Tưởng rằng triết lý của sếp "Đừng nêu vấn đề, hãy cho tôi giải pháp!" đúng đắn nhưng hóa ra nó sai lè vì lý do bất ngờ!

Quiry,
Chia sẻ

Liệu rằng có mặt trái nào trong câu cửa miệng của các sếp không?

Chắc hẳn chị em công sở rất quen thuộc với tình huống: Sếp trở nên cáu bẳn khi nhân viên bắt đầu nêu các vấn đề xấu tồn đọng trong công ty! Và câu cửa miệng của người lãnh đạo là “Ngừng than vãn đi, hãy tìm kiếm giải pháp cho tôi!”. Câu nói tưởng chừng rất có lý: Làm giảm đi sự than vãn, khiến nhân viên chú tâm công việc, giúp tổ chức quản lý nhân viên tốt hơn... Nhưng liệu điều này có luôn đúng?

Tưởng rằng triết lý của sếp "Đừng nêu vấn đề, hãy cho tôi giải pháp!" đúng đắn nhưng hóa ra nó sai lè vì lý do dưới đây! - Ảnh 1.

Không phải mọi vấn đề đều có giải pháp dễ dàng. Kể cả bạn có nghĩ ra cách xử lý thì cũng từ cái nhìn một chiều. Rõ ràng, vấn đề cần được nêu lên để mọi người cùng biết và cùng nhau giải quyết. Việc cùng nhau xử lý sự rắc rối của những vấn đề kinh doanh có thể là chất xúc tác để gắn kết, thậm chí đưa ra cách giải quyết với nhiều quan điểm đa dạng.

Chưa kể việc mặc định “Làm giải pháp luôn đi!” có thể là nguyên nhân khiến nhân viên sợ hãi, giảm đi sự nhiệt tình đối với các dự án và trở nên lưỡng lự trong việc đề cập. Từ đó, chúng ta chỉ cung cấp cho sếp những tin tức tốt đẹp mà bỏ qua những vấn đề có thể gây nguy hại!

Dưới đây là những cách mà chúng ta có thể khuyến khích lẫn nhau tiếp cận các vấn đề một cách hiệu quả hơn:

1. Văn hóa lắng nghe - chia sẻ chốn công sở

Hãy thay đổi cách ứng xử của bản thân để mọi người không còn e dè khi thông báo cho bạn những tin tức không được tốt. Theo Bill Gates, một trong những công việc quan trọng nhất của một nhà lãnh đạo tốt là lắng nghe các tin tức từ cấp dưới của mình và định hình chiến lược để có thể ứng biến với nó dễ dàng hơn. Thảo luận về các vấn đề với mọi người trong công ty có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn và nhìn nhận vấn đề theo nhiều góc nhìn mới.

Tưởng rằng triết lý của sếp "Đừng nêu vấn đề, hãy cho tôi giải pháp!" đúng đắn nhưng hóa ra nó sai lè vì lý do dưới đây! - Ảnh 2.

2. Đừng nhầm lẫn việc bày tỏ vấn đề và than vãn

Hãy cùng so sánh hai câu nói dưới đây:

"Dự án đó, nhóm A làm việc thật tệ hại, thành viên chả bận tâm gì đến tiến độ khiến tôi phải gánh team!"

"Trong dự án X, nhóm A vi phạm những lỗi sau khiến chất lượng công việc giảm sút, hậu quả chậm deadline 2 ngày, bồi thường 10 triệu:

- Đi làm muộn 3 lần/tuần.

- Phân chia công việc không đều.

- Trưởng nhóm không phổ biến công cụ làm việc."

Tưởng rằng triết lý của sếp "Đừng nêu vấn đề, hãy cho tôi giải pháp!" đúng đắn nhưng hóa ra nó sai lè vì lý do dưới đây! - Ảnh 3.

Có thể hiểu rằng, than vãn khiến người lắng nghe mệt mỏi và mang tính chất đổ lỗi cho con người, hoàn cảnh nhiều hơn. Sự phàn nàn chứng tỏ bạn là người vô trách nhiệm và không hề trong tâm thế có liên quan hay tinh thần nghiêm túc để cùng nhau xử lý mọi chuyện. Trong khi nêu vấn đề, chị em phải có sự đầu tư nghiên cứu và trình bày khéo léo sao cho người lắng nghe có thể thấu hiểu mình.

3. Báo cáo thường xuyên

Việc trình bày các vấn đề sẽ cung cấp các cơ sở lập luận khách quan, nêu ra được những nguyên nhân, hậu quả và thể hiện được vai trò của con người trong việc xây dựng vấn đề.

Đặc biệt, khi trình bày dưới dạng văn bản báo cáo, việc trình bày sẽ trở nên nghiêm túc và chuyên nghiệp hơn! Điều này cho phép mọi người có thể đào sâu hơn và xác định được nguyên nhân gốc rễ của vấn đề là gì.

Tưởng rằng triết lý của sếp "Đừng nêu vấn đề, hãy cho tôi giải pháp!" đúng đắn nhưng hóa ra nó sai lè vì lý do dưới đây! - Ảnh 4.

4. Tìm kiếm những sáng kiến hữu ích

Khi nhân viên chia sẻ thông tin về các vấn đề, cả nhóm cần xác định ai là người có khả năng giải quyết nhất ở đây. Thậm chí, nếu có thể tự giải quyết, mọi người cũng rất cần sự chấp thuận từ sếp trước khi tiến hành, hay đơn giản là cần một số góp ý hay lời khuyên từ những người có kinh nghiệm.

Vậy đó, mỗi khi phát hiện ra điều gì không đúng về cách vận hành của doanh nghiệp, chị em đừng do dự phát biểu ý kiến của mình, đề đạt với sếp. Biết đâu đó lại là cơ hội giúp chị em có được cái nhìn tốt đẹp hơn từ sếp như một nhân viên gương mẫu và tiếp bước thăng tiến trong sự nghiệp thì sao?

Chia sẻ