Đón giao thừa online

Zin,
Chia sẻ

Gần 12h khuya đếm 30 Tết, cư dân mạng vẫn đông đúc. Có những người chọn cho mình cách đón giao thừa online.

Tìm niềm vui bên những người bạn ảo

Không phải ai cũng có thể dễ dàng tìm được những người bạn cùng mình đi chơi tối 30 Tết và đón giao thừa. Ở nhà, lên mạng cũng là một cách giúp họ bớt cô đơn hơn trong thời khắc thiêng liêng nhất của một năm.

Một bạn có nick yahoo “tuong_van…” chia sẻ: “Bạn bè mình đa số đều có gia đình cả rồi. Chúng nó chả rảnh để giao thừa đi lượn ngoài đường như mình. Người yêu thì mới chia tay. Thành ra Tết này mình thành người cô đơn. Không ngủ được sớm, lên mạng vừa là một thói quen, vừa để thấy lòng ấm áp hơn. Thời khắc giao thừa, mọi người cùng chúc mừng nhau năm mới, gửi cho nhau những lời chúc hạnh phúc, may mắn cũng thấy rất vui vẻ”.

Ngày càng nhiều người đón giao thừa online.


Nick name khá trẻ trung “teen9x…” thì cho biết: “Bố mẹ em không cho đi chơi giao thừa với bạn. Nói rằng năm cuối cấp rồi phải cẩn thậ, đi lại ít thôi. Xin mãi không được em phải ở nhà. Buồn quá thì em lên mạng thôi. Vậy mà cũng gặp cả đống đứa bị cấm túc như mình. Ngồi chat chit với nhau hóa ra lại vui. Giao thùa cả hội chúc nhau tíu tít cả lên cũng thấy thích lắm”.

Cũng để nick yahoo sáng trưng suốt đêm giao thừa, bạn trai có nick “trai_tim_co_don…” chia sẻ: “Nhà mình chẳng bao giờ có khái niệm đón giao thừa đâu. Bố mẹ tối nào cũng đi ngủ từ 10h, cho dù có phải là Tết hay không. Mình lớn rồi, đi chơi chẳng ai cấm nhưng về nhà lần nào cũng phải gọi cửa hoặc kỳ cạch mở khóa khiến các cụ mất ngủ, phiền phức lắm. Thế nên mấy năm rồi mình đều đón giao thừa trên mạng. Kể cũng vui vì trên mạng thì hầu như ai cũng dễ thương cả”.

Sum họp gia đình bên internet

Tết là thời gian của sự đoàn viên gia đình. Nhưng không phải năm nào và gia đình nào cũng có được niềm hạnh phúc tưởng như giản đơn ấy. Bởi vậy, đêm giao thừa, họ cùng nhau ngồi bên chiếc máy tính, mong muốn rút gần khoảng cách giữa những người thân yêu trong khoảnh khắc đầy thiêng liêng.

Cô Nguyễn Thị Lan (Ba Đình – Hà Nội) tâm sự: “Cái Tết thứ 5 cô đón giao thừa trên mạng rồi đấy cháu ạ. Thằng lớn nhà cô nó du học ở Nga, học hết đại học rồi lại học thạc sĩ đã mấy năm rồi chả được về nhà dịp Tết. Cả nhà năm nào cũng quây quần bên chiếc máy tính lúc giao thừa để nói chuyện cho vui vẻ. Mong rằng Tết sang năm sẽ có mặt cả gia đình”.

Không xa xôi như gia đình cô Lan, nhưng năm nay cả gia đình anh Quang Tùng (nick name “tungit…”) cũng đón giao thừa online. Anh chia sẻ: “Mình không đặt được vé để bay ra ăn Tết kịp với gia đình. Chiều tối mùng 2 mình mới có mặt ở Hà Nội được. Bình thường xa nhau dăm bữa nửa tháng cũng thấy bình thường. Vậy mà Tết đến không được gần vợ gần con thấy sao mà buồn thế. Cả nhà hẹn nhau lên mạng. Qua webcame thấy bé Ken 6 tháng tuổi cười toe toét khi thấy bố mà rưng rưng nước mắt. Sang năm quyết chuyển công tác ra gần nhau thôi”.

Một ngày như bao ngày

Với nhiều người, Tết ngày càng trở nên 'bình thường' hơn. Có người quan niệm: Tết đơn giản là một dịp nghỉ lễ. Họ tận dụng thời gian này để làm những công việc thường ngày mình vẫn làm: như lên mạng lướt web, chơi game, chuyện trò cùng bạn bè. Đón Tết online với họ như một "chuyện tất nhiên".

Anh Nguyễn Đình Tuấn (Ba Đình - Hà Nội) chia sẻ: "Có thời gian, mình thường online đến 1, 2h sáng. Giao thừa cũng không phải là ngoại lệ. Không chỉ riêng mình, nhiều người bạn cũng đều có thói quen trên mạng. Khi kim đồng hồ điểm 12h, mọi người cùng để status (dòng chia sẻ) lời chúc mừng năm mới và những lời may mắn nhất đến những người bạn, người thân. Mình thấy như vậy là đủ. Đâu nhất thiết phải lao ra đường, phải tụ tập trong thời tiết giá rét như thế này. Thích xem pháo hoa thì bật ti vi xem trực tiếp, vừa được toàn cảnh, lại xem được nhiều điểm khác nhau, chả thích hơn bao nhiêu.
Chia sẻ