và ảnh hưởng đến môi trường.

Các nhà khoa học trên thế giới đã nghiên cứu và chứng minh, bình thường túi nilon phải mất từ 500-1.000 năm mới có thể tự phân hủy. Việc chôn lấp túi nilon sẽ ảnh hưởng đến môi trường nước, còn đốt chúng sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, khó thở, nôn ra máu, gây ung thư, mất khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng, dị tật ở phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ... Túi nilon màu chứa rất nhiều kim loại như chì, clohidric gây tác hại cho não bộ, gây ung thư (Hiện trên thị trường rất nhiều loại này đang được bày bán).

Nếu dùng túi nilon liên tục, vi khuẩn, kim loại nặng lẫn trong nhựa để làm túi sẽ trực tiếp thôi nhiễm vào cơ thể người, gây bệnh ung thư phổi, gan, ảnh hưởng đến hệ miễn dịch.

Từ hôm nay, bắt đầu áp dụng chỉ thị quản lý và thải bỏ túi nilon

UBND TPHCM có chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý sử dụng và thải bỏ túi nilon trên địa bàn TP, có hiệu lực thi hành từ ngày hôm nay 20/9. Được biết, chỉ thị không thải túi nilon ra đường phố, khu vực công cộng, cống rãnh, kênh rạch; Không tự ý đốt hoặc chôn lấp túi nilon. Hỗ trợ, khuyến khích việc kinh doanh, sử dụng các loại túi, phương tiện đựng hàng thân thiện môi trường thay thế túi nilon. 

Tuy nhiên, xem ra việc này sẽ phải làm lâu dài bởi người tiêu dùng vẫn có quá nhiều lý do để sử dụng túi nilon. 

Thói quen tích trữ túi nilon của các bà nội trợ - tiện một, hại mười 2
Chị Bích Ngọc nói, chị có biết dùng túi nilon không tốt cho sức khỏe nhưng "cho tiện, còn hơn phải mang theo cái làn"

Thói quen tích trữ túi nilon của các bà nội trợ - tiện một, hại mười 3
(Ảnh: HH)

Chị Tiểu Kiên còn nhiệt tình bày chiêu tích trữ túi: "Này nhé, thay vì tôi phải bỏ ra vài chục nghìn mua túi đựng rác, chi bằng bây giờ tôi cứ tiết kiệm túi nilon sau khi mua hàng. Túi nào đựng rau, đồ khô thì tôi giữ, tích lại một chỗ, túi nào đựng đồ tươi sống thì vứt luôn. Ngày nào nhà tôi chẳng thải ra một đống rác nên luôn cần có túi nilon".

Chia sẻ