Khủng hoảng quấy rối tình dục ở Ai Cập: Nơi phụ nữ không dám mặc áo hoa ra đường

Nhun Nhung/TIME,
Chia sẻ

Gần như tất cả phụ nữ ở Ai Cập ở mọi lứa tuổi, trình độ và tôn giáo, đều từng bị quấy rồi tình dục trên phố. Nguyên nhân đơn giản chỉ từ một chiếc áo hở tay, một chiếc váy, hay thậm chí một bộ trang phục hoa văn mà họ mặc khi ra đường.

Tại Ai Cập có đến 99,3% phụ nữ từng bị quấy rối tình dục, theo một thống kê của Báo cáo về Phụ nữ Liên Hợp Quốc năm 2003. Tất cả bắt nguồn từ đói nghèo, lạc hậu và đặc biệt là tư tưởng trọng nam khinh nữ cố hữu trong xã hội, khiến phụ nữ chỉ có cách duy nhất để tự bảo vệ mình là mặc độ kín đáo nhất có thể. Nhưng đa số trường hợp, tránh lộ da thịt cũng không giúp được gì.

Roger Anis, một phóng viên ảnh tại Cairo đã quyết định bóc trần thực tế tăm tối này qua chia sẻ của những người phụ nữ về bộ quần áo mà họ ao ước được khoác lên người, nhưng không dám vì lo sợ những kẻ biến thái trên đường phố. Anis bày tỏ: "Là đàn ông nên tôi không phải đối mặt với hành vi lạm dụng, nhưng khi anh nhìn thấy bạn bè thân thiết của anh, rồi cô bạn gái của anh, hay thậm chí mẹ và chị gái của anh phải chịu tình cảnh đó, anh sẽ cảm nhận được cảm giác bất lực."

Đối với một người phụ nữ Ai Cập hiện đại, ở mọi lứa tuổi và trình độ và kể cả những người không theo đạo Hồi, quần áo không gắn liền với thời trang, mà chúng đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực của mỗi người khi đi ra phố.


tancongtinhduc3
Mai Hussein Badr, 23 tuổi: "Người Ai Cập ghét màu sắc tươi tắn, dù trông chúng rất trẻ trung. Tôi rất thích phối màu cho trang phục, và sẽ không có chuyện tôi dừng lại chỉ vì người khác ghét màu sắc... Dù vậy, tôi vẫn phải chọn những bộ đồ rộng thùng thình, phần vì chúng thoải  mái, nhưng chủ yếu là chúng giúp tôi ít bị tấn công tình dục hơn trên phố. Nhưng tôi vẫn nghe những lời đàm tiếu không hay. Tủ đồ của tôi có vài bộ rất đẹp, nhưng nơi duy nhất tôi dám mặc chúng là khi ra biển."

tancongtinhduc5
Heba Elkholy, 26 tuổi: "Một trong những mơ ước của tôi là được mặc váy và đeo khuyên tai bản rộng. Giá mà tôi được mặc chúng chỉ trong vài phút trên phố thôi. Chỉ cần như vậy, giấc mơ của tôi đã thành hiện thực, và tôi sẵn sàng quay trở lại với những bộ đồ kín mít."
tancongtinhduc6
Hala Nammr, 54 tuổi: "Tôi có mua một chiếc váy tuyệt đẹp mà tôi rất thích. Nhưng khi mua về và mặc thử ở nhà, tôiđành phải cho đi chiếc váy. Nó là kiểu hở lưng, và nếu tôi được sống ở một đất nước khác Ai Cập, thì tôi sẽ  mặc nó không chút do dự."

tancongtinhduc7
Tinne Van Loon, 27 tuổi: "Tôi là người Mỹ lai Bỉ và sống ở Ai Cập được 2 năm. Năm ngoái tôi mặc một chiếc váy ra ngoài đường. Dù đã biết là ở Ai Cập phụ nữ khó có thể mặc váy và đi lại thoải mái trên đường, nhưng tôi quyết định thử một phen. Tôi cứ tưởng sẽ không sao vì khu tôi sống là khu vực dành cho người giàu và đời sống cao, có nhiều người nước ngoài nữa. Nhưng trên đường về, tôi đã thấy một gã đàn ông lớn tuổi đang... trong khi nhìn tôi chằm chằm, hắn ta còn đi về phía tôi. Từ đó về sau, tôi không bao giờ mặc bất cứ chiếc váy nào ở Ai Cập nữa."

tancongtinhduc8
Amria Mortana, 33 tuổi: "Tôi không sở hữu chiếc váy nào cả, dù đôi khi tôi cũng từng mơ được mặc chúng. Nhưng tôi sợ đường phố. Có lần tôi mua vài chiếc quần mới, trông chúng hoàn toàn bình thường. Nhưng thật không ngờ tôi vẫn bị người ta quấy rối. Ban đầu tôi không hiểu vì sao, nhưng cuối cùng tôi nhận ra rằng đó là vì màu sắc của chiếc quần. Trên phố, người ta coi một cô gái không khác món hàng, họ thoải mái nhìn cố ta từ đầu đến chân như thể cô ấy là một thứ đồ trưng trong tiệm vậy. Thú thực tôi vẫn rất hoảng sợ khi nhờ về lần đó. Tôi cũng chẳng đủ sức để đứng lên chống lại những kẻ  đã quấy rối mình." 

