"Hào Anh chưa đủ sức mạnh để vượt qua sang chấn tâm lý từ thời kỳ đen tối của tuổi thơ"

Q.T,
Chia sẻ

Cô Võ Thị Minh Huệ - Luật gia, chuyên gia tâm lý tại Phòng khám Nhi đồng Tp.HCM cho biết, Hào Anh bị sang chấn tâm lý khi phải trải qua một thời kỳ đen tối của tuổi thơ đầy đòn roi quái ác.

Trong 4 năm qua, Hào Anh đã lớn lên như thế nào?

Cách đây 4 năm, ông bà chủ trại tôm giống Minh Đức ở ấp Phú Hiệp, xã Ngọc Chánh (Đầm Dơi, Cà Mau) là Huỳnh Thanh Giang (30 tuổi) và Mã Ngọc Thơm (33 tuổi) đã khiến dư luận phẫn nộ khi đã phủ lên tuổi thơ cơ cực của em Nguyễn Hào Anh bao đòn roi ác độc.

Lời tự bạch đầy nước mắt của Nguyễn Hào Anh làm mọi người rơi nước mắt và phẫn nộ tột cùng: “Ngày nào cháu cũng bị đánh, không dạ, thưa bị đánh, làm chậm cũng bị đánh. Cậu mợ bực bội gì cũng lôi con ra đánh. Vết thương trên trán con do cậu đánh bằng cây tre. Răng con gãy, cậu bẻ cho hả giận. Sứt môi, cậu lấy kìm kẹp...".

Sự việc kinh hoàng chỉ bị phát giác vào năm 2010, sau khi bà S. ở ấp Nam Chánh, xã Tân Dân (huyện Đầm Dơi) tố giác. Sau khi giải cứu, Hào Anh phải nhập viện điều trị nhiều ngày liền với những vết thương thâm tím, mưng mủ, hay những vết bỏng chằng chịt trên cơ thể.



Chứng kiến thân thể Hào Anh đầy những vết thương, khuôn mặt sưng phù, đầy những vết sẹo và cổ tay, cổ chân còn hằn vết dây trói, hai bàn tay, bàn chân sưng tấy, dư luận cả nước không khỏi phẫn nộ, bức xúc suốt một thời gian dài.

Ngày 29/6/2010, TAND tỉnh Cà Mau xét xử sơ thẩm, phạt Huỳnh Thanh Giang - Mã Ngọc Thơm mỗi người 23 năm tù về tội Cố ý gây thương tích và Hành hạ người khác. Hai người làm công cho vợ chồng này tham gia hành hạ Hào Anh theo lệnh của chủ, mỗi người bị phạt 18 tháng tù.

Vụ án kết thúc, Hào Anh được gửi vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau chăm sóc, đi học đến lớp 5 cùng các bạn nhỏ tuổi hơn mình. Sau lần Hào Anh trốn trung tâm để đạp xe về chơi nhà ngoại ở huyện Cái Nước (Cà Mau), mẹ cậu là bà Phạm Thi Thoa đã xin cho con mình về nhà, hòa nhập cộng đồng. Hai năm trước Hào Anh đi bốc vác, kiếm tiền giúp mẹ.



Hàng ngày bà Thoa (trái) chèo đò thuê kiếm vài chục ngàn đồng nên với số tiền 150 triệu đồng của một nhà hảo tâm ở Vũng Tàu trao tặng và trên 700 triệu đồng do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Cà Mau trao hết cho Hào Anh vào đầu năm 2014 khiến người mẹ rất vui mừng. Ảnh: Zing.

Theo thông tin từ ông Nguyễn Hồng Dũng (Trưởng khóm 4, P.8, TP.Cà Mau), khi thoát khỏi trại nuôi tôm của ông Giang - bà Thơm, Hào Anh được nhiều nhà hảo tâm giúp đỡ. Nhưng do Hào Anh còn nhỏ nên số tiền đó được Sở Lao Động -Thương Binh & Xã Hội tạm bảo quản giúp. Tháng 10/2013, khi Hào Anh đủ tuổi trưởng thành, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho gia đình em nhận tiền, mua đất, cất nhà, ổn định cuộc sống.

Trước đó Hào từng có ý định học hớt tóc nên Sở đã chi ra 5 triệu đồng để em học nghề. Sau đó em lại chuyển sang học làm đồ nhôm. Xong, cả hai nghề em đều bỏ.

