Vô kinh và những ảnh hưởng đáng lo ngại đến sức khỏe của chị em

T.Liên,
Chia sẻ

Không có kinh nguyệt hoặc kinh nguyệt liên tục bị mất trong ít nhất 3 chu kì liên tục bởi đây là hiện tượng vô kinh và có thể gây ảnh hưởng trầm trọng tới chuyện sinh sản.

Kinh nguyệt là một trong những đặc điểm sinh lý mà chỉ có ở người phụ nữ. Nhưng không phải cứ là phụ nữ thì sẽ có kinh nguyệt hoặc kinh nguyệt đều đặn. Có những chị em không may mắn, có thể gặp rắc rối trong chuyện "đèn đỏ" là vô kinh và điều này sẽ có ảnh hưởng khá lớn đến khả năng sinh sản. 

Vô kinh được hiểu đơn giản là không có chu kì kinh nguyệt (ngay từ khi dậy thì cho đến sau này - vô kinh nguyên phát), trước đó có kinh nguyệt nhưng liên tục bị mất trong 3 chu kì hoặc nhiều hơn 3 chu kì nhưng không phải có thai (vô kinh thứ phát). Chu kỳ kinh nguyệt được chi phối bởi hoạt động trục hạ đồi - tuyến yên - buồng trứng với cơ quan đích là tử cung. Nếu một trong các cơ quan trên bị ảnh hưởng sẽ gây rối loạn kinh nguyệt, trong đó có vô kinh. 

Nguyên nhân dẫn đến vô kinh

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng vô kinh, có thể là do tự nhiên (do cấu tạo cơ thể của người phụ nữ), do tác động của một số loại thuốc hoặc cũng có thể do tình trạng sức khỏe gây ra. Vô kinh một cách tự nhiên thường xuất hiện trong thời kỳ mãn kinh, người phụ nữ có thai hoặc thời gian cho con bú.

Trong một số trường hợp, chị em dùng thuốc tránh thai lâu dài hoặc không phù hợp cơ địa cũng có thể dẫn tới tình trạng vô kinh.  Và khi ngưng uống thuốc, có người sẽ thấy kinh nguyệt xuất hiện trở lại ngay sau đó nhưng cũng có người mất kinh tới tận 6 tháng hoặc lâu hơn. Các biện pháp tránh thai liên quan đến hormone khác như cấy, tiêm hoặc dụng cụ tử cung cũng có thể dẫn đến hiện tượng vô kinh.

Vô kinh và những ảnh hưởng đáng lo ngại đến sức khỏe của chị em 1
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng vô kinh. Ảnh minh họa

Tình trạng vô kinh còn có thể xuất phát từ nguyên nhân dùng thuốc kéo dài. Các loại thuốc như thuốc chống loạn thần kinh, thuốc chống trầm cảm, hóa trị liệu trong trường hợp bị bệnh ung thư và các loại thuốc để kiểm soát huyết áp... cũng có thể có thể tác dụng phụ là gây rối loạn hormone, ảnh hưởng đến chu kì kinh nguyệt và gây vô kinh.

Ngoài ra, các chị em cũng cần chú ý đến lối sống hay các thói quen của mình trong cuộc sống hàng ngày. Nên tuyệt đối tránh các trạng thái căng thẳng thần kinh, thừa cân, thiếu cân hay tập thể dục quá nhiều... Sở dĩ chị em phải chú ý những điều này là vì chúng có tác động phần nào đến chu kì kinh nguyệt, cơ thể bắt đầu sản xuất các hormone hỗ trợ rụng trứng ít hơn, trong trường hợp nghiêm trọng có thể làm cho chu kì kinh biến mất và dẫn đến vô kinh.  

Mất cân bằng nội tiết gây ra do hội chứng buồng trứng đa nang, sự cố tuyến giáp, khối u tuyến yên hoặc mãn kinh sớm... nếu không được điều chỉnh kịp thời cũng dễ dàng làm cho chu kì kinh nguyệt bị gián đoạn kéo dài, kể cả tình trạng vô kinh cũng có thể xuất hiện.

Ảnh hưởng sức khỏe của hiện tượng vô kinh

Dấu hiệu phổ biến nhất khi bị vô kinh là không có chu kỳ kinh nguyệt. Ngoài ra, nó cũng có thể có một số triệu chứng khác kèm theo, chẳng hạn như dịch tiết âm đạo, sữa, đau đầu, rụng tóc, mọc nhiều lông trên mặt, giảm thị lực... Nếu bạn bị mất ít nhất 3 chu kỳ kinh nguyệt, bạn nên đi khám sớm để biết bệnh của mình và có hướng khắc phục kịp thời.

Nếu bạn rơi vào trường hợp vô kinh nguyên phát thì chắc chắn hoạt động của buồng trứng sẽ không thuận lợi như bình thường, sự phóng noãn có thể diễn ra nhưng rất khó thụ thai

Còn trong trường hợp vô sinh thứ phát, hoạt động rụng trứng của người phụ nữ cũng không đều đặn, do đó, việc thụ thai cũng gặp khó khăn lớn.

Bạn không nên xấu hổ khi nói về tình trạng vô kinh vì đây là điều có thể xảy ra với bất kì người phụ nữ nào. Nếu thấy có hiện tượng này, tốt nhất bạn nên đi khám càng sớm càng tốt.



Kinh nguyệt kéo dài có ảnh hưởng đến chuyện có em bé hay không?
Vô kinh và những ảnh hưởng đáng lo ngại đến sức khỏe của chị em 2
Chia sẻ