Thói chỉ trích mù quáng từ câu chuyện "dùng hàng fake làm nghèo nhân cách"

Theo MASK Online,
Chia sẻ

Sự phản biện nghèo nàn và chụp mũ của nhiều bạn trẻ trong câu chuyện này một lần nữa khiến chúng ta phải suy nghĩ về văn hoá tranh luận của một bộ phận cư dân mạng Việt Nam.

Mới đây, trong một bài phỏng vấn, nữ doanh nhân Thuỷ Tiên (thường được cộng đồng mạng biết tới nhiều hơn với tên gọi “mẹ chồng Hà Tăng) - đã thẳng thắn chia sẻ một vài quan điểm của mình về hàng hiệu và người dùng hàng hiệu. Trong bài phỏng vấn này, bà chia sẻ mình rất thích quan điểm: "Không ai đánh giá bạn khi bạn không hề có một món đồ hiệu nào trên người” và không ngần ngại cho biết: Hãy thận trọng và tránh xa hàng nhái, hàng giả. Đeo, mặc nó vào người sẽ làm bạn nghèo đi về nhân cách và lòng tự trọng”.

Thói chỉ trích mù quáng  từ câu chuyện

Ngay sau khi bài viết được đăng tải, một cư dân mạng đã dẫn link về trang Facebook riêng của mình và dùng những lời lẽ khá gay gắt để phản bác lại bà Thuỷ Tiên. Người này cho rằng: Việt Nam là một nước còn nghèo, không thể có khả năng mua những món đồ hiệu chỉ để mặc. “Người ta không có tiền như cô, người ta mua một món hàng hiệu khong phải khoe rằng đây là đồ hiệu mắc tiền. Mà mua vì họ thích cho dù là fake cũng là tiền của họ. Sao lại chê người ta thiếu nhân cách, thiếu tự trọng?”

“Mặc đồ hiệu có chắc là hiệu? Mặc đồ hiệu chắc là tốt chắc là đẹp? Gỗ mục có đắp vàng cũng là gỗ mục, đừng nói chi là nước sơn. Chào cô bà chủ hàng hiệu đầy tự trọng”. Cư dân mạng này chốt lại status phản đối của mình.

Chỉ sau gần 1 ngày được chia sẻ, dòng status này đã nhận được sự ủng hộ và quan tâm khá lớn của cư dân mạng với hơn 3.300 lượt like và gần 100 lượt share lại. Rất nhiều người lên tiếng đồng tình với người viết status, cho rằng việc dùng hàng fake khi bạn không có đủ tiền để mua hàng xịn là hoàn toàn có thể chấp nhận được. Nhiều bạn viện dẫn lý do: Hàng fake hay hàng xịn không quan trọng, miễn sao nó hợp với túi tiền và khiến người ta cảm thấy tự tin hơn. Cũng nhiều bạn cho rằng, do hàng hiệu quá đắt so với túi tiền mặt bằng chung trong khi chất lượng và nhu cầu của người dùng lại chỉ cần như hàng fake, thế nên bỏ ra một số tiền lớn mua hàng hiệu là lãng phí, trong khi hoàn toàn có thể sử dụng hàng fake với số tiền rẻ hơn nhiều. Cũng có rất nhiều người phản ứng khi cho rằng, bà Thuỷ Tiên đang nói giọng “trên tiền”, coi thường người nghèo và những người không dùng hàng hiệu.

Thói chỉ trích mù quáng  từ câu chuyện

Tuy nhiên, những ý kiến này cũng nhanh chóng bị phản bác một cách khá gay gắt. Rất nhiều người đã chỉ ra sự không hợp lý trong những chỉ trích của các cư dân mạng. Hầu hết đều cho rằng, ý kiến của bà Thuỷ Tiên đã bị hiểu sai và bị nhiều bạn trẻ "đánh tráo khái niệm". Chưa kể đến việc, có rất nhiều bạn trẻ đã không đọc trọn vẹn bài phỏng vấn và hiểu ý tứ trong câu trả lời mà đã vội quy kết và chỉ trích. Trong chia sẻ của mình, bà Thuỷ Tiên cho rằng việc dùng hàng nhái, hàng fake là tự hạ thấp sự tôn trọng của mình, chứ hoàn toàn không hề cho rằng khi bạn bị hạ thấp sự tôn trọng khi mặc đồ bình dân: ”Không ai đánh giá bạn khi bạn không hề có một món đồ hiệu nào trên người”. Bà Thuỷ Tiên nói rõ trong câu trả lời của mình.

