Bác sỹ kể chuyện: Cả dòng họ của bệnh nhân mang bia đến viện đón giao thừa

Minh Ngọc,
Chia sẻ

Trong suốt cuộc tiếp xúc chúng tôi, TS Nguyễn Văn Dũng không kìm được xúc động khi nói về những người bệnh phải đón Tết ở bệnh viện.

Vào những ngày đầu tiên của năm Bính Thân, chúng tôi đã có dịp đến thăm Viện sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) để ghi nhận không khí, tâm trạng của những người bệnh, những bác sỹ, cán bộ y tế… Hơn ai hết, họ là những người đang phải chịu nhiều thiệt thòi về tình cảm, vật chất trong những ngày đầu tiên của năm mới.

6 năm đón Tết ở... viện

bác sỹ
TS. BSCKII Nguyễn Văn Dũng

"Tiếp xúc với họ đã khó, để hiểu và có được những câu chuyện của họ lại khó hơn", TS. BSCKII Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Phòng Điều trị bệnh nhân tâm thần – Viện sức khỏe tâm thần mở đầu câu chuyện về nghề.

Bên chén trà nóng, TS Dũng trải lòng về cuộc sống, từ bé ông đã phải sống cuộc sống xa gia đình nên rất thấu hiểu tâm trạng của những người xa nhà. Đặc biệt vào ngày lễ Tết là ngày người ta sum họp và cần mái ấm gia đình, thì ông cũng như bao người khác vẫn phải âm thầm chôn giấu nỗi nhớ nhà để hoàn thành công việc.

Kể về những cái Tết không có gia đình ở bên, TS Dũng không giấu được sự xúc động: “Tôi làm trưởng phòng được 11 năm và đây là cái Tết thứ 6 đón giao thừa ở bệnh viện cùng các bệnh nhân và đồng nghiệp. Người ta cứ nói Tết là quây quần bên gia đình ấm cúng. Đối với các bác sỹ trong đó có tôi đây coi bệnh viện là nhà, bệnh nhân là người thân của mình từ lâu rồi”. 

Trong Viện Tâm thần có nhiều bác sĩ, nhân viên y tế, bản thân tôi cũng có con nhỏ, trong thâm tâm luôn muốn được chung vui cùng gia đình. Nhưng nếu tôi về lại có người khác ở lại, họ là những người trẻ hơn thì tất nhiên họ sẽ thiệt thòi hơn. Vì xung quanh họ còn bạn gái, vợ mới, con mọn...

Nếu giúp được họ điều gì tôi luôn sẵn sàng. Điều tôi mong nhất là cán bộ của mình không buồn vì hàng trăm bệnh nhân có mình bên cạnh, họ sẽ cảm thấy an tâm hơn”, ông Dũng tâm sự.

Nói về cảm xúc giây phút đón giao thừa cùng bệnh nhân, TS Dũng trải lòng: “Đó lại là những khoảnh khắc vui buồn lẫn lộn. Vui nhất là được nhìn thấy những nụ cười, những xúc cảm hiếm hoi của họ. Buồn nhất là bệnh tật của bệnh nhân chưa được chữa khỏi và nhiều người phải xa người thân trong giây phút thiêng liêng”.

Cả dòng họ kéo đến bệnh viện đón Tết 

TS Dũng kể chúng tôi nghe liên tiếp hai câu chuyện về cung bậc cảm xúc đón tết ở viện của người giàu và người nghèo.

Câu chuyện của 1 nam thanh niên là con độc  nhất của vị cán bộ cao cấp ở Hà Nội nhưng mắc chứng rối loạn tâm thần. 

Theo lời TS Dũng, gia đình mà ông nói đến rất có điều kiện, chồng đi công tác suốt, vợ ở nhà đưa con đi hết thầy cúng này rồi lại thầy khác vì họ không hiểu tâm thần là gì, tâm thần đến với con người như thế nào. 

bác sỹ
Một bệnh nhân tự làm bình hoa đem đến tặng bác sỹ

Và điểm dừng để đưa nam thanh niên ấy trở về cuộc sống thường ngày lại là Viện sức khỏe tâm thần mặc dù lúc này bệnh tình của cậu bé đã tương đối nặng.

Ông hồi tưởng: “Khi họ đưa con tới viện thì cả 1 dòng họ cùng tới viện, cùng trải chiếu, nilon, cùng ăn tết và cùng làm vui cho đứa con đó bằng những bó hoa và quà như những con gấu, túi quà nhỏ. 

Họ còn mua cả bia, nước ngọt, bánh mì, bánh chưng... cho tất cả mọi người ở lại. Tôi vẫn còn nhớ như in, năm ấy là Tết 2011, ở viện có 56 bệnh nhân và kíp trực gồm 7 người”. 

Trái ngược với bệnh nhân "quý tử" kia, TS Dũng hồi tưởng lại câu chuyện về một gia đình nghèo ở Thanh Hóa, cuộc sống quanh năm gắn với con thuyền chở người qua sông để kiếm tiền. Ông khẽ lau hai hàng nước mắt chứa đựng đầy ưu tư, kể:

“Anh chị này có đứa con gái, học rất giỏi. Bệnh nhân (cô gái tên H) này lại là đứa con mà anh chị ấy kì vọng nên rất yêu chiều. Khổ nỗi, nhà nghèo quá nên H. vừa học vừa làm và bị sang chấn tâm lý rồi dẫn đến thất bại trong việc học tập”.

bác sỹ
Khi nói về một trường hợp bệnh nhân, ông Dũng rơi nước mắt kể về hoàn cảnh của họ

Cũng theo chia sẻ của ông, dù gia đình bệnh nhân rất nghèo khó nhưng họ lại không chấp nhận con mình bị bệnh mà cho rằng "ma tà" nhập vào H. nên dồn hết tiền chữa trị cho con. Thậm chí, họ chấp nhận bán hết mọi thứ trên bờ để lênh đênh trên thuyền, kiếm tiền mong chữa lành bệnh cho con gái.

“Họ cho con nhập viện đúng dịp Tết Nguyên đán năm 2010. Ông bố từ khi vào chăm con cho tới khi về chỉ có duy nhất 1 bộ quần áo. Tôi đã tặng ông ấy mấy bộ quần áo của mình. Mà tôi vẫn còn nhớ, mình thì cao lớn nên ống quần nó dài, người đàn ông kia thì nhỏ thó nên tôi phải nhờ người cắt gấu và "thít" hai ống quần lại cho vừa vặn mới an lòng.

Mỗi lần nghĩ lại chuyện đó là tôi khóc vì xúc động. Lúc bấy giờ tôi cũng vừa làm quen với công việc trực Tết đêm giao thừa...”, TS. Dũng hồi tưởng.

TS Dũng cũng cho hay, như thành thông lệ, năm nào cũng vậy, các đêm giao thừa ông đều làm mâm cơm rồi bàn thờ cúng để ở giữa sân Viện thắp hương. 

Sau khi mọi người đón giao thừa xong, từ bệnh nhân cho tới người nhà đều ra thắp hương tại đó. Lúc này, không ít người rơi nước mắt vì nhớ nhà.

"Chứng kiến giây phút ấy, tôi không còn cảm thấy thiệt thòi vì không được đón Tết cùng gia đình bởi chứng kiến những con người còn thiệt thòi hơn mình. Thay vào đó, tôi cảm thấy tự hào vì đã ở bên, sát cánh cùng họ và giúp họ ấm lòng hơn trong giờ phút giao thừa", TS Dũng tâm sự.

Chia sẻ