Sự thật về những cuộc điện thoại trị giá hơn nửa tỷ đồng

Q.T,
Chia sẻ

Dù cơ quan công an và các phương tiện truyền thông đã nhiều lần cảnh báo người dân về những chiêu lừa đảo qua điện thoại, nhưng từ cuối năm 2013 đến nay, vẫn có nhiều người trở thành nạn nhân của hình thức lừa đảo đã "chuyên nghiệp hóa" hơn. Có những người mất oan cả nửa tỷ đồng chỉ sau khi nghe một cuộc điện thoại của kẻ mạo danh.

Từ giả danh nhân viên ngân hàng....

Ngày 18/6 vừa qua, anh Dương Vi Đức, 24 tuổi, ngụ Quận 7, TP.HCM cho biết, anh nhận được cuộc gọi từ số điện thoại
096 986 1347 của một thanh niên tự xưng là Nguyễn Anh Tuấn, nhân viên ngân hàng. Người này thông báo: "Xin chúc mừng anh đã là một trong những khách hàng may mắn nhất trong chương trình vòng quay may mắn 365 ngày mà chúng tôi liên kết với đài truyền hình Việt Nam. Số tiền trúng thưởng của anh là 200 triệu đồng".

Anh Đức hỏi cách thức nhận thưởng thì người này nói rằng khách hàng trúng thưởng chỉ có một ngày duy nhất để hoàn tất cả thủ tục nhận thưởng. Sau khi hỏi địa chỉ nhà anh Đức và biết anh ở TP.HCM thì "nhân viên ngân hàng" này bảo anh lên văn phòng ngân hàng ở... Đà Nẵng để nhận giải. Anh Đức nói không thể lên được thì người này bảo anh cung cấp số tài khoản ngân hàng, mật khẩu và tất cả thông tin cá nhân của anh để hỗ trợ nhận thưởng. Biết đây là vụ lừa đảo giả mạo nhân viên ngân hàng nên anh Đức đã ghi âm toàn bộ cuộc gọi và nói với người kia rằng sẽ nhờ cơ quan chức năng can thiệp. Người này lập tức tắt máy.

Không phải ai cũng đề cao cảnh giác như anh Đức nên đã có nhiều trường hợp mất tiền do cả tin. 

Ngày 3/3/2014, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50 - CATP Hà Nội) phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ CATP Hà Nội đã bắt được nhóm 4 đối tượng chuyên giả mạo là cán bộ ngân hàng hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông, thông báo khách hàng trúng thưởng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Sự thật về những cuộc điện thoại trị giá hơn nửa tỷ đồng 1
Các đối tượng bị bắt 

Các đối tượng bị bắt gồm Trương Văn Chỉ (SN 1991), Nguyễn Tuấn Anh (SN 1991), Trần Xuân Hùng (SN 1994), Nguyễn Thị Xuân (SN 1957), đều trú tại xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Theo đó, đối tượng Văn Chỉ đã gọi điện và yêu cầu một người đàn ông tên Phúc cung cấp thông tin cá nhân để làm hồ sơ lĩnh thưởng và nộp 600.000 đồng thẻ cào điện thoại Viettel để lấy mã số nhận thưởng. Tin là thật, ông Phúc đồng ý và mua 6 thẻ cào Viettel mệnh giá 100.000 đồng gửi cho Chỉ. Sau khi nhận được mã thẻ cào, Chỉ nói: “Sẽ có người của Sở giao thông gọi điện đến cho anh để làm thủ tục đăng ký xe máy.” 

Sau đó, Hùng dùng điện thoại gọi cho ông Phúc tự xưng là người của Sở GTVT, yêu cầu ông Phúc nộp 3,6 triệu đồng thẻ cào điện thoại Viettel để làm thủ tục đăng ký giấy tờ cho xe máy trúng thưởng.

Sau khi nhận được mã thẻ, Hùng gọi cho ông Phúc nói đã thu đủ số tiền, thông báo sẽ có người của công an kinh tế và Chi cục thuế gọi đến để thu tiền thuế của giải thưởng.

Lúc này, Nguyễn Tuấn Anh điện thoại cho ông Phúc, tự xưng là người bên công an kinh tế và chi cục thuế đề nghị ông Phúc nộp 6,3 triệu đồng đóng thuế cho số phần thưởng được nhận. Ông Phúc đồng ý và tiếp tục mua thẻ cào điện thoại Viettel và gửi cho Tuấn Anh. Khi đã nhận đủ, các đối tượng tắt máy điện thoại, ngừng liên lạc với ông Phúc.

Toàn bộ số mã thẻ cào trị giá 10,5 triệu đồng, các đối tượng chúng bán lại cho Nguyễn Thị Xuân với giá bằng 70% giá trị mệnh giá thẻ cào. Xuân chỉ trả các đối tượng 5,7 triệu đồng, do có một số thẻ cào không sử dụng được. Các đối tượng chia nhau mỗi người 1,9 triệu đồng. Xuân đã bán hết các thẻ, được hưởng lợi 2,4 triệu đồng.

Đến "cán bộ điều tra" trọng án

Mới đây, theo thông tin từ Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, đơn vị này cũng vừa tiếp nhận thông tin và đang điều tra sự việc bà Chi (70 tuổi, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) bị lừa số tiền gần 500 triệu đồng.

