Ly kỳ chuyện đẻ thuê xuyên quốc gia

Lê Minh (TH) ,
Chia sẻ

Đẻ thuê hay mang thai hộ bị cấm ở một số quốc gia. Vì vậy để có con nhiều cặp vợ chồng đã tìm đến những quốc gia khác để nhờ đẻ thuê. Mọi chuyện rắc rối xảy ra khi có những đứa trẻ không mong đợi ra đời.

Cặp bố mẹ người Úc bỏ rơi con đẻ thuê bị bệnh Down

Đầu tháng 8/2014, cả Úc và Thái Lan đều xôn xao về một vụ án đẻ thuê gây tranh cãi.

Chuyện xảy ra từ tháng 12/2013, khi cô Pattaramon, người Thái Lan được một cặp vợ chồng người Úc nhờ đẻ thuê với giá 14.900 USD. Cô đã hạ sinh một cặp sinh đôi nhưng không may bé trai có triệu chứng mắc hội chứng Down, còn bé gái khỏe mạnh. Cặp vợ chồng trên đã quay về Úc chỉ với bé gái.

Bé trai được gia đình người phụ nữ đẻ thuê nuôi và đặt tên là Gammy. Em còn bị thêm bệnh tim gây nguy hiểm đến tính mạng. Bản thân Pattaramon không đủ tiền để chữa chạy cho Gammy. Pattaramon tâm sự: “Số tiền người ta trả tôi cao thật đấy. Trong thâm tâm, với số tiền đó tôi có thể nuôi dạy hai con và trả nợ cho gia đình. Tôi không biết phải làm sao. Tôi đã quyết định giữ cháu (Gammy) lại. Tôi thương nó. Nó đã ở trong bụng tôi chín tháng”.

Thế nhưng câu chuyện trở nên phức tạp hơn khi cặp vợ chồng người Úc, thông qua một người bạn, tố cáo Pattaramon lừa dối dư luận, nói rằng họ không biết Gammy bị hội chứng Down mà chỉ biết em có vấn đề về tim. Một tuyên bố của cặp vợ chồng này nói Gammy rất ốm yếu khi vừa được sinh ra và họ được báo em không thể sống sót quá một ngày.

Ly kỳ chuyện đẻ thuê xuyên quốc gia 1
Cô Pattaramon và bé Gammy

Ly kỳ chuyện đẻ thuê xuyên quốc gia 2
Cặp vợ chồng người Úc và bé gái song sinh với Gammy

Pattaramon phản bác. Cô khẳng định cặp vợ chồng người Úc đã yêu cầu cô phá thai sau khi biết tình trạng của Gammy thông qua xét nghiệm trước đó nhưng cô từ chối vì trái với tín ngưỡng của cô là đạo Phật. “Công ty môi giới nói cặp vợ chồng Úc sẽ trả tiền cho việc phá thai nhưng tôi đang sống ở một đất nước Phật giáo. Họ không hiểu điều đó. Nếu phá thai, tôi sẽ bị bắt. Điều đó giống như giết một người vậy” - cô phân trần.

Sau thời gian im lặng, cặp vợ chồng David và Wendy Farnell đã lần đầu lên tiếng trước báo giới, khẳng định thông tin Pattharamon nêu ra là không đúng. “Chúng tôi không bỏ rơi con mình. (Pattharamon) nói rằng nếu chúng tôi cố gắng mang con mình đi, cô ta sẽ báo cảnh sát và sẽ lấy lại bé gái, sau đó sẽ nuôi cả hai đứa trẻ” – ông David nói. “Người mẹ mang thai hộ có quyền trao cho bạn đứa trẻ hay không. Dù bạn đã có thỏa thuận nhờ mang thai hộ, nó gần như chẳng có giá trị gì cả. Đó chính là quyết định của cô ta và người mang thai hộ của chúng tôi đã tuyên bố rằng cô ta muốn giữ bé trai”.

Về thông tin Pattharamon nói rằng nhà Farnell muốn chị phá thai, David cũng lên tiếng bác bỏ. Ông cho biết đã rất tức giận do hãng môi giới đẻ thuê không tiến hành các xét nghiệm cần thiết. Tới khi ông và vợ biết về tình trạng của cái thai, nó đã quá to để có thể phá. Ông thừa nhận nếu biết thai bị dị tật sớm, ông sẽ cho hủy thai.

"Tôi không nghĩ rằng có bất kỳ bậc cha mẹ nào muốn sinh ra một đứa con trai bị tật nguyền. Cha mẹ muốn con mình sinh ra khỏe mạnh và hạnh phúc” – ông nói. Ngoài chứng Down, Gammy còn bị bệnh tim và nhiễm trùng phổi.

