Hơn 8.000 trẻ khám bệnh một ngày

Theo Tuổi trẻ,
Chia sẻ

Nhiều bệnh viện tuyến cuối tại TP.HCM như Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Bệnh nhiệt đới đều đang quá tải.

Hơn 8.000 trẻ khám bệnh một ngày
Bệnh nhi và thân nhân chờ đăng ký khám bệnh tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 sáng 6-10 Ảnh: Thuận Thắng

Gần 10g sáng 6-10, khu khám bệnh Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 đông nghẹt cha, mẹ bồng con đợi khám. Dù biết lên BV ở TP.HCM là đi lại vất vả, chờ đợi khám bệnh rất lâu, thậm chí cả ngày mới khám xong bệnh cho con nhưng bà mẹ nào cũng “thấy con bệnh là đưa lên TP liền cho yên tâm”.

Dự báo dịch bệnh sốt xuất huyết có thể còn kéo dài đến năm 2016. TP.HCM là địa bàn trọng điểm vì số ca mắc chiếm 30% tổng số ca bệnh của khu vực phía Nam

PGS.TS PHAN TRỌNG LÂN 
( viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM )

Cứ bệnh là lên TP.HCM

Chị N.T.M. - 27 tuổi, ở Tây Ninh - cùng chồng ngồi bệt dưới sân BV Nhi Đồng 1 dỗ dành con gái 20 tháng tuổi đang khóc ré lên từng đợt. Chị M. kể 4g sáng vợ chồng chị đã đón xe đò từ Tây Ninh đến BV Nhi Đồng 1 khám bệnh cho con. Hơn 7g30, chị nhận được số thứ tự, nhưng mãi đến 9g40 mới được khám.

Con gái chị bị nóng, sốt ba ngày nay, bác sĩ mới cho làm xét nghiệm máu, giờ đang đợi lấy kết quả. Khi hỏi sao chị không đưa cháu khám ở Tây Ninh cho đỡ vất vả, chị M. trả lời: “Tôi từng đưa đi khám bệnh ở dưới đó nhưng không khỏi nên không khám nữa. Giờ bé bệnh là đưa lên BV Nhi Đồng 1 khám”.

Còn chị N.T.T.C. (24 tuổi, ở Long An) tỏ vẻ sốt ruột khi chờ hơn hai giờ mà con trai chị, bé P.T.N., 10 tháng tuổi, vẫn chưa tới lượt khám. Theo chị C., bé sốt, ho, hay sổ mũi là chị đưa con đến BV này khám cho yên tâm. Gần như tháng nào mẹ con chị C. cũng có mặt ở BV Nhi Đồng 1, nhưng chưa thấy lần nào đông như vậy.

Một bà mẹ trẻ ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) đang bế con hơn 1 tháng tuổi cũng kể thấy con bị sốt, chị lập tức đón xe từ đêm đưa con đến BV khám. Bà mẹ này không ngần ngại cho biết: “Tôi đi khám trên đây không à!”.

Bệnh nhi và thân nhân nằm chen chúc trong phòng, ngoài hành lang ở Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM sáng 6-10 - Ảnh: Thuận Thắng

Bệnh nhi đến khám 
lập “kỷ lục mới”

Thống kê mới nhất tại BV Nhi Đồng 1 cho thấy số trẻ đến khám bệnh trong ngày 5-10 đã lập “kỷ lục” với 8.013 trẻ, trước đó một tuần là 7.077 trẻ (1.500 giường bệnh).

Tại BV Nhi Đồng 2, số bệnh nhi đến khám trong ngày 5-10 lập mức “kỷ lục” mới với 7.899 bệnh nhi. Số bệnh nhi nhập viện tại hai BV này trong những ngày qua luôn ở mức gần 2.000 trẻ nằm điều trị mỗi ngày, làm nhiều trẻ phải nằm tại hành lang.

Một bác sĩ điều trị ở khoa hồi sức cấp cứu BV Nhi Đồng 1 chia sẻ số trẻ nhập viện tăng, trong đó có nhiều trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng nhập viện trong tình trạng nặng làm các bác sĩ, nhân viên y tế làm việc rất căng. Chưa kể trong khoa còn thiếu cả trang thiết bị.

Dù BV đã điều động các khoa khác trong BV cho khối hồi sức cấp cứu mượn các trang thiết bị nhưng vẫn thiếu, BV phải mượn trang thiết bị y tế của các hãng sản xuất để phục vụ bệnh nhi.

Theo bác sĩ Lê Bích Liên - phó giám đốc BV Nhi Đồng 1, năm nay bệnh tăng là do các dịch bệnh cùng tăng như sốt xuất huyết, tay chân miệng và các bệnh hô hấp.