"Ít tiền thì mua đồ bình dân, các hãng trong nước, thời trang giá rẻ cũng được cơ mà. Cô ấy nói không sai, có chăng là câu chữ phần hơi nặng nề thôi. Các bạn dùng đồ fake là làm giàu cho trung quốc đấy. Các thương hiệu nổi tiếng thế giới họ phải tiêu tốn bao nhiêu chất xám, tiền bạc và cả thời gian dài lịch sử mới làm nên những sản phẩm xa xỉ. Vậy mà các xưởng gia công ( chủ yếu là trung quốc ) nhái lại nhan nhản. Bạn làm bài văn hay thật hay có đứa nó chép rồi nó còn đc điểm cao hơn thì bạn có tức ko.

Mà đồ nhái có rẻ đâu các bạn, vài triệu 1 cái túi có khi mười mấy triệu 1 cái túi super fake. Tiền ấy bạn có dư để mua túi của các thương hiệu tầm trung như Charles Keith, Mango, Guess, Zara. Dùng hàng xịn k thích hơn à mà cứ phải dùng hàng fake.

Chưa kể 1 bộ phận k nhỏ thanh niên chạy theo giá trị ảo. Ra đường dùng đồ fake cao cấp mà vênh váo như dùng đồ thật, lấy đồ hiệu ra làm thước đo đánh gia bản thân và ng khác.

Cô ấy nói chả sai tí nào. Nếu cô ấy bảo dùng đồ rẻ tiền là không có lòng tự trọng thì nó khác. Các bạn đừng đánh tráo khái niệm. Rẻ tiền ít tiền nó khác với fake. Đồ fake chả rẻ tí nào đâu nhé."
Một cư dân mạng bình luận.

"Một người sai thì họ sai. Còn 10 người sai thì có khi không sai lắm hay sao í nhỉ. Bạn đi theo phong cách thằng to với thằng bé đâm nhau thì thằng to sai, ô tô đâm xe máy bao giờ ô tô cũng đền à. Không có đâu bạn ạ. Điều quan trọng là giáo dục và phổ biến kiến thức hiểu biết về cái gọi là ăn cắp chất xám, sản xuất - tiêu thụ - phân phối hay sử dụng đồ nhái đều là vi phạm luật pháp đấy. Đấy là luật là công ước quốc tế nhé. Bạn nào dám treo đầy người giỏ LV fake bước chân qua hải quan sân bay Pháp thì post lên Facebook khoe cho các bạn xài đồ fake khác mừng với." Một người khác bức xúc bày tỏ quan điểm.

Nhiều bạn đưa ra ý kiến, nếu không có đủ tiền để mua hàng hiệu, bạn hoàn toàn có thể hướng tới những phân khúc bình dân hơn để hợp với túi tiền. "Có thể bạn thấy bình thường nhưng dùng hàng nhái cũng như tiêu thụ đồ ăn cắp vậy. Rẻ đẹp nhưng là đồ ăn cắp (ở đây là ăn cắp ý tưởng). Không có tiền thì chọn đồ vừa túi tiền. Không có tiền mà lại muốn đánh đu thì là tốt hay xấu. Bản thân mình cũng chẳng có tiền nhưng chọn những thứ vừa túi tiền. Mua đồ fake hay super fake cũng 1-4 triệu rồi. Hoàn toàn có thể chọn C&K, Michael Kors khi sale, DKNY sale... Rồi ti tỉ hãng khác. Đừng biến chuyện dùng hàng fake thành điều hiển nhiên. Tôn trọng bản quyền cũng là tự tôn trọng mình."

"Bạn có ước mơ mua 1 chiếc túi hiệu, nhưng bạn không có tiền nên bạn đành mua túi fake, thì đấy cũng được coi là tự đưa cái lòng tự trọng của mình đi xuống rồi. 


Đã ước mơ lại còn bị thay thế bởi một thứ hàng nhái, tự thoả mãn nuông chiều bản thân bằng hàng nhái mà không cố gắng tích cực để mua thứ hàng hiệu kia thì con người bạn chả bao giờ biết phấn đấu vươn lên được, mãi mãi đi ăn theo thôi.  Tất nhiên mình không miệt thị những người nghèo bởi vì mình cũng chẳng có tiền. Nhưng nên biết bản thân là ai và vị trí ở đâu, cố ngóc cố ngoi lên thứ hàng giả kia để làm gì? Có sao thì sống vậy đi".