Theo đơn trình báo của bà Chi, một phụ nữ giới thiệu là nhân viên bưu điện đã gọi điện thông báo bà Chi đang nợ tiền điện thoại gần 9 triệu đồng. Bà Chi phản ứng gay gắt thì được chuyển máy cho một người đàn ông để giải thích. Người đàn ông còn thông tin thêm về khoản nợ trên số điện thoại di động của bà Chi là hơn 10 tỷ đồng.

Người đàn ông này hướng dẫn bà trình báo lên Cơ quan công an rồi chuyển máy cho một người tự xưng là Lê Quân, công tác trong ngành công an. Người đàn ông tên Quân nói có tài liệu chứng minh bà Chi nợ số tiền trên, đồng thời yêu cầu nạn nhân đọc số CMND để trao đổi với Viện Kiểm sát.

Quân lại chuyển tiếp điện thoại cho bà Chi nói chuyện với người của Viện Kiểm sát tự xưng tên là Hùng. Hùng đe bà Chi: “Việc của bà vi phạm rất nghiêm trọng, phải hợp tác với Viện Kiểm sát để điều tra, xử lý. Hiện nay gia đình bà có bao nhiêu tiền, báo cáo cho chúng tôi biết để còn bảo vệ…”, cùng câu hỏi đó, hắn yêu cầu bà Chi chuyển toàn bộ số tiền mà gia đình đang có vào 3 tài khoản được mở tại một ngân hàng có trụ sở tại Việt Nam.

Hốt hoảng, bà đã đến 2 ngân hàng để 4 lần chuyển tiền với tổng số gần 500 triệu đồng vào 3 tài khoản mà những kẻ trên đã hướng dẫn. Sau đó bà không liên lạc được với các số điện thoại trên nên biết mình đã bị lừa. Công an đã tiến hành xác minh, phát hiện 3 tài khoản mà bà Chi đã chuyển tiền là tài khoản thẻ được mở trước ngày bà Chi chuyển tiền 3 ngày và chúng đã rút hết ngay sau đó.

Sự thật về những cuộc điện thoại trị giá hơn nửa tỷ đồng 2
Nguyễn Văn Cường, một kẻ lừa đảo qua điện thoại mới bị công an Hà Nội bắt giữ.

Một nạn nhân khác là bà Võ Thị Kim T. (60 tuổi, trú TP Nha Trang) cũng được thông báo là đang nợ tiền cước điện thoại gần 9 triệu đồng và nghi ngờ có liên quan đến một đường dây tội phạm lừa đảo đang bị Bộ Công an điều tra. Các đối tượng lừa đảo yêu cầu bà T. chuyển toàn bộ số tiền có trong tài khoản của mình sang tài khoản do người này cung cấp để giám sát trong vòng 24 giờ. Quá lo sợ nên bà T. không kịp suy nghĩ đã ra ngân hàng rút 182 triệu đồng chuyển vào số tài khoản mà người lạ cung cấp.

Nạn nhân Thái Lê Tuyết M. (SN 1984, ngụ huyện Bình Chánh) cũng trình báo với Công an việc mình đã mất 380 triệu đồng qua các hình thức tương tự kể trên. Công an TP.HCM đã phát đi thông báo rộng rãi đến công an các quận, huyện, các ngân hàng và người dân để cảnh báo về chiêu thức lừa đảo qua điện thoại, xưng là cán bộ công an, Viện KSND, toà án…

Một trong những người đã từng nhận các cuộc điện thoại kiểu này, cho biết: "Bọn lừa đảo rất bài bản, chuyên nghiệp. Chúng nói chuyện lưu loát và vẽ ra một kịch bản y như... phim. Với những ai đã từng được cảnh báo thì biết cách đề phòng, còn những người chưa nghe qua các thủ thuật này thì rất dễ dính bẫy. Ngày trước, mẹ mình cũng tin răm rắp nhưng được mọi người trong gia đình phát hiện nên đã ngăn chặn kịp lúc mẹ chuẩn bị mang tiền ra Ngân hàng gửi".

Theo thống kê, đầu tháng 8/2013 đến nay, các băng nhóm lừa đảo đã giăng bẫy hàng trăm người, chủ yếu ở TP.HCM, chiếm đoạt khoảng 20 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2014 đến nay, công an TP.HCM bắt 42 đối tượng thuộc nhiều băng nhóm, trong đó có 10 đối tượng là người Đài Loan, phong toả 400 tài khoản ngân hàng và đã thu hồi hơn 5 tỷ đồng.

Thông báo của cơ quan công an đề cập, người dân nên cảnh giác trước các cuộc gọi, bởi lẽ công an không làm việc với công dân qua điện thoại, việc thu giữ tang vật cũng đều có văn bản theo quy định của pháp luật.

Công an TP.HCM đề nghị công an các cấp tại xã, phường, khu phố, ấp có phương thức, tài liệu tuyên truyền để người dân nắm rõ từ đó cảnh giác với thủ đoạn.

Công an cũng khuyến cáo các ngân hàng thông báo đến toàn thể nhân viên giao dịch lưu ý nhắc nhở khách hàng khi rút, chuyển tiền từ tài khoản hoặc nộp tiền vào tài khoản của người lạ không rõ ràng.


Chia sẻ