Ngôi làng hầu như ai cũng biết chữa bệnh vô sinh

Theo PNT,
Chia sẻ

Có lẽ không có bất cứ một ngôi làng nào ở Việt Nam giống như làng An Thái, xã An Mỹ, tỉnh Hà Nam. Bởi lẽ, tại đây, cả làng đều là những thầy thuốc, lương y biết chữa căn bệnh vô sinh bằng phương thuốc gia truyền. Rất nhiều người mắc căn bệnh “hiếm muộn” đã tìm đến đây để mong sao có thể sinh hạ được quý tử.

Cả làng là thầy thuốc

Nằm cách trung tâm Hà Nội hơn 80km theo đường quốc lộ 1A, nên phải mất vài tiếng chạy xe ròng rã, tôi mới đặt chân đến làng An Thái. Chỉ vừa bước đến đầu làng tôi đã ngửi thấy mùi sao thuốc bắc ngào ngạt phả ra từ các ngôi nhà quanh làng. Có nhà, cả sân chật cứng các vị thuốc bắc đang được mang ra phơi nắng cho đỡ ẩm mốc.

Ngôi làng nhỏ bé này chỉ có hơn 500 hộ dân thì đã có tới gần 200 hộ treo bảng “điều trị vô sinh”. Cao điểm nhất là khoảng một năm trở lại đây, từ nhiều tin đồn, dân trong Nam, ngoài Bắc rủ nhau ùn ùn tìm đến với hy vọng được điều trị khỏi bệnh hiếm muộn, có ngày lên đến con số hàng trăm người.

Đi dọc theo con đường dẫn vào sâu trong làng, tôi bắt gặp vô số nhà treo biển đề tên bà lang này, bà lang nọ và đều ghi rõ “chữa bệnh vô sinh”. Nghĩ bụng phải hỏi thăm xem ở đây, ai là người cao tay nhất về thuật chữa bệnh hiếm muộn, tôi liền dò hỏi người dân quanh làng, nhưng tất cả mọi người đều cho biết: “Làng này, ai chẳng như nhau. Nhà nào cũng chữa được bệnh vô sinh, cả bệnh phụ khoa nữa”.

Rồi một người phụ nữ tên L. bất ngờ từ đâu chạy ra, liến thoắng kể cho tôi nghe, nào là chuyện chữa bệnh cho bé gái 14 tuổi kinh nguyệt không đều, hay việc một ông lão cao tuổi rồi mà hồi xuân như thanh niên tráng kiện.

Người phụ nữ này còn thề thốt về chuyện cách đây một tháng, có ông 70 tuổi bị bệnh “súng tịt ngòi” được cậu con trai đưa đến làng này để chữa bệnh. Sau về nhà, sức lực sung mãn, ông cụ này đã nảy sinh tình cảm với một người đàn bà 50 tuổi, rồi tổ chức đám cưới ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”.

Bà L. còn kể về chuyện ngay chính bản thân mình trải qua cho tôi nghe: “Ngày em chửa đứa thứ hai, thai mới có 6 tháng, đi khám, bà lang chỉ thọc tay vào sờ cái là biết ngay trai hay gái rồi. Bà bảo: “Con trai rồi”. Sau đó sinh ra đúng con trai thật”. Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên: “Sao lạ vậy chị?”. “Thì bà ấy sờ thấy mà lại. Chữa bệnh bằng phương pháp gia truyền hiệu nghiệm lắm. Lát anh vào, khắc biết”.

Nửa tin nửa ngờ, chưa biết thực hư ra sao, tôi thử đặt chân vào một cơ sở chữa bệnh tại đây để “mục sở thị’ về phương pháp bí truyền. Tôi hỏi thăm nhà bà lang Phúc, tức cụ Nguyễn Thị Nhân, vì được biết đây là Chi hội trưởng Chi hội Đông y ở Làng An Thái.

