Phụ nữ đơn thân sinh con với tinh trùng từ ngân hàng

Theo Tuổi Trẻ,
Chia sẻ

Việc này có thể được thực hiện từ ngày 15-3 khi nghị định về việc sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có hiệu lực.

Phụ nữ đơn thân sinh con với tinh trùng từ ngân hàng  1
Kho lưu trữ tinh trùng tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Phụ sản T.Ư - Ảnh: Nguyễn Khánh

Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia NGUYỄN VIẾT TIẾN cho rằng đây là một quy định rất nhân văn, hỗ trợ cho phụ nữ được thực hiện thiên chức làm mẹ nếu vì một lý do nào đó các chị không lập gia đình hoặc không thể có con theo hình thức thông thường.

Ông Tiến cho biết:

- Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì đây là lần đầu tiên có quy định pháp lý, còn quy định cho phép phụ nữ đơn thân nhận tinh trùng từ người hiến tặng và thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm cho họ đã có từ năm 2003.

Nhận thấy đây là một quy định rất nhân văn nên Luật hôn nhân gia đình sửa đổi và mới đây là nghị định về việc sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo tiếp tục quy định hành lang pháp lý cho vấn đề này.

Trong đó, phụ nữ đơn thân muốn có con có thể xin tinh trùng từ ngân hàng và được các cơ sở y tế được phép triển khai thụ tinh trong ống nghiệm, có đủ điều kiện kỹ thuật làm thụ tinh trong ống nghiệm hỗ trợ.

Về mặt thủ tục, các chị cần có chứng nhận của địa phương hiện tại là đơn thân, xác nhận tiền sử gia đình và con cái.

Nếu các chị đã ly hôn thì cung cấp thêm quyết định cho phép ly hôn của tòa án để bệnh viện xem xét, tiến hành kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.

* Về mặt kỹ thuật việc thụ tinh trong ống nghiệm cho các bà mẹ đơn thân có gì khác với các gia đình đến nhờ hỗ trợ sinh con bằng phương pháp khoa học, thưa ông?

- Nếu các chị có chất lượng trứng bình thường, các chức năng đường sinh sản, vòi tử cung bình thường thì cơ sở y tế sẽ dùng kỹ thuật bơm tinh trùng, còn trường hợp cổ tử cung tắc nghẽn sẽ làm kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.

* Có một vấn đề mà rất nhiều người lo ngại là có thể người hiến tinh trùng sẽ hiến nhiều lần, và từ đó sẽ có hôn nhân cận huyết ở thế hệ con cháu sau này do không xác định được người bố, tức người hiến tinh trùng. Theo ông, có thể xảy ra nguy cơ này hay không?

- Bắt đầu từ năm 2003 khi xây dựng nghị định về sinh con bằng phương pháp khoa học, Bộ Y tế đã tổ chức nhiều hội thảo phối hợp với Bộ Tư pháp, trường ĐH luật, mời cả chuyên gia nước ngoài để nói về nguy cơ này, nhưng các chuyên gia nước ngoài cũng nói là không thể.

Lý do là người hiến tinh trùng phải là người có chất lượng tinh trùng tốt, có sức khỏe và đảm bảo các yêu cầu về trí tuệ, tâm lý, những người có tinh trùng chất lượng kém hoặc có những vấn đề về sức khỏe, tâm lý... thì ngân hàng sẽ không nhận tinh trùng hiến tặng.

Nguyên tắc nữa là mỗi người chỉ được hiến tặng tinh trùng một lần.

Tuy nhiên cũng có khó khăn là chúng tôi không có chiến dịch để huy động tinh trùng hiến tặng (giống như chiến dịch hiến máu), nên ngân hàng tinh trùng có tình trạng cung không đủ cầu.

Có tình trạng người có nhu cầu xin tinh trùng từ ngân hàng phải xin anh em ruột, họ hàng mẫu tinh trùng để hiến tặng vào ngân hàng, rồi “đổi” lấy mẫu tinh trùng đang được ngân hàng lưu giữ.

Điều đó cũng khó khăn cho những người đơn thân, nhưng nếu không làm như vậy thì không đủ mẫu để cung cấp cho người có nhu cầu.

Nếu như có những chiến dịch để huy động thì những người khỏe mạnh, có khả năng có thể hiến tặng tinh trùng cho các ngân hàng. Làm được như vậy sẽ tốt cho người đi xin tinh trùng từ ngân hàng bởi các chị em rất tha thiết có con.

Thực tế cho thấy đại đa số (trừ các trường hợp éo le) các cháu được sinh ra bằng phương pháp này đều được mẹ và gia đình yêu quý, nuôi dưỡng tốt...

* Thưa ông, khả năng thành công và chi phí cho việc thực hiện kỹ thuật này như thế nào?

- Ở Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia, tỉ lệ thành công trong hỗ trợ phụ nữ đơn thân sinh con cũng tương tự hỗ trợ sinh sản cho các gia đình là 50%. Còn về chi phí một ca hỗ trợ sinh sản là từ 30-70 triệu đồng, tùy theo độ tuổi của cha mẹ, các bệnh lý kèm theo.

Với phụ nữ đơn thân, chi phí cũng như vậy nhưng sẽ kèm thêm một khoản chi phí nhỏ để trả phí bảo quản lưu giữ mẫu tinh trùng.

Pháp luật bảo vệ các gia đình nhờ mang thai hộ

Có hai điểm đáng chú ý trong quy định về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, có hiệu lực thực hiện từ ngày 15-3 này. Trong đó, trước đây luật pháp bảo vệ người mang thai, ai sinh con thì người đó là mẹ.

Quy định mới bảo vệ cả các gia đình nhờ mang thai hộ và có quy định rõ điều kiện của các bên, như người mang thai hộ có bản cam kết tự nguyện mang thai về mục đích nhân đạo, bản xác nhận tư vấn y tế cho cả hai bên nhờ và mang thai hộ, thỏa thuận giữa bên nhờ và bên mang thai hộ...

Về độ tuổi các bà mẹ thì trước đây quy định cứng chỉ cho phép hỗ trợ sinh sản cho phụ nữ dưới 45 tuổi, tuy nhiên trong quá trình chuẩn bị hồ sơ có thể các chị quá 45 tuổi, khi đó phải có lãnh đạo Bộ Y tế xem xét mới được làm.

Quy định hiện không giới hạn độ tuổi, những người có nhu cầu và đủ điều kiện về sức khỏe, luật pháp... sẽ được tạo điều kiện.

Chia sẻ