Bệnh nhân mắc và tử vong vì sởi tiếp tục tăng: Lo bệnh chồng bệnh

Theo Lao Động, Tiền Phong, Dân Việt,
Chia sẻ

Theo các chuyên gia y tế, thời tiết như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại bệnh hô hấp bùng phát. Và nếu bệnh nhân mắc thêm sởi, số ca tử vong do biến chứng sởi còn gia tăng.

Ngày 21.4, ngay trước khi Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đến kiểm tra tình hình điều trị sởi tại khoa Nhi - Bệnh viện (BV) Bạch Mai, 1 bé trai nhiễm sởi đã tử vong.

Anh tử vong, em nguy kịch...

Bệnh nhi tử vong là bé trai V.G.K (25 tháng tuổi, ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội), trong khi em của bé K là V.G.B (7 tháng tuổi) cũng đang bị viêm phổi sau sởi, phải thở oxy tại phòng cấp cứu. Cách đó 1 tháng, mẹ của bé nhiễm sởi, sau đó lây sang 2 con.

Suốt 1 tháng, các bác sĩ đã tận tình cứu chữa, bé K được thở máy liên tục, sau đó được cai máy thở. Gia đình và các bác sĩ đã mừng thầm, tuy nhiên bệnh tình bỗng nhiên diễn biến nặng và bé đã không qua khỏi. Người mẹ ngất lên ngất xuống, ôm con lớn về quê lo hậu sự nhưng vẫn đau đớn ngoái lại nhìn đứa bé đang thở máy, nằm mê man...

Bà ngoại của bé K ôm chặt cháu bé, nước mắt cứ lặng lẽ rơi. Bà phải ở lại trông cháu bé, không thể về quê tiễn biệt cháu lớn. Bà khóc cho đứa lớn, cũng khóc cho cả đứa bé chưa biết mệnh hệ ra sao. Các bác sĩ cho biết, khi nhập viện, cả hai bé đều tổn thương phổi rất nặng, virus sởi phá hủy toàn bộ các nhu mô phổi, do đó phổi không còn khả năng trao đổi khí, cho thở máy cũng không hiệu quả. Hiện em của bé K cũng có tiên lượng xấu.

Bệnh nhân mắc và tử vong vì sởi tiếp tục tăng: Lo bệnh chồng bệnh 1
Trẻ bị sởi đang được người nhà chăm sóc tại khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội (ảnh chụp sáng 21.4).

Đây là ca bệnh thương tâm, khiến các bác sĩ điều trị tại khoa Nhi rớt nước mắt. Trước đó vài tiếng, vào lúc 2 giờ sáng, các bác sĩ cũng đã phải đau đớn tiễn biệt 1 cháu bé khác (9 tháng tuổi, Hà Nội) cũng tử vong do sởi. Hiện tại khoa vẫn còn 61 bệnh nhân sởi, trong đó 11 ca bệnh nặng và 5 ca thở máy đang rất nguy kịch.

Còn gia tăng tử vong

Các bác sĩ nhận định, không khí ẩm ướt, oi bức sẽ tạo điều kiện cho virus sởi phát triển, bệnh nhân mắc sởi còn gia tăng. Đồng thời, đây là mùa rotavirus (gây bệnh tiêu chảy) nở rộ. Trẻ sẽ dễ bị đồng nhiễm 2 loại virus cùng lúc, sức đề kháng càng giảm sâu. Hiện tại BV Bạch Mai cũng đã có một số trường hợp trẻ mắc cùng lúc 2 loại virus này. Còn tại BV Nhiệt đới T.Ư, tính đến ngày 21.4 đã có 703 bệnh nhân sởi và sốt phát ban nghi sởi nhập viện, trong đó có 73% sống tại Hà Nội. Bệnh nhân sởi trên 25 tuổi chiếm 53%, có 31 ca biến chứng.

Cho dù Bộ Y tế khẳng định dịch sởi đang giảm nhưng số mắc và số tử vong vẫn gia tăng và thực tế có thể cao hơn báo cáo. Tính đến ngày 21.4, tính sơ bộ đã có 125 trẻ tử vong do sởi và các biến chứng liên quan (tính cả các ca nặng xin về nhà - PV). Ngoài ra vẫn còn hàng chục ca bệnh nặng phải thở máy, tiên lượng rất xấu.

Tại BV Nhiệt đới T.Ư đã có 1 ca trẻ em tử vong do viêm phổi nặng, suy hô hấp kèm theo nhiễm nấm huyết sau khi bị sởi. Bốn ca nặng xin về nhà (không cứu được-PV). Theo PGS -TS Bùi Vũ Huy - Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư, hiện có cả bệnh nhi bị HIV nhiễm sởi - cả 2 loại bệnh đều làm suy giảm hệ miễn dịch, do đó rất khó khăn trong điều trị.

