Hai nông dân khởi kiện đại gia mượn máy bay bầu Đức

Theo PNTD,
Chia sẻ

Trở lại câu chuyện của nữ doanh nhân thủy sản được cho là thành đạt ở đất Tây Đô, bà Phạm Thị Diệu Hiền (Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An), nữ đại gia làm người dân choáng váng bằng cả đoàn xe siêu sang đảo quanh nhiều tuyến đường trong ngày cưới của con trai.

Khởi kiện đại gia

Theo hợp đồng mua cá của Công ty Bình An ký kết với bà Phạm Thị Mai và ông Nguyễn Văn Liền ở huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ thì vào tháng 5 và tháng 7/201, hai nông dân này bán cá cho Công ty Bình An trên 1.100 tấn cá với số tiền 31,5 tỉ đồng.

Trong đó, một hợp đồng ghi hạn trả nợ 20 ngày, hợp đồng còn lại là 45 ngày kể từ ngày bắt cá nhưng đến nay bà Hiền chỉ mới trả nợ xong cho ông Liền, còn bà Mai thì nợ trên 16 tỷ đồng theo bảng đối chiếu công nợ của Phó Tổng Giám đốc Phạm Hữu Thường ký gửi nông dân vào cuối tháng 1/2012.
 
Công nợ của Công ty Bình An với nông dân Phạm Thị Mai

Chính vì chậm trả tiền mua cá nên hai nông dân này khởi kiện ra tòa yêu cầu Công ty Bình An do bà Hiền làm Tổng Giám đốc nhanh chóng trả nợ.

Luật sư Nguyễn Trường Thành, Trưởng Văn phòng Luật sư Vạn Lý (TP Cần Thơ) cho biết hiện nay Công ty Bình An còn nợ ông Liền trên 500 triệu đồng tiền lãi, nợ bà Mai trên 16 tỷ đồng tiền gốc và lãi phát sinh nên người khởi kiện yêu cầu tòa án xem xét áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời bằng cách kê biên tài sản của công ty nhằm đảm bảo cho việc trả nợ, trong đó có xe ôtô Rolls-Royce trị giá hàng chục tỷ đồng.

Giải thích lý do chưa trả tiền cho nhiều nông dân, bà Hiền nói cuối năm 2011 trên khu công nghiệp Trà Nóc có một công ty thủy sản vỡ nợ dính đến nhiều khoản vay của ngân hàng. Vì vậy, ngân hàng siết  chặt tín dụng bằng cách thu hồi vốn vay khoảng 500 tỷ đồng nhưng đến nay chưa giải ngân lại nên công ty gặp khó khăn.

Tuy nhiên, bà Hiền cho rằng công ty vẫn có thiện chí trả nợ nông dân mà cụ thể là hàng tuần khi nhận được tiền trả về từ nước ngoài thì công ty gọi nông dân lên trả dần nợ đã thiếu.

“Chính vì thiện chí đó mà trước đây công ty nợ nông dân gần 300 tỷ đồng nhưng hiện nay trả được khoảng 100 tỷ. Vài ngày tới, một ngân hàng ở miền Tây giải ngân, chúng tôi sẽ trả dứt nợ cho nông dân.

Còn đối với bà Mai, sau khi công ty trả nợ xong cho ông Liền thì bà này ủy quyền cho ông Liền đòi nợ công ty nên chúng tôi đã trả được trên 1 tỷ đồng dù giấy ủy quyền không được địa phương xác nhận”, bà Hiền giải thích thêm.

Ngân hàng bị chiếm đoạt 90 tỷ

Không chỉ công ty của bà Diệu Hiền nợ nông dân trăm tỷ, nhiều đại gia miền tây khác cũng làm người nuôi cá khốn đốn.

Theo tìm hiểu của phóng viên, công ty thủy sản vỡ nợ vào cuối năm 2011 ở TP Cần Thơ chính là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu An Khang (Công ty An Khang) do ông Nguyễn Hồng Quân làm Giám đốc có nhà xưởng ở khu công nghiệp Trà Nóc.

