"Vợ Ba" bị dừng chiếu khi nhiều người còn chưa kịp xem: Thực sự thì phim có hay không mà chỉ thấy những tiếng cười ngơ ngác?

HH,
Chia sẻ

Vợ Ba đã chinh phục thành công nhiều LHP quốc tế trong năm 2018, nhưng thực sự gặp khó khi chiếm tình cảm của khán giả nước nhà. Hoặc có thể đạo diễn không cần điều này.

3 ngày sau khi chiếu suất thương mại đầu tiên, Vợ Ba bị tạm dừng công chiếu để xem xét lại quy trình cấp phép. Nguyên nhân liên quan trực tiếp tới việc để nữ chính Nguyễn Phương Trà My thực hiện các cảnh quay "nóng" khi chưa đầy 13 tuổi.

Tranh cãi quanh việc nên hay không nên, được phép hay không được phép (ở khía cạnh đạo đức) để một diễn viên 13 tuổi đóng cảnh giường chiếu lấn át cả vấn đề chính khi một bộ phim ra rạp, đó là: "Phim có hay không?"

Vợ Ba bị dừng chiếu khi nhiều người còn chưa kịp xem: Thực sự thì phim có hay không mà chỉ thấy những tiếng cười ngơ ngác? - Ảnh 1.

Vợ Ba có hay không? Câu trả lời còn tùy vào người được hỏi là ai. Như số phận của mọi bộ phim mang danh "nghệ thuật" khác của Việt Nam hay được chiếu ở Việt Nam, phim rất ít khán giả. Và phần đa trong số những khán giả bỏ tiền mua vé xem phim là vì chiếc trailer nóng và đầy kịch tính. Họ không biết rằng, có bao nhiêu kịch tính thì ê kíp sản xuất đã dồn cả vào trailer.

Bộ phim chỉ dài 94 phút, thời lượng được xem là ngắn so với dòng phim tâm lý nghệ thuật. Nhưng với một tiết tấu duy trì nhịp độ nhỏ giọt từ giây đầu tiên tới giây cuối cùng, những khán giả thiếu kiên nhẫn đã cảm thấy đủ cực hình.

Vợ Ba bị dừng chiếu khi nhiều người còn chưa kịp xem: Thực sự thì phim có hay không mà chỉ thấy những tiếng cười ngơ ngác? - Ảnh 2.

Cái giỏi của đạo diễn Nguyễn Phương Anh là ghìm được cái dây cương đó, khiến người xem phải tập trung không ngừng, căng thẳng lẫn hồi hộp mong đợi một cao trào nổ bung ra. Cho tới tận khi mớ tóc của nữ diễn viên nhí Mai Cát Vi bị vứt xuống dòng suối chầm chậm chảy và những dòng danh đề chậm chậm trôi lên, khán giả vẫn nán lại chong mắt hướng về màn ảnh rộng xem có còn gì nữa không. Câu trả lời là không. Và họ nhìn nhau ngơ ngác bật cười.

Một câu chuyện bi kịch được kể bằng thứ ngôn ngữ điện ảnh đầy chất thơ, phảng phất màu sắc Trần Anh Hùng và thoang thoảng tâm thế Kim Ki Duk nhưng có cá tính rõ rệt.

Nhân vật chính tên Mây (Nguyễn Phương Trà My), được gả làm vợ ba cho một gia đình địa chủ giàu có. Chồng Mây tên Hùng (Lê Vũ Long) đã có hai người vợ. Vợ cả tên Xuân (Trần Nữ Yên Khê) chỉ sinh được một con trai, vợ hai tên Hà (Maya) sinh ba cô con gái. Do đó, nhiệm vụ của Mây là sinh thêm con trai nối dõi cho nhà chồng. Bề ngoài, gia đình địa chủ hiện lên với đầy đủ sự trù phú, nền nếp gia phong, cho tới khi Mây từ từ cảm nhận và khám phá ra những bí ẩn kinh hãi bên trong nó. Cứ từng chút từng chút một. Nhưng không vỡ ra.

Vợ Ba bị dừng chiếu khi nhiều người còn chưa kịp xem: Thực sự thì phim có hay không mà chỉ thấy những tiếng cười ngơ ngác? - Ảnh 3.

Phim có nhiều tình tiết đắt giá.

