Vụ bà mẹ 2 con tử vong bất thường tại bệnh viện ở TP.HCM: Thuốc tiêm vào người bệnh nhân là thuốc gì?

Bài, ảnh: Hoàng Lê,
Chia sẻ

Theo phía bệnh viện An Sinh, do bệnh nhân nhập viện với chẩn đoán dị ứng thức ăn nên thuốc điều trị ban đầu chủ yếu là thuốc chống dị ứng. Thời điểm bệnh nhân bị sốc phản vệ, ekip bác sĩ trực đã thực hiện theo đúng phác đồ cấp cứu do Bộ Y tế ban hành.

Liên quan đến việc một nữ bệnh nhân tên L.N.T (30 tuổi, ngụ TP.HCM) tử vong với bệnh cảnh ban đầu là dị ứng thức ăn, ngày 23/4, phía BV An Sinh cho biết vẫn đang họp hội đồng chuyên môn để khẩn trương xác định nguyên nhân.

Vụ bà mẹ 2 con tử vong bất thường tại bệnh viện ở TP.HCM: Thuốc tiêm vào người bệnh nhân là thuốc gì? - Ảnh 1.

Khoa Cấp cứu, Bệnh viện An Sinh (TP.HCM).

Thuốc tiêm vào người bệnh nhân là thuốc gì?

Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, trước khi nhập viện BV An Sinh, người bệnh có ăn thịt bò, bánh tráng trộn, uống trà sữa sau đó bị nổi mề đay khắp người và ngày càng tăng. Sau khi nhập viện và được bác sĩ tại BV An Sinh tiêm 3 liều thuốc, người bệnh xuất hiện nôn ói, khó thở, trào bọt hồng qua miệng, ngưng hô hấp tuần hoàn, được cấp cứu hồi sức tim phổi.

Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Nhân Dân 115 vào sáng 19/4. Tại khoa Hồi sức tích cực, chống độc của BV, chị T. điều trị hồi sức tích cực nội khoa theo hướng sốc phản vệ nhưng diễn tiến nặng không hồi phục và tử vong vào ngày 20/4. Thông tin này khiến người nhà bệnh nhân vô cùng sốc, dư luận hoài đặt nghi vấn về chất lượng của những loại thuốc được tiêm vào người bệnh nhân.

Vụ bà mẹ 2 con tử vong bất thường tại bệnh viện ở TP.HCM: Thuốc tiêm vào người bệnh nhân là thuốc gì? - Ảnh 2.

Bà mẹ hai con nhập viện với bệnh cảnh ban đầu là dị ứng thức ăn nhưng sau đó phải cấp cứu vì sốc phản vệ.

Trả lời cho câu hỏi này, bác sĩ Lưu Tuấn Khang, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV An Sinh cho biết khi bệnh nhân nhập viện, người nhà khai 3 ngày trước bệnh nhân có ăn hải sản và xuất hiện triệu chứng ngứa ngáy nên tự mua thuốc uống nhưng không cải thiện.

14 giờ cùng ngày nhập viện, bệnh nhân tiếp tục ăn thêm tôm, cua, thịt bò và nổi mẫn, ngứa nhiều hơn, nổi mề đay sau đó.

"Trước hết ekip trực đã xác định chị T. bị dị ứng xuất phát từ đường ống tiêu hóa do ăn uống nên điều trị ban đầu theo hướng này. Bệnh nhân được truyền dung dịch ion muối Lactate Ringer 500ml để nâng cao thể trạng, sử dụng thuốc tiêm Solu-medrol 125mg và Rupafin 10mg để chống dị ứng" - Bác sĩ Khang cung cấp.

Vụ bà mẹ 2 con tử vong bất thường tại bệnh viện ở TP.HCM: Thuốc tiêm vào người bệnh nhân là thuốc gì? - Ảnh 3.

Thuốc tiêm Solu-medrol.