Ông Quân trước đây từng làm trong quân đội, khi bước sang thương trường đã xây biệt thự hoành tráng trên đường Trần Quang Diệu, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.

Trước khi công ty này vỡ nợ, con gái ông Quân là Nguyễn Thị Thu Sương làm Phó Giám đốc Công ty An Khang đã câu kết cùng thuộc cấp lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều ngân hàng.

Công ty An Khang nơi làm cho ngân hàng và nông dân điêu đứng.

Theo kết luận của cơ quan điều tra, với vai trò là Phó giám đốc, Sương cùng nhân viên phòng xuất nhập khẩu làm 44 bộ chứng từ xuất khẩu giả để chiết khấu tại Ngân hàng Vietinbank Chi nhánh Trà Nóc, chiếm đoạt trót lọt gần 90 tỷ đồng.

Ngoài ra, Sương còn làm 3 bộ chứng từ chiết khấu giả để chiếm đoạt gần 4 tỷ đồng tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình.

Liên quan đến khoản nợ kết xù của Công ty An Khang, Vietinbank đã cách chức Giám đốc chi nhánh Trà Nóc đối với bà Trần Thị Phương cùng với hai Phó giám đốc là ông Thái Minh Toàn và Trần Việt Hải.

Không còn cục đất chọi chim

Không chỉ có ngân hàng mà Công ty An Khang còn “quỵt” nợ của nhiều nông dân. Tại ấp Đại Thành, thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang), nơi có đến 7 hộ nông dân nuôi cá tra là nạn nhân của Công ty An Khang với số tiền nợ tiền bán cá lên đến 6,4 tỷ đồng. Họ hiện đang đứng ngồi không yên vì lo sợ ngân hàng xiết nợ.

Mấy tháng qua, ông Lê Văn H. hàng ngày chạy đôn chạy đáo lên tận Cần Thơ để nghe ngóng tin tức của công ty, để mong sao nhận được tiền bán cá, dù ông thừa biết rằng chẳng còn tia hy vọng nào.

Ông buồn bã cho biết: “Hơn nửa năm trước khi cá đến lứa thu hoạch, ông ký hợp đồng với Công ty An Khang bán gần 15 tấn cá tra với tổng số tiền khoảng 400 triệu đồng. Theo hợp đồng thỏa thuận bên công ty sẽ ứng 30% cho ông sau khi cá được đem về đến nhà máy, còn lại 70% thanh toán thời hạn là 20 ngày (tính từ ngày nhận cá cuối cùng tại nhà máy).

Nếu quá thời hạn thanh toán mà bên công ty chưa thanh toán cho người bán thì phải chịu lãi suất 2%/tháng. Tuy nhiên, sau ngày bán cá đến nay chờ hoài chẳng thấy công ty thanh toán tiền, hỏi ra mới biết Công ty An Khang vỡ nợ”.
 

Mẹ con bà Liềm vừa bán bánh khọt sống đắp đổi qua ngày vừa phải chạy khắp nơi để đòi nợ DNTN Vạn Hưng.

Gần nhà ông H., anh em ông Đoàn Văn L. bị quỵt tiền bán cá nhiều nhất với số tiền lên đến 2,8 tỷ đồng.

Nông dân này bức xúc nói: “Ba anh em tôi bán số lượng cá cho Công ty An Khang trên 100 tấn với giá 27.000 đồng/kg, thế nhưng công ty chẳng trả đồng xu nào. Trong khi toàn bộ vốn liếng vay ngân hàng đều đổ dồn vào mấy hầm cá tra, nay bị quỵt nợ biết lấy tiền đâu trả nợ ngân hàng đây”.

Còn nông dân Phan Văn T. ngụ huyện Châu Phú, An Giang rầu rĩ nói: “Nuôi được số cá bán cho Công ty An Khang hơn 4,7 tỉ đồng tôi đã phải vay ngân hàng và vay nóng ở bên ngoài hết 4,5 tỉ đồng. Theo tôi biết Giám đốc Công ty An Khang ở biệt thự lớn, đi xe hơi đắt tiền nhưng không hiểu tại sao đối xử với nông dân quá bạc”.  