Bên cạnh đó, trẻ sơ sinh mắc bệnh nặng cũng tăng. Trẻ sơ sinh mắc bệnh nặng phải có giường, nhiều trường hợp phải thở bằng oxy, nếu bệnh nhi nặng ở tuyến tỉnh chuyển lên nhiều quá sẽ không có đủ giường nằm, trang thiết bị y tế điều trị cho trẻ.

Do vậy mới đây BV Nhi Đồng 1 đã có công văn chuyển xuống các BV tỉnh hạn chế chuyển bệnh sơ sinh lên. BV Nhi Đồng 1 sẽ hỗ trợ chuyên môn cho các BV tỉnh trong việc điều trị những trường hợp này.

Trong khi đó bác sĩ Trịnh Hữu Tùng, phó giám đốc BV Nhi Đồng 2, cho biết trước tình hình số trẻ đến khám tại BV Nhi Đồng 2 tăng cao như vậy, BV đã tăng hơn 10 bàn khám, đồng thời tăng cường lọc bệnh để hạn chế số bệnh nhi nhập viện.

Với những bệnh sơ sinh từ tuyến dưới chuyển lên BV vẫn nhận, nhưng sau vài ngày điều trị bệnh nhi ổn sẽ thuyết phục gia đình đưa trẻ về tuyến dưới điều trị. Ngoài ra, với số bệnh nhi nhập viện tăng cao hơn nhiều so với giường thực kê, BV chỉ còn cách tăng thêm ghế bố cho bệnh nhi nằm ở hành lang.

Sốt xuất huyết vượt ngưỡng báo động dịch

Cùng ngày, đoàn của Bộ Y tế do PGS.TS Trần Đắc Phu, cục trưởng Cục Y tế dự phòng, dẫn đầu đã đi kiểm tra tình hình dịch sốt xuất huyết tại P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM và tình hình bệnh nhi mắc bệnh sốt xuất huyết điều trị tại BV Nhi Đồng 2. Sau đó, đoàn có cuộc họp với Sở Y tế TP.HCM để tìm giải pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

Tại cuộc họp, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết số ca mắc bệnh sốt xuất huyết tại TP đã vượt ngưỡng báo động dịch. Từ đầu năm đến ngày 24-9, TP.HCM đã có 10.060 ca sốt xuất huyết, tăng 79% so với cùng kỳ năm 2014.

Trước tình hình bệnh sốt xuất huyết tăng cao, lãnh đạo BV Bệnh nhiệt đới, BV Nhi Đồng 1 và BV Nhi Đồng 2 đều than các BV đều quá tải. TS.BS Nguyễn Thanh Hùng, giám đốc BV Nhi Đồng 1, cho biết BV này không chỉ đối phó với bệnh sốt xuất huyết, mà hiện nay bệnh tay chân miệng đã tăng gấp đôi bệnh sốt xuất huyết.

Bên cạnh đó bệnh hô hấp, viêm phổi, viêm tiểu phế quản cũng tăng. Dù quá tải nhưng bệnh nhi đến khám, điều trị, BV không thể từ chối. BV có thuyết phục người nhà cho bệnh nhi chuyển xuống điều trị tại các BV vệ tinh của BV nhưng rất ít người chịu chuyển.

PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định năm nay dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp. Dịch không bùng phát mạnh nhưng sẽ lan rộng.

Theo ông Phu, cần đổi mới cách phòng chống dịch như không nên treo các khẩu hiệu nữa, vì các khẩu hiệu chỉ tốn kém mà không hiệu quả. Cần tìm các biện pháp giảm quá tải để tránh lây nhiễm chéo bệnh. Dịch sởi từ những năm trước là một bài học vì nếu không làm sớm sẽ trở tay không kịp.

ĐBSCL: nhiều tỉnh lo sốt xuất huyết bùng phát

* VN tham gia nghiên cứu văcxin phòng sốt xuất huyết

Ngày 6-10, bác sĩ Bùi Hùng Việt - trưởng khoa sốt xuất huyết (SXH) Bệnh viện Nhi Đồng TP Cần Thơ - cho biết những ngày đầu tuần số bệnh nhi nhập viện lên đến 94-96 trẻ (trong khi khoa chỉ có 40 giường bệnh), bệnh nhi phải nằm ghép là điều khó tránh khỏi.

Theo số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh khu vực ĐBSCL, tình hình dịch SXH gia tăng đáng lo ngại dù các tỉnh đều triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, phun thuốc dập dịch ở các điểm nóng.

Tại An Giang, số ca mắc bệnh SXH lên trên 1.500 ca (tăng 92% so với cùng kỳ 2014), đã có 2 trường hợp tử vong. Còn theo Trung tâm Y tế dự phòng Sóc Trăng, tỉnh này ghi nhận gần 1.200 ca mắc SXH (tăng 77%); đáng chú ý là khu vực có đông đồng bào dân tộc Khmer ở thị xã Vĩnh Châu là nơi bùng phát số ca SXH cao nhất, lên đến trên 650 ca.