Đến 19h30 cùng ngày khi bệnh nhân than ngứa, các bác sĩ tiếp tục tiêm một ống Zantac 50mg để chống xuất huyết và uống một viên thuốc chống dị ứng Chlorpheniramine 4mg.

Khi bệnh nhân bước vào sốc phản vệ, tổng cộng ekip cấp cứu dùng 24 ống adrenaline (loại 1mg/1ml) để nâng huyết áp cho chị T., kết hợp với Dopamin 200ml/5mg dùng tăng co bóp tim.

Bác sĩ Khang cho biết, toàn bộ quy trình cấp cứu sốc phản vệ cho nữ bệnh T. hoàn toàn thực hiện theo phác đồ điều trị mà Bộ Y tế ban hành. Thực tế sau khi cấp cứu, đến thời điểm 23g30, các dấu hiệu sinh tồn của chị T. có dấu hiệu phục hồi.

Khoảng 8 tiếng sau đó, chị T. than mệt, khó thở, môi xanh, da tím và phổi giãn, triệu chứng của cơn sốc phản vệ lần 2, BV An Sinh đã hội chẩn toàn bệnh viện và liên hệ phía BV Nhân dân 115 để tiến hành chuyển viện.

"Thời điểm bàn giao cho BV Nhân dân 115 bệnh nhân vẫn còn tiếp xúc được.Thông tin bệnh nhân bị ngưng tim, ngưng thở và tử vong sau khi tiêm 3 liều thuốc dị ứng là không có cơ sở" - Bác sĩ Khang nhận định.

Vẫn chưa xác định nguyên nhân gây sốc phản vệ

Đến sáng ngày 23/4 sau khi đoàn Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đến làm việc, phía BV An Sinh cho biết vẫn chưa thể khẳng định nguyên nhân chính xác gây ra sốc phản vệ ở bệnh nhân là gì. Sau khi chị T. tử vong, đại diện ekip trực cấp cứu của BV đã gọi điện thăm hỏi gia đình bệnh nhân.

"BV đã tổ chức họp khẩn cấp để nghe ekip trực trình bày toàn bộ diễn biến vụ việc cũng như báo cáo bằng văn bản lên Sở Y tế nhanh nhất có thể. Tôi nghĩ người nhà bệnh nhân bức xúc cũng là điều dễ hiểu, bởi theo bệnh cảnh ban đầu thì bệnh không nặng và diễn tiến sốc phản vệ của bệnh nhân quá nhanh (cấp độ 4). Ngoài ra, có thể còn do yếu tố cơ địa của bệnh nhân quá mẫn cảm..." - Bác sĩ Khang chia sẻ.

Vụ bà mẹ 2 con tử vong bất thường tại bệnh viện ở TP.HCM: Thuốc tiêm vào người bệnh nhân là thuốc gì? - Ảnh 4.

Theo đại diện BV An Sinh, ekip trực đã thực hiện cấp cứu theo đúng phác đồ của Bộ Y tế ban hành.

Về thông tin người chồng cho rằng họ không được BV giải thích rõ ràng vì sao chị T. bị dị ứng, nổi mề đay nhưng lại được cấp cứu vì ngưng tim ngưng thở, bác sĩ Khang cho biết, vì người chồng đưa vợ đến khám rồi trở về đón con nên lúc chị T. bị biến chứng anh không có mặt.

"Mãi đến thời điểm cấp cứu chống sốc, người chồng mới quay trở lại. Có thể lúc đó nhân viên ekip trực đang tập trung cao độ để cấp cứu cho bệnh nhân nên giải thích chưa đầy đủ, rõ ràng. Theo tôi được biết thì mặc dù rất lo lắng nhưng người chồng có thái độ hòa nhã. Bệnh viện sẽ có cuộc gặp gỡ với gia đình bệnh nhân để trao đổi thêm cho họ hiểu. Nhưng trước mắt phải xem xét rõ sự việc xem các y bác sĩ có sai sót gì không. Bây giờ có gặp cũng chỉ mang tính chất động viên tinh thần cho họ thôi" - Đại diện BV thông tin.


Chia sẻ