Vẫn câu hỏi làm gì để có lương khởi điểm 2000$, đây, có cách rồi!

Lynk,
Chia sẻ

Từ một thanh niên làm thuê trở thành CEO với lương ngàn đô, nhà báo Phan Anh đã phải đi quãng đường 15 năm ròng. Thay vì đưa ra "con cá" cho các bạn sinh viên, anh quyết định đưa "cần câu" cho họ, và dưới đây là những chia sẻ có giá trị sâu sắc của anh cho câu hỏi "làm gì để có lương 2000 đô?".

Cách đây nhiều năm, đã từng có một cử nhân ĐH vừa ra trường tuyên bố không vào làm ở nơi có lương dưới 1000 đô/ tháng. Tuyên bố ấy giống như quả "bom nguyên tử" thả xuống khiến dư luận bị sốc, đặc biệt là những sinh viên mới ra trường, nó không phải tấm gương truyền cảm hứng mà giống như một điều khiến họ xấu hổ. Cũng có ý kiến cho rằng, tuyên bố ấy cao ngạo nhưng xứng đáng với người phát ngôn ra nó, người ấy nhận thức được năng lực của mình nên có quyền nói vậy thôi.

Và gần đây, lịch sử lặp lại lần nữa, sốc hơn, tranh cãi dữ dội hơn, khi các cô gái chân ướt chân ráo chưa khoác áo cử nhân đã vội hỏi: “Làm gì để có lương 2000 đô khi ra trường?”. Khắp các mặt báo, diễn đàn và trang cá nhân, người ta tranh đấu nhau, người ta chửi bới nhau, người ta gạch đá nhau như thể đó là một câu hỏi ngớ ngẩn. Giữa tâm bão, một người đã có kinh nghiệm đi làm lâu năm, trải qua bao thăng trầm và cũng từng vật vã với vấn đề lương lậu đã có một bài viết khá sâu sắc trên facebook cá nhân. Đó là nhà báo Phan Anh, chàng sinh viên học Y nhưng giờ lại theo đuổi nghiệp cầm bút. Với kinh nghiệm làm việc "giắt" quanh mình, sau 15 năm bươn chải, nhảy việc, chấp nhận những mức lương khác nhau, anh đủ trải nghiệm để đưa ra lời khuyên cho lớp đàn em với câu hỏi “nghìn đô” ở trên. Câu trả lời của anh đã thu hút sự quan tâm của hàng ngàn người dùng mạng, đưa ra nhiều bình luận và quan điểm khác nhau.

“LÀM GÌ ĐỂ CÓ LƯƠNG 2000USD/THÁNG?

Tôi đã nghe, đọc nhiều về câu hỏi này, dĩ nhiên tôi không có câu trả lời chính xác 100% cho bạn. Nhưng xin để tôi kể các bạn nghe, tôi đã kiếm 2000$/tháng như thế nào.

Năm 1999, tôi bắt đầu bước vào cuộc đời sinh viên, chỉ mất một học kỳ đầu tiên là gia đình còn chu cấp cho tôi (350k/tháng), ở học kỳ thứ 2 tôi đã bắt đầu kiếm được 400k/tháng từ công việc phụ giúp phòng khám của ông bác mình. Ở đó, tôi làm đủ mọi việc, sang thì được mặc áo blue để tiêm cho bệnh nhân, "hèn" thì đi dọn bông băng, lau dụng cụ... nói chung không từ việc gì.

làm gì để có lương 2000$
Nhà báo Phan Anh và câu chuyện hiện thực hóa "giấc mơ 2000$" đang gây sốt mạng