"Nhiều "anh hùng bàn phím" quá. Người ta phát ngôn không xúc phạm đến ai mà có người mở miệng đòi chém, đòi giết. Bạn thử nghĩ đến những người bỏ bao nhiêu tâm trí, công sức để làm ra 1 sản phẩm, người khác ngồi không ăn cắp ý tưởng. Xài hàng giả là tiếp tay giết chết hàng thật. Hy vọng các bạn hãy đọc hết nội dung bài báo rồi hãy phát ngôn cho đúng, đừng nghe lời phiến diện 1 phía. Chúc mọi người vui vẻ. Nếu mình có động chạm đến ai đó thì bạn thử suy nghĩ xem mình nói đúng hay sai rồi bình luận".
Một facebook-er chia sẻ thẳng thắn ngay dưới status đình đám này.

Điều đáng nói ở đây, đó là việc các bạn trẻ coi việc sử dụng hàng fake là bình thường và… hợp lý. Ai cũng biết, các món hàng hiệu có giá trị không chỉ nằm ở chất liệu hay kiểu dáng, mà còn bởi thương hiệu cao cấp và chất xám, kỹ thuật đỉnh cao đến từ những nghệ nhân hàng đầu. Sử dụng hàng fake không chỉ là sự xúc phạm tới quá trình đã được nâng tâm lên thành nghệ thuật này, mà còn là một cách tiêu thụ đồ ăn cắp, đồ vi phạm pháp luật khi mà ở nhiều nước, buôn bán hay sử dụng hàng fake đã được coi là những hành động phạm pháp.

Thói chỉ trích mù quáng  từ câu chuyện
Những món hàng hiệu từ lâu đã được coi là những tác phẩm nghệ thuật của làng thời trang.

Về vấn đề bà Thuỷ Tiên cho rằng sử dụng hàng fake là tự hạ thấp giá trị của mình, điều này về bản chất là không hề sai. Bởi bạn tự biến mình thành một người “không có khả năng nhưng chạy theo bằng mọi giá” thứ mà mình vốn không thể sở hữu. Nếu bạn thật sự không quan tâm tới những gì vẻ ngoài có thể mang lại, hay những sản phẩm xa xỉ có thể khiến bạn nhìn trông ra sao, bạn sẽ chẳng phải cố gắng chạy theo những món hàng fake, cố gắng để nhìn trông thật... sang chảnh. Đấy mới chính là ví dụ cho việc chạy theo các giá trị ảo, quan tâm tới việc tô vẽ cho bản thân một hình ảnh đẹp nhất cho dù tiếp tay cho việc ăn cắp ý tưởng, ăn cắp chất xám của người khác. Hành động ăn cắp, cho dù các bạn có khoác lên vỏ bọc “không có đủ tiền nên phải mua” hay “đắt đến mức vô lý nên không muốn mua” thì cũng vẫn là hành động ăn cắp, và tiếp tay cho nó dù biết rõ là hàng fake - có nghĩa là bạn không tôn trọng chính bản thân và tự biến mình thành một kẻ phù phiếm, ưa hào nhoáng và sĩ diện bề ngoài.

Nhưng hơn hết, câu chuyện ở đây không chỉ là chuyện về hàng fake - hàng thật, mà đó còn là câu chuyện về sự chỉ trích mù quáng, không tìm hiểu kỹ, cũng không có sự suy nghĩ thấu đáo đúng - sai, mà chỉ chăm chăm tìm cách lên án, cãi nhau và tìm cách hạ thấp người khác. Dễ thấy nhất trong câu chuyện này, đó là việc các bạn trẻ đã không hề đọc kỹ câu trả lời của bà Thuỷ Tiên, cũng như không bỏ thời gian tìm hiểu kỹ về vấn đề mà vội vàng tìm cách lên án, chỉ trích. Đây dường như là một câu chuyện mãi không có hồi kết của cộng đồng mạng Việt Nam khi mà càng ngày càng có nhiều những cuộc tranh luận vô nghĩa, thừa thãi và thể hiện sự thiếu tìm tòi, đồng cảm và quan tâm thực sự đến tính chất của sự việc.

Nhưng mọi chuyện cũng không hoàn toàn "đen tối" với chúng ta, khi mà bên cạnh những cư dân mạng ưa kiểu chỉ trích bầy đàn, vẫn còn rất nhiều những bạn trẻ hiểu biết đang cố gắng từng ngày để "làm sạch" mạng xã hội, cũng như tạo nên một văn hoá tranh luận văn minh và công bằng. Hiểu rõ vấn đề, lắng nghe kỹ mọi ý kiến và có cho mình một quan điểm riêng, đó mới thực sự là cách tiếp nhận thông tin, tìm cách phản biện văn minh và có hiểu biết. 

Chia sẻ