Cảnh đêm tân hôn được đạo diễn sử dụng hoàn toàn ngôn ngữ ước lệ kết hợp với biểu cảm gương mặt của nữ chính. Cuộc giao hoan biểu đạt qua cách người chồng húp lòng đỏ trứng gà trên bụng người vợ 14 tuổi và những chuyển động quằn quại của con sâu tằm ăn lá dâu dưới đêm trăng.

Cảnh Mây ôm con gái mới sinh đến quan tài nhìn chằm chằm vào xác người vợ trẻ của con trai chồng vừa tự vẫn chết, hình dung ra tương lai của cuộc đời con gái mình.

Cảnh Mây ôm con đi vào rừng sau đám tang, ngồi bất định mông lung bên bờ suối với khao khát không định hình, nhưng tiếng khóc ngằn ngặt đến sốt ruột của đứa trẻ đã khiến Mây buông xuôi, với tay hái bông hoa lá ngón run run đưa lên miệng con. Ngay lập tức đứa trẻ ngừng khóc, đầu lưỡi đưa ra mút mát tỏ ý đồng lòng.

Mây giết con và chết cùng con hay dừng lại trước gương mặt nguyên thủy con trẻ bằng bản năng người mẹ? Phim không kể nữa, cũng không đưa ra bất cứ gợi ý nào. Cũng có thể, khát vọng giải thoát sẽ chỉ dừng ở khát vọng, hoặc cũng có thể Mây chủ động chấm dứt quãng đời mà cô nhìn thấy trước vòng tuần hoàn khổ đau của phận đàn bà, như chính cô và con gái cô.

Kết phim vì thế gây hụt hẫng và khó chấp nhận với khán giả đại chúng. Tuy nhiên, nó thống nhất với mạch phim và tạo sự logic tổng thể trong chuỗi hành động của các nhân vật.

Vợ Ba bị dừng chiếu khi nhiều người còn chưa kịp xem: Thực sự thì phim có hay không mà chỉ thấy những tiếng cười ngơ ngác? - Ảnh 4.

Phim không có nhân vật chính diện, không có nhân vật phản diện. Ba người vợ bề ngoài thì đoàn kết, đùm bọc cho nhau nhưng ẩn sâu là một cuộc đua tranh, ghen tuông giường chiếu và quyền lực đầy ẩn ức. Tuy nhiên không ai hành động. Cách khai thác này khiến "Người vợ ba" được giới phê bình quốc tế đánh giá là bạo liệt hơn hẳn "Đèn lồng đỏ treo cao" - bộ phim kinh điển của đạo điễn Trương Nghệ Mưu về đề tài đa thê trong xã hội Trung Quốc cũ, nơi mà các bà vợ tranh đoạt quyền lực không từ thủ đoạn. Bởi vì không ai hành động nên ẩn ức dồn nén đến ngột ngạt, tù túng suốt cả 94 phút phim, được bồi đắp thêm bằng phần nhạc phim não nùng của Tôn Thất An với nhạc cụ chính là đàn dây.

Cả phim cũng không có lấy một người hạnh phúc. Người vợ cả tuy là bà chủ nhưng từ lâu đã không còn được chăn gối với chồng. Hai lần hiếm hoi được đậu thai đều bị sảy. Người vợ hai đầy xuân tình lại sinh ba cô con gái nên chưa bao giờ được xem là bà chủ chính thức của gia đình, bí mật ăn nằm với con trai của vợ cả để giải quyết nhu cầu sinh lý. Vợ Ba là Mây tuy được chồng yêu thương nhất nhưng lại sớm nhận ra bất hạnh của bản thân thông qua hình ảnh của hai người vợ lớn. Cô gái trạc tuổi Mây được gả cho con trai vợ cả thì bị chồng cự tuyệt vì chàng trai đã lỡ yêu vợ hai của bố, khi nhà chồng đem trả về cho bố đẻ thì bị bố đẻ cự tuyệt không nhận, đường cùng phải tự vẫn.

Vợ Ba bị dừng chiếu khi nhiều người còn chưa kịp xem: Thực sự thì phim có hay không mà chỉ thấy những tiếng cười ngơ ngác? - Ảnh 5.

