Sính đồ ngoại: Ăn bò "bãi rác" Canada, đồ thối Nhật - Mỹ

Theo Infonet.vn,
Chia sẻ

Những lô hàng thực phẩm nhập từ châu Âu, Canada, Nhật tưởng chừng an toàn rốt cuộc vẫn bị trà trộn hàng quá hạn, chỉ làm thức ăn gia súc. Nếu không bị bắt giữ, có thể chúng đã leo lên thực đơn bàn nhậu với giá "cắt cổ".

Bò Úc, Canada... ra bãi rác

Sau nhiều tháng phát hiện hơn 12 tấn thịt bò đông lạnh gồm thịt, xương và gan bò xuất xứ Canada, Úc hết hạn sử dụng đến 2 năm được cất giấu trong khu vực chứa hải sản tại kho lạnh Nhan Lý (đường Trần Đại Nghĩa, huyện Bình Chánh), đến ngày 29-4, Đoàn Liên ngành huyện Bình Chánh (TP HCM) đã tổ chức tiêu hủy lô thịt bò quá hạn tại khu vực bãi rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn)...

Sính đồ ngoại: Ăn bò
Thịt bò Canada quá hạn đổ ra bãi rác.

Chủ hàng là Công ty CP Nhất Nguyên Phương (trụ sở số 15 Triệu Quang Phục, phường 10, quận 5, TP HCM) đã chấp hành nộp phạt hành chính 50 triệu đồng cho hành vi kinh doanh hàng hóa đã quá hạn sử dụng, cùng chi phí tiêu hủy lô hàng trên 73 triệu đồng.

Lâu nay người tiêu dùng vẫn cố gắng bấu víu vào siêu thị hoặc hàng nhập ngoại vì còn chút lòng tin hàng hóa nhập khẩu, bán tại siêu thị có xuất xứ thì sẽ đảm bảo chất lượng hơn hàng trôi nổi ngoài thị trường.

Cá Nhật hết date, "kem Nhật" mập mờ

Tháng 4, Đội quản lý thị trường số 1 (Chi cục quản lý thị trường Hà Nội) kiểm tra, thu giữ cá basa đông lạnh hết hạn sử dụng và kem hộp không có nguồn gốc xuất xứ tại Chi nhánh Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại SIN BA, Ba Đình, Hà Nội.

Lô 59 miếng cá basa đông lạnh (trọng lượng 130 g/miếng) có xuất xứ từ Nhật Bản bị thu giữ đã hết hạn ngày 17/2 nhưng đơn vị này đã dán nhãn phụ ghi ngày sản xuất 22/7/2013, ngày hết hạn 22/7/2014.

Ngoài ra, trong sổ kho tất cả số hàng cá basa đã hết nhưng từ ngày 17/2 đến ngày 7/4, đơn vị vẫn xuất bán ra ngoài thị trường, vẫn ghi trong sổ kế toán. Lực lượng quản lý thị trường cho biết điều này chứng tỏ Chi nhánh đã lấy hàng bên ngoài vào bán.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng tạm giữ 38 hộp kem (loại 2 kg/hộp) và 108 viên kem không ghi hạn sử dụng, không dán nhãn phụ tiếng Việt. Trên các hộp kem này chỉ ghi chữ tiếng Nhật.

Đầu năm 2014, đoàn kiểm tra liên ngành Q.Bình Thạnh, TP.HCM kiểm tra tại kho lạnh của Công ty kinh doanh thực phẩm tươi sống tại quận Bình Thạnh, phát hiện gần 6 tấn thực phẩm đông lạnh quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ: cánh gà hiệu Emivest, các loại thịt trâu, đùi gà, xương bò... có xuất xứ từ Ấn Độ, Brazil, Úc, Mỹ. Kho lạnh bốc mùi hôi thối, 300 kg thịt gà mốc xanh, gần 2 tấn cánh gà Emivest đã hết hạn sử dụng từ tháng 11-2013. Gần 4 tấn phế phẩm gà và gà đã pha lóc không bao bì nhãn mác khác...

Tại thời điểm kiểm tra, Giám đốc công ty chưa xuất trình được đầy đủ các giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Cá chình, sò ngao cũng xuất xứ Trung Quốc

Người tiêu dùng lâu nay vẫn tưởng cá chình, ngao sò cung cấp cho các nhà hàng ăn uống, chợ hải sản tươi sống là từ các vùng biển Việt Nam, nay ngã ngửa khi cơ quan chức năng phát hiện bắt giữ các mặt hàng tươi sống này vượt biên từ Trung Quốc về Việt Nam bán cho nhà hàng, quán nhậu.

Đầu tháng 4, Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội đã phát hiện, thu giữ khoảng 2 tạ cá chình có xuất xứ từ Trung Quốc tại khu vực chợ cá Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Trong các thùng là cá chình sống, đóng trong túi nilon nước in chữ Trung Quốc.

Cách đây ít ngày, Đội Kiểm soát chống buôn lậu Quảng Ninh khi ra tín hiệu dừng phương tiện kiểm tra, đối tượng đã quay xe máy bỏ chạy về phía Móng Cái, bỏ lại 15 bao hàng chứa khoảng 750 kg sò lông (một số đã chết) có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trị giá hàng hóa vi phạm nói trên ước khoảng trên 225 triệu đồng.

Chia sẻ