Vỡ ối ở tuần 33, mẹ Việt ở Canada kể lại trải nghiệm rặn đẻ đến kiệt sức suốt 3h đồng hồ

Ocean,
Chia sẻ

Sinh con trên đất nước Canada với biết bao nhiêu cung bậc cảm xúc có lẽ là trải nghiệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời chị Thoại Huyền.

Người mẹ nào cũng sẽ cố gắng chọn lựa những điều tốt nhất cho con. Với chị Thoại Huyền (hiện đang sống ở Quebec, Canada) thì hai điều đầu tiên mà chị lựa chọn là: sinh thường, kích đủ sữa mẹ để nuôi con. Dù cho lần sinh đầu tiên chị phải sinh mổ, nhưng lần sau chị đã quyết tâm sinh thường. Hay dù cho những ngày đầu sau sinh, chị chỉ có vài giọt sữa tráng bình, nhưng đã không ngừng mỗi ngày miệt mài ngồi dậy để hút sữa theo nhiều cữ cho con. May mắn thay, tất cả những cố gắng, nỗ lực của chị đã được đền đáp. Em bé sinh non ở tuần thứ 33 mạnh khỏe, được bú sữa mẹ hoàn toàn.

cau-chuyen-di-sinh-o-My-10

Chị cho con bú mẹ ngay từ lần gặp con đầu tiên.

cau-chuyen-di-sinh-o-My-6

Chị Huyền bị vỡ ối sớm, nhập viện 4 ngày mới chuyển dạ.

Chị Huyền kể lại lần sinh con thứ hai: "Mình mang thai ở tuần thứ 33 thì bị vỡ ối non vào lúc sáng sớm, đây cũng là lần thứ hai bị vỡ ối sớm (lần đầu ở tuần 35) nên mình cũng không còn bỡ ngỡ. Nhưng mình cũng rất lo vì xa nhà, chỉ có hai vợ chồng và bé nhỏ hơn 2 tuổi nơi đất khách. Tâm trạng ngổn ngang, không biết làm thế nào. Gần 2 tiếng đồng hồ sau, mình được nhập viện và truyền nước, thuốc các loại để giữ em bé trong bụng mẹ lâu nhất có thể. Lúc này cơn đau đẻ vẫn chưa đến".

Nằm viện bốn ngày mới chuyển dạ. Bác sĩ thông báo mặt em bé nằm úp vào cột sống mẹ, mẹ sẽ gặp khó khăn hơn khi sinh thường. Nhưng chị Huyền vẫn quyết tâm sinh thường vì muốn đảm bảo cho con nền tảng sức khỏe tốt nhất và cũng muốn trải nghiệm cảm giác sinh nở tự nhiên. Lần thứ nhất, vì vỡ ối sớm và chị thuộc nhóm máu hiếm, bệnh viện không có máu để truyền nên bắt buộc phải sinh mổ. Nhưng lần này, ở Canada, các bác sĩ đã đồng ý rằng chị có thể sinh thường trong các lần khám thai định kỳ.

cau-chuyen-di-sinh-o-My-1

cau-chuyen-di-sinh-o-My-2

Em bé sinh non được hưởng điều kiện chăm sóc đặc biệt.

Nhưng trải nghiệm này dường như rất vất vả với chị Huyền. Chị rặn mãi hơn 3 tiếng đồng hồ mà không được, sức cạn dần đi, bác sĩ quyết định phải dùng biện pháp hỗ trợ để đưa bé ra ngoài. "Họ vừa tiểu phẫu vừa đưa dụng cụ hút vào trong, đau vô cùng, như chưa từng đau. Ông bà nói đúng, không gì bằng đau đẻ. Cuối cùng thì cũng đưa được bé ra ngoài, nhưng vì sinh non nên phổi bé yếu, phải nằm phòng cách ly", chị Huyền chia sẻ thêm.

Bị mất máu khá nhiều nên chị được chuyển vào phòng phẫu thuật để khâu vết thương và truyền máu. Lúc đó chị rất lạnh, không còn sức để nói, chỉ nhớ xung quanh là hơn chục người áo xanh và trắng. Có người hỏi gì đó, chị chỉ thều thào trả lời. Sau đó là không biết gì cho đến khi mở mắt là thấy mình nằm ở phòng hồi sức. Chị không ngồi dậy được, không đi được, nói cũng không nổi, không nuốt nổi thức ăn.

