Kinh hoàng ấn dao nóng vào ngực bé gái 2 tháng tuổi để... chữa bệnh viêm phổi

Lương Nguyệt,
Chia sẻ

Một bé gái ở Ấn Độ đã suýt chết vì làm theo hủ tục dùng thanh sắt nung nóng đóng dấu vào người trong một nghi lễ mê tín với hy vọng có thể chữa bệnh viêm phổi cho cô bé.

Theo Express, đứa trẻ tội nghiệp này có tên là Shivani, chỉ mới 40 ngày tuổi được đưa tới bệnh viện trong tình trạng nguy kịch vào hôm 13/10. Để chữa bệnh cho Shivani, người ta lấy một thanh sắt nung nóng ấn lên ngực của cô bé 40 lần trong một nghi lễ mê tín được cho là giải thoát nỗi đau cho cô bé.
 
Bé Shivani đã được đưa vào bệnh viện trong tình trạng nguy kịch sau khi được chữa trị theo hủ tục truyền thống
Bé Shivani đã được đưa tới bệnh viện trong tình trạng nguy kịch sau khi được chữa trị bệnh viêm phổi theo hủ tục truyền thống
Chưa tròn 2 tháng tuổi, bé Shivani đã bị viêm phổi nặng. Vì gia đình quá nghèo không có tiền đến bệnh viện, bố mẹ em đã quyết định nhờ đến phương pháp chữa bệnh truyền thống trên. Tuy vậy, bệnh của Shivani vẫn không thuyên giảm mà càng trở nên tồi tệ hơn. Khi về nhà, bé Shivani bắt đầu sốt cao và khó thở.

Theo hủ tục ở Ấn Độ, người ta dùng một thanh sắt nung nóng rồi đóng dấu lên ngực người để chữa bệnh

Cha mẹ của cô bé , anh chị Seema và Jagdish Prajapati, sống tại Ujjain, miền trung Ấn Độ cho biết vì quá lo lắng cho con gái nên đã vội vã đưa con đến bệnh viện huyện.

Trả lời phỏng vấn với báo Times of India, tiến sĩ AP Singh, bác sĩ triều trị cho Shivani cho biết: “Đứa bé đã bị nhiễm trùng máu và đang trong tình trạng rất nguy kịch. Nhưng chúng tôi hi vọng rằng có thể chữa khỏi cho cô bé”. Được biết, các bác sĩ đã báo cáo sự việc cho cảnh sát địa phương.

Hủ tục đóng dấu lên người để chữa bệnh đã tồn tại hàng thế kỷ qua tại các vùng xa xôi hẻo lánh ở Ấn Độ. Người dân sùng bái tôn giáo cho rằng, dùng thanh sắt hay kim loại nung nóng đóng dấu vào da người bị bệnh nhiều lần có thể chữa các bệnh như sốt rét, co giật, vàng da...Mặc dù nghi lễ này gây ra nhiều biến chứng như bỏng độ 3, nhiễm trùng và dị ứng nhưng nó vẫn còn phổ biến ở các làng nhỏ tại Ấn Độ.
 
Nguồn dịch: Express
 
 
Chia sẻ