Vườn thủy canh đầy rau sạch trên sân thượng của cô nàng công sở tại Hà Nội

Ảnh: Anh Tùng - Bài: Hạ Mạt,
Chia sẻ

Khu vườn nhỏ với đủ các loại rau quen thuộc trong bữa ăn người Việt như rau dền, rau muống, rau cải,… và đặc biệt là được trồng bằng phương pháp thủy canh khá mới mẻ.

Không gian nhỏ xinh mà hôm nay chúng tôi muốn giới thiệu đến các bạn là khu vườn trên ban công của chị Ngọc Dung, sinh năm 1982, hiện đang làm kế toán tại ngân hàng và sinh sống cùng gia đình tại thủ đô Hà Nội. Khu vườn nhỏ trên sân thượng của chị có diện tích khoảng 25m² với đủ các loại rau quen thuộc trong bữa ăn của người Việt như rau dền, rau muống, rau cải,… và đặc biệt là được trồng bằng phương pháp khá mới mẻ - phương pháp trồng rau thủy canh. Bên cạnh đó chị còn tận dụng diện tích để trồng các loại hoa đủ màu sắc cho khu vườn thêm phong phú và nổi bật.
 
Khu vườn nhỏ trên sân thượng của chị có diện tích khoảng 25m².

Bằng tình yêu đối với công việc làm vườn cũng như muốn chia sẻ đến các chị em phụ nữ một phương pháp làm vườn tại gia khá thú vị, tiết kiệm diện tích cũng như công chăm sóc, chị Dung đã có chuyện trò chuyện khá thú vị với chúng tôi.

Chào chị, chị có thể chia sẻ đôi chút về tình yêu đối với công việc của một người “làm vườn tại gia”?

- Mình sinh ra trong gia đình có truyền thống học nông nghiệp, bố và anh trai là kỹ sư nông nghiệp, nhưng bản thân lại không yêu thích ngành này nên chọn nghề kế toán. Sở thích về cây cối của mình mới phát sinh được khoảng 1 năm nay thôi. Trước đây mẹ và bố hay trồng cây nhưng mình không quan tâm mấy vì chưa thấy được cái hay và thú vị. Chỉ sau khi chuyển về nhà mới, trồng thử vài cây cho đẹp, dần dần niềm yêu thích cây cối đã trở thành niềm say mê lúc nào mà mình không biết. 
 
 
Chị Dung lựa chọn phương pháp trồng rau thủy canh để phục vụ bữa ăn gia đình.

Niềm đam mê và yêu thích cây cối đã biến mình từ một cô nàng công sở bận rộn, không có chút kiến thức gì về bất cứ loại cây trồng, đất trồng, cách trồng,… mà nay cứ có thời gian rảnh là lại đi mua giống về gieo hạt, chăm sóc, nghiên cứu từng loại đặc tính của từng loại cây. Mỗi lần ngắm nhìn chúng là những mệt mỏi của công việc lẫn cuộc sống hằng ngày dường như tan biến cả.

Hiện nay có rất nhiều phương thức trồng rau cho nhà phố, vậy xuất phát từ đâu mà chị quyết định trồng cây bằng phương pháp thủy canh?

- Trước khi trồng thủy canh thì mình chỉ biết trồng đất, tuy nhiên các này thì tốn rất nhiều diện tích, chiếm gần hết cả sân. Thậm chí không còn chỗ để phơi quần áo, cây hết chỗ có nắng để phát triển. Năng suất thì lại không cao, không đủ để ăn và mỗi lần thu hoạch xong một lứa phải chờ khá lâu mới có mẻ rau mới lên. 
 
 
Phương pháp này không chỉ đơn giản, cho năng suất cao mà còn tiết kiệm diện tích.

Sau khi tham gia vào diễn đàn chuyên đề, mình được biết thủy sinh là phương pháp trồng rau sạch, đảm bảo cây phát triển tốt mà không phải dùng đất, rất tiện dụng cho nhà phố. Thế nên mình đã thử nghiệm ngay trên sân thượng và ban công. Vì mình trồng thủy sinh tận dụng diện tích treo nên hầu như không bị tốn gì diện tích ở dưới sàn, do vậy vẫn có thể duy trì trồng đất và thủy canh song song. Hiện mình đã áp dụng phương pháp này được hơn 3 tháng và rau đã đủ cung cấp cho gia đình 4 người lớn và 1 em bé.  
 