tancongtinhduc11
Eman Helal, 30 tuổi: "Tôi vẫn đợi một ngày được đi đám cưới bạn bè để có thể diện một chiếc váy, để được làm một cô gái đúng nghĩa. Nếu muốn mặc như vậy ra đường, tôi phải có người đi cùng, tốt nhất là đi với một cậu bạn hoặc anh em trai."

tancongtinhduc12
Karoline Kamel, 29 tuổi: "Tôi phải thay đổi phong cách ăn mặc chỉ để có thể đi lại trên phố. Tôi phải chuyển sang những bộ cánh rộng thùng thình để được an toàn. Dạo gần đây tôi bắt đầu chuyển sang dùng xe đạp. Đi vòng quanh đường phố Cairo bằng xe đạp với phụ nữ mà nói rất khó. Bạn phải chịu đựng ánh nhìn soi mói, bị quây rối, trêu ghẹo... Tôi vẫn mơ sẽ được mặc bất cứ những gì mình muốn, như quần soóc hoặc áo ôm chẳng hạn."

tancongtinhduc13
Eglal Mahmoud Raafat, 74 tuổi: "Xã hội Ai Cập hiện nay đang thụt lùi. Ngày xưa, mọi người mặc những gì họ thích, nhưng giờ đây chẳng có ai tôn trong hay chấp nhận khác biệt của người khác cả. Tôi là giáo sư giảng dạy tại Đại học Cairo, nhưng trường giờ đây khác trước rất nhiều. 40 năm trước tất cả các cô gái khoác lên người mọi thứ cô ấy thích, môi trường rất tự do và tôn trọng phụ nữ. Nhưng ngày nay ai cũng phải dùng khăn trùm đầu. Nhiều người không hiểu tình cảnh của chúng tôi, nhưng tôi thì có, vì tôi từng được chứng kiến những điều tốt đẹp hơn rất nhiều trong chính xã hội này. 

Chiếc váy đen này nếu muôn mặc nó, tôi phải khoác áo để che cánh tay đi."

tancongtinhduc14
Aleya Adel, 20 tuổi: "Tôi yêu màu sắc, và trùm khăn niqab không có nghĩa là chỉ mặc đồ đen hoặc tối màu... Một lần tôi mặc chiếc váy hoa văn này ra đường, và một người đàn ông đi xe đạp đã dừng xe và hỏi: "Này, mày nghĩ là mặc váy màu mè dưới khăn niqab là tôn trọng đạo Hồi sao?" Rồi hắn ta tát một cái và bỏ đi. Tôi nghĩ, quần áp không phải là vấn đề ở đây. Bạn sẽ luôn bị quấy rồi dù bạn mặc gì trên người đi chăng nữa."



tancongtinhduc17
Fatima Ali, 25 tuổi: "Mỗi lần bước ra khỏi nhà với tôi là một cuộc phiêu lưu. Không một lần nào tôi đi trên đường mà không bị quấy rối, bởi vì làn da đen của tôi. Tôi thường nghe những lời dụ dỗ tình dục chỉ vì tôi là người da màu. Chỉ có duy nhất một điều làm tôi khó chịu, đólà có người từng tát tôi trên phố chỉ vì màu da của tôi."

tancongtinhduc15
Azza Fadaly, 43: "Tôi từng bị một nhóm đàn ông tấn công tình dục trên quảng trường Tahrir ngày cựu tổng thống Mahammed Morsi lên nhậm chức năm 2012. Quảng trường khi đó rất đông người dân đến ăn mừng, và tôi có mặt ở đó để tác nghiệp báo ảnh. Tôi ở đó với một người bạn nam, vậy mà vẫn bị một nhóm đàn ông tấn công. Tôi suýt bị cưỡng hiếp nếu như không may mắn được cứu thoát. Nhưng tôi vẫn nhớ như in cảm giác những bàn tay động chạm vào người mình. Năm 5 tuổi tôi cũng bị một thành viên trong gia đình lạm dụng. Chính những ký ức ấy ảnh hưởng đến cách tôi chọn quần áo. Càng ngày tôi càng thấy xẩu hổ về cơ thể của mình, tôi mất đi mọi liên hệ với cơ thể mình. Sau những khủng khiếp xảy ra ở quảng trường ngày hôm ấy, tôi quyết định về nhà và thu nhặt hết những bộ váy mình có, cho chúng vào một cái túi và cất đi. Giờ tôi chỉ dám mặc những gì giúp tôi tránh được cái nhìn của mọi người trên phố.

aicap
Một bức ảnh khác của nhiếp ảnh gia Eman Helal: Một người phụ nữ Ai Cập bị tấn công trên đường phố trong cuộc tuần hành nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8-3. May mắn có một số người cố gắng giúp cô cản những kẻ tấn công.

Chia sẻ