Mất niềm tin khi đi làm từ thiện theo báo

Đ.H,
Chia sẻ

Không thể phủ nhận báo chí là một cầu nối quan trọng để đưa những trường hợp khó khăn đến được với sự giúp đỡ của những nhà hảo tâm. Nhưng càng ngày, nhiều người càng mất niềm tin khi đi làm từ thiện theo báo.

Báo viết đáng thương, đến tận nơi “thấy cũng bình thường”

Với những người hay đi làm từ thiện thì đây là chuyện rất thường gặp. Những bài báo đưa lên hầu hết đều miêu tả tình cảnh của “nhân vật” hết sức đáng thương. Tuy vậy, khi những người hảo tâm tìm đến tận nơi thì thấy rất nhiều hoàn cảnh tuy không được dư dả, thoải mái nhưng chỉ bằng một phần những thông tin mà bài báo nêu.

Các nhà hảo tâm ngày càng thận trọng trong việc đi làm từ thiện.


Trước đây, đã từng có người phản ánh khi tìm đến địa chỉ từ thiện mà báo đăng, họ phát hiện ra “ngôi nhà” nhỏ xíu, trống huếch trống hoác trong ảnh mà báo đăng để lấy thương cảm của mọi người thực chất lại chỉ là gian bếp, còn ngôi nhà thực sự thì vẫn đủ sức trú nắng che mưa cho người ở và rộng rãi hơn khá nhiều.

Gần đây nhất là sự việc “ông bà già bị bảy đứa con bất hiếu đẩy ra đường cùng cỗ quan tài”. Câu chuyện của ông bà đã tốn không ít giấy mực của báo chí và nước mắt xót thương của mọi người. Cộng đồng mạng xôn xao về câu chuyện này suốt một thời gian dài. Tuy vậy, càng ngày càng có nhiều thông tin đa chiều về vụ việc trên. Lời kể của ông bà mâu thuẫn với con cái của mình. Phóng viên một số báo khi tìm đến nơi thì nhận thấy “cuộc sống của ông bà hiện tại cũng khiến rất nhiều người nghèo khó khác phải mơ ước”. Ông bà có gần như đầy đủ vật dụng phục vụ cuộc sống, sống ở đình làng cũng khá rộng rãi, không phải mất tiền điện, tiền nước.

Một số nguồn tin từ các diễn đàn mạng còn cho biết thêm rằng: câu chuyện thực ra không mùi mẫn như một số tờ báo đưa tin. Việc ông bà ra ở đình chùa cũng không thể hoàn toàn trách các con. Chính quyền đã nhiều lần tổ chức hòa giải, các con cũng nhiều lần xin lỗi và muốn đón ông bà về ở cùng nhưng ông bà nhất định không chịu. Thậm chí còn “dọa”: nếu như bắt ông bà về ở với con hoặc vào trại dưỡng lão thì thà ông bà nhảy xuống ao còn hơn.

Lý do tại sao ông bà nhất định “bám đình”, sống cô đơn mà không về ở với con cháu, để con cháu mang tội bất hiếu mà không thể thanh minh thì không ai dám chắc chắn. Nhiều người chỉ phỏng đoán rằng: sống ở đình làng ông bà sướng đủ đường vì vừa không mất chi phí, giờ không phải lao động lại được nhiều nhà hảo tâm giúp đỡ.

Quay lại câu chuyện những người hảo tâm bất ngờ, thậm chí sốc khi trực tiếp kiểm chứng những trường hợp mà báo chí đã đưa. Chị T.T.N.M (Đống Đa – Hà Nội) chia sẻ: “Mấy năm trước vợ chồng mình thường xuyên đọc thông tin trên báo chí để đến gặp và giúp đỡ những trường hợp khó khăn. Nhưng không ít lần mình thấy người cần giúp đỡ thậm chí còn có hoàn cảnh khá giả hơn vợ chồng mình. Nghĩ lại vừa thấy buồn cười, vừa thấy tức. Hai vợ chồng ngày ấy dùng điện thoại cục gạch. Đến viện Nhi, gặp bố mẹ bé thấy choáng vì vàng đeo đầy người. Bố bé hồi đấy đã dùng E71 rồi. Hai vợ chồng thấy vậy nhưng đã mất công đến nên vẫn tặng bé một chút quà. Sau lần đó thì mất niềm tin hẳn với báo chí về vấn đề này”.

