Điều gì giúp tỷ phú Donald Trump dẫn đầu cuộc đua vào Nhà Trắng?

Theo VOV,
Chia sẻ

Những tuyên bố “nổ tung trời” của tỷ phú Mỹ Donald Trump đang trở thành thứ “vũ khí đáng sợ” giúp ông tạm dẫn đầu trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

“Nổ” nhưng đầy thuyết phục

Luật sư hàng đầu về bất động sản tại Manhattan Jon Mechanic nhớ lại một ngày mùa hè 10 năm trước, khi ông Trump đưa ông đi thăm quan một khu mua sắm còn để trống tại Tháp Trump trên Đại lộ số 5 ở Manhattan.

Khi đó, ông Mechanic đang đại diện cho hãng Gucci danh tiếng, và hãng bán lẻ này dự định thuê một cửa hàng ở Tháp Trump. Trong chuyến đi đó, ông Trump đã không thể “chế ngự nổi” bản tính của "một kẻ kinh doanh lọc lõi” khi giới thiệu về khu mua sắm nói trên.

Giây phút "nổ tưng bừng" của ông Donald Trump. (Ảnh AP)

Ông ấy (Trump) nói rằng đó là không gian bán lẻ tuyệt vời nhất tại tòa nhà tuyệt vời nhất ở một góc phố tuyệt vời nhất trong một thành phố tuyệt vời nhất trên thế giới”, ông Mechanic nhớ lại.

Hiện ông Mechanic vẫn còn giữ cuốn sách “Nghệ thuật thương lượng” mà ông Trump tặng ông có ghi dòng chữ: “Dành cho luật sư vĩ đại nhất trong ngành bất động sản trên toàn thế giới”.

Theo Reuters, những người đã chứng kiến sự “vụt sáng” của ông Trump để tạm dẫn đầu cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016 không quá lạ lẫm gì với phong cách “nổ tung trời của ông Trump”.

Trái với các ứng cử viên Tổng thống khác chỉ chăm chăm nói về những vấn nạn của đất nước, ông Trump lại “vẽ ra” cho cử tri Mỹ thấy mọi chuyện sẽ tuyệt vời như thế nào nếu ông được bầu.

Ông Trump từng cam kết sẽ trở thành “một Tổng thống mang lại nhiều việc làm nhất cho người dân mà Chúa có thể tạo ra”. Ông cũng khẳng định “giỏi về vấn đề sức khỏe của phụ nữ” hơn cả bà Hillary Clinton, đối thủ nặng ký thuộc Đảng Dân chủ.

Ngoài ra, không ai không nhớ đến tuyên bố sẽ buộc người Mexico chi tiền xây dựng bức tường dài hơn 3.000km bao quanh biên giới Mỹ- Mexico cũng như đẩy khoảng 11 triệu người nhập cư trái phép ra khỏi nước Mỹ.

Những lời lẽ tưởng như “nổ tung trời” ấy, được ông Trump gọi là “những lời phóng đại đáng tin cậy” trong cuốn sách “Nghệ thuật thương lượng” của ông và đã trở thành thương hiệu của ông Donal Trump.

“Phóng đại một chút không chết ai cả. Mọi người đều muốn tin vào những điều to tát, vĩ đại nhất. Đó là một dạng khuếch trương cực kỳ hiệu quả”, ông Trump viết trong cuốn sách của mình.

Đối với ông Trump, việc “phóng đại một chút” đã trở thành thói quen, đặc biệt là khi thương hiệu của ông bị nghi ngờ.

Con dao hai lưỡi

Tuy nhiên, việc chạy đua vào Nhà Trắng khác hẳn với việc kinh doanh bất động sản và những lời lẽ “phóng đại một chút” của ông có thể sẽ trở thành “con dao hai lưỡi” nhất là khi những lời hứa hẹn với các cử tri của ông vượt xa khả năng mà ông có thể thực hiện được.

Bản thân ông Trump cũng nhận ra nguy cơ này khi chính trong cuốn sách của mình, ông từng chỉ trích các cựu Tổng thống Jimmy Carter và Ronald Reagan vì đã “hứa lẻo”.

Cựu Tổng thống Ronald Reagan - "hình mẫu lý tưởng" mà ông Trump muốn vươn tới trong việc thu hút sự chú ý của công chúng bằng cách xuất hiện thật nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng và "hứa lèo".

Trong một bài phỏng vấn với tờ Hollywood Reporter, ông Trump cũng cho biết ông sẽ “hạ tông” hơn trong chặng đường sắp tới trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng và sẽ “lựa lời hơn trong những gì tôi nói ra”.

Tuy nhiên, nhiều người ủng hộ ông Trump cho rằng, đó không hẳn là điều xấu.

Đối với ông Vincent DeVito, một luật sư từng tham gia các chiến dịch tranh cử của Đảng Cộng hòa, khẩu hiệu của ông Trump: “Biến nước Mỹ trở lại vĩ đại một lần nữa” đã nói lên tất cả.

Theo ông Devito, ông Trump đang muốn “thổi bùng sự lạc quan đến với mọi người dân Mỹ” chứ hoàn toàn không phải là “thổi phồng quá mức khả năng của mình”.

Muốn thành Tổng thống phải biết phóng đại?

Trước ông Trump, rất nhiều Tổng thống Mỹ cũng đã không ngần ngại “phóng đại” để giành được sự ủng hộ của cử tri, trong chiến dịch tranh cử của mình.

Tổng thống Barack Obama từng bị chỉ trích về việc cam kết với các cử tri rằng họ có vẫn có thể giữ nguyên gói bảo hiểm y tế của mình kể cả khi kế hoạch chăm sóc y tế Obamacare của ông có hiệu lực trong khi mọi chuyện sau đó lại không như vậy.

Đến một người như Tổng thống Obama cũng từng ước mình không hứa hẹn quá nhiều về chương trình chăm sóc y tế Obamacare

Gần đây, ông Trump cũng đang học theo cựu Tổng thống Reagan, người dành rất nhiều thời gian trước ống kính máy quay để “tô đẹp” hình ảnh của mình.

Tuy nhiên, 30 năm trước, chính ông Trump đã từng lên án ông Reagan. Trong cuốn sách “Nghệ thuật đàm phán”, ông Trump viết: “Ông ấy là một người thể hiện rất tài tình và hiệu quả nên đã giành được sự ủng hộ tuyệt đối của người Mỹ. Tuy nhiên, 7 năm sau, mọi người đang tự hỏi có điều gì ẩn giấu sau nụ cười của ông ấy”.

Ông Michael Wissot, một “chiến lược gia” của Đảng Cộng hòa hiện đang giảng dạy tại Đại học Nam California cho rằng, khác với các Tổng thống khác, ông Trump có vẻ “đã đi quá đà trong lời hứa của mình”.

“Bắt Mexico trả tiền xây tường bao quanh biên giới nước Mỹ là điều phi thực tế. Tuy nhiên, việc đưa 11 triệu người nhập cư bất hợp pháp ra khỏi nước Mỹ mới là cơn ác mộng thực sự. Những tuyên bố như thế này có thể hủy hoại vị thế của ông Trump kể cả khi ông ấy trở thành Tổng thống”, ông Wissot nhận định.

Chia sẻ