Chưa đến Rằm tháng 7, quán chay đông nghịt khách, rau củ tăng giá mạnh

Hà Hương,
Chia sẻ

Có giá đến cả triệu đồng/mâm nhưng những quán chay vẫn nườm nượp khách. Ở siêu thị, đồ chay cũng luôn trong tình trạng

Thực phẩm chay: "Cháy hàng" trong siêu thị, quán chay đông nghịt khách ra vào

Rằm tháng 7 là một ngày lễ lớn xuất hiện ở một số quốc gia châu Á trong đó có Việt Nam. Ngày lễ này cũng trùng với lễ Vu Lan - lễ báo hiếu cha mẹ, và Rằm tháng 7 còn gọi là lễ "xá tội vong nhân".

Theo quan niệm dân gian, vào ngày này, người còn sống không chỉ tưởng nhớ, tỏ lòng hiếu kính với cha mẹ, ông bà đã khuất mà còn là dịp họ giúp đỡ các "linh hồn" đói khát không có gia đình, người thân thờ cúng. Nhiều người quan niệm, ăn chay vừa tốt cho sức khỏe lại tránh được sát sinh. Vì thế, trong ngày đặc biệt này, không ít gia đình chọn cúng đồ chay và thưởng thức đồ chay. Điều này khiến thực phẩm chay được bày bán ngoài chợ, siêu thị luôn được ưa thích, những quán chay đông nghịt khách. 

quán chay
Trong những ngày này, cỗ chay được rất nhiều khách ưa chuộng. Một nhân viên phục vụ cho biết, họ làm luôn tay từ sáng tới tối mịt còn phục vụ không xuể cho thực khách

Các thực phẩm chay như gà xé chay, bóng cá chay, bò lát chay, thịt cốt lết, cá bạc má... được tiêu thụ nhiều hơn cả với giá từ 20.000 đồng/gói. Cụ thể, chạo đùi gà 27.000 đồng/túi, chả cá viên 25.000 đồng/túi, ruốc nấm hương 67.000 đồng/gói, thịt dê chay 40.000 đồng/túi, sườn non chay 250.000 đồng/1kg, cá thu chay 45.000 đồng/gói…

quán chay
Thịt gà chay là một trong những món được mọi người ưa dùng

Giải thích lý do ăn chay nhiều trong tháng này, chị Thu Thủy (Tam Trinh, Hà Nội) cho biết, ngoài quan niệm ăn chay để cầu may, cầu bình an, chị cho rằng, sau một thời gian ăn ê hề hàng ngày với thịt cá thì ăn chay với nhiều rau củ là một cách giúp cân bằng dinh dưỡng và tạo sự ngon miệng cho chị và gia đình chị. 

Không chỉ vậy, những quán chay trong thời điểm này cũng đông nghịt khách. Quán chay An Phúc tuy nằm trong ngõ nhưng ngày nào cũng tấp nập khách từ sáng tới tối mịt ghé qua. Chị Phương – chủ quán cho hay: "Từ đầu tháng 7 Âm lịch tới nay, quán lúc nào cũng đông khách, nhiều khi chúng tôi rất ái ngại khi phải từ chối khách không đặt bàn trước".

quán chay
Rất nhiều hộ gia đình đặt mâm cỗ chay dịp cuối tuần để cả nhà "đổi gió"
 
Để phục vụ nhu cầu đa dạng của thực khách, ngoài các món chay thông thường như đậu hũ, bún gạo, các loại nem như nem rán giòn, nem cuốn thanh mát, nem hoa quả với vị chuối, xoài, dứa chín ngọt thơm, nem hải sản có vị rong biển, những món nấm như ruốc nấm, súp nấm, gỏi nấm kim, nấm kho ngô… Nhiều quán chay còn đầu tư chế biến các món đặc trưng mang hình dáng của món mặn như bò kho, bún bò Huế, bún cà ri gà, thịt chiên, lẩu...