Không riêng gì những người bán cá cho Công ty An Khang mà nhiều nông dân một nắng hai sương nuôi được con cá bán cho Doanh nghiệp chế biến thủy sản Vạn Hưng ở huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng) giờ phải trắng tay, không còn cục đất chọi chim, phải đi làm mướn khắp nơi vì doanh nghiệp không chịu trả tiền mua cá.

Doanh nghiệp này do bà Huỳnh Dù Táng ở thị trấn Vĩnh Châu (Vĩnh Châu, Sóc Trăng) làm Giám đốc. Dù hoạt động chuyên ngành thủy sản nhưng nhà máy được xây dựng trên vùng đất chuyên canh hành tím.

Ông Khưu Chí Thức, chồng sắp cưới của bà Táng làm Phó giám đốc Doanh nghiệp Vạn Hưng đã đến nhiều tỉnh miền Tây ký hợp đồng mua cá tra với người dân nhưng cá đã bắt đi chế biến xuất khẩu mà tiền không trả.

Ông Trần Văn Tâm ở ấp Phú Thành, xã Phú Hữu (An Phú, An Giang) có 6 công đất (6.000m2) đào ao nuôi cá tra mong kết thúc vụ kiếm ít tiền lời sửa lại căn nhà, mua quần áo mới cho hai đứa con đi học.

Nhưng giờ đây, vợ chồng ông phải khăn gói đi làm mướn khắp nơi để kiếm tiền mua gạo từng lon sống qua ngày. Đất đai bán sạch, cái đói chực chờ từng ngày. Không phải ông nuôi cá lỗ vốn là do Vạn Hưng mua cá xong mà không chịu trả tiền.

Vợ ông Tâm là bà Nguyễn Thị Ngọc Ba suốt nhiều tháng nay phải cùng chồng đi làm thuê kiếm tiền sống qua ngày vì bị Vạn Hưng quỵt nợ. Bà Ba nói trong nước mắt: “Tôi vay 250 triệu đồng của ngân hàng đầu tư vào cá tra nhưng DNTN Vạn Hưng nợ 238 triệu đồng tiền mua cá nhiều tháng nay không chịu trả nên phải bán hết đất đai trả nợ ngân hàng.

Điện thoại cho ông Khưu Chí Thức không được vì Phó Giám đốc này đã bị Công an Sóc Trăng bắt tạm giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên vợ chồng tôi phải đi làm mướn kiếm sống qua ngày”.

Cùng cảnh ngộ với vợ chồng ông Tâm là bà Lưu Thị Liềm ở Thốt Nốt, Cần Thơ. Gia đình bà Liềm bán cá cho DNTN Vạn Hưng vào tháng 7/2009 nhưng nợ 88 triệu đồng đến nay không trả.

Trong khi đó, tiền vay ngân hàng để nuôi cá bà Liềm phải đóng lãi hàng tháng chịu không nổi nên đành bán hết đất để trả nợ. Hiện không còn đất sản xuất, mẹ con bà Liềm phải bán bánh khọt ở vỉa hè đường kiếm chút tiền lời mua gạo sống lay lắt qua ngày.

Ở tỉnh Đồng Tháp, ông Thái Văn Đê ngụ tại xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự bán cá cho DNTN Vạn Hưng vào năm 2009. Sau khi bắt cá xong, ông Khưu Chí Thức ký biên bản thỏa thuận để lại cho ông Đê cam kết trả dứt điểm số nợ trên 590 triệu đồng nhưng đến nay doanh nghiệp chẳng chịu trả tiền.

Liên quan đến hành vi lừa đảo của Phó Giám đốc Khưu Chí Thức, bà Phạm Thị Mai (chủ nợ của Công ty Bình An) vì quá sốt ruột đã cho người xuống Sóc Trăng tháo gỡ tài sản của Doanh nghiệp Vạn Hưng nên đã bị Công an Sóc Trăng khởi tố về hành vi “cưỡng đoạt tài sản”.

Đúng là thảm cảnh của hàng loạt nông dân khi làm ăn với các đại gia thủy sản đang làm náo loạn miền Tây với cảnh sang giầu hào nhoáng.
Chia sẻ