Chia sẻ xúc động của giáo viên mầm non về những vụ bạo hành trẻ: "Tôi thấy xấu hổ"

Bài và ảnh: Tiểu Lâm,
Chia sẻ

"Xấu hổ trước những vụ việc giáo viên mầm non bạo hành trẻ" là lời chia sẻ đầy bức xúc của không ít cô giáo mầm non có tâm với nghề trước tình trạng hàng loạt vụ bạo hành trẻ mầm non ngay trong lớp học.

Hiện nay, báo chí cũng như trên mạng xã hội đang thông tin tràn ngập các hành vi bạo hành trẻ em ở các trường mầm non tư thục. Vì vậy, các cô giáo mầm non đang chịu áp lực rất lớn từ xã hội, tuy nhiên không phải ai cũng thấu hiểu được nỗi vất vả của những nguời mẹ thứ hai này.

Trải lòng với nghề, cô Nguyễn Thùy Linh (SN 1987), giáo viên mầm non lớp Hoa Cúc truờng mầm non Tuổi Hoa, quận Ba Đình Hà Nội tâm sự rằng: “Nghề nào cũng có nỗi khổ riêng của nó, nhưng công việc của một giáo viên mầm non thì khổ hơn vì công việc như con mọn, áp lực từ công việc rất lớn, từ những thứ nhỏ nhặt nhất như nghiệp vụ, thời gian làm việc, lương bổng,... tới những thứ lớn hơn như sức ép từ phụ huynh, từ xã hội,… nhưng với những cô mà vẫn còn trụ được với nghề lâu năm thì chắc chắn rằng, người giáo viên đó phải rất tận tâm với nghề của mình, yêu nghề và yêu trẻ”.

cô giáo
Cũng học hành bài bản, cũng là cô giáo, nhưng làm cô nuôi dạy trẻ vất vả. Nói một cách đơn giản, cha mẹ có 1-2 con chăm con đã "vật vã", còn các cô có tới mấy chục con... 

Áp lực công việc quá lớn

Cô Linh cho biết mỗi ngày cô đi tới trường từ sáng sớm 6h30 - 7h kém, đến 5-6 h chiều mới tan tầm, có những hôm về muộn hơn khi phụ huynh các con có việc đến đón muộn. “Đối với những cô giáo trẻ chưa có gia đình thì việc đó không có vấn đề gì nhưng đối với những chị em có chồng có con, đặc biệt là có con nhỏ thì thời gian biểu này rất sát nhau, rất khó có thể phân bổ thời gian hợp lí cho công việc cũng như cuộc sống riêng”

Tại các trường công lập, trong lớp có 3 cô phụ trách 40 - 50 cháu.“Có những cháu lười ăn, chúng tôi có nhiệm vụ ngồi dỗ dành, vỗ về,  xoa lưng cho các con để tạo sự yên tâm giúp các con ăn ngon miệng. Và trong suốt thời gian ăn, chúng tôi sẽ tới từng bàn để động viên các con ăn ngoan”. Có những bé khó ngủ, hay quấy khóc, các cô phải hoàn toàn 1 kèm 1 với trẻ, “Những lúc như vậy, những giáo viên trông trẻ chúng tôi ôm bé vào lòng để cho các bé nín khóc rồi dỗ dành đến khi con ngủ", cô Linh cho hay. 

cô giáo
Dù thích, dù không thì học ngành Sư phạm mầm non tức là phải xác định cho mình con đường gắn bó với con trẻ 

Không những vậy, các cô kiêm luôn nhiều nhiệm vụ khác, yêu thương dỗ dành bé, cho bé đi vệ sinh, thay quần áo khi bé tè dầm, chăm sóc những bé nôn, sốt,… 

Trong lúc các con ngủ: "Chúng tôi lại ngồi cùng nhau ăn nhanh bát cơm rồi chuẩn bị đồ chơi, giáo án,... để chiều cho các con học, phải "cắt, dán đồ chơi phải thật tỉ mỉ, đẹp mắt thì trẻ mới chơi”. Cô Linh tâm sự rằng: “Lớp của tôi chăm thường là các trẻ từ 4-5 tuổi, ở tầm tuổi này, các con đã có một vốn nhận thức nhất định nên các cô đỡ phải căn chỉnh giờ giấc cho các bé, còn đối với các bé nhỏ hơn, các cô luôn phải trong tình trạng căng mắt ra để kèm cặp mỗi bé, chăm sóc các bé, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Chăm cho các con từ miếng ăn, giấc ngủ, sự an toàn của con, sự phát triển của con”.