Bắt đầu từ năm thứ 2, tôi đã xin vào làm trình dược viên ở một công ty kinh doanh dược và thiết bị y tế với mức lương 800k/tháng (tính theo giá đô thì khoảng 2 triệu bây giờ). Ròng rã 5 năm học, tới năm 2004 khi ra trường, mức lương của tôi ở công ty dược đã tăng lên thành... 1,4 triệu. Để đạt được mức lương đó, tôi đã phải đi "bán thuốc dạo" ở gần như tất cả các tỉnh miền bắc, gặp hết ông bác sĩ này tới bà dược sĩ khác, khua môi múa mép để giới thiệu, để dụ họ sử dụng sản phẩm của mình. Thậm chí cao điểm như Sơn La, có tháng tôi đi tới... 6 lần. Đến năm 2005, tôi được đề bạt làm Trưởng phòng kinh doanh của Công ty dược và thiết bị Việt Hà với mức lương... 3 triệu. (Dĩ nhiên còn thu nhập ở % kinh doanh) và tôi ở vị trí đó khoảng 2 năm, cố gắng tích luỹ kinh nghiệm và đâm đơn thi vào trường ĐH Ngoại Thương, khoa Kinh Tế Đối Ngoại. Bởi tôi biết, mình thiếu kinh nghiệm quản trị kinh doanh trầm trọng.

Thế nhưng, cuộc đời có những ngã rẽ không ai ngờ. Cuối năm 2007, tôi nhận được điện thoại của Hồng Vân, thư ký toà soạn của Kenh14 mời về làm biên tập vì họ cần một người có khả năng viết và hiểu biết đôi chút về y học. Tôi vốn là CTV viết cho Hoa học trò từ năm lớp 9, nên viết lách cũng khá. Thế là tôi nhận lời, dù sao đó cũng là một môi trường khá lý thú và tôi biết mình có thể phát triển được bản thân. Vậy là tôi đã được tăng mức lương lên 4 triệu/tháng. (Tính ra khoảng bằng 7 triệu bây giờ).

Sau một năm ở Kenh14, tôi nhận ra mình đã quá già trong môi trường trẻ trung của tờ báo này, nơi các đồng nghiệp đa phần chỉ 19, 20 trong khi tôi đã 25 tuổi. Vậy nên tôi quyết định về Dantri, và về lại TP. HCM sống. Đó là một quyết định khó khăn nhưng đúng đắn, bởi dù mức lương nhà nước chỉ 3,1 triệu/tháng. Nhưng tổng thu nhập từ nhuận và các nguồn khác của tôi không bao giờ dưới 30 triệu/tháng. Đó là một mức thu nhập ổn định và khá cao, giúp tôi sống khỏe từ năm 2008 - 2013. Bù lại, tôi phụ trách mọi lĩnh vực trong mảng văn hoá, giải trí của tờ báo này ở miền Nam. Tôi không từ chối bất kỳ yêu cầu nào của biên tập, có ngày tôi viết... 7 bài liền, viết như ngày mai không thể viết được nữa. Thế nhưng, vẫn chưa được 2000 USD đúng không nhỉ?”.

Chặng đường từ một cậu sinh viên lơ ngơ trở thành một chàng trai tự lập đã ngốn không ít thời gian của Phan Anh. Gia đình anh chẳng giàu có gì, anh phải tự lăn lộn kiếm sống đấy chứ, thế nên cuộc đời không trải thảm đỏ đón anh ngồi vào những chiếc ghế lương cao, anh phải bắt đầu từ những công việc thấp nhất, vô vị nhất để có được thành công như bây giờ, giống một đứa trẻ tập đi tập nói. Đọc những dòng anh viết về từng công việc với mức lương chi tiết kèm theo, bất cứ ai trải qua thời sinh viên đều hiểu rất rõ, nó đúng và chân thực thế nào. 15 năm không phải là ngắn, nên Phan Anh cũng đúc rút được kha khá bài học.

“Cũng như các bạn sinh viên, tôi đặt ra câu hỏi, phải làm thế nào để có được 2000 USD/tháng? Và lúc đó, tôi rà soát lại bản thân mình, tôi còn thiếu gì nhỉ? Nếu cứ mãi là một phóng viên, tôi không thể phát triển được bản thân mình. Tôi có quá nhiều mối quan hệ tốt, tôi có vị thế xã hội không tệ, chuyên môn của tôi cũng khá, vậy sao tôi vẫn chưa phát triển như mình muốn ở tuổi 30? Và tôi nhận ra rằng, cái mình thiếu chính là kinh nghiệm quản lý...

