Vụ tai nạn máy bay thảm khốc khiến hơn 500 người tử nạn ở Nhật Bản và cái cúi đầu xin lỗi trong nước mắt của vợ phi công trưởng đã thiệt mạng

L.T,
Chia sẻ

Vụ tai nạn máy bay tại Nhật Bản này được xem là thảm kịch "đẫm máu" nhất lịch sử hàng không vì có tới 520 người chết và chỉ 4 người sống sót.

Mỗi năm, vào ngày 12/8, người thân của các nạn nhân trong vụ tai nạn máy bay của hãng hàng không Japan Airlines, lại leo dọc theo con đường mòn dẫn lên đỉnh núi Osutaka, tỉnh Gunma, phía tây bắc thủ đô Tokyo, để tưởng nhớ những người thân đã ra đi mãi mãi trong thảm kịch kinh hoàng 34 năm trước. Không chỉ có người thân các nạn nhân mà cả đất nước Nhật Bản, cho đến tận ngày nay, vẫn chưa hết ám ảnh vì vụ tai nạn "đẫm máu" năm ấy.

may-bay-15

Người thân các nạn nhân vụ tai nạn máy bay tưởng niệm trên núi Osutaka, tỉnh Gunma (Nhật Bản) hôm 12/8 vừa qua.

Công nghệ hàng không đã phát triển nhanh chóng kể từ đầu thế kỷ 20 và các máy bay hiện đại ngày nay được bảo trì rất nghiêm ngặt và đặc biệt an toàn. Trên thực tế, di chuyển bằng đường hàng không được coi là an toàn hơn nhiều so với bất kỳ loại phương tiện giao thông nào trên mặt đất, vì các phương tiện giao thông trên mặt đất thường đông đúc, gặp sự cố bất ngờ có thể dẫn đến tai nạn. Nói vậy không có nghĩa là đi máy bay an toàn tuyệt đối. Một khi tai nạn hàng không xảy ra thì không ai có thể tưởng tượng được nó khủng khiếp đến mức nào.

Ngày định mệnh

Ngày Thứ Hai, 12/8/1985, chuyến bay mang số hiệu JL123 của hãng hàng không Japan Airlines cất cánh từ Sân bay Haneda của Tokyo đến Sân bay Quốc tế Osaka, Nhật Bản mang theo tổng cộng 524 người bao gồm cả hành khách và phi hành đoàn.

may-bay-2

Lộ trình của chiếc máy bay và đường bay khi gặp nạn.

12 phút sau khi cất cánh, chiếc máy bay đã đạt đến độ cao 7.200m so với mực nước biển, gần tỉnh Kanagawa, thì đột nhiên gặp sự cố. Những tiếng nổ lớn khiến phần đuôi chiếc máy bay bị vỡ ra và văng đi, hệ thống thủy lực bị hư hại nghiêm trọng. Cần điều khiển và 2 bên cánh máy bay rơi vào tình trạng không kiểm soát được.

may-bay-1

Cơ trưởng và cơ phó đã cố gắng điều khiển máy bay trên bầu trời thêm 30 phút nữa trước khi nó đâm xuống rặng núi Takamagahara tại Ueno, thuộc tỉnh Gunma (cách trung tâm thủ đô Tokyo khoảng 100km).

Khoang hành khách bên trong máy bay hạ áp suất đột ngột, các hành khách được yêu cầu đeo mặt nạ dưỡng khí.

Artboard 1

Thương vong của vụ tai nạn bao gồm tất cả 15 thành viên phi hành đoàn (bao gồm 3 phi công buồng lái và 12 tiếp viên hàng không) và 505 trong số 509 hành khách. 

may-bay-10

Vị trí chiếc máy bay rơi khi nhìn từ trên cao.

Máy bay bị tai nạn đã được đăng ký số hiệu JA8119 và là một chiếc Boeing 747-146SR (tầm ngắn). Chuyến bay đầu tiên của nó là vào ngày 28 tháng 1 năm 1974. Máy bay có hơn 25.000 giờ cất cánh trên bầu trời và hơn 18.800 chu kỳ (một chu kỳ tương đương với một lần cất cánh và hạ cánh). Vào thời điểm xảy ra tai nạn, chuyến bay này là chuyến thứ 5 trong số 6 chuyến bay dự kiến cất cánh trong ngày.

Ám ảnh khôn nguôi

Thời điểm xảy ra tai nạn là khoảng thời gian nghỉ lễ Obon ở Nhật Bản, nhiều người Nhật trở về quê hương hoặc đi nghỉ mát vào thời gian này. 299 hành khách có nguồn gốc từ tỉnh Hyogo và tỉnh Osaka thuộc vùng Kansai, chiếm 57% số hành khách. Khoảng 21 người mang quốc tịch nước ngoài. Ngày 13 tháng 8 năm 1985, Geoffrey Tudor, phát ngôn viên của Japan Airlines, tuyên bố rằng danh sách này bao gồm 4 người Hong Kong, 1 người Ý, 1 người Hoa Kỳ, 1 người từ Tây Đức và 1 Vương quốc Anh. Một số người nước ngoài có 2 quốc tịch.

Dù thảm khốc nhưng vụ tai nạn này đã chứng minh rằng ngay cả trong những tình huống nguy hiểm nhất, người ta vẫn có thể có một chút hy vọng sống sót. Cụ thể, 4 hành khách nữ đã sống sót một cách kỳ diệu sau thảm họa kinh hoàng ngày ấy.

may-bay-5

Máy bay mất phần đuôi sau cú nổ.