cô giáo
Đòi hỏi các cô giáo mầm non thực sự phải lao tâm khổ tứ, chăm sóc cho các học trò nhí của mình từ miếng ăn, giấc ngủ cho đến vệ sinh, trang phục…

Nhiều giáo viên trường công cho rằng, mỗi bé đều có một tính cách khác nhau, có bé năng động ưa hoạt náo, nhưng cũng có bé trầm tính ít nói. Sau mỗi giờ học, các cô thường ngồi lại cùng nhau phân tích tính cách của từng trẻ trong lớp để có có cách giao lưu, chia sẻ hay chơi với bé. Tuy nhiên ở các trường công lập các cô không thể nào trông nom được hết các hoạt động của trẻ vì... quá tải. Nhiều phụ huynh khó tính, khi thấy con em mình chỉ cần có một vết xước trên người, hay bé quấy khóc khi đưa đón là ngay lập tức tạo áp lực cho giáo viên.

“Nhiều trẻ hiếu động, tranh giành đồ chơi với nhau nhiều khi xảy ra những sự cố nhỏ, xuất hiện một vài vết xước trên người là kiểu gì phụ huynh cũng gọi điện ngay cho cô giáo phàn nàn. “Xã hội càng ngày càng phát triển thì các bé ngày càng có điều kiện, được chiều chuộng hơn, nhiều bé có tính ỉ lại, hay khóc,… các cô dỗ dành không được thì phải "cứng rắn" hơn là dọa các em ở mức độ cho phép để các em mềm tính đi”, cô Linh cũng đồng tình rằng: “Khi đến với công việc này, không chỉ tôi mà bất kỳ 1 giáo viên nào cũng đều yêu thương con trẻ. Coi chúng như chính con mình sinh ra. Chính vì thế, dọa ở đây không phải đánh, mà bằng nghiệp vụ, chúng tôi dành tình thương và dạy dỗ nhắc nhở con".

cô giáo

 Một nghề được coi là vất vả nhưng những giáo viên mầm non lại đang phải nhận mức lương “thấp kỷ lục”, trung bình trên 2 triệu đồng/người/tháng, nhiều cô tâm sự họ khó xoay sở để lo lắng cho bản thân và gia đình. Cô Nguyễn Thùy Linh cho biết: “Cầm trên tay tấm bằng đại học sư phạm mầm non khi ra trường đi làm cũng chỉ có hơn 2 triệu/tháng. Hay tại bây giờ, thời điểm tôi đã làm được ở đây 9 năm lương cũng chỉ xấp xỉ 3 triệu, tiền xăng xe đi lại còn không đủ huống chi để sinh hoạt, chi tiêu trong gia đình”. Nhưng cô Linh cũng cho rằng một khi đã yêu nghề rồi thì lương không còn là vấn đề lớn nữa: “Lương thấp như vậy đấy nhưng tôi vẫn quyết bám trụ với nghề, nhìn thấy nụ cười vô tư, đầy sức sống của những đứa trẻ tôi chợt nhận ra lí do để tôi yêu thương nghề giáo viên mầm non”.

Nhìn cái cách cô Linh và các đồng nghiệp xưng hô với trẻ, nhiều người cũng có thể thấy được niềm hạnh phúc nhỏ nhoi của nghề giáo viên mầm non: “Với những cô giáo trẻ chưa lập gia đình thì xưng cô – con, còn những cô có gia đình rồi thì xưng mẹ - con, các con cũng quen miệng gọi các cô là mẹ, mẹ Linh, mẹ Liên,… Cảm xúc ở đó chứ đâu”, Cô Liên, một giáo viên khác trong lớp cho biết.

cô giáo
Cô Linh cùng cô Liên đang chuẩn bị giáo án ngày hôm sau

Hành vi bạo hành trẻ em là hành vi đáng xấu hổ!

Cô Hoàng Thị Phương Tâm, hiệu trưởng Trường Mầm non Bách Việt nằm trên phố Hoàng Ngọc Phách (Hà Nội) cho rằng: “Phương châm của tôi khi nói với các giáo viên của mình là: mình phải là người mẹ thứ hai của trẻ, để trẻ có thể yên tâm coi trường học như ở nhà với mình”.

