Lặng người trước bộ ảnh "Khoảnh khắc giữa sự sống và cái chết"

Nguyệt Nguyễn (Theo Slate),
Chia sẻ

Nhiếp ảnh gia người Đức Walter Schels và vợ, nhà báo Beate Lakotta, đã kết hôn được gần 2 thập kỷ. Do Lakotta kém chồng 30 tuổi, cặp đôi luôn lo sợ rằng Schels có thể qua đời sớm hơn Lakotta nhiều. Để đối mặt với nỗi sợ hãi đó, Schels đã cùng vợ thực hiện bộ ảnh kéo dài 8 năm với tựa đề "Cuộc sống trước khi chết".

Lớn lên ở Munich, Đức vào cuối Chiến tranh thế giới thứ II, Walter Schels bị ám ảnh bởi cái chết khi chứng kiến nhiều người tử vong trong các cuộc không kích.

"Trong suốt cuộc đời, tôi sợ cái chết và những cỗ quan tài. Tôi tránh phải nhìn thấy thi thể người chết, thậm chí là cả của cha mẹ mình", ông cho biết.

Sau khi trở thành nhiếp ảnh gia, Walter Schels đã thực hiện dự án ảnh về sự chào đời nhưng vẫn không ngừng bị ám ảnh bởi ý nghĩ "kết thúc của sự chào đời luôn là cái chết". Ông cũng cho biết kinh nghiệm ấy đã khơi gợi cảm hứng sâu xa của ông đối với gương mặt của mọi người. Chính điều đó đã ảnh hưởng lớn đến đam mê của Walter Schels trong chụp ảnh chân dung.

Schels và vợ, nhà báo Beate Lakotta, đã kết hôn được gần 2 thập kỷ. Do Lakotta kém chồng 30 tuổi, cặp đôi luôn lo lắng rằng Schels có thể qua đời sớm hơn Lakotta nhiều. Để đối mặt với nỗi sợ hãi đó, cùng với nỗi sợ cái chết của mình, Schels đã cùng vợ thực hiện bộ ảnh kéo dài 8 năm với tựa đề "Cuộc sống trước khi chết".

Các nhân vật tham gia dự án ảnh độc đáo này được nhiếp ảnh gia chụp và phỏng vấn lần đầu khi họ mắc bệnh và cận kề cái chết. Sau đó, họ được chụp lần thứ 2 vào thời khắc vừa qua đời.

Khoảng thời gian kể từ khi chụp bức chân dung đầu tiên và bức thứ 2 có thể chỉ là vài ngày ngắn ngủi, nhưng cũng có khi là vài năm. Chính vì vậy, Schels và Lakotta luôn phải sẵn sàng 24h mỗi ngày chờ đợi cuộc gọi thông báo về cái chết của ai đó. Áp lực về mặt thể chất và tinh thần nhiều lúc đã khiến đôi vợ chồng tưởng chừng như không thể chịu đựng nổi. Nhưng những khoảnh khắc xúc động khi tiếp xúc với các nhân vật đã mang lại cho họ sức mạnh để tiếp tục công việc của mình.

Lặng người trước bộ ảnh
Bà Edelgard Clave, bức ảnh đầu tiên chụp vào ngày 5/12/2003, qua đời vào 4/1/2004. "Tôi muốn chết lắm rồi.  Nhưng chết là một việc khó khăn, nó cần phải có quá trình và tôi không thể tác động vào điều đó. Tất cả những gì tôi có thể làm là chờ đợi. Tôi được ban tặng cuộc sống, đã sống và giờ đang trả nó lại", bà nói.

Lặng người trước bộ ảnh
Ông Heiner Schmitz, ảnh chụp lần đầu vào ngày 19/11/2003, qua đời vào 14/12/2003. Vào thời điểm chụp bức ảnh đầu tiên, Schmitz cho hay không có người bạn nào hỏi ông đang có cảm giác ra sao bởi họ sợ hãi và tránh nói đến chủ đề đó. "Tôi sắp chết! Đó là tất cả những gì mà tôi nghĩ đến, từng giây phút tôi ở một mình", ông tâm sự.

Lặng người trước bộ ảnh
Ông Wolfgang Kotzahn, ảnh chụp lần đầu vào ngày 15/1/2004, qua đời vào 4/2/2004. "Tôi chưa bao giờ nghĩ đến cái chết cả... Tôi  ngạc nhiên là mình đối mặt với nó khá dễ dàng. Giờ tôi chỉ nằm đây và chờ chết thôi. Nhưng mỗi ngày của tôi đều có một hương vị để tận hưởng hết cuộc sống. Trước kia tôi chưa bao giờ chú ý đến những đám mây. Giờ tôi nhìn mọi thứ với quan điểm hoàn toàn khác: từng đám mây nhìn thấy qua khung cửa sổ, từng bông hoa trong lọ. Đột nhiên, mọi thứ đều có ý nghĩa", ông nói.

Lặng người trước bộ ảnh
Jan Anderston, chụp ảnh lần đầu vào 8/4/2005, qua đời ngày 14/6/2005. Anh cho hay mình không sợ chết nhưng muốn giữ được lòng tự trọng của mình. "Mẹ vẫn ở đây", Jan nói với mẹ vào đêm anh qua đời. Vào thời khắc ấy, sự đụng chạm nhẹ nhất cũng khiến Jan đau đớn, nhưng anh đã rất hạnh phúc vì mẹ đã ôm anh đến phút cuối cùng. "Con vui vì mẹ đã ở đây", anh nói.

Lặng người trước bộ ảnh
Cô Maria Hai-Anh Tuyet Cao, chụp ảnh lần đầu vào ngày 5/12/2003, qua đời vào 15/2/2004. "Cái chết chẳng là gì cả", cô nói.

Lặng người trước bộ ảnh
Elly Genthe, chụp ảnh lần đầu vào 31/12/2002, qua đời ngày 11/1/2003. Vào những tuần cuối cùng của đời mình, bà ngủ gần như cả ngày. Đôi lúc, bà bị ám ảnh là có người tí hon đang bò ra từ chậu hoa để đến giết mình. "Đưa tôi ra khỏi đây", bà thì thầm mỗi khi có ai đó nắm tay mình, "Trái tim tôi sẽ ngừng đập nếu tôi ở đây. Chuyện này rất khẩn cấp. Tôi không muốn chết".

Lặng người trước bộ ảnh
Beate Taube, chụp ảnh lần đầu vào 16/1/2004, qua đời ngày 10/3/2004. Cô cảm thấy việc phải rời xa chồng con là vô cùng khó khăn và đau đớn. Vào khoảnh khắc lìa đời, Beate hoàn toàn cô độc vì chồng cô lúc ấy đang pha cà phê ở trong bếp. Chồng Beate nói rằng anh buồn vì không thể ở bên và nắm tay vợ lúc qua đời. Nhưng anh cho hay Beate cũng từng nói rằng việc qua đời trong cô đơn sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Lặng người trước bộ ảnh
Rita Schoffler, chụp ảnh lần đầu vào ngày 17/2/2004, qua đời vào 10/3/2004. Cô đã ly dị được 17 năm trước khi phát hiện bị ung thư. Vào thời điểm biết mình sắp chết, cô nhận ra điều mình muốn làm là nói chuyện với chồng cũ một lần nữa. "Tôi không nên chờ đợi quá lâu để tha thứ và cho qua. Tôi vẫn còn yêu anh ấy sau tất cả những gì đã trải qua", cô tâm sự.


Chia sẻ