Ghi nhận của nhóm phóng viên, lượng thực khách tập trung đến các quán chay tăng mạnh. Không chỉ vào giờ cao điểm, khách đến quán trong những ngày này hầu như liên tục. 

Anh Chiến – một nhân viên phục vụ cho hay, thời điểm này lượng khách đến quán đông gần gấp 8 so với ngày thường.

Buổi nào thức đó là phương châm phục vụ khách của quán chay này, thực khách được phục vụ điểm tâm sáng với các món bánh canh, hủ tiếu… Riêng cơm chay được bán từ trưa đến tối, với khoảng hơn 100 món chay được chế biến đa dạng hương vị từ những nguyên liệu rau củ, quả rất phong phú, đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho người tiêu dùng.

quán chay
Ăn chay trong tháng 7 Âm dường như trở thành nét văn hóa của người Việt Nam hiện nay

Hiện nay, ăn chay không chỉ mang ý nghĩa tín ngưỡng, tâm linh mà đã trở thành trào lưu trong cộng đồng vì nhiều người dân có xu thế ăn chay hướng đến mục tiêu cân bằng dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe, bảo vệ môi trường… 
 
Chị Ngọc Lan (Chương Dương Độ, Hà Nội) cho biết dịp Lễ Vu Lan hàng năm chị đều ăn chay cả tháng, bạn bè cùng công ty cũng hưởng ứng nên thường vào giờ cơm trưa cả nhóm tìm đến những quán chay quen thuộc để thưởng thức. Chị nói: "Ngoài giá tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực, tôi rất ấn tượng với những quán chay được thiết kế ấm cúng, không gian yên bình". 

Chị Dương Tuyết Nhung (Long Biên, Hà Nội) cho biết, chị thường chọn những món gỏi trộn hay gỏi cuốn từ rau củ, hay các món nấm nấu, xào, kho. Chị cho biết, nhiều quán chay trong dịp này cũng có tăng giá nhẹ song chỉ vài nghìn đồng/1 món cũng không đáng kể. 

Được biết giá mỗi mâm cỗ chay sẽ phụ thuộc vào món ăn mà khách chọn. Những mâm cỗ chay từ 8-14 món sẽ có giá dao động từ 450.000-800.000 đồng - thực đơn này đang rất hút khách. Tuy nhiên, những mâm cỗ chay giả mặn có giá từ 1-1,5 triệu đồng cũng nhận được nhiều đơn đặt hàng.

Nhiều món khá hấp dẫn được nhiều người lựa chọn như gà hấp lá chanh, sườn xào chua ngọt, đậu cuốn rong biển, tôm chiên, nem hải sản, giò lụa, rau xào thập cập, xôi vò, canh nấm,... thực đơn này có giá từ 600.000 đồng.

Rau củ tăng giá

Vào mùa Vu lan, sức mua các loại rau củ để chế biến món chay thịnh hành như nấm, cà rốt, củ sắn, cà chua, các loại khoai, bắp, cải ngọt cũng đều hút hàng nên tại các chợ, đơn vị bán lẻ luôn trong tình trạng khan hiếm hàng, mà có thì giá có xu hướng tăng cao. Theo ghi nhận cho thấy giá cả nhiều mặt hàng tăng từ 15% - 50% so với trước đây.

Rau củ tăng giá mạnh
Nhiều loại rau củ tăng giá 

Tuần trước, giá nấm rơm tại các chợ lẻ là 50.000 đồng/kg, nhưng thời điểm này tăng vọt lên 100.000đồng/kg. Giá nấm tăng gấp 2 như thế được tiểu thương giải thích một phần là do mùa chay, nhà hàng nào cũng đặt khiến tình trạng này khan hiếm. 

Các loại rau củ quả thông dụng để chế biến món chay cũng tăng giá, dứa ngày thường 7.000đ/trái tăng lên 12.000 đồng/quả. Rau muống 9000 đồng/mớ, cà chua 25.000 đồng/kg, khoai tây 20.000 đồng/kg, cải thảo 18.000 đồng/kg, cải ngọt 15.000 đồng/kg. 
Chia sẻ