Tỉnh Cà Mau cũng đang báo động dịch SXH với số ca mắc tăng 89%, có trên 400 bệnh nhân mắc SXH, 1 trường hợp tử vong.

Trong khi đó, ông Đoàn Tấn Bửu, phó giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp, cho biết số ca SXH ghi nhận trên địa bàn tỉnh tính đến thời điểm này khoảng 1.700 ca, tăng gấp đôi cùng kỳ năm 2014, trong đó có 2 ca tử vong.

Đáng lo ngại, trước đây 90% số ca bệnh là trẻ em, nhưng năm nay bệnh đang dịch chuyển dần sang độ tuổi người lớn, có thời điểm chiếm gần 50% số ca mắc trong tỉnh. Bác sĩ Trần Thanh Thảo - giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang - cũng cho hay từ đầu năm đến ngày 27-9 tỉnh ghi nhận có 1.226 ca mắc bệnh SXH, tăng 110,65% so với cùng kỳ 2014.

* Theo ông Trần Đắc Phu - cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, giai đoạn III của nghiên cứu văcxin SXH có tổng cộng 10 quốc gia cùng lúc tham gia, trong đó có 5 quốc gia ở châu Á (Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam), thực hiện nghiên cứu trên trẻ em khỏe mạnh từ 2 - 16 tuổi.

Nghiên cứu này đã kéo dài hơn sáu năm, hiện đã hoàn tất hoạt động tiêm văcxin, đánh giá được hiệu quả và an toàn trong vòng một năm sau tiêm. Kết quả nghiên cứu giai đoạn III cho thấy hiệu quả văcxin SXH ở nhóm trẻ từ 9 tuổi trở lên đạt 66%, ngừa được 81% ca SXH nhập viện và 93% ca SXH nặng. Đối với nhóm trẻ dưới 9 tuổi, hiệu quả thấp hơn (đạt 44%, ngừa được 56% ca SXH nhập viện và 67% ca SXH nặng).

Kết quả của nhóm 9 tuổi trở xuống còn cần phải theo dõi hết thời gian nghiên cứu năm năm sau tiêm để có kết quả đánh giá hoàn chỉnh, đảm bảo đánh giá được một văcxin thật sự hiệu quả và an toàn cao.

T.LŨY - NGỌC TÀI - M.TRƯỜNG - L.ANH

Một số thân nhân mắc võng nằm nghỉ ngoài hành lang bệnh viện Ảnh: A LỘC

Một số thân nhân mắc võng nằm nghỉ ngoài hành lang bệnh viện - Ảnh: A Lộc

Đồng Nai: bệnh viện nhi quá tải

Bác sĩ Nguyễn Trọng Nơi - phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai - cho biết số lượng bệnh nhi sốt xuất huyết tăng cao kết hợp với các dịch bệnh tay chân miệng, hô hấp, siêu vi vào mùa khiến bệnh viện lần đầu bị quá tải trong nhiều năm trở lại đây.

Trong chín tháng đầu năm 2015, bệnh viện tiếp nhận gần 3.500 bệnh nhi mắc bệnh sốt xuất huyết đến khám, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 2.663 ca điều trị nội trú, cao gấp 4 lần cùng kỳ năm trước. Ngoài sốt xuất huyết, các bệnh khác cũng vào mùa dịch và tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể bệnh tay chân miệng tăng 50%, các bệnh hô hấp tăng 20%...

Theo bác sĩ Nơi, toàn bệnh viện có 740 giường bệnh nhưng lúc đỉnh điểm, bệnh viện thiếu khoảng 100 giường bệnh để bố trí cho bệnh nhi. Trong khi đó, bệnh viện tuyến trên chỉ nhận các trường hợp bệnh nặng mà bệnh viện không có khả năng điều trị được như tim bẩm sinh, ung thư...

Còn các bệnh trong danh mục điều trị ở bệnh viện thì tuyến trên không nhận, dẫn đến việc quá tải trên. Vì vậy, bệnh viện phải bố trí bệnh nhi ở ghép, phân bố đến các khoa khác, cho bệnh nhi điều trị ngoại trú để giảm tải các khoa đang nóng với dịch bệnh tăng cao.

Ông Cao Trọng Ngưỡng - giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đồng Nai - cho hay hiện toàn tỉnh có trên 5.300 ca mắc bệnh sốt xuất huyết (đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau TP.HCM). Riêng TP Biên Hòa có trên 2.400 ca, đã có 4 người tử vong.

A LỘC




Chia sẻ