Hiện tại, bà lang Phúc đã truyền lại nghề cho con dâu của mình là lương y Đỗ Nguyễn Mỹ Hà. Chị Hà cho hay, tính đến đời mình là đời thứ 4 được lĩnh hội chân truyền về phương thuốc chữa bệnh phụ khoa, đặc biệt là bệnh vô sinh.

Làng An Thái.


Khi được hỏi về phương pháp điều trị của các thầy làng này có gì đặc biệt, chị Hà bật mí: “Cách chữa bệnh cũng không khác lạ so với những nơi khác là mấy. Nếu bệnh nhân là nam giới, thầy sẽ cho mang thuốc về nhà tự uống, chứ tuyệt đối không thâu nhận ở lại phòng bệnh của nhà. Riêng đối với phụ nữ thì cho nằm lại nhà thầy lang để chữa trị, mỗi ngày được khám hai lần và cho uống thuốc”. Tuy nhiên, về phương thuốc thì chị Hà xin phép được giữ kín vì đó là “tuyệt kỹ” riêng và theo nội quy của dòng họ thì cũng không được phép tiết lộ.

Thường thì bệnh nhân được điều trị theo hai đợt. Đợt đầu trong vòng 15 - 20 ngày và đợt hai từ 7 - 10 ngày, mỗi đợt cách nhau khoảng ba tháng. Thuốc các “thầy” tại đây sử dụng thuộc dạng “viên hoàn tán” tức dạng bột và dạng viên.  Mỗi người bệnh có một loại tễ riêng, người thuốc bột, người thuốc viên, trung bình mỗi người uống từ một đến hai tễ. Hết thời gian uống thuốc, người bệnh sẽ đi xét nghiệm để điều chỉnh liều lượng. Trung bình, chi phí thuốc men mỗi người hết khoảng 50.000 – 100.000 đồng/ngày.

Khi chị Hà cho tôi xem cuốn sổ ghi bệnh nhân thì có rất nhiều người từ khắp các vùng miền đã từng đến đây khám bệnh. “Không phải là tất cả, nhưng có tới 70% số bệnh nhân đến An Thái chữa bệnh thì đều có tin vui” - chị Hà khẳng định.

Mỗi khi Tết đến, xuân về cũng là lúc làng An Thái nhộn nhịp hơn bao giờ hết, hay những dịp rằm tháng chạp, con cái các nơi đã lục tục kéo về ăn Tết và giúp gia đình tiếp khách. Trong Nam, ngoài Bắc, miền núi, đồng bằng, nông dân, trí thức, xe đạp, ô tô... rộn ràng cả con ngõ. Họ đều là những người đã từng được các thầy trong làng này chữa trị khỏi căn bệnh vô sinh quái ác.

"Riêng đối với phụ nữ thì cho nằm lại nhà thầy lang để chữa trị,
mỗi ngày được khám hai lần và cho uống thuốc”.


Nhiều người tay bồng tay bế, có nhà kéo cả ông bà nội ngoại đến để tạ ơn những người đã giúp họ tìm được thiên chức làm mẹ, làm cha. Chồng chị Hà (con trai bà lang Phúc) nói: “Khách đông lắm, không nhớ xuể. Mỗi độ Tết đến, gia đình tôi lúc nào cũng rộn ràng như có đám cưới. Trước khi chia tay, nhiều người còn muốn lưu lại vài dòng cảm tưởng vào quyển sổ chữa bệnh để thay lời cảm tạ và giữ lại chút kỷ niệm về niềm vui sướng khi đã có thể sinh hạ được những đứa con khỏe mạnh”.

Làng nghề “không đàn ông”

“Không đàn ông” chính là tôn chỉ của làng nghề thuốc An Thái. Tất cả các thầy thuốc trong làng An Thái đều là nữ giới, không có bất kỳ một nam nhân nào hành nghề chữa bệnh vô sinh tại đây. Theo chị lời chị Hà cũng như các bà lang trong vùng thì bài thuốc chữa bệnh vô sinh của làng này trước đây vốn có tên ban đầu là bài thuốc “bà lang Sái”, xuất hiện từ thế kỷ 17.

