Phụ nữ Nhật Bản lên tiếng phản đối quấy rối” thời kỳ mang thai'

,
Chia sẻ

Vừa mang thai vất vả, vừa phải chịu áp lực nặng nề trong công việc, những người phụ nữ Nhật Bản đã lên tiếng bảo vệ bản thân trong thời kỳ mang thai.


Đã có nhiều người phụ nữ tại Nhật Bản nói rằng: Họ phải lựa chọn giữa công việc và con cái khi mang thai. Họ được giao những công việc nặng nề, nguy hiểm, vất vả ngay cả khi đang mang thai nhiều tháng. Tại Nhật Bản, hiện tượng này gọi là “matahara”, hay còn “quấy rối thai sản”.

Tuần vừa qua, một nhóm phụ nữ tại Nhật Bản đã lên tiếng chống lại những hành vi quấy rối thời kỳ mang thai tại cuộc hội thảo của Tổ chức phi lợi nhuận MataharaNet.  Tại cuộc hội thảo, một người phụ nữ, là nhân viên giữ trẻ, nói rằng khi cô mang thai, quản lý vẫn bắt cô phải làm công việc nặng nhọc: “Tôi thấy công ty đối xử với tôi như là muốn tôi sẩy thai.”
 
Phụ nữ Nhật Bản gặp rất nhiều khó khăn trong công việc khi mang thai.

Một người phụ nữ khác nói rằng điều kiện làm việc của cô xấu đi sau khi nghỉ thai sản. Ông chủ không cho phép cô tham gia các hoạt động chuyên môn như đi dự hội thảo, đi thăm bệnh viện,… để nâng cao tay nghề. Khi nêu ý kiến, quản lý nhắn với cô rằng “hãy tập trung vào con mình”. 

Đến cuối tháng, quản lý tự ý trừ lương của cô với lý do: Không tham gia hoạt động chuyên môn dù đó không phải lỗi của cô.

Phụ nữ mang thai ở Nhật Bản thường bị cho là người làm ảnh hưởng đến công việc. “Thông báo về việc mang thai với sếp và đồng nghiệp giống như là áp lực từ chức vậy. Nhiều người cho rằng, phụ nữ mang thai là “gánh nặng” cho đồng nghiệp. Mọi người sẽ phải chia sẻ công việc trong thời gian người phụ nữ nghỉ thai sản, chăm sóc con cái và cả khi con ốm.” – Nana Oishi, giáo sư tại Đại học Melbourne cho biết.


Có đến 60% phụ nữ Nhật Bản mất việc sau khi sinh con.

Theo thống kê, cứ 4 phụ nữ mang thai thì có 1 phụ nữ bị “quấy rối” tại Nhật Bản. Ngoài ra, 60% phụ nữ mất việc sau khi sinh con đầu lòng.

Đã có các quan điểm khác nhau về vấn đề “quấy rối thai sản” của phụ nữ Nhật Bản. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, cần phải thay đổi quan niệm này để giải quyết tình trạng thiếu lao động trong tương lai. Theo dự đoán, đến năm 2060, số người trong độ tuổi lao động ở Nhật Bản sẽ giảm một nửa. Việc khuyến khích phụ nữ sinh con sẽ phần nào giải quyết thách thức về dân số.

Thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo Abe đã kêu gọi tăng 30% vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong tất cả các lĩnh vực vào năm 2020. Thu hẹp khoảnh cách giữa đàn ông và phụ nữ là trọng tâm để khôi phục kinh tế Nhật Bản, đảm bảo bình đẳng giới, giúp người phụ nữ có thể đạt nhiều quyền lợi hơn trong cuộc sống và công việc.
 
                                            Vân Anh/ Theo QZ.com
 
Chia sẻ