Nếu ai hỏi thì tôi tin rằng trên cuộc đời này có chữ "duyên", năm 2013 một người bạn làm chung với tôi ở Kenh14 đã gọi cho tôi mời về làm trưởng đại diện Phía Nam cho một tờ báo nhỏ với mức lương nhà nước nghe qua hết hồn... 7,5 triệu/tháng. Ngoài ra không còn thu nhập nào khác. Tôi cứ lần lữa mãi, liệu có nên bỏ một vị trí ổn định với mức thu nhập cao để chạy qua một vị trí quản lý với mức lương thấp như vậy? Nhưng cái tôi được chính là một cái "danh" và kinh nghiệm quản lý mà mình còn thiếu? Cuối cùng tôi chấp nhận rủi ro, nghĩ rằng mình sẽ hi sinh mức thu nhập cao, coi như phí học tập và tôi cho mình một năm để hoàn thành mục tiêu đó.

lương 2000$
Phan Anh đã trải qua rất nhiều thăng trầm, đánh đổi để có được "giấc mơ 2000 đô"

Thế nhưng, chỉ 6 tháng sau, một tờ báo khá lớn mời tôi về làm... phó tổng biên tập với một mức lương cao hơn hẳn dù chưa phải là... 2000$. Lần này tôi chẳng mất một giây để nhận lời. Bởi tôi đã vượt chỉ tiêu được 6 tháng, tôi cũng đã học hỏi được khá nhiều điều ở lĩnh vực quản lý và quan trọng hơn, đó là một bước thang lớn trong sự nghiệp của mình.

Ở môi trường mới, tôi làm việc gần như 20h/ngày, đảm nhận đủ mọi vị trí và không nề hà bất kỳ việc gì. Có nhiều lúc tôi phát điên, không hiểu mình khổ đến vậy để làm gì? Nhưng câu trả lời của tôi với mọi yêu cầu từ sếp là em sẽ cố gắng, và tôi nỗ lực để hoàn thành, tránh nói "không" với mọi yêu cầu. Với sự giúp sức của sếp và các nhân viên, chúng tôi đã có những bước tiến ngoạn mục về mọi mặt.

Đó là lúc tôi nhận được lời đề nghị về làm CEO cho một tờ báo mới ở một công ty lớn, vào tháng 4 năm 2015, với mức lương lớn hơn con số 2000 mà tôi mong muốn. Sau gần 15 năm đi làm, tôi mới đạt được con số đó với bao nhiêu nỗ lực”.

Cuối cùng thì Phan Anh cũng đạt được mục tiêu như bao bạn trẻ bây giờ đang mơ ước, thậm chí đạt được nhiều thành quả hơn mong đợi, từ một cậu đi làm thuê trở thành người quản lý. Nhưng hành trình đi đến mục tiêu ấy đã khiến anh trả học phí bằng cả thời trai trẻ, chứ nó không nhanh chóng, hào nhoáng như nhiều bạn SV bây giờ mơ mộng. Để câu chuyện của mình có ý nghĩa hơn, tạo động lực hơn cho lớp trẻ phấn đấu, hiểu rõ giá trị của con số 2000 đô ấy phải đánh đổi bằng gì, Phan Anh đã khép lại chia sẻ của mình bằng lời tâm sự

“Vậy tôi kể câu chuyện này để làm gì? Để sống ảo, để khoe với các bạn con đường tiến thân của mình? Cũng có thể... Ha ha ha... Nhưng mục đích chính của tôi để nhắn nhủ với các bạn trẻ, những sinh viên mới ra trường rằng đừng đặt câu hỏi "học gì để kiếm được 2000" mà phải nỗ lực thế nào để đạt được con số đó.

Ngoại trừ những ngành đặc thù như y tế, kinh tế, nghiên cứu khoa học... thì việc bạn học gì thật ra không quan trọng. Điều quan trọng nhất là đừng vội đòi hỏi bất kỳ điều gì trước khi bạn xứng đáng. Đừng nói không với bất kỳ yêu cầu nào trong công việc, có thái độ tích cực và nỗ lực làm việc. 10 năm đầu tiên khi đi làm, đừng hỏi "tôi sẽ nhận được lương bao nhiêu", hãy tự hỏi "tôi sẽ học được điều gì và đạt được vị trí nào". Hãy nhìn ra điều mình còn thiếu để phát triển bản thân. 10 năm đầu tiên trong cuộc đời đi làm, không phải tiền bạc, kinh nghiệm và kỹ năng mới là điều quan trọng nhất bạn phải hướng tới.