Người đầu tiên hành nghề là cặp vợ chồng cụ Nguyễn Thị Lệ. Hai vợ chồng chuyên làm nghề đỡ đẻ và bốc thuốc dưỡng thai. Sau đó, vợ chồng cụ Lệ đã tìm ra được bài thuốc gia truyền trị bệnh vô sinh thể hiện hậu thiên cho cả phụ nữ lẫn nam giới như các bệnh khí huyết hư suy, kinh nguyệt không đều, hẹp cổ tử cung, vô sinh do môi trường làm việc, di tinh, mộng tinh, yếu sinh lý…

Bài thuốc này được dân trong làng quen gọi là bài thuốc bà lang Sái. Do không có con trai nên hai cụ trước khi qua đời đã truyền nghề lại cho con gái. Từ đó thành tập tục, bài thuốc chỉ được truyền cho con gái, con dâu chứ không truyền cho nam giới.

Thêm nữa, cũng vì tính chất của việc chữa bệnh vô sinh và bệnh phụ khoa là phần lớn bệnh nhân đến khám là nữ, lại là thứ bệnh “thầm kín”, khó nói với người khác giới, chỉ có chị em mới dễ dàng thấu hiểu. Người đã từng nạo phá thai, cắt bỏ buồng trứng hay mắc bệnh khó nói… dẫn đến hiếm muộn khó có thể bước qua rào cản tâm lý nếu phải gặp “thầy” là nam giới.

Khi truyền lại nghề cho con cháu, các thầy lang đều chọn con gái. Đối với những gia đình sinh toàn con trai, nghề thuốc sẽ được truyền cho một trong số những người con dâu, tùy theo tư chất của mỗi người mà có sự lựa chọn. Bởi vậy, đã hơn 300 năm nay, ở làng An Thái, chỉ nghe thấy có bà lang mà chưa nghe tiếng ông lang bao giờ.

Đã hơn 300 năm nay, ở làng An Thái, chỉ nghe thấy có bà lang.


Để tìm hiểu rõ hơn thông tin về ngôi làng kỳ lạ này, tôi tìm gặp lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã An Mỹ. Ông Nguyễn Đức Toàn - Phó chủ tịch xã An Mỹ - cho biết: “Trên địa bàn xã hiện có khoảng 150 hộ gia đình hành nghề chữa bệnh vô sinh, trong đó có trên 50 hộ đã có giấy phép của Sở Y tế Hà Nam cũng như được sự công nhận của Hội Đông y xã An Mỹ. Số còn lại do có đời trước truyền lại nghề nên cũng hành nghề theo gia truyền. Tuy nhiên, những hộ này vẫn luôn có sự kiểm soát của Ban Y tế huyện”.

Cũng theo lời ông Toàn, mặc dù có một số “con sâu làm rầu nồi canh” mượn danh làng An Thái để đi nơi khác chữa bệnh nhưng tại xã An Mỹ đến nay, chưa có bất kỳ vụ việc rắc rối, hay phàn nàn gì của bệnh nhân về phương pháp chữa bệnh vô sinh và bệnh phụ khoa của các thầy trong làng.

Tuy nhiên, bên cạnh những gia đình thực chất chữa bệnh có từ lâu đời thì không ít các hộ khác mọc lên, ăn theo dịch vụ này. Việc ăn theo này làm cho người dân từ xa đến không biết đâu mà lần, dẫn đến cảnh nhiều người tiền mất tật mang. Hiện nay, số người chữa bệnh vô sinh ngày càng nhiều. Vì vậy, trước khi quyết định đi chữa bệnh, mỗi người cần tìm hiểu thật kĩ để tránh tình trạng “mất cả chì lẫn chài”.
Chia sẻ