Vì sao một người như Gia Cát Lượng lại chấp nhận lấy và sống chung thủy với người vợ nhan sắc "ma chê quỷ hờn"?

Trân Trân ,
Chia sẻ

Thời phong kiến nam nhân có quyền 5 thê 7 thiếp thế nhưng Gia Cát Lượng chỉ biết mỗi phu nhân mình, không những vậy vợ ông còn bị đồn là “xấu ma chê quỷ hờn”

Ai đã từng đọc qua Tam Quốc diễn nghĩa ắt hẳn không thể không biết Gia Cát Lượng Khổng Minh, cánh tay phải đắc lực cho Lưu Bị. Và không chỉ khiến người khác nể về tài đoán vận, giúp chúa mà mối quan hệ gia đình ông, cùng người vợ xấu xí Hoàng Nguyệt Anh cũng khiến hậu thế tò mò suy đoán. 

Theo sử sách kể lại thì phu nhân của Gia Cát Khổng Minh có tên là Hoàng Tố, tự Nguyệt Anh, sống khoảng 188-255, được mệnh danh là 1 trong 5 người phụ nữ tài năng nhưng nhan sắc thuộc hàng ma chê quỷ hờn của Trung Quốc. Bà là ái nữ của danh sĩ Hoàng Thừa Ngạn và là phu nhân của Gia Cát Khổng Minh, với tài trí hơn người, Hoàng Nguyệt Anh đã giúp đỡ rất nhiều, là hậu phương vững chắc để Gia Cát Lượng có thể an tâm chinh chiến bốn phương. 

gia-cat-luong-1
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa (ảnh: Internet)

Tương truyền rằng, Gia Cát Khổng Minh đến năm 25 tuổi mới thành thân, vào thời đó kết hôn ở tuổi của Khổng Minh là quá trễ, có hơi bất thường với một vị gia thế tương đối như ông. Nhưng điều khiến người ta ngạc nhiên hơn, là ông lại đồng ý lấy Hoàng Nguyệt Anh – người được miêu tả với dung mạo: tóc vàng xơ xác, da đen nhem nhẻm, nhăn nheo như da gà khiến người đối diện lần đầu tiên có chút giật mình. Nhưng bù lại, nết na và trí thông minh hơn người của bà được lan truyền khắp nơi.

Một số đoạn trong Tam Quốc diễn nghĩa có ngụ ý chê cười Gia Cát Lượng vì việc kết duyên của ông được thành công là nhờ nhạc phụ Hoàng Thừa Ngạn ra tay cứu vớt. Ý là Hoàng Thừa Ngạn tuy phận đàng gái lại xuống nước đến nhà Gia Cát Khổng Minh, bàn chuyện gả con gái, điều này đi ngược lại với quan niệm thời bấy giờ. Tuy nhiên, một số sách khác lại cho rằng, Gia Cát đã nghe tiếng lành của con gái Hoàng Thừa Ngạn từ lâu nên đồng ý ngay hôn sự khi được ngỏ lời này. 

Sau khi Hoàng Nguyệt Anh về chung sống ở nhà Gia Cát Lượng, từ việc trồng trọt, nấu cơm, việc nặng việc nhẹ trong và ngoài nhà, bà đều một tay thu xếp thỏa đáng. Gia Cát Lượng hoàn toàn có thời gian và đặt hết tâm trí vào việc quốc sự.

Bạn bè của Gia Cát Lượng như Thôi Châu Bình ở Bác Lăng, Quảng Nguyên ở Toánh Xuyên Thạch và Từ Nguyên Trực thường xuyên đến nhà ông uống rượu làm thơ, đàm luận quốc sự. Người vợ xấu xí này luôn luôn làm cơm, rượu trắng chu đáo vui vẻ để tiếp đãi khách. Ban đầu, những người bạn này tới nhà Gia Cát Lượng mà gặp Hoàng Nguyệt Anh thì đều cảm thấy không tự nhiên, nhưng dần dà do sự chu đáo nhiệt tình của bà, mọi người lại cảm thấy như ở nhà. Thái độ của họ cũng dần dần cải biến, từ chỗ coi thường miệt thị đến chỗ cung kính, coi trọng. Gia Cát Lượng là một người có tính sĩ diện, nên thấy bạn bè vui vẻ thì trong lòng cũng thấy vô cùng ưng ý.