Tôi đã đắn đo rất nhiều khi từ bỏ vị trí phóng viên rất ổn định và thu nhập tốt để làm công việc quản lý nhàm chán và thu nhập tệ đến khó tin. Nhưng đến giờ tôi vẫn tin rằng, sẽ chẳng ai có đủ niềm tin đặt tôi vào vị trí Phó tổng hoặc CEO nếu tôi không có kinh nghiệm quản lý trước đó, mức lương 7,5 triệu cho vị trí Trưởng đại diện chính là nấc thang quyết định cho mọi thành công sau này.

Sự thật là vậy, dù bạn học giỏi đến thế nào thì đó vẫn là lý thuyết, chẳng ai dám đặt niềm tin vào một cái đầu đầy chữ nhưng bàn tay trắng nõn. Và dĩ nhiên, bạn sẽ chẳng thể có nổi một mức lương đủ sống nếu chỉ như thế...".

lương 2000$
Chặng đường đi đến mức lương 2000$ dài hay ngắn phụ thuộc vào bản thân mỗi người

Đừng đặt câu hỏi học gì để đạt được lương khởi điểm 2000$/ tháng nữa, hãy đặt câu hỏi làm thế nào để người ta mang 2000$ tới mời mình về làm trong thời gian sớm nhất. Cái đó chỉ đến khi bạn lao ra cống hiến, bởi nếu người ta không tin rằng bạn có thể mang về cho họ 20.000$, họ sẽ không bao giờ trả cho bạn 2000$.

Ngoài những tâm sự về kinh nghiệm bản thân trên chặng đường “thay đổi mức lương”, nhà báo 35 tuổi cũng có những suy nghĩ khá gần gũi với các bạn SV – lớp trẻ luôn hoang mang trước ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời. Anh luôn hoan nghênh những người trẻ sáng tạo, tài năng, và biết cách biến tài năng của mình thành giá trị vật chất, và cả giá trị cuộc sống nữa.

- Theo anh thì thời buổi bây giờ lương nghìn đô khi vừa ra trường có khó không?

Thật ra không khó, nhưng bạn phải giỏi xuất sắc và có kinh nghiệm làm thêm từ thời sinh viên, vì gần như chẳng có công ty nào nhận người chưa có kinh nghiệm với mức lương cao. Không có quy chuẩn cụ thể nào cho từng rường hợp, cũng như không phải ai cũng cần đi từng bước như vậy.

Tôi thấy mình 15 năm mới có được lương 2000 là tôi kém đó, nhiều bạn bây giờ ra trường đã có lương vài ngàn. Nhưng đó là một số trường hợp cá biệt, không phải đa số.

- Anh đã trải qua 15 năm để có được mức lương mơ ước, nhìn lại thì anh thấy có thể rút gọn công đoạn nào trong ngần ấy năm để chạm đến con số 2000?

Thật ra tôi không thể trả lời câu hỏi này chính xác, dĩ nhiên. Nhưng tôi nghĩ các bạn trẻ nếu đặt cho mình một mục tiêu, kiên trì để đạt được nó, đừng "đứng núi này trông núi nọ" và phải biết rõ mình muốn gì thì sẽ rút ngắn được thời gian thôi. Thời của tôi không giống các bạn trẻ bây giờ, họ có quá nhiều cơ hội để được hoạt động trong các lĩnh vực “nóng” có thu nhập cao như công nghệ, chứng khoán... Đó là điều mà thời của tôi, những năm 2010 đổ về trước không dám mơ.

- Soi xét từ chính bản thân mình và những gì anh thấy được từ người xung quanh, thì theo anh có phải đàn ông dễ đạt được mục tiêu 2000$ hơn phụ nữ không?

Không bạn ạ. Tôi thấy có nhiều phụ nữ rất giỏi, họ hơn đàn ông ở sự tinh tế, chi tiết, mềm dẻo... tuỳ vào lĩnh vực nhưng ở lĩnh vực tôi đang làm, thì đó là lợi thế rất lớn và rất nhiều phụ nữ thành công như chúng ta biết rồi đấy.

Chia sẻ