Mô hình trồng cây thủy sinh có ưu điểm gì nổi bật, bên cạnh đó có mặt hạn chế nào không? 

- Theo bản thân mình thấy thì mô hình này có rất nhiều ưu điểm nổi bật là tiết kiệm được rất nhiều diện tích, công sức chăm sóc hằng ngày, rau phát triển đồng đều, năng suất cao hơn, an toàn sạch sẽ, không mất công tưới. Mình thấy nó rất phù hợp với dân công sở tất bật như mình chỉ có tranh thủ được một chút thời gian buổi tối và cuối tuần. Bây giờ thay vì bận rộn chăm sóc thì mình có nhiều thời gian để thư giãn tập thể dục hơn.
 
 
 
 
Đủ các loại rau quen thuộc trong bữa ăn người Việt như rau dền, rau muống, rau cải,… đều được trồng trên sân thượng nhà chị Dung. 

Mặt hạn chế cụ thể của phương pháp này hiện tại mình chưa thấy, vì mình cũng nghiên cứu rất kỹ trước khi làm thì chỉ thấy nhiều ưu điểm hơn nhược điểm. Chỉ có điều nó chưa được áp dụng rộng rãi, ở miền Bắc tỷ lệ áp dụng ít hơn trong Nam. Nếu có lưu ý nho nhỏ thì chỉ là vị của rau thôi có thể mọi người chưa quen vị, những người ăn quen rau trồng đất sẽ không quen với vị trồng thủy canh, còn bản thân mình thì không thấy đây là nhược điểm.

Một vài cảm xúc của chị khi tận hưởng thành quả do chính tay mình chăm bón và thu hoạch?

- Thực sự là mình rất bất ngờ với hiệu quả của việc trồng cây mang lại. Mình thấy được thư giãn rất nhiều, tâm hồn thư thái hơn. Với mình, đây là phương pháp giảm stress rất hiệu quả, vừa có rau sạch để ăn, hoa ngắm, cảm thấy yêu đời hơn mỗi khi nhìn thấy khu vườn tươi tốt. Và quan trọng hơn cả là mình luôn an tâm khi chế biến các món ăn cho gia đình bằng rau tự trồng. Chúng đảm bảo sự sạch sẽ, vệ sinh, khắc phục tình trạng rau quả ngộ độc do dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá quy định cho phép đang tràn lan ngoài thị trường.
 
 
Chị Dung luôn cảm thấy yêu đời hơn mỗi khi nhìn thấy khu vườn nhỏ của mình được tươi tốt.

Chị có thể chia sẻ với các chị em một vài kinh nghiệm trong việc gieo trồng cũng như chăm sóc các loại rau trong vườn theo phương pháp thủy canh?

- Nói về kinh nghiệm thì mình thực sự cũng chưa có nhiều để chia sẻ, có chăng chỉ là sự đam mê và sự quyết tâm làm nên kinh nghiệm. Những chị em nếu mới bắt đầu có thể trồng các loại cây dễ trồng và ngắn ngày để thấy được thành quả và từ đó làm động lực cho mình, chẳng hạn như hoa mười giờ, rau mùng tơi, rau muống… Sau khi đã có nhiều kinh nghiệm thì có thể trồng thêm các loại hoa như Dạ Yến Thảo, hoa hồng, hoa hồng Anh, hoa Ngọc Thảo, kèm theo một số loại rau củ đơn giản,… 
 
Nhờ sự tỉ mỉ và bỏ công chăm sóc mỗi ngày của chủ nhân...
 
 
 
... mà các loại rau và hoa trồng trong vườn lúc nào cũng tươi tốt trông rất thích mắt.

Với rau thủy canh thì bạn chỉ cần chăm chỉ dành ra một ít thời gian mỗi ngày để tỉa lá úa, tỉa bớt cây còi cọc để đảm bảo mật độ gieo trồng hợp lý. Thường theo dõi lượng nước trong bể để luôn đảm bảo nguồn nước cho cây sinh trưởng và phát triển… 

Cảm ơn chị rất nhiều về những chia sẻ với độc giả. Chúc chị luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, thành công trong cuộc sống cũng như luôn tìm thấy niềm vui nơi khu vườn thủy sinh của mình!
Chia sẻ