Cảm thấy “như mình bị lừa”

Sau khi phát hiện ra những hoàn cảnh đáng thương mà mình đã hoặc chuẩn bị giúp đỡ không hoàn toàn giống như thông tin mình nắm được, nhiều nhà hảo tâm cảm thấy “như mình bị lừa”.

Chị N.T.H (Ba Đình – Hà Nội) cho biết: “Mình cũng không phải giàu có gì, nhưng thấy nhiều hoàn cảnh đáng thương quá nên không cầm được lòng. Thôi thì lá rách ít đùm lá rách nhiều, hi vọng số tiền nhỏ bé của mình có thể giúp họ một phần nào đó. Thông thường, đọc thấy trường hợp nào khó khăn mình thường chuyển khoản ngay theo thông tin báo chí đưa, nghĩ nhanh được chút nào tốt cho họ chút ấy. Vậy mà đã mấy lần mình đọc những thông tin về sau và phát hiện ra họ chẳng khó khăn như thế. Mình thấy như bị lừa vậy. Số tiền không nhiều nhưng mình rất tiếc. Thứ nhất, đó là mồ hôi công sức của mình. Thứ hai, cầm số tiền đó họ đã tước mất cơ hội của những người khó khăn hơn”.

Là một người rất chăm chỉ đi làm từ thiện và là thành viên hội từ thiện của một diễn đàn có tiếng, chị Q.A (Tây Hồ - Hà Nội) chia sẻ rằng chị đã quá quen với việc “đến nơi việc chẳng như trên báo”. Tuy vậy, lần nào chị cũng vẫn cảm thấy bức xúc và khó chịu: “Dĩ nhiên với những hoàn cảnh không thực sự khó khăn, hội mình chỉ tặng một chút quà nhỏ và ngừng giúp đỡ. Nhưng tiếc cái công mình và nhiều chị em khác bỏ ra để đi xác minh lắm”.

Còn chị Đ.N.T (Hoàng Mai – Hà Nội) thì chia sẻ: “Mình cảm thấy vô cùng bực mình trước sự vô trách nhiệm của nhiều nhà báo làm những loạt bài về những trường hợp cần giúp đỡ. Đến nhiều bệnh viện, mình gặp hỏi cặn kẽ thì phát hiện ra bệnh của nhân vật không giống với báo đã đưa. Trao đổi với bác sĩ điều trị trực tiếp thì được bác sĩ trả lời rằng chẳng có một ai đến hỏi bác sĩ về trường hợp của bệnh nhân. Tất cả chỉ là nghe qua lời kể của người nhà mà thôi. Có lẽ với nhiều người thì nhân vật bị bệnh gì không quan trọng, nhưng với mình thì khác.

Giờ có rất nhiều trường hợp khó khăn, éo le. Sức mình có hạn nên mình phải chọn lọc để giúp đỡ. Những bệnh nhân nào có hi vọng khỏi bệnh, tiếp tục cuộc sống bình thường mình mới giúp. Còn với những trường hợp đã hoàn toàn vô vọng, dù rất thương mình cũng đành chịu. Vì giúp họ là tước đi hi vọng của những người còn hi vọng”.

Nghe ngóng thông tin phản hồi và tự mình đi tìm “nhân vật”

Vì “bị lừa” nhiều nên các nhà hảo tâm ngày càng thận trọng hơn trong việc lựa chọn giúp đỡ một đối tượng nào đó. Thông thường, các thông tin về những trường hợp khó khăn này đều được sao chép về các diễn đàn mạng. Là một xã hội thu nhỏ, trên diễn đàn sẽ thường có người biết về “nhân vật” được báo chí đề cập hoặc ở gần địa chỉ nhân vật để giúp mọi người đi xác minh. Sau khi có thông tin thực tế và khách quan, các nhà hảo tâm mới quyết định có làm từ thiện hay không.

Còn với nhiều hội từ thiện, họ đã chọn cách làm chủ động và khách quan hơn rất nhiều. Chị P.T.V (Hoàn Kiếm – Hà Nội) cho biết: “Hội mình đã liên hệ với hầu hết các bệnh viện lớn ở Hà Nội. Các bác sĩ khi có trường hợp khó khăn đều trực tiếp thông báo cho chúng mình. Bởi thế nên thông tin thường chính xác và đầy đủ. Cả hội không còn mất công mất sức nhiều như trước kia để xác minh hoàn cảnh nữa”.


Chia sẻ