Hà Nội: Tập huấn, lên kế hoạch phòng chống vi rút Zika

Thế Long,
Chia sẻ

Ngày 4/2, Sở Y tế đã tổ chức cuộc họp lên kế hoạch phòng chống virus Zika xâm nhập trên địa bàn thành phố và các vùng lân cận.

Theo các chuyên gia y tế, tại Việt Nam, chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh do vi rút Zika nào, tuy nhiên khả năng xâm nhập vào nước ta là rất cao do trong nước đang có sẵn muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và vi rút Zika hoàn toàn có thể lây truyền nơi có muỗi Aedes lưu hành.

Tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh đã yêu cầu Trung tâm Kiểm dịch quốc tế cần giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, tăng cường kiểm tra thân nhiệt của hành khách bằng máy đo thân nhiệt.

zikA
Những nơi có vi rút Zika đang hoành hành

Đặc biệt là hành khách đến từ các vùng đang có dịch bệnh do virus Zika. Nếu phát hiện trường hợp nào nghi mắc bệnh, thì thông báo kịp thời cho Trung tâm Y tế dự phòng, để áp dụng biện pháp cách ly, chuyển tuyến điều trị để tổ chức giám sát dịch tại cộng đồng.

Đối với Trung tâm y tế dự phòng và trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã cần thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình bệnh dịch do virus Zika trên thế giới để chủ động áp dụng những biện pháp phòng, chống nguy cơ dịch xâm nhập và bùng phát trên địa bàn thành phố. 

zika


Giám sát chặt chẽ các trường hợp có biểu hiện hoặc nghi ngờ mắc bệnh tại cộng đồng, cơ sở y tế. Đặc biệt những người gần đây có tiền sử đi du lịch hoặc trở về từ các quốc gia đang có dịch bệnh để có biện pháp khám xác định và quản lý kịp thời.

Hướng dẫn chuyên môn trong giám sát, xử lý dịch cho cán bộ làm công tác dịch tễ, xét nghiệm, đội cơ động phòng, chống dịch. Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho công tác lấy mẫu bệnh phẩm để chủ động lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

zika
Vi rút Zika hoàn toàn có thể lây truyền nơi có muỗi Aedes

Các bệnh viện trong và ngoài công lập tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế tham gia phát hiện, điều trị người bệnh nghi ngờ mắc bệnh do virus Zika. 

Tăng cường khám sàng lọc phát hiện ca bệnh nghi mắc virus Zika, nhất là những trường hợp có tiền sử dịch tễ (trở về từ vùng có dịch bệnh); đáp ứng đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, thuốc men, sẵn sàng điều trị kịp thời cho người bị mắc. Thông báo cho Trung tâm Y tế dự phòng và Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã các trường hợp nghi ngờ để điều tra dịch tễ, xử lý dịch tại cộng đồng…

Trước đó, trả lời PV về tình hình nguy cơ lây lan của vi rút Zika, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho hay, Bộ Y tế Việt Nam đã có thông tin về bệnh do vi rút Zika từ trước đó. Và đưa thông tin cảnh báo về nguy cơ dịch do vi rút này xâm nhập.

“Cũng như khuyến cáo người dân trên website của Cục Y tế dự phòng và Bộ Y tế ngay trong tháng 12/2015 khi thế giới ghi nhận thêm nhiều ca mắc bệnh ở các nước châu Mỹ, đặc biệt là Brazil.

Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh đã tổ chức buổi họp khẩn giữa các đơn vị y tế, để cùng thống nhất phương án phòng chống, giám sát dịch do vi rút Zika trong tháng 1/2016”, ông Phu nói.

zika
Ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng

Vị cục trưởng khẳng định: “Ngay sau đó, một cuộc họp trực tuyến quan trọng giữa 2 điểm cầu Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh đã diễn ra đầu tháng 2/2016 do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì, có sự tham gia của các Bộ, ngành khác như Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,... và các tổ chức y tế quốc tế như WHO, CDC US, FAO,...

