Muôn kiểu đón Tết của người xa xứ

Đồng Dao,
Chia sẻ

Tết là ngày đoàn viên, quây quần bên gia đình, người thân, tuy nhiên, với những phụ nữ xa quê, Tết truyền thống không được rộn ràng, ấm áp như vậy. Nhiều người vẫn cố gắng duy trì, gìn giữ những giá trị truyền thống với muôn kiểu đón Tết khác nhau...

Đón Tết cùng cộng đồng người Việt

Với chị Duyên Khưu đang cùng gia đình sinh sống tại bang Virginia, Mỹ, Tết trong trí nhớ của chị: “Nhớ lắm những chợ hoa về đêm, nhớ tiếng pháo nổ và mùi thơm nồng, hương vị khói thơm của xác pháo vẫn còn đâu đây. Nhớ cây tắc sai trái, nhớ cúc đại đoá, vạn thọ, mai, đào. Làm sao quên được những công viên, hội chợ Tết, những bài hát lô tô, những người thợ đi dạo dụ chụp hình, nhất là vỏ hột dưa đầy trên mặt đường...những thứ này làm sao quên được khi Tết "của mình" nhìn quanh chỉ có là một màu tuyết trắng”.

Những ngày Tết bên này, chị Duyên và mọi người trong gia đình vẫn phải đi làm bình thường. Dù ai cũng hiểu rõ Tết xa quê không thể nào giống Tết quê nhà nhưng cả nhà cũng dọn dẹp nhà cửa, mua trái cây, làm dưa món, mua bánh Tét để có hương vị Tết và cố gắng thức khuya cúng giao thừa cầu mong 1 năm mới an lành, suôn sẻ. Bởi có những ký ức về Tết không bao giờ phai nhạt trong chị: “ Đón Tết ở quê nhà ấm áp lắm, bà con khắp xóm đi chúc Tết cho nhau, con người cũng như hiền lành và đáng yêu hơn vào ngày Tết. Những bé gái cỡ tuổi mình lúc đó ăn nói nhỏ nhẹ, ý tứ trong chiếc áo mới mẹ may cho, rụt rè sợ chính mình là người đạp đất nhà ai đó”.

Muôn kiểu đón Tết của người xa xứ 1

Vợ chồng chị Duyên luôn khuyến khích con cái tham gia vào các hoạt động đón Tết truyền thồng của cộng đồng người Việt.

Chính vì những điều đáng yêu kia mà chị Duyên lúc nào cũng muốn duy trì cái truyền thống đón Tết cổ truyền lại cho các con. Chị cho các con tham gia vào những chương trình văn hoá, văn nghệ đón Tết do cộng đồng người Việt của vùng tổ chức, giao phó công việc, trách nhiệm tuỳ theo lứa tuổi, giải thích cho con biết tại sao đón Tết cổ truyền lại quan trọng như vậy? Và chính các con mới là những người cần gìn giữ những truyền thống đó cho thế hệ sau này con của các con.

Vì thế chị luôn căn dặn con cái: “Kiến thức các con dù cho có thật nhiều, nhưng những phong tục tập quán căn bản đón Tết của người Việt mà các con còn không biết thì các con thật sự đã mất gốc”.

Tết trực tuyến với người thân

Chị Giang Thanh sinh sống tại thủ đô Brussels của Bỉ cùng với 2 con 17 tuổi và 13 tuổi, chị nhớ lại những cái Tết khi vừa mới qua Bỉ: “Tôi sợ Tết lắm, cảm thấy mình quá cô đơn và lẻ loi giữa 1 đất nước xa lạ. Những ngày cận Tết và Tết, cứ ngồi gặm nhấm từng kỷ niệm rồi khóc. Hồi đó không như bây giờ, gọi điện thoại cũng đắt đỏ nên hễ nghe tiếng của người thân là lại khóc”.

Nhưng với chị, Tết là những gì rất thiêng liêng nên năm nào chị cũng chuẩn bị 1 mâm cúng cho cái Tết tươm tất nơi đất khách. Và vài năm nay, Tết của chị cũng sum vầy hơn khi có thể “đoàn viên” trực tuyến với người thân ở Việt Nam. 

