Cuộc sống của phụ nữ trên khắp thế giới qua câu chuyện về cái toilet

NN,
Chia sẻ

Những bức ảnh nhà vệ sinh trên khắp thế giới chứng minh thực tế rằng điều kiện vệ sinh đi liền với sự bình đẳng, phẩm giá và an toàn cho phụ nữ.

Ngày 19/11 là Ngày Toilet thế giới, một sự kiện nâng cao nhận thức cho 2,5 tỷ người không được tiếp cận với điều kiện vệ sinh cơ bản và cách thức mà vấn đề này có thể gây nguy hiểm cho phụ nữ và trẻ em gái.

Vệ sinh lộ thiên có thể dẫn tới hàng loạt bệnh nhiễm trùng, bao gồm cả bệnh tả và tiêu chảy, vốn được xem là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi.

Phụ nữ và các bé gái có nguy cơ bị hiếp dâm hay tấn công mỗi khi họ có nhu cầu đi vệ sinh lộ thiên. Việc thiếu nhà vệ sinh riêng cho từng giới khiến các thiếu nữ phải bỏ học khi đến kỳ kinh nguyệt, dẫn tới sự vắng mặt từ 10 đến 20% thời gian học tập.

Để chứng minh giá trị không thể đo lường của toilet, cũng như sự thật về số phụ nữ và bé gái đang phải sống mà không có điều kiện vệ sinh tối thiểu, trang My Toilet đã thu thập các câu chuyện mang tính xã hội xung quanh vấn đề nhà vệ sinh trên khắp thế giới. Những bức ảnh này cũng được triển lãm tại  Royal Opera Arcade Gallery ở London và hiện bộ sưu tập vẫn đang tiếp tục được bổ sung.

Ở Bangladesh, phụ nữ trì hoãn việc đi ngoài vì sợ các nhà vệ sinh ở đây

Cuộc sống của phụ nữ trên khắp thế giới qua câu chuyện về cái toilet 1

Khoảng 15 triệu người Bangladesh đi vệ sinh lộ thiên, sử dụng các nhà vệ sinh treo hoặc xô, hay đi bộ ra một chỗ xa mỗi khi cần đi ngoài. Đối với phụ nữ không có điều kiện tiếp cận nhà vệ sinh riêng, họ thường phải chờ tới sáng để giải quyết nhu cầu vì sợ bị tấn công.

Tuy nhiên, sự trì hoãn này có thể dẫn tới nhiễm trùng đường tiểu và mất nước, bởi phụ nữ sẽ ít uống nước hơn để tránh phải đi vệ sinh nhiều.

Rubina, 38 tuổi, là một trong số những phụ nữ phải đưa ra sự lựa chọn khó khăn này mỗi ngày. Cô sống trong một khu ổ chuột ở Dhaka và sử dụng nhà vệ sinh treo cách nhà 20 mét. Một lần, vào lúc nửa đêm, khi đang giải quyết nhu cầu, cô nghe thấy tiếng ai đó đập cửa nhà vệ sinh rất mạnh như muốn phá cửa. Kể từ đó, cô không bao giờ sử dụng toilet sau 9h tối.

Ở Ấn Độ, phụ nữ có nguy cơ bị hãm hiếp khi đi vệ sinh

Cuộc sống của phụ nữ trên khắp thế giới qua câu chuyện về cái toilet 2

Geeta, sống ở Katra, Uttar Pradesh, đi bộ khoảng 6 cây số mỗi ngày vào buổi sáng sớm hoặc tối muộn, để tới nhà vệ sinh ở khu cánh đồng. Nguy cơ bị tấn công trong lúc này đặc biệt phổ biến ở Ấn Độ, nơi cứ 30 phút lại có một phụ nữ bị hãm hiếp. Vào tháng 5 vừa qua, hai chị em họ ở bang của Geeta đã bị cưỡng hiếp một cách tàn nhẫn và treo cổ lên cây trong khi đang đi vệ sinh ở một cánh đồng.

Ở Kenya, các nữ sinh bỏ lỡ 6 tuần học ở trường mỗi năm vì không có nhà vệ sinh

Cuộc sống của phụ nữ trên khắp thế giới qua câu chuyện về cái toilet 3

Hơn 850.000 nữ sinh Kenya phải bỏ khoảng 6 tuần học ở trường mỗi năm vì không có tiền mua băng vệ sinh. Và thậm chí nếu có thể, các em cũng không được tiếp cận với nhà vệ sinh riêng trong trường học để thay băng khi đến kỳ kinh nguyệt, tổ chức Global Hand cho biết.

Ở Brazil, phần lớn chất thải không qua xử lý

Cuộc sống của phụ nữ trên khắp thế giới qua câu chuyện về cái toilet 4

Gần 70% lượng chất thải ở Rio de Janeiro không qua xử lý, nghĩa là các dòng chảy chất thải từ các khu ổ chuột và khu phố nghèo sẽ chảy vào và làm ô nhiễm nguồn nước, tờ AP cho biết.

"Một ngày nào đó tôi muốn có một nhà vệ sinh có nước"
, Lorena, 16 tuổi, người vừa chuyển đến một khu ổ chuột ở Rio nói. "Một số người quanh đây đã bị ảnh hưởng sức khỏe vì điều kiện vệ sinh tệ hại".

Ở Ethiopia, hàng triệu người vẫn phải đi vệ sinh lộ thiên

Cuộc sống của phụ nữ trên khắp thế giới qua câu chuyện về cái toilet 5

Ở Ethiopia, 38.1 triệu người vẫn phải đi ngoài lộ thiên và ở Addis Ababa, chỉ có một trong số 25 nhà có toilet và không chia sẻ nó với các hộ khác, tờ Guardian cho hay.

Meseret, một góa phụ sống ở Addis Ababa, sống trong một ngôi nhà có một phòng ngủ cùng 2 người con, 2 người chị và mẹ. Nhà vệ sinh chung ở xa vì vậy gia đình thường phải sử dụng khu vực sân để giải quyết nhu cầu. Điều này dẫn tới việc họ có nguy cơ bị mắc bệnh thương hàn, dịch tả và tiêu chảy, đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ.

Ở Haiti, thiếu nhà vệ sinh gây nguy cơ nhiễm trùng

Cuộc sống của phụ nữ trên khắp thế giới qua câu chuyện về cái toilet 6

Mirlanda, 15 tuổi, đánh giá cao việc có nhà vệ sinh ở trường học và ước rằng nó được giữ sạch sẽ và an toàn cho học sinh khi sử dụng. Các nhà vệ sinh cũng thiếu chậu rửa, khiến tăng nguy cơ bị bệnh tật cho học sinh.

Nguồn: Huffington Post
Chia sẻ