Căn nhà hiện tại của Hào Anh được hoàn thành cách đây hai tháng.

Ngày 3/9/2014, Công an phường 8, TP.Cà Mau mời Hào Anh về trụ sở lập hồ sơ xử lý về hành vi Ngược đãi cha mẹ, đuổi đấng sinh thành ra khỏi nhà vì xin tiền không được. Một cảnh sát cho biết Hào Anh ít nhất ngược đãi mẹ 2-3 lần và hành vi này bị xử phạt hành chính 200.000 đồng.


Hào Anh trong ngày dọn vào nhà mới cách đây 4 tháng. Ảnh: Zing.

Thông tin từ bà Thoa (mẹ Hào Anh) cho biết, do sẵn có tiền từ các nhà hảo tâm, chưa đầy 1 năm, cậu đã mua 4 xe máy và “đập” gần chục chiếc iPhone. Đỉnh điểm, mới đây, trong lúc “giận cá chém thớt”, Hào Anh đã đuổi cha mẹ ra đường và vứt hết quần áo 2 người ra khỏi nhà.

Cộng đồng mạng tranh luận trái chiều về việc "thương" hay "giận"

Những ngày qua, thông tin Hào Anh ngược đãi mẹ khiến cộng đồng có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vụ việc Hào Anh được đánh giá là "đổ đốn, hư hỏng, phản bội lại niềm tin của cộng đồng". 

"Nhiều người lên tiếng nói rằng vì tuổi thơ của em như vậy, vì hoàn cảnh gia đình, cha mẹ em như thế nên giờ em như vậy. Xin nói với em rằng đó không phải là lí do để em hành động như ngày hôm nay. Có nhiều hoàn cảnh cũng khổ sở, khốn cùng lắm nhưng họ đâu có hành động như em. Họ phấn đấu vươn lên, nghị lực vươn tới cuộc sống tốt đẹp mà những người có hoàn cảnh như em rất mạnh liệt cớ sao em lại như vậy?".


Nhiều người thất vọng vì cho rằng Hào Anh đã phụ lòng tin của nhiều người.

Đồng ý kiến với quan điểm này, một bạn khác cũng nói rằng: "Qua chuyện Hào Anh khiến cho những mạnh thường quân phải giật mình và suy nghĩ lại cho sau này. Liệu khi ủng hộ cho một hoàn cảnh nào đó thì phải là giúp cho số phận đó có thêm niềm tin, nghị lực không hay là khiến cho số phận đó có tính ỷ lại. Tuy nhiên qua chuyện Hào Anh tin rằng các hội từ thiện, chính quyền địa phương cũng như các ban ngành  liên quan sẽ rút kinh nghiệm  trong việc định hướng tương lai cho những hoàn cảnh như thế. Riêng chuyện Hào Anh phải nói rằng thật đáng thất vọng".

Câu chuyện của Hào Anh liên tục được chia sẻ trên các diễn đàn, facebook trong hai ngày qua.

Tuy nhiên, bên cạnh những bức xúc thì nhiều người cho rằng Hào Anh đáng thương hơn đáng trách khi em đã trải qua một tuổi thơ sóng gió, ảnh hưởng đến tâm lý nặng nề nên những hành vi vừa qua một phần ảnh hưởng vì những chấn thương tâm lý mà ra.

Một bài viết từ facebook A.V.V cũng đang được cộng đồng đồng cảm, bài viết này đã nhận được gần 600 lượt chia sẻ và gần 16.000 bình luận. A.V.V cho rằng:

"Đọc comment thấy ai cũng chửi em ấy, lên fb thì share bài để chửi em ấy. Mình thì thấy tội nghiệp cho em, nhớ ngày đó những vết hành hạ, từ tinh thần lẫn thể xác, em bị bẻ răng, đánh nứt da nứt thịt, hẳn chẳng ai còn nhớ chi tiết quan trọng đáng trách của người mẹ em - người đã bán em vào làm đầy tớ cho 2 vợ chồng quái vật chủ trại tôm với công việc nặng nề khổ nhọc, và được 2 vợ chồng này trả tiền lương mỗi tháng 500k trực tiếp cho mẹ của Hào Anh. Chính khi vỡ lẽ ra, phó chủ tịch ban thiếu niên chịu trách nhiệm còn phân trần rằng trách cả mẹ Hào Anh nuôi con không ra gì, đẩy con vào chỗ chết và khó khăn xong lấy tiền mỗi tháng cho bản thân mình.


