Phụ nữ Vĩnh Long cải thiện đời sống nhờ tiết kiệm nhóm

Saga,
Chia sẻ

Nhiều phụ nữ tại khu vực ĐBSCL vẫn ấp ủ việc được làm chủ cuộc sống, có cơ hội xây dựng đời sống gia đình tốt hơn qua tiết kiệm nhóm từ dự án “Sức sống Mê Kông”.

Hơn 1.300 doanh nghiệp nhỏ trong tổng số 3.500 chị em tham gia dự án đã được triển khai và duy trì ổn định đến nay. Đó là những kết quả ban đầu đến từ dự án “Sức sống Mê Kông” do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Vĩnh Long, tổ chức phi chính phủ PACT và công ty Coca-Cola phối hợp triển khai từ năm 2013.

Mong muốn vượt khó thành hiện thực

Nhìn vào căn nhà tươm tất của chị Đặng Thị Phí (50 tuổi, Tam Bình, Vĩnh Long), ít ai ngờ cách đây vài năm, gia đình chị là một trong những hộ khó khăn nhất xã. Giờ đây, chị mở cơ sở đan lát nhỏ, nuôi trăm con gà cùng trồng trọt nhiều hoa màu khác. Chị vui mừng: “Tôi không nghĩ sau một năm lại có thành quả như hôm nay. Khi tham gia chương trình, tôi đã học được cách tiết kiệm, nắm bắt cơ hội vay vốn từ quỹ tiết kiệm chung trong nhóm, chăm chỉ lao động. Hôm nay tôi đã làm chủ cơ sở này, tuy nhỏ nhưng cũng giúp cuộc sống gia đình ổn định hơn”.

Tháng 3-2013, chị Phí được cán bộ Hội phụ nữ và phụ nữ nòng cốt dự án “Sức sống Mê Kông” vận động tham gia chương trình cùng nhiều chị em trong xóm. Từ buổi gặp gỡ, hình thành nhóm diễn ra trong khoảng sân nhà chưa đầy 10m2, các chị đã được hướng dẫn bài học đầu tiên về quản lý nhóm, hệ thống sổ sách kế toán, tiết kiệm, quản lý tiền tiết kiệm... Chị em bắt đầu đóng quỹ nhóm và tích lũy tiết kiệm. Từ quỹ nhóm ban đầu là 10.000 đồng mỗi tuần/người, sau 2 chu kỳ, nhóm bắt đầu cho các thành viên vay vốn để kinh doanh.

“Trước đây tôi chỉ mong đủ ăn chứ không nghĩ đến việc để dành. Sau một năm tham gia dự án, gia đình đã đỡ chật vật hơn nhiều, có đồng ra đồng vào để tiết kiệm rồi” – chị Đặng Thị Phí (phải) (Tam Bình, Vĩnh Long) chia sẻ

Số tiền thu được từ khoản chăn nuôi, thu hoạch hoa màu chẳng những giúp chị trả hết vốn vay đúng hạn mà còn tiếp tục đầu tư chăn nuôi, trồng trọt lứa mới.“Dẫu mới chỉ là khởi đầu nhưng nay gia đình không còn phải chạy cơm từng bữa, hai đứa con đều chăm ngoan, học giỏi là niềm vui lớn nhất của tôi. Con gái đầu hiện đã tốt nghiệp đại học, đang làm kỹ sư nông nghiệp ngay tại quê nhà, con trai út đang theo học phổ thông, cũng sắp thi đại học rồi”, chị Phí tự hào kể.

Nơi chị em tương trợ và sẻ chia kinh nghiệm

Theo chị Phí, nếu trước đây chị còn chần chừ, do dự khi tham gia dự án thì bây giờ, chị không ngần ngại khuyến khích, vận động chị em thành lập nhóm tiết kiệm mới. Không chỉ được hướng dẫn phương pháp tiết kiệm, được vay vốn lãi suất thấp, nhiều chị em phụ nữ còn được hỗ trợ tư vấn tìm kiếm ý tưởng kinh doanh, nâng cao kỹ năng bán hàng, trồng trọt, chăn nuôi… và phổ biến nhiều kiến thức hữu ích khác từ dự án. “Thay vì vay ngân hàng lãi suất cao, bây giờ tham gia nhóm, vừa học được cách tiết kiệm, có lãi hằng tuần, vừa giúp đỡ chị em khác có vốn làm ăn, thủ tục đơn giản, có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm cùng nhau, chị em nào cũng phấn khởi”, chị Nguyễn Thị Thơm, thành viên một nhóm tại huyện Tam Bình chia sẻ.

Nhiều chị em phụ nữ đã tham gia thành lập nhóm mới, bắt đầu những bài học “vỡ lòng” về hình thành nhóm, quản lý sổ sách, từ đó học tiết kiệm, cho vay và phát triển kinh doanh

Trong hơn một năm qua, Coca-Cola, PACT cùng đối tác là Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã phối hợp thử nghiệm mô hình tại tỉnh Vĩnh Long, thu hút sự tham gia của hơn 3,500 phụ nữ. Nhiều chị em vui mừng vì trả được số tiền đã vay và còn tích lũy vốn, tiếp tục đầu tư sản xuất để ổn định cuộc sống.

Dự án “Sức sống Mê Kông” do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Vĩnh Long, Tổ chức phi chính phủ PACT và công ty Coca-Cola phối hợp triển khai, kéo dài trong 3 năm (2013 – 2016) với tổng số tiền đầu tư là 1.2 triệu USD. Mục tiêu ban đầu là tiếp cận và hỗ trợ cho ít nhất 5.000 chị em phụ nữ tại huyện Tam Bình và TP. Vĩnh Long.

Chia sẻ