Hôm qua, BV Sản –Nhi Nghệ An cũng đã báo cáo có 3 trẻ tử vong do sởi. Từ tháng 2 đến nay, bệnh viện này đã tiếp nhận hơn 150 trẻ nhập viện do sởi. Chỉ riêng tháng 4 đã có hơn 90 trẻ bị sởi nhập viện, trong đó có nhiều trẻ bị biến chứng nặng, hiện còn 6 trẻ đang thở oxy.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tiến vẫn cho biết, số ca mắc và tử vong do sởi cao là do 4 nguyên nhân: Trẻ không được tiêm vaccine phòng sởi; bệnh nhân đổ dồn lên BV Nhi T.Ư quá nhiều, 95% ca tử vong là tại BV Nhi T.Ư; do quá tải nên xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo, nhiễm trùng bệnh viện, chất lượng điều trị giảm, lực lượng chăm sóc không đủ; do thời tiết ẩm ướt nên virus gây bệnh hô hấp phát triển, trẻ vào viện phần lớn là do viêm phổi, sau đó mới lây bệnh sởi, bệnh chồng bệnh nên nguy cơ tử vong cao. Bộ trưởng cũng băn khoăn là Hà Nội và TP.HCM - những địa phương có điều kiện tại sao để bệnh sởi bùng phát mạnh với nhiều ca tử vong như vậy? Trong khi các tỉnh miền núi đã có thể dập dịch và rất ít ca tử vong?

Bệnh nhân mắc và tử vong vì sởi tiếp tục tăng: Lo bệnh chồng bệnh 2
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thăm bệnh nhân tại BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư. (Ảnh: Tiền Phong)

Hôm nay (22/4), Bộ Y tế mới tổ chức tập huấn cho BV các tuyến về điều trị sởi. Như vậy dịch sởi đã diễn ra 4 tháng nhưng đến giờ công tác tập huấn cách điều trị mới được Bộ này triển khai trên diện rộng. 

Hết vaccine sởi dịch vụ, buộc tiêm vaccine miễn phí

“Đến ngày 21.4 sẽ hết vaccine sởi dịch vụ và người dân nên đưa con đi tiêm vaccine sởi miễn phí”. Đó là thông báo của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội. Một nghịch lý đang diễn ra trong những ngày qua, vaccine sởi tiêm dịch vụ đang rất đông người tiêm, trong khi vaccine sởi tiêm miễn phí của chương trình tiêm chủng mở rộng lại ế ẩm.

Nhiều ngày qua tại các điểm tiêm dịch vụ trên địa bàn Hà Nội, số lượng phụ huynh đưa trẻ đến tiêm tăng bất thường. Mỗi điểm phải tiêm vaccine sởi cho khoảng 100 bé/ngày, thay vì 20-30 trẻ như những ngày trước đây. Phần lớn các cháu đến tiêm đều trong độ tuổi tiêm chủng và nhiều trẻ lớn hơn chưa tiêm mũi 2.

Ngày 21.4, sau khi có thông tin đã hết vaccine sởi nhập ngoại tiêm dịch vụ, tại các điểm tiêm chủng, nhiều cha mẹ đã ngần ngại không muốn tiêm cho con vaccine sởi miễn phí. Con số thống kê về tỉ lệ tiêm phòng sởi của chiến dịch tiêm vét vaccine sởi trong tháng 3 tại Hà Nội - điểm "nóng" dịch sởi với số trường hợp mắc sởi chiếm 30% trong tổng số ca của cả nước và tỉ lệ tử vong chiếm 50% - cũng mới đạt xấp xỉ 80% đã chứng minh cho điều này.

Tại TPHCM, phụ huynh cũng có tâm lý sợ vaccine sởi tiêm chủng mở rộng.

Trong khi chiến dịch tiêm vét vaccine sởi cho trẻ em trên toàn TP đang được đẩy mạnh, thì nhiều phụ huynh lại từ chối hình thức tiêm ngừa miễn phí này. Họ thi nhau đưa con đi tiêm ngừa vaccine sởi dịch vụ tại các bệnh viện, khiến vaccine sởi trở nên khan hiếm.

Ghi nhận tại BV Nhi Đồng 2 chiều ngày 21.4, cảnh hàng trăm phụ huynh nườm nượp đưa con đến tiêm vaccine dịch vụ nhưng thất vọng ra về vì một số loại vaccine đã hết, trong đó có vaccine sởi. Tình trạng trên cũng diễn ra tại Viện Pasteur và Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Theo BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 1 - không ai nói rằng vaccine dịch vụ tốt hơn vaccine sởi tiêm chủng mở rộng. Và các cán bộ y tế cố gắng giải thích điều này cho những phụ huynh, song các phụ huynh vẫn một mực đòi tiêm vaccine dịch vụ, dù cho loại vaccine này đang trong tình trạng khan hiếm.