Chưa rõ ai đúng ai sai trong câu chuyện này, chỉ biết rằng Pattharamon đã nhận được sự cảm thông lớn của dư luận khi cáo buộc cặp vợ chồng nhà Farnell từ bỏ đứa con bị dị tật một cách nhẫn tâm. Các nhà hảo tâm trên thế giới đã lập tức quyên góp số tiền trị giá hàng chục ngàn USD gửi tới Pattharamon nhằm giúp chị này điều trị cho bé Gammy. Một tổ chức từ thiện ở Australia là Hands Across The Water cũng đã quyên được hơn 240.000 USD cho Gammy. Họ sẽ hỗ trợ Gammy cho tới khi bé hoàn tất chương trình giáo dục phổ thông.

Ngoài ra tiền còn được dùng để xây một ngôi nhà mới cho Pattharamon và gia đình chị, sau khi nhiều người quan ngại trước điều kiện sống hiện nay của bé Gammy.

Người mẹ đẻ thuê bỏ trốn để bảo vệ thai nhi bị khuyết tật

Crystal Kelley (29 tuổi), sống tại bang Connecticut (Mỹ) đã ly dị chồng và phải một mình nuôi hai con gái. Vì không có việc làm lại nợ nần nhiều nên Crystal quyết định tìm tới một công ty chuyên cung cấp dịch vụ đẻ thuê để kiếm tiền trang trải cuộc sống và nuôi con.

Một cặp vợ chồng lớn tuổi đã thuê Crystal mang thai đứa con thứ tư của họ với số tiền 22.000 USD. Phôi thai được thụ tinh trong ống nghiệm trước đó được cấy vào tử cung Crystal ngày 08/10/2011 và tất cả đều hào hứng chờ đợi sự ra đời của đứa trẻ. Cha mẹ đứa trẻ đều rất quan tâm đến Crystal, vào giai đoạn ốm nghén, họ gọi điện cho cô mỗi ngày, thậm chí còn thường xuyên gửi quà cho các con cô.

Tuy nhiên, tới tháng 2/2012, khi Crystal đang ở thai kỳ thứ 5 thì bất hạnh trút xuống đầu cô và gia đình đứa trẻ cô đang mang trong bụng. Khi siêu âm, các bác sĩ phát hiện em bé bị khuyết tật những phần quan trọng bao gồm hở môi và vòm miệng. Các bác sĩ còn dự đoán em bé có một khối u trong não và khuyết tật tim nghiêm trọng, thậm chí dạ dày và lá lách cũng không thể nhìn thấy.

Ly kỳ chuyện đẻ thuê xuyên quốc gia 3
Cô Crystall, người đẻ thuê đã trải qua một trận chiến pháp lý sau khi cô từ chối bỏ đứa trẻ cô đang mang thai 

Ly kỳ chuyện đẻ thuê xuyên quốc gia 4
Em bé sinh ra mang nhiều khuyết tật: sứt môi, hở hàm ếch và nhiều khuyết tật tim phức tạp

Với kết quả siêu âm rõ ràng như vậy, cặp vợ chồng thuê Crystal mang thai đều nghĩ rằng phá thai chính là lựa chọn nhân đạo nhất đối với đứa trẻ. Tuy nhiên, Crystal là người theo đạo Thiên Chúa. Cô không đồng ý vứt bỏ đứa bé và cho rằng "tất cả mọi người nên nỗ lực để cho đứa trẻ một cơ hội sống".

Sau khi đã sử dụng tất cả các biện pháp khuyên nhủ, đe dọa không lay chuyển được quyết định Crystal, cha mẹ đứa trẻ đã thuê luật sư để kiện cô ra tòa, ép cô phá thai. Douglas Fishman, luật sư đại diện cho bên nguyên đơn nói với Crystal: "Cô đang lãng phí thời gian của tất cả mọi người. Trước khi mang thai cô đã ký một hợp đồng có điều khoản quy định phải phá thai trong trường hợp thai nhi có bất thường nghiêm trọng". Luật sư này còn đưa ra "tối hậu thư" rằng, nếu không phá thai, Crystal sẽ bị kiện vì vi phạm hợp đồng với số tiền bồi thường là 8.000 USD và toàn bộ chi phí pháp lý.

Để chạy trốn cuộc chiến pháp lý với cha mẹ đứa trẻ, Crystal đã quyết định đưa các con chuyển tới Michigan để có quyền là người giám hộ hợp pháp với thai nhi đang mang. Cô chọn Michigan bởi ở đây có bệnh viện Nhi CS Mott của đại học Michigan, bệnh viện có chương trình hỗ trợ mổ tim cho tất cả các bệnh nhi trong nước. Crystal cũng đăng tin tìm cha mẹ nuôi cho đứa trẻ bởi cô biết với điều kiện của mình, cô không thể chăm sóc tốt cho nó được.

Bé gái mà Crystal đã phải đấu tranh vô cùng vất vả mới bảo vệ được chào đời ngày 25/6/2012, nặng 2,7kg nhưng không thở được. Rất may là các bác sĩ đã có sự chuẩn bị trước nên mới cứu sống được cô bé. Crystal đặt tên cho con là Swift.

