Vụ “cô giáo quỳ gối”: Xin hãy cho sự trung thực một cơ hội!

THẾ LÂM,
Chia sẻ

Vụ cô giáo Nh quỳ gối xin lỗi phụ huynh học sinh tại Trường Tiểu học Bình Chánh (Long An) đang trở thành tâm điểm của dư luận khiến cho nhiều bên liên quan có vẻ muốn “chạy tội”.

Vụ “cô giáo quỳ gối”: Xin hãy cho sự trung thực một cơ hội! - Ảnh 1.

Trường Tiểu học Bình Chánh - nơi xảy ra vụ việc "cô giáo quỳ gối" (ảnh: LĐO)

Trong tường trình của mình, cô Nh cho biết, cô bị phụ huynh học sinh - ông Thuận - bắt quỳ gối. Ban đầu vì không muốn quỳ, cho nên cô đã nấn ná. Nhưng phía phụ huynh một mực bắt cô phải quỳ gối xin lỗi. Và họ đã ở lại để chứng kiến. Cuối cùng, cô Nh quỳ gối trong 40 phút.

Nhưng trong phần tường trình của mình, ông Thuận lại chối rằng mình đã ép buộc cô Nh quỳ gối. Lúc thì trường hợp cô Nh quỳ gối được cho là “thực hiện thử” trên ghế coi có làm được và chịu nổi không, lúc thì lại cho rằng do cô Nh “tự nguyện”...

Ông Phạm Hữu Vốn - Chủ tịch Hội Cha mẹ Phụ huynh Trường tiểu học Bình Chánh - kể lại rằng, “nghe cô Nh phải quỳ mà tôi bàng hoàng”. Lời của ông như sự xác nhận của một người có mặt trong khoảng thời gian nửa đầu của vụ việc.

Bà Nguyễn Thị Tuyền - Trưởng Ban Đại diện Cha mẹ học sinh lớp 4.3, là một trong bốn người có mặt chứng kiến cô giáo Nh quỳ gối xin lỗi, cũng kể lại rằng: Ông Thuận đã bảo rằng "cô bắt học sinh quỳ bao lâu thì cô quỳ như thế".

Một vụ việc bùng lên từ cách trách phạt học sinh, nhưng những người lớn đang nói khác nhau. Ai trung thực và ai không trung thực?

Chỉ khác là tường trình của cô Nh có nhiều chi tiết tương đồng với lời kể của hai nhân chứng - ông Vốn và bà Tuyền. Còn lời của ông Thuận, chỉ mỗi một mình ông khẳng định chứ chưa có ai xác nhận.

Một nửa sự thật không phải là sự thật. Một nửa sự trung thực cũng không phải là sự trung thực. Vụ việc đã đến nước này, thưa những người lớn,  các vị hãy trung thực đi. Cô giáo quỳ gối trong chỉ hơn 10 phút hay đến tận 40 phút? Cô giáo “làm thử”, “tự nguyện” quỳ gối hay bị ép buộc? Các vị, một bên là những người nuôi dạy con em tại nhà, một bên là dạy dỗ học sinh tại trường, tất nhiên luôn muốn dạy các em những gì tốt đẹp và đúng đắn nhất, trong đó có lòng trung thực. Vậy thì lúc này, các vị hãy để cho lòng trung thực của mình một cơ hội nói thật chứ đừng chối cãi, lẩn tránh sự thật và trách nhiệm thêm nữa.

Khi đã sai hay lầm lỡ, thì lòng trung thực chính là con đường ngắn nhất để sửa sai. Vậy, thưa các vị, xin các vị hãy sửa sai bằng con đường ngắn nhất.

Chia sẻ