Ung thư cổ tử cung - căn bệnh phụ nữ luôn phải cảnh giác

,
Chia sẻ

Hàng năm có khoảng 200.000 phụ nữ chết vì ung thư cổ tử cung (UTCTC) trên toàn thế giới do không được phát hiện sớm.

Đây cũng là một loại ung thư phổ biến nhất ở các nước Đông Nam Á. Đặc biệt, tại TP.HCM, tỉ lệ phát sinh ung thư hàng năm khoảng 16 trên 100.000 phụ nữ.

UTCTC là bệnh ác tính thường gặp ở phụ nữ lớn tuổi nhưng cũng có thể xảy ra ở phụ nữ 20 - 30 tuổi. Nguyên nhân chính gây UTCTC là do virus H.P.V (Human Papilloma Virus). Virus này lây qua đường tình dục. Triệu chứng thường âm thầm và diễn biến trong nhiều năm (10 – 20 năm) trước khi phát triển thành UTCTC.

Biểu hiện UTCTC

Các thay đổi sớm ở CTC thường không dẫn đến bất cứ triệu chứng nào, chỉ phát hiện được khi khám phụ khoa và làm xét nghiệm. Vì vậy, việc thực hiện xét nghiệm phết tế bào CTC thường xuyên là rất cần thiết để phát hiện ra những thay đổi tiền ung thư.

Ngoài ra, có thể có những biểu hiện như:

- Chảy máu âm đạo sau khi giao hợp.

- Kinh nguyệt kéo dài hơn bình thường.

- Chảy máu âm đạo ngoài thời kỳ kinh nguyệt.

- Phụ nữ đã tắt kinh bị ra máu âm đạo (mặc dù ra máu rất ít).

- Đau phần bụng dưới (không liên hệ với kinh nguyệt).

- Ra huyết trắng.

Khi thăm khám lâm sàng: giai đoạn sớm không phát hiện được. Nếu là ung thư xâm nhiễm có 3 hình thái:

- Sùi: thương tổn phát triển về phía bề mặt cổ tử cung, sùi như một bông cải.

- Thể loét.

- Xâm nhiễm.

Phát hiện sớm UTCTC

Để phát hiện sớm UTCTC, phụ nữ cần khám phụ khoa định kỳ 6 tháng – 1 năm/ 1 lần, hoặc khi có những dấu hiện bất thường về phụ khoa.

Cần phết tế bào cổ tử cung (Papsmear): Đây là phương pháp lấy tế bào cổ tử cung để kiểm tra bằng kính hiển vi xem có thay đổi gì không, phương pháp này chỉ mất vài phút thực hiện, thao tác đơn giản và không gây đau. Có thể thực hiện ở các bệnh viện sản phụ khoa, trung tâm y tế, phòng khám phụ khoa. Thời điểm làm Papsmear: sau khi sạch kinh và trong nửa đầu của chu kỳ kinh.

Phụ nữ nào cũng có thể bị UTCTC nhưng những trường hợp dưới đây có thể làm tăng nguy cơ bị UTCTC:

- Giao hợp dưới 16 tuổi.

- Giao hợp với nhiều người khác nhau (hoặc phụ nữ có nhiều bạn tình).

- Bị nhiễm trùng ở bộ phân sinh dục: ví dụ như bị bệnh mụn cóc hoặc các bệnh truyền nhiễm khác qua đường tình dục.

- Có bạn tình bị các bệnh kể trên.

- Đã có lần đi thử Pap với kết quả bất thường.

- Không đi thử Pap thường xuyên. Thử Pap để tìm ra UTCTC sớm. Phần đông những người chết vì UTCTC là vì họ chưa bao giờ đi thử Pap. Tất cả phụ nữ 18 tuổi trở lên (hoặc trẻ hơn nếu đã từng giao hợp) cần phải đi thử Pap và khám phụ khoa mỗi năm một lần.

- Hút thuốc hoặc hít phải khói thuốc của người khác.

- Là phụ nữ Việt Nam, vì người phụ nữ Việt Nam ở nước Mỹ bị UTCTC cao hơn so với các dân tộc khác..

Phòng tránh UTCTC

- Quan hệ tình dục lành mạnh với một vợ một chồng.

- Phát hiện và điều trị sớm các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

- Điều trị lộ tuyến CTC, điều trị triệt để khi phát hiện ra tổn thương.

Bạn có biết một phụ nữ có tới 70% nguy cơ nhiễm virus u nhú (HVP), một trong những nguyên nhân gây nên căn bệnh UTCTC nguy hiểm. Tuy nhiên, phòng tránh bệnh hiệu quả là điều hoàn toàn có thể làm được bằng cách:

Sống chung thủy 1 vợ 1 chồng: Đây là cách phòng tránh an toàn các căn bệnh lây lan qua đường tình dục như HIV/AIDS, viêm gan B, virus HPV…

Không quan hệ sớm: quan hệ sớm (ở tuổi dậy thì) là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus HPV.

Bao cao su không thể tránh được lây nhiễm virus HPV tuyệt đối; bạn nên nhớ bao cao su không phải là biện pháp tối ưu giúp bạn miễn nhiễm với loại virus này, vì trên thực tế virus này không chỉ sống trong màng nhầy mà còn sống cả trên da.

Không hút thuốc lá: ngay cả khi không bị nhiễm virus HPV, thuốc lá cũng tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung cho người sử dụng.

Tiêm vắc-xin trước lần quan hệ đầu tiên: các nhà nghiên cứu cho biết, tiêm vắc-xin phòng bệnh trước lần quan hệ đầu tiên cho phép các chị em phòng bệnh được tới 70% nguy cơ. Nhiều năm sau cần phải tiêm lại, tuy nhiên cho đến nay hiệu quả của loại vắc- xin này kéo dài trong ít nhất là 4-5 năm.

Thăm khám phụ khoa định kỳ: Ngay cả khi bạn đã tiêm vắc-xin, hãy đến khám bác sĩ phụ khoa theo định kỳ. Đồng thời làm phết tế bào âm đạo thường kỳ 1 lần/1 năm. Phát hiện điều trị sớm các bệnh viêm nhiễm qua đường sinh sản, viêm lộ tuyến cổ tử cung, các bệnh lây qua đường tình dục…

Chú ý: Khám định kỳ và làm phết tế bào âm đạo hàng năm có thể giúp phát hiện và điều trị sớm căn bệnh này. Nên tiêm ngừa phòng UTCTC trong độ tuổi 16 – 25.

Theo Song Linh
Phụ nữ Online/Chi cục Dân số & Kế hoạch hóa gia đình

Chia sẻ