Cô cũng cho biết thêm, càng ngày càng nhiều các trường mầm non tư thục mở ra để tuyển các em đến học, “Ở trường công lập thì chỉ nhận các bé đủ 24 tháng – 5 tuổi, nhưng với trường tư thì phải nhận trẻ sớm hơn, có trường nhận các bé từ 18 tháng tuổi”. Hầu hết các trẻ được gửi vào các trường tư thục, dân lập là do không có hộ khẩu để xin vào các trường địa phương, tuy nhiên không phải phụ huynh nào cũng có lòng tin gửi con mình cho trường tư thục, dân lập. Chị Ánh tạm trú tại phường Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Nghe những thông tin bạo hành trẻ con qua báo chí mà xót xa, thế này thì thà ở nhà trông con còn hơn là gửi vào các trường tư. Tất nhiên không phải trường nào cũng như vậy nhưng tôi e rằng khó mà tin tưởng được với cách mà các cô đối xử với trẻ hiện nay…”.

cô giáo
 Giáo viên mầm non trường tư thục Bách Việt đang dạy trẻ

Để trả lời câu bỏ ngỏ của chị Ánh cũng như nhiều phụ huynh khác, cô Tâm chia sẻ rằng: “Không phải trường tư nào cũng như thế. Với thị trường ngày càng có nhiều trường tư mở ra như hiện nay, nhà trường trước hết là phải tạo lòng tin cho phụ huynh, lắp camera để phụ huynh tiện giám sát. Ở các trường công quá tải, một cô phải trông nhiều em, ăn uống phải có giờ giấc nhưng với trường tư thì một cô trông 4, 5 em thôi, với các em biếng ăn, tôi luôn căn dặn những giáo viên trong trường là không nên ép các em ăn mà xé lẻ các bữa cho các em để đảm bảo đủ chất”. Một lí do khác để các trường tư thu hút học sinh là các trường nhận trông trẻ 6 ngày/ tuần, còn các trường công lập chỉ trông từ thứ 2 đến thứ 6.

Với kinh nghiệm hơn 40 năm trong nghề của mình, cô Hoàng Thị Phương Tâm chia sẻ: “Tôi bắt đầu làm nghề này từ những năm 1978, tôi tự tin mà nói rằng mình chưa từng một lần đánh các con... nhưng dường như các cô giáo trẻ hiện nay thiếu tình yêu thật sự với trẻ con”. Lý giải lí do vì sao các cô lại có hành vi bạo hành trẻ em như vậy, cô Tâm tâm sự rằng: “Với kinh nghiệm của bản thân, tôi nghĩ các cô giáo đó đang bị ức chế tâm lí, bị những áp lực từ công việc, gia đình, đến ngày họ khó chịu… hay bất kì một lí do nào đó tạo thành thành sự bực dọc và vô tình hoặc vô tư buông xả xuống đầu trẻ nhỏ. Còn nếu với những cô chẳng có gì tự nhiên bạo hành trẻ, đánh trẻ thì nên đi khám... thần kinh, tôi nghi ngờ họ có tiểu sử liên quan tới bệnh lí nhiều hơn”. Nhưng dù bất kì lí do nào cũng không thể biện minh tội ác của những giáo viên đánh trẻ, bạo hành trẻ nhỏ mà lại mượn cái danh “cô giáo mầm non”.

Cô Nguyễn Thùy Linh thốt lên rằng: “Tôi không hiểu nghiệp vụ, đạo đức của họ để đâu mà họ có thể làm như vậy. Dù nghề muôn vàn khó khăn nhưng việc làm đó là không thể chấp nhận như vậy. Cứ thử đặt các em bị bạo hành là chính con của mình thì thử hỏi các cô có khóc vật vã không? Có đòi công bằng lý lẽ không?".

Còn với cô H.A, hiệu trưởng một trường mầm non quốc tế rất lớn tại Hà Nội thì kịch liệt lên án hành vi bạo hành trẻ em: “Tôi xin phép được giấu danh tính, vì không phải là tôi nói xấu nghề hay bôi nhọ những đồng nghiệp của mình. Nhưng các cô giáo bị báo chí lên án đó là nỗi xấu hổ của cả một nền giáo dục mầm non. Các con là tương lai của đất nước, là mầm non phải ươm lấy, vậy mà các cô có những hành vi phản giáo dục, vi phạm đạo đức nghề nghiệp nghiêm trọng, vượt quá khả năng tha thứ của nhiều người. Các cô vô tình cứa vào lòng tin của các bậc phụ huynh khi gửi trẻ đi mầm non. Pháp luật phải mạnh tay, tránh những trường hợp khác nhen nhóm”.

Cô Phương Tâm thì nhẹ nhàng hơn khi truyền đạt kinh nghiệm của mình.“Các cô giáo trẻ muốn làm nghề này trước hết là phải yêu lấy trẻ trước đã”, cô thở dài khi hàng ngày vẫn còn những trẻ em bị những cô giáo vô tâm bạo hành trong giờ học.

Chia sẻ