Chị chia sẻ: “ Người thân ở nhà đương nhiên là nhớ, được gặp trực tiếp thì có gì bằng. Nhưng bây giờ hiện đại, có mạng xã hội rồi có thể trò chuyện trực tuyến nên cảm giác nhớ nhung cũng vơi đi phần nào. Dù ở tận bên này nhưng vẫn có thể hưởng chút không khí Tết qua màn hình điện thoại hay vi tính”.

Cái chị băn khoăn là vẫn muốn giữ những giá trị truyền thống cho con cái. Chính vì vậy, vào ngày Tết, chị cũng đưa con đi đến những nhà bạn bè quen biết, cùng tổ chức những buổi tiệc họp mặt đón năm mới. Những năm các con còn nhỏ, khi chưa phải đi học (Vì Tết nguyên đán không trùng với lịch nghỉ các bé) chị đều cố gắng đưa các con về quê ăn Tết. Thế nên, bây giờ khi đã lớn, các bé vẫn có những ấn tượng và kỷ niệm về ngày Tết ở Việt Nam.

“Tết trong ký ức của mình rất ấm áp. Mình là con út trong nhà nên năm nào cũng chờ đợi Tết đến, khi các anh chị đi làm, đi học xa về được sum vầy, trò chuyện, được tặng quần áo mới. Mình luôn muốn giữ những giá trị đẹp đó cho con cái mình vì nhiều đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài ít có quan niệm hướng nội như người Việt Nam. Con cái mình cũng thành thói quen, Tết cũng ăn mặc lịch sự, ngồi chúc Tết ông bà. Dù qua màn hình máy tính, nhưng mình vẫn cảm nhận được sự nồng ấm. Các con vẫn nhận được lì xì của ông bà, các cô dì. Và cứ về Việt Nam, lại được lấy số tiền lì xì đó ra mua những gì các con thích” - chị Giang Thanh bộc bạch.

Muôn kiểu đón Tết của người xa xứ 2
 Những người xa quê luôn "thèm" cảm giác được ăn Tết đầm ấm, sum vầy ở quê nhà. (Ảnh minh hoạ)

Ăn Tết “ké” với bạn bè

Còn chị Thu Trang hiện đang sống tại thành phố Sydney, Úc lại đón 1 cái Tết rất khác, gia đình chị đón Tết bên bạn bè. Vì có con nhỏ nên chị chỉ chuẩn bị đơn giản 1 mâm cúng Tết giao thừa. Những thứ bánh, mứt của riêng ngày Tết chị đều được bàn bè biếu tặng. Lịch ăn Tết của chị được sắp xếp luân phiên ở nhà bạn bè. 1 nhóm bạn thay phiên nhau tổ chức Tết ở nhà từng người. Vậy là cứ chiều tối sau khi đi làm về mọi người tập trung lại, cùng trò chuyện, ca hát. Cũng đi chùa, cũng lì xì, cũng chúc mừng để các bé được “sống” trong không khí là ngày Tết Việt và người lớn lại thấy ấm lòng.

Chị Trang tâm sự: “Năm nào cũng vậy, một nhóm những người quen đều lên lịch thay phiên nhau. Mùng 1 vẫn cho các con mặc áo dài, đứng bên nhành mai “giả” treo đầy các phong bao lì xì để chụp hình đón Tết. Tết xa quê, không có người thân bên cạnh nên bạn bè cùng nhau tạo nên bầu không khí Tết. Cũng chạnh lòng nghĩ Tết nhà nhưng vì tập trung bạn bè đông đủ nên nỗi nhớ quê cũng nguôi ngoai”.

“Thường thì thời khắc giao thừa, mình cảm thấy nôn nao lắm. Thắp nén hương lên bàn thờ, ngồi tí tách hạt dưa, thấy cũng thiếu thiếu chút Tết quê. Nhưng xung quanh vẫn có chồng con, có bạn bè, Tết truyền thống với mình cũng đã ấm hơn hẳn so với những ngày mới một thân một mình qua đất Úc”, chị Thu Trang tâm sự.

Thật vậy, dù ở đâu trên trái đất này, Tết vẫn là thời khắc thật thiêng liêng đối với tất cả những người con đất Việt.

Chia sẻ