Một bài viết rất dài bênh vực Hào Anh.

Mình nói thật, trách Hào Anh 1 thì mình trách mẹ Hào Anh 10. Cha mẹ li dị, dẫu sao mẹ HA dù nghèo khó tới đâu thì cũng đã lấy chồng mới, nhắm nuôi con không nỗi thì thôi cho chùa đi, cho mấy trại mồ côi chờ xin con nuôi đi, tại sao lại bán con làm đầy tớ rồi lấy tiền mỗi tháng lương của con như thế. Thương con à ? Trách nó bất hiếu ?? Đầu tiên hãy tự coi lại em ấy đã nhận được 1 tuổi thơ thế nào : Sự đau đớn, hèn hạ, tủi nhục mà bố mẹ đã mang đến cho em. Em không được học hành, nuôi dạy cho tử tế, rồi khi em được có tiền thì cả nhà xúm vào thương em. Ôi! Mình có ngu cũng thấy được không phải HA tự nhiên làm hành động đẩy đồ bố dượng và mẹ ruột ra đường như vậy.

Không được dạy dỗ, tuổi thơ đen tối thậm chí quá ám ảnh, thì chỉ đổi lấy một đứa con trưởng thành thế này thôi, mọi người không thể trong đợi thêm em nó sẽ thành bác sĩ hay tệ nhất là sinh viên vượt khó học giỏi này nọ được, vốn dĩ đời em đã quá đau thương, người mẹ cũng chẳng yêu thương em gì cho cam, nếu không thì có phải bán máu cũng đã phải cho em ăn học, sáng trèo đèo lội suối đưa em đi học, đêm bắt đom đóm soi đèn cho em học bài rồi. Đừng có đỗ tại nghèo, còn rất nhiều người mẹ nghèo, không chồng, một thân một mình lụm lon, quét rác còn cho con ăn học được, chứ cái ngữ bán con thế này, nó có ra thành loại dân đầu đường xó chợ thì chỉ còn biết khóc và trách mình mà thôi!  




Nhiều bình luận đồng cảm và cho rằng Hào Anh thật sự đáng thương.

"Hào Anh chưa đủ sức mạnh để vượt qua sang chấn tâm lý từ thời kỳ đen tối của tuổi thơ"

Cô Võ Thị Minh Huệ - Luật gia, chuyên gia tâm lý tại Phòng khám Nhi đồng thành phố HCM đã nhận định: "Hào Anh chưa đủ sức mạnh để vượt qua sang chấn tâm lý từ thời kỳ đen tối của tuổi thơ".

Cô cho biết: "Những đứa trẻ có tuổi thơ sống trong môi trường bạo hành, là nạn nhân của hành vi bạo hành thì lớn lên có thể bị những rối loạn tâm lý".

"Hào Anh lớn lên trong một môi trường bị bạo hành nên sau này em sẽ khó giải quyết những vấn đề trên phương diện tình cảm mà sẽ bằng hành động nhiều hơn. Các đứa trẻ bị sang chấn tâm lý như Hào Anh luôn xem rằng việc giải quyết bức xúc bằng hành động là giải pháp nhanh nhất, hoặc có thể những đứa trẻ chưa biết cách kìm chế cảm xúc đúng mức. Hãy khoan lên án Hào Anh vì đã phản bội lòng tin của mọi người, vì làm như thế, Hào Anh càng rơi vào hoàn cảnh, tình thế không thể thoát ra được. Tôi nghĩ Hào Anh cần tiếp tục được hỗ trợ về mặt tâm lý. Không phải đứa trẻ nào được cứu giúp trong hoàn cảnh khó khăn đều có thể giác ngộ và sống tốt hơn như xã hội mong mỏi được, đó là cả một quá trình điều chỉnh, giáo dục từ nhiều phía", cô Huệ nói.

Cô Huệ cũng bày tỏ quan điểm rằng, việc hỗ trợ vật chất chỉ là liệu pháp tạm thời cứu người khó khăn ngay trong thời điểm ấy, nhưng việc hỗ trợ tinh thần, dạy cho Hào Anh cách tiếp nhận một cuộc sống mới, đảm nhận một vai trò mới mới là điều quan trọng.
Chia sẻ