Hồng Kông: Trẻ chưa tròn 2 tuổi đi học để qua vòng phỏng vấn vào... nhà trẻ

Vân Anh,
Chia sẻ

Trẻ em Hồng Kông đã sớm phải đối mặt với vô số áp lực để có thể vào học tại nhà trẻ danh tiếng.

Bé Yoyo Chan đang chuẩn bị chuẩn bị cho một cuộc phỏng vấn quan trọng có thể giúp bé “thành công trong cuộc sống tương lai”. Năm nay Yoyo mới 1 tuổi rưỡi.

Năm hai tuổi, Yoyo sẽ đi nhà trẻ. Nhưng bố mẹ Yoyo muốn con phải đi nhà trẻ uy tín nhất tại Hồng Kông. Nhiều phụ huynh khác cũng đang cạnh tranh khốc liệt để giành một chỗ tại những nhà trẻ tốt, tương tự như bố mẹ Yoyo.
 
Các nhà trẻ tốt, trường mẫu giáo tốt là cửa ngõ cho các bé vào trường tiểu học tốt. Và theo một hệ quả, đó là con đường để vào trường trung học và đại học tốt nhất. Chính vì thế, những nhà trẻ chất lượng tại Hồng Kông có thể tiếp nhận 1000 hồ sơ mỗi năm, trong khi đó số lượng tuyển sinh chỉ vài chục bé. Những trung tâm đào tạo kiến thức cho các bé… mới tập đi mọc lên như nấm.
 
Nhiều trẻ em Hồng Kông phải đi học từ lúc 1 tuổi để chuẩn bị đi mẫu giáo.
 
Tại lớp học phỏng vấn, Yoyo được chỉ dạy cách chào thầy cô, cách giới thiệu bản thân. Các gia sư còn dạy bé cách làm một số công việc nhỏ: Xây ngôi nhà bằng gạch đồ chơi, vẽ tranh, ghép các bộ phận vào khuôn mặt bằng nỉ hay xác định các loại quả.
 
“Lớp học và kỳ phỏng vấn thật khó khăn. Nhưng tôi muốn bé phải chuẩn bị. Ai cũng muốn con mình có khởi đầu tốt” – Mẹ của Yoyo, bà Emma nói. Nhà trẻ nơi bà Emma muốn con theo học đã tiếp nhận hơn 100 hồ sơ nhưng chỉ tuyển 9 bé. Bà Emma đã cho con gái đi học lớp phỏng vấn khi mới 8 tháng tuổi.
 
Một trung tâm luyện phỏng vấn đưa ra giá 580 USD cho một khóa học 12 buổi, tương đương với 25% thu nhập trung bình của người dân Hồng Kông.
 
Áp lực vào nhà trẻ tốt để có một tương lai tốt đang đè nặng lên bố mẹ và lên chính các em bé.
Áp lực vào nhà trẻ tốt để có một tương lai tốt đang đè nặng lên bố mẹ và lên chính các em bé.
 
Phía các nhà trẻ thường sẽ có những buổi kiểm tra kỹ càng. Họ muốn xem các bé làm được gì khi chơi đồ chơi? Họ muốn kiểm tra tài năng múa, hát, vẽ tranh của các em. Và cuối cùng là phần phỏng vấn để xem các bé thể hiện bản thân như thế nào, dù chỉ là giao tiếp bằng mắt. Các câu hỏi phỏng vấn ngày càng khó hơn, nhiều trường sẵn sàng hỏi các bé phân biệt các loại trứng hay nêu những khái niệm như mắt là gì? Môi là gì?
 
Có một cách để đánh giá nữa đó là các giáo viên sẽ đưa cho các bé kẹo. Hành động “chuẩn” trong trường hợp này là các bé chỉ lấy một chiếc kẹp và phải nói “cảm ơn”. Thật khó khăn với những em bé nhỏ tuổi.
 
Trong khi đó, các giáo viên đều khuyên phụ huynh nên dành thời gian vui chơi với con hơn là bắt các em học hành.
Trong khi đó, các giáo viên đều khuyên phụ huynh nên dành thời gian vui chơi với con hơn là bắt các em học hành.
 
Tuy nhiên, ông Leung Wai-fan, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Shing, cho rằng thật không hay khi dạy kiến thức sớm cho các em bé. Ông cho rằng: “Một đứa trẻ có thể đọc một dòng chữ nào đó, nhưng khi bạn hỏi một câu hỏi lạ, chúng sẽ trở nên nhút nhát”. Và một đứa trẻ nhút nhát thì sẽ không được đánh giá cao.
 
“Cách tốt nhất để dạy trẻ là cha mẹ hãy vui đùa với các con, khuyến khích các con tự giao tiếp với người khác, tương tác với người khác” – Một giáo viên mầm non uy tín chia sẻ.
 
“Bé là con trai hay con gái?” – Một câu hỏi phỏng vấn điển hình.
“Bé là con trai hay con gái?” – Một câu hỏi phỏng vấn điển hình.
 
Ông Leung cũng cho rằng, giáo dục từ sớm sẽ tạo áp lực cho cha mẹ và cả những đứa trẻ. Nhiều phụ huynh còn đăng ký lớp học tiếng Anh, tiếng Trung cho con từ rất sớm. Điều này có thể phản tác dụng khiến các bé không thể hiện được bản thân.
 
“Đó không phải là cách dạy trẻ em học. Chúng tôi luôn nói với các phụ huynh rằng: Học tập là cả đời, không phải là sự nhất thời nào cả. Nếu bạn gây áp lực cho trẻ từ nhỏ, bạn có thể khiến trẻ mất nhiều đam mê. Ví dụ, trẻ em Hồng Kông có kỹ năng đọc sách tốt hơn so với các nước khác. Nhưng tỉ lệ quan tâm đến sách của trẻ lại vô cùng thấp. Các bé có kỹ năng nhưng các bé không có đam mê”.
 
Theo BBC
Chia sẻ