Tuyệt chiêu tránh bị taxi “chặt chém” khi đi du lịch

Nguyễn Nguyệt , Theo Plus,
Chia sẻ

Những du khách ngây thơ và thiếu trải nghiệm thường là đối tượng của những tài xế taxi không trung thực.

Taxi là phương tiện tiện dụng trên đường đi du lịch, đặc biệt là ở nơi các loại phương tiện giao thông công cộng không có nhiều hoặc không an toàn đối với khách du lịch. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý một số điều trước khi bắt taxi ở nơi xa lạ để tránh bị “chém đẹp”.
 
Kiểm tra tình hình an ninh
 
Dù nghe có vẻ hơi phiền hà, nhưng việc đề phòng nguy cơ rình rập sẽ giúp bạn tránh gặp rắc rối thực sự.
 

Khách du lịch thường là đối tượng bị taxi chặt chém.
 
Khách du lịch thường là mục tiêu bị “chặt chém” hoặc áp thêm các mức phí vô lý. Ngoài ra, du khách cũng có nguy cơ bị cướp, bắt cóc hoặc quấy rối tình dục.
 
Bạn có thể kiểm tra thông tin về tình hình an ninh từ lúc lên kế hoạch du lịch thông qua các sách hướng dẫn du lịch, trên mạng hay qua các cảnh báo của chính phủ.
 
Sử dụng các dịch vụ hợp pháp và đáng tin
 
Bạn có thể tránh được rất nhiều rủi ro khi sử dụng dịch vụ của các công ty có giấy phép kinh doanh hợp pháp. Các loại taxi “dù” thường không được kiểm tra về mức độ an toàn và đôi khi, chúng là lớp vỏ của những kẻ lừa đảo.
 
Bạn hãy tìm những công ty taxi đáng tin cậy và nhận biết màu sắc, biển hiệu, số điện thoại của công ty đó. Bạn có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin này trên các website hoặc hỏi nhân viên tiếp tân của khách sạn.
 

Taxi “dù” đôi khi là lớp vỏ của những kẻ lừa đảo.
 
Biết rõ nơi mình cần đến
 
Bạn có thể mang theo một tấm bản đồ địa phương và theo sát tuyến đường bạn đang đi, đề phòng trường hợp gặp phải những taxi không trung thực.
 
Khi biết rõ hành trình, bạn sẽ tránh bị đưa đi lòng vòng hoặc bị hiểu nhầm. Bạn nên tỏ vẻ biết đường và những điểm mốc nổi bật trên suốt quãng đường.
 
Xem xét kỹ trước khi lên xe
 
Bạn nên gọi một chiếc xe taxi khác nếu như chiếc mà bạn vừa bắt có các biểu hiện:
 
- Xe có những dấu hiệu cho thấy lâu ngày chưa được bảo dưỡng.
 
- Xe thiếu một bộ phận nào đó như tay cầm phía trong cánh cửa, dây bảo hiểm… Xe không có nhận dạng hoặc biển hiệu nghiêm chỉnh.
 
- Tài xế có dấu hiệu bị say.
 
- Tài xế có vẻ không thông thuộc với khu vực hoặc không rõ nơi bạn cần đến.
 
- Khi đã có một người ngồi trước trong xe (Chỉ ngồi chung taxi với người mà bạn biết hoặc tin tưởng).
 
Thận trọng
 
Có thể bạn đã nghe thấy lời khuyên này trước đây: Đừng tỏ vẻ mình là khách du lịch. Điều này khiến bạn dễ bị chú ý một cách không mong muốn và trở thành nạn nhân bị chặt chém.
 
 
Hãy tỏ vẻ như định đến thăm ai đó ở nơi bạn cần đến. Đặc biệt, bạn không nên tiết lộ thông tin cá nhân để tránh bị lợi dụng. Bạn có thể chụp ảnh chiếc xe hoặc biển số xe để đề phòng trường hợp bị lừa.
 
Biết cách trả giá
 
Tránh những bất đồng về giá cả bằng cách tìm hiểu trước văn hóa boa ở nơi bạn đang du lịch. Ví dụ như ở hầu hết các nước Châu Âu, Bắc Mỹ và Châu Phi, boa 10% hóa đơn là mức chung thường được áp dụng. Ở Mexico, Australia, New Zealand và Hồng Kong, bạn chỉ cần đơn giản là làm tròn số tiền trên hóa đơn. Trong khi tại Ấn Độ và Trung Quốc, bạn không nhất thiết phải boa.
 

Chỉ bắt những taxi có nhận dạng và biển hiệu nghiêm chỉnh.
 
Bạn cũng cần lưu ý là một số nơi áp dụng mức phí taxi cao hơn đối với các khung giờ cao điểm, buổi tối, cuối tuần hoặc khi đi qua những khu vực đặc biệt. Và ở nhiều nước, bạn phải đàm phán giá cả trước khi thắt dây an toàn.
 
Biết gọi cho ai khi cần sự giúp đỡ
 
Những số điện thoại khẩn cấp là “bùa hộ thân” mà chúng ta luôn cần có bất kể đi du lịch tới nơi nào. Bạn có thể viết vào một mảnh giấy hoặc lưu vào di động của bạn những số điện thoại của:
 
- Cảnh sát khu vực.
 
- Dịch vụ hỗ trợ khách du lịch (nếu có).
 
- Khách sạn nơi bạn trọ.
 
- Công ty cung cấp gói dịch vụ du lịch mà bạn mua.
 
- Đường dây liên lạc khẩn cấp của sứ quán nước mình ở quốc gia mà bạn đang đi du lịch.
Chia sẻ