Vì sao nhiều bố mẹ Mỹ không mặn mà với việc tiêm vắc-xin cho con?

Thùy Dương,
Chia sẻ

Nhiều bố mẹ Mỹ cho rằng vắc-xin là một trong những nguyên nhân tăng tỷ lệ trẻ tự kỷ khiến họ quyết định không tiêm phòng cho con.

Vắc-xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để bảo vệ cho người tiêm không mắc bệnh và tránh xảy ra các vụ dịch lớn ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng. Đối với trẻ em, việc tiêm vắc-xin là rất quan trọng, vì kháng thể tự nhiên của bé chỉ tồn tại trong khoảng 1 tháng đến 1 năm. Tiêm vắc-xin giúp bé nâng cao sức đề kháng và phòng chống được nhiều bệnh.

Ngay ở một quốc gia tiên tiến như Mỹ thì việc tiêm vắc-xin cho con hay không đã trở thành cuộc tranh luận nóng trong vài năm qua. Mới đây, nhà sáng lập kiêm CEO Facebook Mark Zuckerberg chia sẻ hình ảnh đưa con gái mới sinh đi tiêm tại phòng khám của bác sĩ đã khơi dậy cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội này về việc tiêm vắc xin cho trẻ em tại Mỹ. 

Vì sao nhiều bố mẹ Mỹ không muốn tiêm vắc-xin cho con?
Việc quyết định tiêm vắc-xin cho con của ông chủ facebook được tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội.

Bên cạnh một tỷ lệ tiêm phòng vẫn khá cao, có một bộ phận người dân không thực sự tin tưởng vào sự hiệu quả mà vắc-xin mang lại. Có đến 20 bang ở Mỹ cho phép các gia đình tự quyết định xem có tiêm hay không tiêm vắc-xin cho con. Trong khi đó, việc tiêm vắc-xin phòng 6 loại bệnh cho trẻ ở Việt Nam là bắt buộc.

Nhiều người Mỹ nói không với tiêm vắc-xin

Các số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ trẻ em không tiêm vắc-xin ở Mỹ đã tăng đáng kể từ năm 2007 đến 2013. Tỷ lệ trẻ em không tiêm phòng ở Mỹ có sự khác nhau ở các bang, dao động trong khoảng từ 1 đến 4%. Đây có vẻ như một con số nhỏ so với số những trẻ em được tiêm phòng, nhưng thực chất, số trẻ em không được tiêm chủng là khá lớn. Một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí sức khỏe cộng đồng Mỹ cho thấy, chỉ riêng bang California, trong 6200 trường mẫu giáo, đã có 17,000 trẻ em không được tiêm chủng. Tỷ lệ này đã tăng gấp đôi từ năm 2007 đến 2013.
 
Tỷ lệ phần trăm trẻ mẫu giáo không tiêm phòng ở các bang trên toàn nước Mỹ. 

Dù đã có khuyến cáo của các bác sĩ về tầm quan trọng của việc tiêm vắc-xin trong việc phòng chống bệnh tật của cá nhân và tránh lây lan dịch bệnh cho cộng đồng, nhiều gia đình vẫn trì hoãn hoặc từ chối tiêm vắc-xin cho con. Trong số 50 bang ở Mỹ, có 26 bang không đạt được mục tiêu 95% số trẻ được tiêm vắc-xin, và 20 bang cho phép bố mẹ quyết định có tiêm phòng cho con hay không.

Những lí do khiến cha mẹ Mỹ quyết định từ chối tiêm vắc-xin cho con

Có nhiều lí do khiến bố mẹ Mỹ không tiêm vắc-xin cho con. Nhiều người Mỹ lo ngại vắc-xin sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ và tính hiệu quả của nó so với những rủi ro có thể xảy ra. Ở Mỹ, vấn đề tiêm vắc-xin hay không cũng gây nhiều tranh cãi trong một thời gian dài, xuất phát từ vấn đề niềm tin của người dân và cả những bằng chứng khoa học khiến họ lựa chọn không tiêm vắc-xin. Có 4 nguyên nhân chính dẫn đến việc nhiều bố mẹ Mỹ không mấy “mặn mà” với vắc-xin.