Một cặp vợ chồng sống tại Michigan đã đồng ý nhận Swift là con nuôi. Tuy nhiên, vấn đề sức khỏe của Swift trở nên nghiêm trọng hơn vì cô bé mắc khuyết tật bẩm sinh có tên gọi là holoprosencephaly (bộ não không hoàn toàn phân chia thành các bán cầu khác biệt). Một số cơ quan nội tạng của cô bé như gan, dạ dày nằm không đúng vị trí. Đầu Swift khá nhỏ, tai phải cũng rất xấu xí; cô bé còn bị sứt môi và hở hàm ếch kèm theo các khuyết tật tim phức tạp. Trong thời gian tới, Swift cần thêm một hoặc hai ca phẫu thuật tim nữa và xác suất cô bé không thể đi hoặc nói chuyện là 50%.

Nhờ đẻ thuê được cặp song sinh, cặp vợ chồng đề nghị phá thai

CôHelen Beasley, 26 tuổi, một phụ nữ độc thân sống ở Midlands (Anh) đồng ý trở thành người đẻ thuê vì cô cảm thông với những cặp vợ chồng không có con.

Cô đã liên lạc với ông Wheeler và cô Berma, một cặp vợ chồng người Mỹ qua internet. Họ trao đổi thư từ qua email trong vài tuần. Cặp vợ chồng nói với cô rằng họ đã cố gắng có con trong 6 năm. Họ đồng ý trả cô 14.000 bảng Anh cho một hợp đồng đẻ thuê và thực hiện thanh toán ban đầu là 700 bảng.

Sau khi hợp đồng ký kết, cô Beasley đã trải qua thụ tinh trong ống nghiệm tại trung tâm sinh sản Zouves tại thành phố Daly, California. Cô mang thai sau khi sử dụng tinh trùng từ ông Wheeler và trứng từ một người cho khác do cặp vợ chồng lựa chọn. Cô Beasley phát hiện ra cô mang cặp song sinh khoảng thời gian 8 tuần và cô đã thông báo cho cặp vợ chồng biết.

Theo hợp đồng đã ký, cô Beasley sẽ đồng ý phá thai nếu có nhiều hơn một quả trứng được thụ tinh. Cô khẳng định tất cả những người liên quan đến hợp đồng đẻ thuê đã đồng ý rằng nếu tình hình như vậy phát sinh, quyết định phá thai sẽ được thực hiện trước tuần thứ 12 của thai kỳ.

Thế nhưng mãi đến tuần thứ 13, cặp vợ chồng mới đề nghị cô phá thai. Lo sợ việc phẫu thuật sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe, cô Beasley đã từ chối phá thai. “Họ biết về cặp song sinh từ hồi 8 tuần, tôi không hiểu làm thế nào phải mất đến 13 tuần họ mới quyết định phá thai”. Cô Beasley cũng cho biết cặp vợ chồng không hài lòng khi phát hiện người cho trứng có vấn đề về cân nặng.

Sau khi đưa ra quyết định của mình, cô Beasley cho biết cặp vợ chồng đã từ chối nói chuyện với cô đã để cho luật sư của họ liên lạc với cô để giải quyết những rắc rối sau đó.

Cô Beasley muốn sinh con ở California để cặp vợ chồng sẽ có trách nhiệm pháp lý cho con của họ. Luật sư đã sắp xếp để cô và con trai đến sống ở San Diego. Cô đã nộp đơn kiện tòa án San Diego về việc vi phạm hợp đồng của cặp vợ chồng ông Wheeler.

Cô Beasley nói rằng cô không đủ khả năng để nuôi hai em bé sinh đôi, nhưng cô cảm thấy mình có trách nhiệm với những đứa trẻ này. “Tôi không thể phá thai vào thời điểm này, có nguy cơ sẽ mất luôn cả hai em bé. Tôi không thể không gắn bó với các con và tôi chỉ muốn điều tốt nhất cho chúng”, cô nói. “Giải pháp lý tưởng của tôi là những đứa trẻ được sinh ra và tôi đi tìm cha mẹ mới cho chúng". 

Tuy nhiên, theo luật của California, quyền nuôi con trong một hợp đồng đẻ thuê thuộc về cặp bố mẹ chứ không phải người mẹ đẻ thuê. Tại Anh, ngược lại, quyền nuôi con sẽ không thuộc về cặp bố mẹ ngay cả khi đứa trẻ có liên quan đến họ về mặt di truyền. 

Đây là trường hợp pháp luật đầu tiên ở California liên quan đến việc một cặp vợ chồng quyết định từ chối đứa con được nhờ đẻ thuê.

Việt Nam cho phép mang thai hộ từ năm 2015

Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện như: Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; Vợ chồng đang không có con chung; Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

Người được nhờ mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ; Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ. Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có hôn nhân thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng.


Chia sẻ