Sau hai thảm họa MH370 và MH17:

Nhân viên Malaysia Airlines hoang mang, tinh thần sa sút và muốn nghỉ việc

Lê Minh (Theo Malaysia Insider),
Chia sẻ

Đau đớn, hoang mang và sa sút tinh thần là những gì mà nhân viên Malaysia Airlines đang trải qua sau 2 thảm họa cướp đi sinh mạng hàng trăm hành khách và đồng nghiệp của họ.

Jonathan Takom là quản lý của hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS) đã được 16 năm. Thế nhưng, những ngày này, sau hai thảm họa MH370 và MH17, Takon cảm thấy sợ khi phải nhận điện thoại của gia đình lo lắng cho sự an toàn của anh.

"Nhất là khi chúng tôi hạ cánh xuống đâu đó, người thân sẽ kiểm tra xem con cái mình có an toàn không. Mọi người muốn biết giờ bay và đặc biệt là số hiệu chuyến bay. Gia đình gây sức ép muốn tôi nghỉ việc và yêu cầu tôi phải suy nghĩ về chuyện này”, Takom cho biết.

Danh tiếng của Malaysia Airlines đã bị hủy hoại bởi sự biến mất của MH370 vào hồi tháng 3 và chuyến bay MH17 bị bắn rơi ở Ukraine vào ngày 17/7. Bi kịch kép này đã cướp đi sinh mạng hàng trăm hành khách và 27 thành viên phi hành đoàn của Malaysia Airlines.

"Rõ ràng vụ MH17 là một tình huống bạn nhìn thấy đang xảy ra, máy bay rơi xuống", Ismail Nasaruddin, chủ tịch hiệp hội tiếp viên hàng không quốc gia của Malaysia, nhắc đến video quay những khoảnh khắc cuối cùng khi chiếc Boeing 777 bốc cháy. 

Nhân viên Malaysia Airlines hoang mang, tinh thần sa sút và muốn nghỉ việc 1
Một tiếp viên hàng không viết cảm nhận lên bức tường tưởng nhớ tổ bay và hành khách trong chuyến bay MH17 tổ chức tại trung tâm đào tạo bay MAS ngày 24/7 

Malaysia Airlines đã phải đấu tranh trong nhiều năm qua vì thua lỗ tài chính, giờ đây tình hình trở nên phức tạp hơn bởi thảm kịch liên tiếp. Kế hoạch thay đổi hoàn toàn hãng, theo các nhà phân tích bao gồm cắt giảm biên chế và tiền lương cao ngất ngưởng càng làm tăng cảm giác căng thẳng.

Một phi công 43 tuổi cho biết, tinh thần của các thành viên phi hành đoàn đang sa sút và sự tươi vui trên khuôn mặt của họ mỗi khi hạ cánh không còn nữa. Một tiếp viên phục vụ 12 năm cho MAS có ý định đổi công việc vì không muốn gia đình lo lắng.

Nhân viên Malaysia Airlines hoang mang, tinh thần sa sút và muốn nghỉ việc 2
Hiện trường thảm khốc vụ máy bay MH17 bị bắn rơi

Chúng tôi giống như một gia đình

Tại một buổi lễ cầu nguyện cho đội bay và hành khách MH17 tổ chức vào ngày 24/7 tại trung tâm đào tạo của Malaysia Airlines ở ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur, nhiều nhân viên mặc đồng phục in hình hoa batic màu xanh đặc trưng cho phi hành đoàn. Mắt ai nấy cũng đều đỏ hoe. Nhiều người nán lại sau buổi lễ, bật khóc rồi ôm chặt lấy nhau.

Chúng tôi vẫn cảm thấy đau đớn nhưng phải bước tiếp thôi”, một nữ tiếp viên hàng không 39 tuổi làm việc 17 năm cho MAS tâm sự.

Hầu hết các nhân viên hàng không đều giấu tên vì hãng yêu cầu họ không được nói chuyện với giới truyền thông. “Thật sự khó khăn. Chúng tôi chỉ mới vừa qua khỏi cú sốc MH370”, một tiếp viên hàng không 41 tuổi nói.

Các tiếp viên cho rằng thảm kịch đã khiến họ xích lại gần nhau hơn. Takom và những đồng nghiệp cảm thấy an ủi khi nhận được những lời chúc tốt lành, thậm chí là những cái ôm, hoa và socola từ hành khách.

Nhân viên Malaysia Airlines hoang mang, tinh thần sa sút và muốn nghỉ việc 3
Các tiếp viên khóc trong buổi lễ cầu nguyện

Tôi sẽ tiếp tục bay nhưng khi làm việc chúng tôi nghĩ về những người vẫn còn mất tích. Điều gì cũng có thể xảy ra với bất kỳ ai trong chúng tôi. Chúng tôi giống như là gia đình vậy”, Takom tâm sự.

Tại buổi lễ cầu nguyện, một bức tường được dựng lên để tưởng nhớ những người xấu số, trên đó có nhiều hình ảnh của các phi hành đoàn MH17 .

“RIP, chúng tôi nhớ các bạn”, dòng chữ của một tiếp viên lưu lại trên tường trung tâm đào tạo. “Chúng tôi yêu các bạn, những tiếp viên đi trên chuyến bay MH370 và MH17”, một dòng tâm sự khác viết.

Hành khách hoảng sợ sau các vụ tai nạn máy bay liên tiếp

Những vụ tai nạn hàng không liên tiếp trên khắp thế giới khiến hành khách hay phải đi máy bay hoảng sợ.

Một khảo sát trực tuyến do tờ Mirror của Anh thực hiện, ngay sau khi có thông tin máy bay của hãng Air Algeria gặp nạn, gần 60% người được hỏi khẳng định họ sẽ không dám đi lại bằng máy bay trong thời gian tới. Chỉ 40% số người tham gia khảo sát nói rằng họ vẫn lựa chọn máy bay làm phương tiện đi lại nhưng với sự cân nhắc thận trọng hơn nhiều.

Trên các mạng xã hội như Facebook, Twitter, cư dân mạng hoang mang hỏi nhau về độ an toàn của các chuyến bay, thậm chí nhiều người hoảng sợ khi sắp phải lên máy bay để di du lịch hay phục vụ công việc.

Một người có tên là Kopano Phokojoe chia sẻ: “Với thông tin mới nhất về vụ rơi máy bay Algeria, tôi đang sợ chết khiếp khi nghĩ đến chuyến bay tới Lesotho vào tuần sau”.

Một thành viên khác tên là Ais Says thì tự hỏi: “Làm sao mà máy bay cứ gặp nạn mãi thế nhỉ? Thật sợ khi nghĩ đến việc sẽ phải bay tiếp”.

Thàn viên Ioren thì nói rằng giờ đây cô không dám nghĩ đến việc sẽ bay về nhà sau khi nghe liên tiếp thông tin về những vụ tai nạn máy bay như vậy.

(TH)

Chia sẻ