Vòng đời của con tằm là hình ảnh lặp đi lặp lại như minh họa cho bất hạnh truyền đời tuần hoàn của những người phụ nữ trong gia đình này, rộng hơn là trong xã hội cũ. Mà ở đó, ngay cả những người đàn ông làm gia trưởng cũng không có được hạnh phúc khi họ phải kết hôn với cô gái chưa từng quen biết, cả đời không hiểu được ý nghĩa của tình yêu.

Phim rất ít thoại, tiết chế tối đa những câu nói biểu đạt ý chí. Ngoài giọng nói của hai bé gái (Mai Cát Vi và Thanh Mỹ) và người giúp việc (Như Quỳnh), tất cả các nhân vật đều nói với nhau bằng giọng nói rất nhỏ, thậm chí thì thào mà khán giả phải căng tai lên mới nghe thấy nhân vật nói gì. Sự thậm thụt, lén lút trong cách nói chuyện ấy càng làm gia tăng bức bối cho không gian màn ảnh.

Cái khéo của đạo diễn là giải tỏa hơi thở cho người xem bằng những khung hình nên thơ sử dụng gam màu nhã nhặn; tận dụng ánh sáng tự nhiên đầy tinh tế trong các cảnh quay cận vi mô; phục trang, đạo cụ, bối cảnh đều hết sức duy mỹ.

Vợ Ba bị dừng chiếu khi nhiều người còn chưa kịp xem: Thực sự thì phim có hay không mà chỉ thấy những tiếng cười ngơ ngác? - Ảnh 6.

Tràng An, Ninh Bình một lần nữa trở thành thiên đường của nghệ thuật thứ 7 khi các ngóc ngách khác nhau của nó được khai thác tối ưu trong mỗi cảnh quay. Với một bộ phim sử dụng ngôn ngữ ước lệ nhiều như Vợ Ba, những cái ngách hang tranh sáng tranh tối lấp loáng bóng nước đen thẫm thực sự đắc dụng để miêu tả các hình thái tâm lý đa dạng của nhân vật nữ chính: tâm trạng bất định khi về nhà chồng, nỗi đau lạ lùng xé ruột gan khi sinh nở và khát vọng giải thoát dồn nén lúc kết phim.

Cùng với đó, sự kì vĩ tráng lệ của núi non sông suối lại mở ra không gian chông chênh, nơi mà những người đàn bà trong phim trở nên bé nhỏ, thiếu điểm tựa, đồng thời lại khóa chặt cuộc đời họ bên trong những vách núi cao ngất rậm rạp cây rừng cỏ dại, vừa mênh mông lại vừa tù túng, vừa nên thơ lại vừa hoang vu, vừa yên bình lại vừa tĩnh lặng đến đáng sợ.

Vợ Ba bị dừng chiếu khi nhiều người còn chưa kịp xem: Thực sự thì phim có hay không mà chỉ thấy những tiếng cười ngơ ngác? - Ảnh 7.

Tuy nhiên cũng chính khung hình nên thơ này lại chứa nhiều sạn văn hóa - lịch sử mà có lẽ đạo diễn vì ưu tiên "cái đẹp toàn bích" đã bất chấp mọi sự phi logic.

Sự phi logic đầu tiên chính là ở bối cảnh. Một gia đình địa chủ nhưng nằm giữa vùng núi non kì vĩ như miền sơn cước, xung quanh rừng hoang núi thẳm, lá ngón mọc đầy như cỏ dại, song nghề gia truyền lại là trồng dâu nuôi tằm.

Thời gian câu chuyện được đạo diễn cho biết là thế kỷ XIX nhưng tạo hình và phục trang của nhân vật lại giống với giai đoạn trước 1945 của thế kỷ XX. Chưa kể, các mẫu áo dài mà nhân vật nữ mặc là trang phục của người thành thị theo lối Tây học giai đoạn 1930 - 1954, chứ không phải lối ăn mặc ở vùng sơn cước.

Vợ Ba bị dừng chiếu khi nhiều người còn chưa kịp xem: Thực sự thì phim có hay không mà chỉ thấy những tiếng cười ngơ ngác? - Ảnh 8.