gia-cat-luong-2
Chiếc quạt Gia Cát Lượng luôn mang bên mình tương truyền là của Nguyệt Anh tặng
(ảnh: Internet)

Những truyền thuyết, tích sử chung quanh người phụ nữ tài năng này rất nhiều, và hiện tại cũng đang trong tình trạng "chín người mười ý".Thế nhưng tóm tắt sơ lược lại thì có 2 luồng ý kiến cơ bản nhất. Mọi người đếu đồng ý rằng, Hoàng Nguyệt Anh là một người phụ nữ có tài hoa xuất chúng, thông thiên văn, tường địa lý, bát quái ngũ hành, kì môn độn giáp, ngay cả binh pháp (thứ chỉ dành cho đấng mày râu) bà cũng rất am hiểu . Gia Cát tiên sinh tinh thông binh pháp, ít nhiều phải kể đến công lao của bà.

Trong một vài tư liệu cũng có ghi, các phát minh "mộc ngưu lưu mã", "nỏ liên châu","Khổng Minh đăng" và bánh bao của Khổng Minh cũng đều có sự tham gia giúp đỡ của Hoàng Nguyệt Anh. Và cũng ít ai biết rằng Long Trung sách của Gia Cát Lượng cũng dựa trên sự gợi ý ít nhiều của bà. Nói chung,Hoàng Nguyệt Anh là một hậu phương vững chắc và trợ thủ đắc lực của Gia Cát Lượng, góp phần không nhỏ vào các thành công của ông sau này.

Một tích khác kể về sự tinh ý của Hoàng Nguyệt Anh chính là về ý nghĩa chiếc quạt lông mà Gia Cát Khổng Minh luôn cầm trên tay: Gia Cát Lượng trong lần tới cầu hôn, cô gái xấu xí tóc vàng da đen đã tặng chàng một cái quạt lông và hỏi: 

- "Gia Cát tiên sinh, có biết tại sao tôi lại tặng ngài quạt lông không?"

- Gia Cát Lượng nói: "Là lễ nhẹ mà nghĩa tình thì nặng phải chăng?" 

- Nguyệt Anh liền cười đáp: "Còn ý nghĩa thứ hai?" 

- Gia Cát Lượng suy nghĩ mà không thể giải đáp. 

- Nguyệt Anh bèn tiếp lời: "Gia Cát tiên sinh, tiên sinh vừa cùng gia phụ đàm luận thiên hạ đại sự, tâm mang đại kế, khí vũ hiên ngang, say mê hứng thú. Nhưng mà, tôi phát hiện ngài nói tới Tào Tháo Tôn Quyền thì chân mày hiện rõ ưu tư. Tôi tặng ngài chiếc quạt này là để ngài che mặt lúc đó" 

Đây chính là cái hay, cái tinh tế ở Hoàng Nguyệt Anh khiến Gia Cát Lượng quyết tâm phải cưới nàng làm vợ. Người phụ nữ thông minh hiểu chuyện như Nguyệt Anh, biết đại trượng phu khi làm việc tập trung khí lực, không thể để tình cảm xao động, càng không thể để người ta phát hiện, nếu không đại sự tất không thành. Đó cũng chính là lí do sau khi Gia Cát Lượng cưới Hoàng Nguyệt Anh về rồi quạt lông vẫn không rời tay.

Khổng Minh đại truyện có ghi rõ, Gia Cát Khổng Minh sau khi xuất sơn, mọi việc ở nhà đều được Gia Cát phu nhân chu toàn tất cả. Vợ chồng tương kính như tân, chưa bao giờ xảy ra mâu thuẫn hay xung đột gì. Nếu không nhờ có bà làm hậu phương vững chắc phía sau, Khổng Minh tiên sinh chưa chắc đã có thể toàn tâm phò trợ cho Lưu Bị . 

Thế mới biết câu “tề gia trị quốc bình thiên hạ” là một thứ tự có cơ sở... Người đàn ông phải làm cho yên ổn chuyện gia thất mới có thể ra ngoài trị nước cứu đời. Và Hoàng Nguyệt Anh đã làm thay cho Gia Cát Lượng nhiệm vụ “tề gia” để ông chuyên tâm giúp đỡ Lưu Bị. Ta có thể thấy, vị trí và vai trò không nhỏ của Hoàng Nguyệt Anh đối với bản thân cũng như sự nghiệp của Gia Cát Lượng. 

(Tổng hợp)
Chia sẻ