Cũng từ lúc này công cuộc hút sữa bắt đầu. Bác sĩ khuyên chị hút ít nhất một ngày 6 lần, em bé đang đợi sữa của mẹ và mẹ phải cố gắng vì con. "Thế là bao nhiêu đau đớn mình gạt qua một bên, cố gắng ngồi dậy đều đặn 3 tiếng một lần hút sữa, mỗi lần 20 phút. Ba ngày đầu mình vẫn chưa có sức đi thăm con, nhưng chăm chỉ hút sữa để gửi cho con. Hạnh phúc là đây khi từng giọt sữa mình nâng niu, hút máy được bao nhiêu thì mình đều cho vào ống hút và gửi cho bé. Bác sĩ liên tục động viên, an ủi, mình có thêm động lực vượt qua cơn đau", chị Huyền tâm sự thêm.

cau-chuyen-di-sinh-o-My-8

cau-chuyen-di-sinh-o-My-9

Dù sức khỏe vô cùng yếu, gần như kiệt sức nhưng chị Huyền vẫn cố gắng kích sữa vì con.

"Ngày đầu tiên mình hút được 5ml hai bên ngực, rồi lên dần 10ml, 20ml, 30ml. Ngày thứ ba sau sinh, mình phải xuất viện vì không được nằm lại lâu nhưng bé thì vẫn ở lại viện. Trước khi về nhà, mình lên thăm con, cảm xúc như vỡ oà vì trước đó chỉ được nhìn con qua hình ảnh mà chồng chụp cho. Tự tay ôm con, cho con ngậm ti mẹ, cảm xúc không thể tả được... Ngày hôm sau về nhà, mình vẫn duy trì hút sữa cứ 3 tiếng một lần và kết quả là hơn 50ml mỗi bầu ngực. Mình vội đem ngay lên viện cho con, cả phòng trực lúc đó ai cũng mừng cho mình, cho con mình. Nhìn con bú ngon lành, mình thật sự hạnh phúc", chị Huyền không nén được cảm xúc vỡ òa khi kích sữa thành công.

Chị Huyền đón bé về sau 1 tuần, khi bé đã ổn định sức khỏe. Sữa mẹ không những đủ cho bé em mà còn đủ cho cả bé chị hơn 2 tuổi, khiến chị càng hãnh diện hơn nhiều ở những điều mà mình đã làm được. Chị cho biết, bí quyết để có nhiều sữa của chị, ngoài nằm ở niềm tin và hi vọng của người mẹ, hút sữa đều đặn các cữ, còn là luôn giữ cho tinh thần thoải mái, ngủ sâu giấc và uống thật nhiều nước khi hút sữa. Chị cũng muốn nhắn nhủ đến các mẹ khác đang gặp vấn đề trên con đường kích sữa, rằng chỉ cần mẹ kiên trì thì nhất định sẽ thành công.

cau-chuyen-di-sinh-o-My-4

Trang thiết bị trong phòng sinh bé, người nhà có thể vào chung với sản phụ.

cau-chuyen-di-sinh-o-My-5

cau-chuyen-di-sinh-o-My-7

Được trải nghiệm dịch vụ đi sinh như khách sạn nhưng chị Huyền lại không phải chi trả đồng nào.

Lần đi sinh thứ 2 của chị Huyền không chỉ đặc biệt ở việc sinh thường sau sinh mổ hay nỗ lực kích sữa thành công, mà còn được trải nghiệm điều kiện cơ sở y tế tuyệt vời của đất nước Canada. Chị chia sẻ: "Mình sinh ở bệnh viện Jewish General Hospital, đây là một trong những bệnh viện hàng đầu của Quebec. Tất cả mọi người nếu là công dân hoặc thường trú nhân đều được sinh em bé ở đây hoàn toàn miễn phí".

Mỗi phòng ở bệnh viện đều có trang thiết bị vô cùng hiện đại, tân tiến. Khi mình đau hay cần gì thì có ngay nút bấm bên cạnh giường để gọi y tá. Cơm sẽ được bệnh viện cung cấp ngày 3 bữa, đầy đủ dinh dưỡng và miễn phí. Phòng chờ sinh thì mỗi người một phòng. Người nhà có thể vào phòng sinh em bé với sản phụ. Dịch vụ ở bệnh viện như ở khách sạn. Các bác sĩ, y tá đều phục vụ tận tình, chu đáo.

Chi phí thật sự rất cao nhưng nếu là thường trú nhân hay công dân thì sẽ được miễn phí hoàn toàn. Với chị Huyền, sinh con ở Canada là một trải nghiệm thực sự hạnh phúc với đầy đủ biết bao nhiêu cung bậc cảm xúc.

Chia sẻ