Toàn cảnh đám tang người vợ trẻ diễn ra vô cùng xa lạ với văn hóa của người Việt, từ chiếc xe độc mã chở quan tài được trang trí bằng những dải lụa trắng kết hoa làm khán giả trong rạp phì cười vì giống xe tang ở châu Âu đến cảnh đưa tang chỉ có ba người đàn ông ngồi trên thuyền chở quan tài đi đâu không rõ; từ trang phục áo tang không đại diện cho bất kì nền văn hóa Việt nào đến cảnh bầu đoàn thê tử đứng thành hàng ngang ngoài sân nghe sư thầy tụng kinh cho người đã mất bằng cuốn kinh Địa Tạng Bồ tát Bổn nguyện bản dịch của Hòa thượng Thích Trí Tịnh năm 1947.

Vợ Ba bị dừng chiếu khi nhiều người còn chưa kịp xem: Thực sự thì phim có hay không mà chỉ thấy những tiếng cười ngơ ngác? - Ảnh 9.

Các nhân vật xưng hô với nhau cũng không đúng chuẩn mực của người Việt trong xã hội phong kiến, khiến người xem có cảm giác không chân thật. Xã hội xưa, chồng không gọi vợ bằng em, vợ không gọi chồng bằng anh, người ở trong nhà không được gọi tên ông chủ bà chủ, trẻ nhỏ không được gọi tên người lớn, nhưng phim của Nguyễn Phương Anh phá lệ hết.

Chưa kể, câu thoại về chuyện giường chiếu mà Maya nói với Trà My rằng "chị Hà chỉ thích khi anh Hùng mạnh bạo một chút" dễ sinh liên tưởng khi chồng của nữ diễn viên Yên Khê cũng tên Hùng - đạo diễn Trần Anh Hùng. Trong khi tên con gái út của người vợ hai do Maya thủ vai cũng tên Bồ Câu, trùng tên thật con gái cô ngoài đời. Cũng phải nói thêm, người Việt Nam xưa không đặt tên ở nhà của con như ngày nay. Và vì thế, cảm giác đạo diễn hơi chiều chuộng cái tôi khi dí dỏm cài cắm những chi tiết nhỏ nhặt như thế vào phim.

Vợ Ba bị dừng chiếu khi nhiều người còn chưa kịp xem: Thực sự thì phim có hay không mà chỉ thấy những tiếng cười ngơ ngác? - Ảnh 10.

Đáng tiếc nữa là giọng nói "đớt" của Trần Nữ Yên Khê đã làm nhẹ đi lối diễn điêu luyện của chị, hỏng cả nhân vật bà cả quyền uy mỗi khi cất lời. Và giọng nói nửa Bắc nửa Nam riêng lúc vượt cạn thì đặc sệt Sài Gòn của nữ chính Trà My đã làm hỏng cảm xúc của người xem ở phân cảnh lẽ ra cần tròn trịa nhất.

Vợ Ba bị dừng chiếu khi nhiều người còn chưa kịp xem: Thực sự thì phim có hay không mà chỉ thấy những tiếng cười ngơ ngác? - Ảnh 11.

Tất nhiên, không thời gian trong phim, nhất là một bộ phim điện ảnh nghệ thuật - hoàn toàn có thể được giả định như kiểu "Ngày xửa ngày xưa, ở một vùng đất nọ". Đạo diễn hẳn đã kể câu chuyện của mình bằng không thời gian giả định đó, và cô tự cho phép mình vượt lên trên mọi logic thông thường. Cũng như việc cô chọn một nữ diễn viên 13 tuổi để vào vai nhân vật 14 tuổi với rất nhiều cảnh gợi tình hẳn là một sự vượt rào như thế. Miễn là câu chuyện "nghệ thuật vị nghệ thuật" này đạt được đến hai chữ nghệ thuật, vì nghệ thuật đích thực đôi khi cũng vượt lên trên các nguyên tắc luân lý thông thường.

Vợ Ba bị dừng chiếu khi nhiều người còn chưa kịp xem: Thực sự thì phim có hay không mà chỉ thấy những tiếng cười ngơ ngác? - Ảnh 12.

Tất nhiên, cần thời gian để khẳng định cho hai chữ "nghệ thuật đích thực" của Vợ Ba. Nhưng nếu như thế giới đã có Dominique Swain với Lolita, đã có Bennent với The Tin Drum, Việt Nam cũng có thể có Nguyễn Phương Trà My với Vợ Ba. Diễn xuất của nữ diễn viên 13 tuổi thực sự là "của trời cho".

Chia sẻ