Điều này cho thấy, ngành y tế Việt Nam đã có những kinh nghiệm phòng chống dịch mang tính quốc tế trước đây như phòng chống dịch Ebola, MERS-CoV, cúm gia cầm lây truyền sang người,... 

Chúng ta đã có những kịch bản phòng chống dịch ở các cấp độ khác nhau tùy theo mức độ nguy cơ; có kế hoạch giám sát trên nhiều phương diện: Giám sát tại cửa khẩu, giám sát tại cơ sở y tế, giám sát tại cộng đồng, giám sát các chủng vi rút trên gia cầm,...”

Cũng tại cuộc họp, Sở Y tế đề nghị người dân hãy áp dụng biện pháp phòng chống bệnh như phòng chống bệnh sốt xuất huyết (chống muỗi đốt, chủ động diệt muỗi và bọ gậy, nằm màn khi ngủ, vệ sinh sạch sẽ nơi ở, môi trường xung quanh…)

Tập huấn hướng dẫn, giám sát và phòng chống bệnh do vi rút Zika cho các cán bộ y tế

Trước những diễn biến phức tạp của bệnh do vi rút Zika đang làn truyền mạnh trên thế giới và có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam, sáng ngày 03/02/2016, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn, giám sát và phòng chống bệnh do vi rút Zika cho cán bộ y tế của 30 quận, huyện trên địa bàn thành phố.

zika
Tập huấn hướng dẫn, giám sát và phòng chống bệnh do vi rút Zika cho các cán bộ y tế

Qua lớp tập huấn, giúp các cán bộ y tế nâng cao năng lực hướng dẫn giám sát, phát hiện sớm ca bệnh để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, không để dịch lây lan ra cộng đồng.

Bệnh do vi rút Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền, thuộc họ Arbovirus nhóm Flaviviridae, cùng nhóm với các vi rút sốt xuất huyết Dengue, viêm não Nhật Bản, Chikungunya, sốt vàng và sốt Tây sông Nile. 

Vi rút Zika được phát hiện đầu tiên từ khỉ Rhesus vào năm 1947 tại rừng Zika thuộc Uganda. Trường hợp bệnh đầu tiên trên người ghi nhận tại Uganda và Tanzania năm 1952. 

Năm 2007, vụ dịch đầu tiên xảy ra tại đảo Yap (Micronesia) với 185 trường hợp, đến năm 2013 vụ dịch lớn tại Polynesia của Pháp với khoảng 10.000 trường hợp trong đó có 70 trường hợp nghi ngờ có lien quan tới biến chứng thần kinh (hội chứng Guillain-Barré) hoặc biến chứng tự miễn, không có trường hợp tử vong.

Năm 2015, dịch lan rộng ở khu vực Nam Mỹ, khu vực Đông Nam Á bệnh do vi rút Zika được ghi nhận tại Thái Lan và Indonesia. Trên thế giới, tính đến ngày 29/01/2016 có 31 quốc gia ghi nhận trường hợp nhiễm vi rút Zika, chưa có trường hợp tử vong nào. 

Bệnh không lây truyền trực tiếp từ người sang người mà do muỗi truyền bệnh, thời gian ủ bệnh từ 3 đến 12 ngày, người bệnh có biểu hiện như sốt, phát ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp, đau cơ và đau đầu.

Các triệu chứng, phương thức lây truyền của bệnh giống với sốt xuất huyết, đặc biệt bệnh này đến 80% không có biểu hiện lâm sàng nên rất khó phát hiện. 

Bệnh do vi rút Zika được cho là có mối lien quan tới hội chứng đầu nhỏ (bệnh đầu nhỏ) ở trẻ sơ sinh, hội chứng Guillain-Barré, một loại rối loạn hệ thống miễn dịch tác động đến thần kinh gây ra hiện tượng yếu cơ ở tay, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng khoa học chứng minh các biến chứng này là do nhiễm vi rút Zika.




Chia sẻ