Rau muống tắm hóa chất: Hô biến rau bẩn thành rau sạch

Theo Người đưa tin,
Chia sẻ

Theo tiết lộ của một chủ vựa rau muống, trước khi mang rau đi bán cho chủ vựa, nhiều người còn pha thêm một loại thuốc bảo quản vào thùng nước, tạt khắp xe rau...

Để mục sở thị “bến đỗ” của rau muống sau một thời gian dài “tắm hóa chất”, PV có nhiều ngày theo chân các chủ vựa rau muống. Theo đó, cứ khoảng 5h chiều hằng ngày, các chủ vựa rau muống lại tất bật ra ruộng cắt rau, cột thành từng bó nhỏ trước khi đi giao. Đáng chú ý, theo tiết lộ của một chủ vựa rau muống, trước khi mang rau đi bán cho chủ vựa, nhiều người còn pha thêm một loại thuốc bảo quản vào thùng nước, tạt khắp xe rau.

Rau để cả tuần vẫn tươi?

Đúng 19h, theo chân một người đàn ông chở xe rau muống, PV có mặt tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức (quận Thủ Đức, TP.HCM) để tận mắt chứng kiến “bến đỗ” của các xe rau. Theo tìm hiểu của PV tại đây, cứ 19h30 hàng ngày, những chiếc xe máy chất đầy rau muống tấp nập đổ về chợ đầu mối này. Việc mua bán rau muống ở đây diễn ra rất tấp nập. Chỉ sau ít phút, hàng loạt xe rau muống đã giao hết hàng.

- Ảnh 1
Một người sản xuất đang tiết lộ với PV về cách giúp rau muống để cả tuần mà không bị hư (ảnh Hoàng Minh – Thơ Trịnh).

Một phụ nữ đánh xe tải loại 2,5 tấn đến thu gom rau muống. Ở đây có “luật buôn bán”, người giao hàng (mối quen) chỉ được phép giao cho người phụ nữ ấy. Ông M. đang loay hoay với xe rau muống, vừa giữ cho những bó rau muống không rơi, vừa kéo những bó rau nặng từ 2kg xuống để giao hàng. Khi PV đề cập đến chuyện mua bán, vì ngại nên ông M. từ chối. Ngỏ ý muốn lấy tận gốc nguồn hàng, PV cố thuyết phục và được ông M. cho số điện thoại, nói sẽ liên lạc sớm nhất với PV.

Ông M. cho biết: “Hàng chuyển về đây hầu hết đều ở phường Thạnh Xuân, Thạnh Lộc (quận 12) và xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn). Mỗi bó như thế này, chúng tôi đang bỏ cho mối ở đây là 3.500– 4.000 đồng/bó. Nếu anh muốn lấy thì phải lấy số lượng nhiều, chúng tôi mới bỏ được. Còn nếu không, thì anh lấy chỗ bà thu gom ở đây, họ sẽ bán ra mỗi bó 5.000 đồng. Đó là còn tùy loại rau dài hay rau ngắn. Nếu là rau dài thì giá cao hơn. Chỗ bà này, rau dài không có, mà phải đi đến cuối đường mới có người chuyên bán loại rau đó, giờ này thì họ nghỉ rồi”.

Khi PV đề cập đến việc sẽ lấy đủ loại rau dài, ngắn vì phải bán trong siêu thị mini và bỏ lại cho các siêu thị lớn, thì ông M. có vẻ chần chừ. Ông M. bảo chỉ cắt hàng lúc chiều và giao vào buổi tối, chứ nhà ông không giao vào buổi sáng. Với việc bán trong siêu thị mini và siêu thị lớn, thì ông M. tiết lộ, người mua tự làm sạch.

Tuy vậy, vấn đề bảo quản để rau tươi lâu từ tối cho đến những ngày hôm sau là rất khó khăn. Do đó, PV ngỏ ý muốn xin “bí quyết” bảo quản, để rau tươi lâu thì ông M. có vẻ cảnh giác. Một lúc sau, ông M. bảo “yên tâm đi, hàng này để có khi cả tuần không hư. Bởi trước khi mang đi giao, chúng tôi đã xịt thuốc bảo quản hết rồi”. Khi PV hỏi về loại thuốc bảo quản thì ông này nói: “Những người làm ruộng, cắt hàng giao đều biết và bao luôn cho người mua. Người mua chỉ cần biết rằng rau của mình được bảo quản lâu là được”.

- Ảnh 2
Những ruộng rau muống xanh tốt chứa một lượng lớn hóa chất độc hại (ảnh Hoàng Minh – Thơ Trịnh).

Để tìm hiểu rõ, PV đề cập đến chuyện thương lượng giá cả và về tận vườn lấy, thì người phụ nữ thu gom rau muống của nhà vườn đánh xe tải đi tới. Người phụ nữ này ngồi trên xe nói với ông M., giọng bực dọc: “Bán cho nó đi, cho nó số điện thoại luôn đi. Tôi cho anh bán cho nó đó”. Ông M. im lặng, lắc đầu rồi quay qua PV bảo: “Bả gom hàng ở đây, nên cứ bắt nhà vườn không được bán cho ai khác trên địa bàn này”. Thế nên, PV phải tìm cách thoái thác việc mua hàng của ông M. để ông còn làm ăn. Tuy nhiên, đôi mắt giận dữ, đầy ngờ vực của người phụ nữ trên xe tải vẫn dõi theo PV.

