Vợ phất lên coi thường chồng như cỏ rác

Chị Tâm An,
Chia sẻ

Một điều rất khó chịu là với vợ tôi thích học thế nào thì học, không học thì nghỉ ở nhà để buôn bán cũng không sao. Thậm chí có hôm con tôi học khuya quá vợ tôi còn nói: “học làm gì lắm”.

Hỏi:

Tôi hiện đang làm một nhân viên nhà nước, tính thâm niên công tác cộng với phụ cấp thì lương của tôi được khoảng 7 triệu. Vợ tôi trước đây cũng là giáo viên tiểu học ở một trường tư nhân, sau này cô ấy mở một cửa hàng ăn uống và phất lên trông thấy. Từ ngày có cửa hàng ăn, kinh tế gia đình tôi thay đổi hẳn, con được học ở trường lớn, nội thất trong gia đình được mua sắm đầy đủ hơn, chuyện chi tiêu cũng thoải mái hơn hẳn.
 
Nếu chuyện chỉ tích cực thế chắc tôi chẳng kể cho chị Tâm An cùng độc giả nghe làm gì, nhưng cuộc đời này đôi lúc oái oăm lắm chị ạ. Tôi dù sao cũng là trưởng một phòng nghiên cứu, phòng dù chỉ có mấy người nhưng anh em đồng nghiệp rất nể trọng khả năng chuyên môn của tôi. Nhưng với vợ tôi thì điều đó chẳng có giá trị gì, cô ấy luôn tỏ ra khinh miệt những người mài chữ ra mà ăn. Với cô ấy, tất cả đều quy ra tiền hết. Cô ấy nói, làm đến chức giám đốc mà không có tiền trong túi thì vẫn bị người ta khinh, nhưng làm dân lao động mà có một cái ví dày thì vẫn được người ta tôn trọng bình thường. Tiền và buôn bán đã biến vợ tôi trở thành người như thế đấy.

coi thường chồng
Vợ tôi coi thường chồng ra mặt (ảnh minh họa)
 
Chị ạ, cô ấy đi làm còn lại con cái tôi lo hết, từ việc đưa đón cho đến cho con học hành và các công việc cá nhân của con. Cho con đi học thêm ở đâu, như thế nào cũng do tôi quyết, nhưng một điều rất khó chịu là với vợ tôi thích học thế nào thì học, không học thì nghỉ ở nhà để buôn bán cũng không sao. Thậm chí có hôm con tôi học khuya quá vợ tôi còn nói: “học làm gì lắm”. Tâm lý này đã ảnh hưởng khá lớn đến đứa con lớn của tôi khi cháu đang chuẩn bị bước vào cấp 3, tôi giục cháu học hành thì cháu lại có vẻ chểnh mảng hơn. Mẹ cháu thì cứ thấy con đi học về là lôi ra cửa hàng bảo để tập làm quen với buôn bán.
 
Dạo này mùa hè công việc của vợ tôi phất hơn trước, nhân viên thì đang thiếu nên giờ ngoài con gái tôi, vợ tôi muốn tôi đi làm phải xin về sớm để ra ngoài cửa hàng phụ giúp cô ấy. Mà đương nhiên tôi không biết gì về quản lý nên ra ngoài đó tôi chỉ có làm việc vặt như bưng bê cho khách hoặc làm các công việc khác như nhân viên. Mỗi lần như vậy tôi rất khó chịu vì tôi đường đường là một trưởng phòng mà ở nhà thì lại làm ô sin cho vợ. Một lần gặp đồng nghiệp của tôi ở đó khiến tôi không còn lỗ nẻ nào chui xuống và từ đó tôi không muốn ra đó nữa. Vợ tôi thấy thế thì chửi tôi là “đã nghèo lại còn sĩ” khiến tôi rất khó chịu và hai vợ chồng tôi đã cãi nhau.
 
Tôi giờ đang rất bức xúc, cuộc sống gia đình tôi đã thay đổi rất nhiều rồi chị ạ, vợ tôi cũng không còn là cô giáo như ngày xưa mà đã trở thành “con buôn” chính hiệu, cũng ghê gớm đanh đá nanh nọc như bất cứ người nào. Tôi thấy mệt mỏi vì sự khác biệt này quá, mong chị cho tôi lời khuyên.
 
Chị Tâm An trả lời:
 
Chào anh!

Tôi cũng không hiểu ý anh muốn cho lời khuyên gì, nhưng tôi hiểu rằng lúc này anh đang thấy rất bức xúc vì cuộc sống và quan điểm của hai vợ chồng ngày càng khác xa nhau. Tuy vậy, anh vẫn muốn đi tìm lời khuyên từ một bên thứ ba tôi nghĩ anh vẫn là người yêu thương và muốn tìm lại hạnh phúc gia đình và theo như anh viết thì hẳn là trong sâu thẳm anh muốn vợ mình trở lại như trước.

Nhưng chúng ta cũng phải đồng ý rằng, quá khứ là quá khứ, vấn đề là vợ anh hiện tại không còn là cô giáo dạy tiểu học nữa. Mọi thứ đã thay đổi. Vậy chúng ta có thể làm gì?

Trước hết, tôi muốn nói rằng, dù là một người có cấp bậc cao về chuyên môn và cũng có vị trí trong công việc, nhưng tôi thấy dường như anh rất phân biệt đối xử giữa tầng lớp tri thức và những người buôn bán, có lẽ tâm lý này xuất phát từ việc anh thấy vợ anh coi thường chuyện học hành nên anh cũng có phần khó chịu và “hằn học” lại.
 
Anh ạ, nếu xét một cách công bằng, vợ anh cũng là người có rất nhiều đóng góp cho gia đình, tôi nghĩ khi cô ấy bận rộn công việc quản lý ngoài cửa hàng thì anh ở nhà lo cho con cũng là điều bình thường, và lúc cô ấy thiếu người thì gia đình là nơi mà cô ấy có thể nhờ cậy cũng là lẽ hiển nhiên. Nhưng đúng là vì tâm lý sĩ diện và phân biệt chuyện lao động trí óc với chân tay nên anh vẫn rất e ngại và thẳng thừng từ chối việc đó trong khi anh biết rằng làm gì có công việc nào là xấu, là đáng bị coi thường trừ khi bị pháp luật cấm?
 
Tôi cũng biết rằng có nhiều câu nói vợ anh khiến anh tổn thương, nhưng chúng ta không thể đáp trả lại bằng thái độ coi thường hay hằn học ngược lại. Làm như vậy vợ chồng chỉ thêm xa cách và không tìm được tiếng nói chung, tôi nghĩ anh có thể dành thời gian chia sẻ với vợ mình những khó khăn vất vả, đồng thời nói chuyện thêm để cô ấy hiểu và tôn trọng anh hơn cũng như khi cùng cô ấy làm việc, anh cũng hiểu thêm những áp lực mà vợ mình đang gánh anh nhé. Mong rằng mọi việc sẽ sớm được giải quyết. 

Thân chào anh! 
Chia sẻ