Yumi Ochiai, một tiếp viên hàng không 26 tuổi, Keiko Kawakami, bé gái 12 tuổi và hai mẹ con Hiroki Yoshizaki và Mikiko Yoshizaki, được tìm thấy còn sống. Tất cả đều ngồi ở hàng bên trái phía sau máy bay - đây là phần duy nhất của máy bay vẫn còn nguyên vẹn.

Cô bé Keiko Kawakami (12 tuổi) đã được tìm thấy dưới những mảnh vỡ bao quanh máy bay. Em bị bắn ra khỏi chỗ ngồi khi máy bay đâm vào ngọn núi. Keiko bị thương rất nặng và phải điều trị tại bệnh viện trong 3 tháng. Sau đó, Keiko cũng hoàn toàn bình phục nhưng vụ tai nạn thảm khốc đã thay đổi cuộc đời cô bé: cả cha mẹ và em gái Keiko đều thiệt mạng trong vụ tai nạn.

may-bay-11

Dù không trải qua nhưng ai cũng có thể hình dung được nỗi sợ hãi của các hành khách trong 30 phút chiếc máy bay chao liệng trên bầu trời. Nhiều người run rẩy viết lại lời trăn trối cuối cùng cho người thân.

Trong số đó, người ta tìm được cuốn sổ của 1 nữ hành khách, cô gửi lời cuối đến mẹ mình rằng: 

"Mẹ ơi, con không biết phải làm gì nữa

Vĩnh biệt mẹ

Mấy đứa trẻ nhờ cậy vào mẹ

Bây giờ là 6h30'

Máy bay đang đi vòng để hạ cánh khẩn cấp

Thật sự con rất biết ơn mẹ vì những tháng ngày hạnh phúc đã qua".

Những nét chữ nguệch ngoạc, câu từ không liên kết cho thấy sự sợ hãi, hoảng loạn của một người con, cũng là mẹ của những đứa trẻ, trước giây phút đối mặt với tử thần.

"Con gái vẫn luôn ở trong tâm trí tôi nhưng tôi có thể cảm nhận được ở gần con hơn mỗi khi đến đây vào ngày 12/8", bà Kimiko Yoshida, 84 tuổi, người mất con gái trong vụ tai nạn, nói.

Công tác cứu hộ

Các kiểm soát viên của Không quân Hoa Kỳ tại Căn cứ Không quân Yokota nằm gần đường bay của chuyến bay JL123 đã nhận được "lời kêu cứu" ngay khi máy bay gặp nạn. 

Họ duy trì liên lạc trong suốt 30 phút với phi hành đoàn. Căn cứ hải quân Atsugi cũng đã dọn đường băng của họ cho máy bay sau khi có lời xin hạ cánh khẩn. 

Hiện trường vụ rơi máy bay thảm khốc ở Nhật Bản năm 1985.

Khi chiếc máy bay mất dấu vết trên radar, một chiếc C-130 của Không quân Hoa Kỳ từ 345 TAS đã cất cánh đi tìm kiếm chiếc máy bay mất tích. Phi hành đoàn của chiếc C-130 phát hiện ra địa điểm máy bay gặp nạn, chỉ 20 phút sau khi nó đâm xuống núi. Các đội cứu hộ nhanh chóng được tập hợp để giải cứu nạn nhân bằng dây kéo trực thăng. Khi bóng tối buông xuống, toàn bộ thi thể không còn nguyên vẹn của 520 người đã được tìm thấy.

Trong số đó có cơ trưởng của chuyến bay, ông Masami Takahama (49 tuổi) - một phi công kỳ cựu đã có khoảng 12.400 giờ bay, khoảng 4.850 trong số đó là điều khiển Boeing 747. Đoạn ghi âm từ hộp đen chiếc bay cho thấy 2 phi công đã cố gắng đến những phút cuối cùng. Cơ trưởng Masami Takahama nói lời cuối: "Vậy đây là kết thúc" ngay trước khi máy bay đâm vào núi.

Lời nói ấy đã ám ảnh nhiều người Nhật Bản trong suốt một thời gian dài, người ta chỉ nhận diện được phần thi thể cơ trưởng nhờ 5 chiếc răng và một mảnh xương. Dù tai nạn ngoài tầm kiểm soát và phi công đã cố gắng hết sức mình để cứu chiếc máy bay nhưng ngay sau thời điểm xảy ra tai nạn, rất nhiều cuộc điện thoại và tin nhắn đến nhà cơ trưởng với nội dung: "Tên sát nhân giết chết 520 người". Tuy nhiên, vợ cơ trưởng Masami Takahama, dù cũng đau đớn vô cùng khi mất chồng, vẫn chân thành gửi lời xin lỗi đến từng người.

may-bay-3

Đài tưởng niệm 520 nạn nhân trong thảm kịch máy bay.

may-bay-14

Sau vụ tai nạn, một cuộc điều tra đã tiết lộ nguyên nhân của thảm họa là do phần đuôi máy bay đã được sửa chữa không đúng cách 7 năm trước. Mặc dù vậy, công ty Japan Airlines không bao giờ nhận trách nhiệm về vụ tai nạn. Chủ tịch hãng hàng không khi đó là ông Tominaga đã từ chức. Tominaga và Susumu Tajima - người quản lý công tác bảo trì và kỹ sư - đã tự tử vì mặc cảm tội lỗi và nhận quá nhiều chỉ trích. Tajima là người đã xác nhận máy bay đủ điều kiện cất cánh.

Vì tính chất nghiêm trọng của vụ tai nạn mà cho đến nay, hãng hàng không Nhật Bản không còn dùng số hiệu 123 cho các chuyến bay khởi hành từ Tokyo đến Osaka. Công ty cũng chuyển sang dùng máy bay Boeing 767 và 777, thay cho các máy bay Boeing 747.

(Nguồn: The Vintagenews)

Chia sẻ