Những câu hỏi bỏ ngỏ

Cũng tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, trong vai một người đang đi khảo sát mẫu rau muống để cung cấp cho các siêu thị bán lẻ, PV có cuộc trò chuyện với người đàn ông tên H. (ngụ phường Thạnh Lộc, quận 12). Sau cuộc trò chuyện, anh H. tiết lộ: “Trước đây, ngoài việc nhập rau cho các mối quen, tôi còn cung cấp một lượng lớn rau muống cho các siêu thị trên địa bàn TP.HCM với giá 8.000 đồng/kg. Rau muống này khi có mặt trong siêu thị, được xem là rau sạch và giúp người tiêu dùng yên tâm hơn?!

Thời gian đó, gia đình tôi không cắt kịp rau để cung cấp cho các mối. Tuy nhiên, mới đây các siêu thị nhập rau muống của chúng tôi làm ăn thua lỗ, nên dừng việc nhận mối rau. Vì vậy hiện tại, chúng tôi chỉ giao rau muống tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức thôi. Ấy vậy mà, ngày nào việc cắt rau mang đi giao cũng đều diễn ra tất bật từ 6-7h tối đến 3h sáng ngày hôm sau”.

- Ảnh 3
Rau muống chứa đầy hóa chất độc hại được giao tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (ảnh Hoàng Minh – Thơ Trịnh).

Khi PV gặng hỏi về chất lượng rau muống, anh H. cho biết: “Khi lấy rau của chúng tôi, anh chị cứ yên tâm. Bởi trước khi thu hoạch, chúng tôi không ngừng chăm sóc, dùng các loại thuốc để dưỡng cho rau luôn trắng cọng, tươi lâu như ý muốn. Hơn nữa, một khi khách cần loại rau như thế nào, chúng tôi cũng đáp ứng được. Chẳng hạn như, nhiều khách hàng chuộng rau cọng nhỏ, lá nhỏ, nhưng có nhiều người lại thích rau cọng lớn, trắng, mềm... Còn việc phun thuốc bảo quản trước khi mang rau đi nhập thì không có. Chúng tôi chỉ dùng nước tạt lên cho rau luôn được giữ độ ẩm, tươi xanh lâu hơn”.

Cũng tại chợ đầu mối nói trên, bà X. (người chuyên nhập rau muống của nhà vườn với số lượng lớn) cho biết: “Rau muống của chúng tôi luôn đảm bảo chất lượng là không sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật. Toàn bộ đều là rau được sản xuất theo tiêu chuẩn đảm bảo an toàn mà các cơ quan chức năng đã đưa ra”. Thế nhưng, khi PV hỏi tiêu chuẩn an toàn trong quá trình sản xuất rau muống là gì, người nhập hàng có chứng kiến toàn bộ quá trình sản xuất tại vựa hay không, và ai là người đứng ra kiểm chứng rằng tất cả rau muống này đều đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Lúc này, bà X. chỉ biết im lặng, và trả lời đối phó: “Bằng chứng là nhiều năm nay, sau khi nhập rau của các nhà vườn, chúng tôi cung cấp cho hàng loạt tiểu thương tại các chợ, nhà hàng, siêu thị. Cứ thế, hàng triệu người dân trên địa bàn thành phố ăn rau muống của chúng tôi cung cấp, nhưng có bị làm sao đâu”.

Nói về việc lượng lớn rau muống “tắm hóa chất” được “phù phép” thành rau sạch khi có mặt tại các siêu thị, bà H. (ngụ tại phường Thạnh Xuân, quận 12) cho hay: “Bấy lâu nay, người dân đều nghĩ rau muống tại các siêu thị đều là rau sạch. Thế nhưng, trên thực tế không phải thế, nguồn rau muống cung cấp khá lớn cho thị trường ở TP. HCM xuất phát từ các vựa rau muống trên địa bàn huyện Hóc Môn, quận 12, Củ Chi. Mà tất cả các vựa rau ở đây đều được người sản xuất “tắm” một lượng hóa chất rất lớn, đủ các loại trước khi tung ra thị trường. Vậy cơ sở nào đảm bảo rau muống “án ngữ” trong hệ thống siêu thị là rau sạch được”.

Chưa nhận được câu trả lời từ cơ quan chức năng

Trước tình hình sản xuất rau muống chứa nhiều hóa chất độc hại như đã đưa tin, ngày 28/5, PV đã có công văn liên hệ với sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn TP.HCM để làm rõ những vấn đề liên quan, cũng như hướng giải quyết. Tuy nhiên, cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi từ đơn vị này. Ngay khi nhận được câu trả lời, chúng tôi sẽ thông tin cụ thể đến bạn đọc.

Chia sẻ