Bệnh nhân mắc và tử vong vì sởi tiếp tục tăng: Lo bệnh chồng bệnh 3
Tiêm vaccine cho trẻ tại điểm tiêm Q.10 - TPHCM. 

Nơi tăng điểm tiêm, nơi chậm tiến độ

Sau khi bệnh sởi bùng phát tại TPHCM, Sở Y tế đã thực hiện chiến dịch tiêm vét vaccine sởi cho trẻ em toàn thành phố từ ngày 7.3 đến 17.4 với số liều vaccine dự kiến là 100.000.

Tuy nhiên, theo BS Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng - chiến dịch tiêm vét vaccine sởi đang thực hiện chậm tiến độ. Ngoài lý do khó khăn do xác định số trẻ cần tiêm, thì một lý do nữa là nhiều phụ huynh từ chối thẳng thừng việc cho con tiêm ngừa theo chiến dịch tiêm chủng mở rộng.

Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, từ thời điểm bắt đầu chiến dịch tiêm chủng mở rộng (ngày 7.3), số trẻ tiêm sởi theo dạng dịch vụ tại các cơ sở y tế trên địa bàn TPHCM đến nay lên đến 17.000 liều. Trong đó, BV Nhi Đồng 2, từ đầu tháng 4 đến nay, có gần 800 trẻ đến tiêm ngừa sởi theo dạng dịch vụ với giá 126.000 đồng/liều.

Theo lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, đến ngày 22.4, trên toàn địa bàn Hà Nội sẽ có 30 điểm tiêm vaccine sởi miễn phí tại Trung tâm Y tế dự phòng các quận, huyện. Dự kiến các điểm tiêm miễn phí sẽ hoạt động đến hết tháng 4. Lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng khuyến cáo: Đến ngày 21.4 sẽ hết vaccine sởi dịch vụ và người dân nên đưa con đi tiêm vaccine sởi miễn phí.

Một nghịch lý đang diễn ra tại Hà Nội là rất nhiều gia đình đã “trốn”, không cho con tiêm vaccine sởi miễn phí. Sau khi dịch sởi bùng phát mạnh ở Hà Nội, lúc này mới hay có khoảng 10.000 trẻ ở Hà Nội đã không tiêm phòng vaccine sởi, hoặc tiêm không đủ 2 mũi.

Để nhanh chóng dập dịch, Hà Nội đã mở chiến dịch tiêm vét vaccine sởi miễn phí cho trẻ em, song đã không được nhiều người dân hưởng ứng. Cán bộ y tế tại các xã, phường phải đến tận nhà dân mời họ đưa con đi tiêm phòng, nhưng họ đều từ chối, thậm chí tránh mặt cán bộ y tế, để đưa con đi tiêm vaccine dịch vụ. Đó chính là lý do khiến các điểm tiêm dịch vụ đột ngột gia tăng trẻ đến tiêm.

Vaccine sởi ngoại đã khan hiếm, nhiều nơi đã hết nên người dân sẽ không còn lựa chọn nào khác là tiêm vaccine sởi miễn phí. Bộ Y tế cho biết sẽ phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai một cách quyết liệt, để đạt mục tiêu tiêm vaccine sởi cho trên 95% số đối tượng tiêm chủng và hoàn thành trong tháng 4.2014.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo mạnh mẽ các gia đình đưa trẻ đến các điểm tiêm chủng để tiêm đủ mũi vaccine sởi phòng bệnh. Vaccine sởi miễn phí là vaccine đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của thế giới, nên các cha mẹ hoàn toàn yên tâm.

Trước việc các điểm tiêm chủng luôn đông đúc, nhiều cha mẹ lo ngại đưa con đến đó sẽ bị lây nhiễm sởi, ông Nguyễn Nhật Cảm – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội - khuyến cáo người dân không nên quá lo lắng về điều này, vì hiện nay tình trạng lây chéo chỉ diễn ra tại các bệnh viện quá tải bệnh nhân sởi như Bệnh viện Nhi T.Ư, Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Bạch Mai... còn tại các điểm tiêm chủng, phần lớn là trẻ khỏe mạnh. Cách phòng bệnh tốt nhất là khi đưa con đi tiêm chủng, nên thực hiện các biện pháp phòng tránh như đeo khẩu trang, sát khuẩn bàn tay thường xuyên.

Chia sẻ