Bệnh nhân đầu tiên tử vong do nhiễm Ebola trên thế giới là ai?

Vân Anh,
Chia sẻ

Trước khi đại dịch Ebola bùng nổ trên toàn cầu khiến hàng ngàn người tử vong, bé trai hai tuổi ở Guinea chính là nạn nhân đầu tiên của đại dịch.

Trên thế giới, có thể không nhiều người biết đến tên của Emile Ouamouno nhưng bây giờ, cả thế giới biết đến em như là bệnh nhân đầu tiên của đại dịch Ebola.

Theo các nhà nghiên cứu của Tạp chí y tế New England, Emile là người đầu tiên nhiễm Ebola gần một năm trước. Em sống tại Guinea, một trong những ổ dịch Ebola lớn nhất thế giới.

Bệnh nhân đầu tiên tử vong do nhiễm Ebola trên thế giới là ai? 1
Bức ảnh vợ gia đình Emile còn lại sau thảm họa.

Hiện chưa rõ lý do tại sao Emile nhiễm bệnh. Tại thời điểm đó, Emile sống trong một ngôi làng trong rừng nhiệt đới ở phía nam Guinea. Theo các nhà khoa học, Ebola có thể lây từ động vật sang người qua chất lỏng hoặc mô nhiễm bệnh. “Ở Châu Phi, việc lây nhiễm Ebola được nghi nhận là có thể truyền từ tinh tinh, khỉ đột, dơi ăn quả, linh dương và nhím rừng nhiễm bệnh truyền sang người” – theo WHO.

Đầu tháng 12/2013, Emile bị sốt, phân đen và bắt đầu nôn mửa. Ngày 6/12, em bé tử vong do Ebola. Chỉ một tháng sau đó, chị gái ba tuổi, mẹ và bà ngoại của Emile cũng tử vong trong tình trạng tương tự. 

Mẹ của Emile được xác nhận bị chảy máu ngoài và qua đời ngày 13/12. Sau đó, chị gái của Emile qua đời ngày 29/12 với các triệu chứng được xác định là sốt, nôn mửa và tiêu chảy phân đen. Còn bà ngoại Emile qua đời ngày 1/1.

Cha của Emile, ông Etienne Ouamouno, người vẫn sống sót đau đớn kể lại với các nhân viên UNICEF: “Trước khi chết, các con tôi, Emile và Philomène rất thích chơi bóng. Vợ tôi thì thích địu các con trên lưng”.

Cả gia đình khi đó sống tại làng Meliandou, nơi các loài gia súc như dê, gà được thả rông khắp nơi. Ngôi làng nằm gần biên giới Guinea với Sierra Leone và Liberia. Không lâu sau sự việc này, dịch Ebola đã bùng phát trên khắp thế giới.

Ebola bắt đầu lây lan khắp làng khi người dân đến đưa tang bà ngoại Emile. Một nữ hộ sinh cũng truyền bệnh cho người thân ở một ngôi làng khác và cho cả một nhân viên y tế điều trị bệnh cho cô. Đó là một nhân viên chăm sóc sức khỏe tại phòng khám ở Macenta, cách làng Meliandou khoảng 80km về phía đông. 

Người bác sĩ bị nhiễm Ebola trong quá trình chăm sóc bệnh nhân cũng tiếp tục truyền bệnh cho anh trai anh ta ở Kissidougou, cách đó 133km. Tất cả những trường hợp mắc bệnh đều đã tử vong. Cho đến nay, trên thế giới đã có gần 5000 người chết vì Ebola, trong đó nặng nhất là Guinea, Sierra Leone và Liberia.

Chỉ bốn tháng sau cái chết của Emile, làng Meliandou đã chôn cất thêm 14 người. Hiện ngôi làng đã công bố hết dịch. Tuy nhiên những ảnh hưởng của nó sẽ còn kéo dài trong nhiều năm. Cơ cấu xã hội bị thay đổi, nhiều gia đình phải nhận trẻ mồ côi, nguy cơ đổ vỡ tăng cao.

“Chúng tôi nhận thấy rằng, cuộc khủng hoảng này là một thảm họa nhân đạo. Nhiều người từ bỏ ngôi làng họ sinh sống, từ bỏ gia đình, từ bỏ con cái họ để thoát khỏi Ebola” – Fassou Isidor Lama, một nhân viên UNICEF nói.

“Họ từ chối tất cả các trẻ em, các gia đình nhiễm bệnh khác”.

Tiếp sau đó là các khó khăn về tài chính. Làng Meliandou, nơi người dân sống bằng nghề bán gạo, ngô hoặc chuối cho các thị trấn, thành phố lân cận, đang gặp khó khăn về kinh tế. “Không ai muốn mua sản phẩm của chúng tôi” – Amadou Kamano, trưởng thôn làng Meliandou nói với UNICEF.

Nhiều người dân, vì quá sợ hãi cũng đã đốt cháy nệm và nhiều tài sản khác. “Mọi người đốt cháy tất cả mọi thứ. Bây giờ chúng tôi thậm chí còn nghèo hơn so với trước đây” – ông Kamano cay đắng nói. 

(Theo CNN)
Chia sẻ