Người dân lo sợ vắc-xin ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ

Họ tin rằng vắc-xin có thể tăng nguy cơ trẻ mắc tự kỷ. Ở Mỹ, hàng ngàn nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, vắc-xin không liên quan đến tự kỷ ở trẻ nhỏ, trong khi đó cũng có những nghiên cứu khác chứng minh điều ngược lại. Nghiên cứu trên tạp chí Toxicology (Độc chất học) vào năm 2011 cho thấy sự nguy hiểm của hàm lượng nhôm trong vắc-xin khi đi vào cơ thể có khả năng gây ra vấn đề về thần kinh trung ương, dẫn đến các bệnh như rối loạn tự kỷ. Theo báo cáo của Dịch vụ Y tế cộng đồng Hoa Kỳ, 57% số bố mẹ không tiêm vắc-xin cho con nói rằng họ lo lắng về mối liên hệ giữa vắc-xin và chứng tự kỷ.
 
Nhiều người lo sợ vắc-xin làm tăng tỷ lệ trẻ tự kỷ ở Mỹ.

Bên cạnh đó, giống như các ông bố bà mẹ Việt, nhiều người Mỹ cũng rất lo ngại về vấn đề phản ứng phụ sau tiêm có thể gây nguy hại đến con trẻ

Trong số những người không cho con đi tiêm phòng, có 63% người lo sợ những phản ứng nghiêm trọng có thể xảy ra. Họ nghi ngờ về sự an toàn của vắc-xin có thể gây ra những triệu chứng như: sốt, đau đầu, mệt mỏi, ngất xỉu, và còn có thể nặng nề hơn thế rất nhiều. Họ tin rằng trong thành phần của vắc-xin chứa nhiều độc tố như các kim loại thủy ngân, nhôm, hay chất chống đông có thể khiến trẻ mắc bệnh nhiều hơn là phòng bệnh.

Ngoài ra lí do phổ biến khiến bố mẹ Mỹ không cho con tiêm vắc-xin vì sợ rằng trẻ phải tiêm quá nhiều mũi. Năm 2013, CDC (Trung tâm Kiểm soát bệnh của Mỹ)  đề xuất trẻ dưới 6 tuổi cần tiêm 49 liều vắc-xin để có thể phòng 14 bệnh, tăng hơn gấp đôi số liều năm 1983 (23 liều cho 7 loại bệnh), con số khiến 78% số cha mẹ không tiêm vắc-xin cho con nghĩ rằng là quá nhiều đối với hệ miễn dịch còn non nớt của trẻ.
 
Một bộ phận người Mỹ cho rằng vắc-xin là "lợi bất cập hại" khiến vấn đề này trở thành vấn đề nóng được tranh cãi cả trên chính trường.

Nguyên nhân xuất phát từ việc nhiều người không còn tin vào hiệu quả phòng bệnh thực sự của vắc-xin cũng khá phổ biến, xuất phát từ việc dịch cúm bùng phát ở Mỹ vào năm ngoái. Nhiều trường hợp dù đã tiêm vắc-xin nhưng không tránh khỏi sự lây nhiễm cúm, và thống kê cho thấy vắc-xin cúm chỉ mang lại hiệu quả 23% cho họ trong mùa đông đó. 
 
Có một thực tế thú vị là những gia đình không cho con tiêm vắc-xin thường giàu có hơn, với thu nhập bình quân cao gấp 4 lần mức nghèo, được giáo dục tốt hơn và có bằng cấp đại học. Số này tập trung nhiều ở những trường tư thục nơi con em những gia đình ra trắng giàu có ở đây theo học, theo báo cáo trên Tạp chí Sức khỏe cộng đồng.

(Nguồn: Collective-evolution, CNN, parents)
Chia sẻ